Đọc báo dùm bạnLướt web

Conciergerie: Chứng nhân lịch sử hàng đầu của kinh thành Paris

Conciergerie, một tòa nhà tọa lạc trên đảo Ile de la Cité, giữa lòng Paris, với tòa tháp đôi sừng sững bên bờ sông Seine, là một công trình nổi tiếng thuộc cung điện Palais de la Cité, cung điện đầu tiên của các nhà vua Pháp được xây dựng ở Paris và là cung điện lộng lẫy nhất châu Âu thời đó. Nhưng Conciergerie từng là một nhà tù khét tiếng, nơi giam giữ nhiều nhân vật lịch sử quan trọng dưới thời Cách Mạng Tư Sản Pháp 1789.

Conciergerie de Paris tọa lạc trên đảo Ile de la Cité, bên dòng sông Seine

Không chỉ nổi tiếng là tòa nhà không phải nhà thờ mà có các căn phòng với kiến trúc Trung Cổ, mái vòm gothic lớn nhất châu Âu. Conciergerie còn là một trong những kiệt tác kiến trúc thế kỷ XIV và là một chứng nhân lịch sử quan trọng bậc nhất ở kinh thành Paris, từng là nơi ghi dấu quyền lực nước Pháp.

Tại sao tòa nhà lại mang tên Conciergerie ? Bà Delphine Samsoen, quản lý tòa nhà giải thích: “Rất đơn giản, trước đây ở nơi này đã từng có một nhân vật rất quan trọng, người đó được gọi là “concierge”. Đó là người cai quản nhân sự của cung điện thời trung cổ. Vào thời đó, cung điện có khoảng 2.000 người làm việc, bao gồm cả lính canh, sen đầm. Người này cũng phụ trách quân nhu. Và người được gọi là “concierge” đặt tên tòa nhà này là Conciergerie”.

Conciergerie từng là một phần của cung điện của hoàng gia. Sử sách truyền lại rằng vào thế kỷ VI, vua Clovis chọn đảo Ile de la Cité làm nơi ở của hoàng tộc. Năm thế kỷ sau, kể từ thời vua Hugues Capet, vị vua đầu tiên của dòng họ Capet, cung điện Palais de la Cité không chỉ là nơi ở mà còn là biểu tượng quyền lực của các triều đại hoàng tộc.

Tới thế kỷ XIII, Saint Louis cho tiến hành tu bổ, làm đẹp cung điện. Sang thế kỷ XIV, vua Philippes Le Bel lại cho cách tân cung điện, biến Palais de la Cité thành biểu tượng nổi tiếng của chế độ quân chủ. Trụ sở Quốc Hội cũng được đặt tại đó.

Cuối thế kỷ XIV là một bước ngoặt trong lịch sử cung điện Palais de la Cité nói chung và Conciergerie nói riêng. Vua Charles V chuyển nơi ở về tòa nhà Saint-Pol (gần Bastille), điện Louvre và lâu đài Vincennes. Conciergerie từ đó trở thành nơi đặt trụ sở của các cơ quan tư pháp, tòa án.

Bà Delphine Samsoen, quản lý Conciergerie cho biết tiếp: “Khi các vua rời đi, đây là nơi diễn ra tất cả các hoạt động tư pháp, các hoạt động quản lý hành chính của đất nước. Dần dần, Conciergerie trở thành Cung Pháp Đình (Palais de la Justice) và sau đó là nhà ngục”.

Salle des Gens d’Armes từng căn phòng với mái vòm gothic lớn nhất châu Âu.

Nhà ngục lớn nhất nước Pháp

Vì vụ án được tòa xử ngày càng nhiều, người ta đặt ngay tại Conciergerie Tòa Án Cách Mạng để xử các vụ án chính trị và các phòng tạm giam nghi phạm trước khi đưa họ ra xét xử trước tòa và đẩy họ lên xe kéo, đưa tới pháp trường xử trảm. Cứ như thế, Conciergerie dần dần trở thành một nhà ngục. Trong giai đoạn Cách Mạng Tư Sản Pháp 1789, Conciergerie là một nhà ngục lớn nhất tại Paris, thậm chí là lớn nhất toàn nước Pháp.

