Đọc báo dùm bạnLướt web

Ký ức hương vị bánh mì Sài Gòn xưa

Một trong những hình ảnh về nếp sống thị dân, được người Sài Gòn lưu giữ trong ký ức sâu đậm là hình ảnh cái bội cần xé đựng bánh mì Sài Gòn nóng, cột ở yên sau chiếc xe đạp của người bán rong khắp các phố, khắp các hẻm, suốt bốn mùa.

Bất kể chuyện nắng sớm mưa chiều, trong chúng ta làm sao quên được mỗi lần người bán mở cái miếng bao bố ra, hương thơm bánh mì kích thích sự thèm ăn, kích thích cảm giác yêu quí đời sống đô thị yên bình đúng không quý vị. Nói về cái bội cần xé làm bằng tre, phủ một lớp bao bố giữ hơi nóng của bánh mì mới ra lò là nói về phương thức bán lẻ bánh mì mang bản sắc Sài Gòn đậm nhất, khắp các bến xe, bến ghe, ga tàu lúc nào cũng đông người bán dạo bánh mì là một đặc trưng của người Sài Gòn.

Người Sài Gòn thời xưa, có thói quen như dân Tây, thích ăn bánh mì không.

(Ảnh qua danviet.vn)

Ăn bánh mì không là ăn không kèm món gì khác. Không gì bằng cầm ổ bánh mì nóng thơm phức, gỡ từng lớp da bánh dòn rụm hoặc xé ruột bánh mềm mịn ra mà ăn để từ từ cảm nhận nguyên vẹn, chân phương hương vị ngon lành của ổ bánh mì, mà ngày nay đã dần mất cái thói quen ăn bánh mì không. Có nhiều lý do để giải thích, nhưng một trong những lý do đó là bánh mì ngày xưa nướng bằng lò củi còn bánh mì ngày nay nướng bằng lò điện. Chắc chắn bánh mì lò củi ngon hơn hẳn vì nó được nướng theo kiểu chánh gốc của ông Tây bà Đầm ở tận xứ Tây.

Vì sao nhiều người miền Nam lại ưa ăn bánh mì? Không quá lời khi cho rằng người miền Nam do lưu truyền trong khẩu vị sự chân chất của người đi khai hoang mở cõi, nên món nào nguyên chất là ưng bụng khoái khẩu hơn là những món qua chế biến thêm thắt kiểu này kiểu nọ. Cứ món nướng là thích nên bánh mì nướng lò củi được thích nhất cũng là lẽ tự nhiên. Tôi có một ông chú, ông nói như vầy: “Ê, thứ bột, thứ bánh của Tây ăn mà mình thêm mắm muối thịt cá của người mình vô làm hư mất cái ngon rồi còn gì.” Có thể ngày nay đa phần người ta hết ưng miệng món bánh mì không, bánh mì ngọt vì sợ các chứng bệnh do chuyện ăn thừa tinh bột, hảo ngọt. Phổ biến hiện nay là ăn bánh mì với đủ thức các loại chất đạm khác như trứng ốp la, pâté, thịt nguội, xíu mại, heo quay, cá hộp, cà ri… do nhu cầu thỏa mãn dinh dưỡng và nhịp sống nhanh của thời công nghiệp.

(Ảnh qua Anhxua.com)

Ngày trước, ai đi Sài Gòn hoặc từ Sài Gòn về quê mà quên mua vài ổ bánh mì làm quà thì trong bụng không yên. Với loại bánh mì không mà người nghèo, người giàu ai cũng thích, thích đến nỗi qua trạm kiểm soát công quyền cứ đưa vài ổ bánh mì ra là coi như chiếm được cảm tình. Với trẻ con ở quê thì khỏi nói, người lớn ở Sài Gòn cầm ổ bánh mì ngắt từng khúc, chia cho từng đứa thì coi như người lớn đó thiệt xứng danh dân Sài Gòn.

(Ảnh qua vietluan.com)

Một số nhỏ người Sài Gòn bây giờ vẫn còn thú ăn bánh mì không. Những chiếc xe đạp, xe gắn máy cà tàng chở bánh mì đằng sau thơm nức mùi bơ vẫn rong ruổi trên đường bán cho người lao động bình dân, người còn nhớ thương mùi bánh mới ra lò. Tiếng rao đa phần từ chiếc loa cũ giọng khàn khàn: Ai bánh mì nóng đê…

Ai từng đứng xếp hàng chờ bánh mì nướng củi ra lò mới thấm được cái hạnh phúc làm người đô thị. Ánh lửa rực sáng từ miệng lò bánh, tiếng lửa nổ tí tách như tiếng pháo chuột, thợ nướng bánh gương mặt hồng ánh lửa, từng vỉ bánh chín vàng rực được lấy ra như ánh bình minh vừa nhú khỏi các nóc nhà. Không hề quá đáng khi nói rằng, không gian quanh các lò bánh mì đã làm nên một Sài Gòn riêng, một cõi thơm ngào ngạt hương bánh chín.

Bánh mì của Việt Nam hiện nay là loại bánh mì cứng, được du nhập từ thời thực dân Tây. Trong các tỉnh thành, bánh mì được xứ Sài Gòn nướng là nhất. Đến tận ngày nay, hễ nói tới bánh mì là người ta kèm thêm hai chữ Sài Gòn mà đưa vô, lãng quên chuyện bánh mì của Tây.

Nhắc về cái thú ăn bánh mì không của người Sài Gòn là để nhằm tôn vinh một thứ bánh và một cách ăn có từ lúc người Việt nướng ổ bánh mì đầu tiên. Văn hóa và văn hóa ẩm thực là một tiến trình du nhập và tinh lọc. Bánh mì ngày nay trở thành món bánh phổ biến nhất của người Việt và được kiều bào đưa ra thế giới, hiển nhiên, bánh mì Việt đã có căn cước Việt và danh tiếng món ngon Việt Nam.

Theo Facebook Sài Gòn xưa
http://tachcaphe.com/ky-uc-huong-vi-banh-mi-sai-gon-xua/

 

Bài liên quan

Back to top button