Lúc cao điểm nhất, có bao nhiều người bị giam ở ngục Conciergerie ? Sử gia Guillaume Mazeau cho biết : “Rất khó để biết con số chính xác. Nhưng chúng tôi cho rằng có khoảng 500 – 600 người bị giam vào cùng một thời điểm khi tòa án Cách Mạng hoạt động mạnh nhất, tức là vào năm 1793 và nhất là mùa xuân 1794. Điều đó cũng có nghĩa là có quá đông người bị tạm giam ở đây so với sức chứa của tòa nhà.”

Conciergerie đúng là một chứng nhân của cuộc nội chiến Pháp và giai đoạn La Terreur – Đại Khủng Bố/Kinh Hoàng cuối thế kỷ XVIII. Từ năm 1793 đến năm 1795, có hơn 4.000 người bị giam cầm trong ngục Conciergerie và bị tòa Cách Mạng xét xử. Họ bị xét xử vì những tội gì?
Sử gia Guillaume Mazeau giải thích : “ Trước hết, đó là những người ra nơi công cộng chửi bới, đe dọa nền Cộng Hòa, chỉ trích những người lãnh đạo của chế độ, nghiêm trọng hơn là những người trang bị khí giới để chống chế độ. Những người này có rất ít cơ hội sống sót sau các phiên tòa Cách Mạng”.

Quả thực, chỉ có 1/3 số người được tòa án Cách Mạng trả tự do sau bị bị giam ở ngục Conciergerie. Số còn lại đều bị đưa lên đoạn đầu đài, trong số đó nhiều người là nông dân, thợ thủ công, các nhà quý tộc và các chính trị gia nổi tiếng.

Điều trớ trêu là thậm chí cả Georges Danton, Maximilien Robespierre,…những lãnh đạo, nhân vật có sức ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc Cách Mạng Tư Sản Pháp cũng bị giam tại đây và bị đưa ra pháp trường xử chém vào cuối giai đoạn Đại Khủng Bố/Kinh Hoàng.

Bản thân công tố viên khét tiếng Fouquier-Tinville của tòa án Cách Mạng Paris, sau khi kết án hàng ngàn người, cuối cùng cũng chịu chung số phận với các nạn nhân đã bị ông đưa đến chỗ chết.

Nhưng có lẽ tù nhân nổi tiếng nhất tại ngục Conciergerie là hoàng hậu Marie-Antoinette, vợ vua Louis XVI. Sau 40 ngày bị giam cầm và phiên xử kéo dài 2 ngày tại Tòa Cách Mạng, hoàng hậu Marie-Antoinette đã bị đưa ra xử trảm ngày 16/10/1793.

Hiện nay, tại khu trưng bày ở Conciergerie, vẫn còn một phòng trưng bày riêng về hoàng hậu Marie-Antoinette. Một số bức tranh khắc họa số phận bi thảm, những ngày tháng trong ngục tù và một số di vật của hoàng hậu vẫn được gìn giữ cẩn thận: một chiếc váy trắng, một chiếc vò nước bằng sứ, thảm trải sàn, khăn trải bàn ăn, cây thánh giá…

Khoảnh sân vườn nhỏ Cour des dames là nơi dạo chơi, giặt giũ của các nữ tù nhân

Công trình lịch sử được xếp hạng

Giai đoạn Đại Khủng Bố/Kinh Hoàng chấm dứt vào năm 1794-1795, nhưng Conciergerie vẫn tiếp tục được sử dụng như một nhà ngục. Trong thế kỷ XIX, tòa nhà này vẫn là nơi giam cầm nhiều nhân vật chính trị quan trọng, trong đó có cả Louis-Napoléon Bonaparte, người sau này là hoàng đế Napoléon III.

Tới năm 1862, Conciergerie được xếp hạng công trình lịch sử của Pháp và bắt đầu mở cửa đón du khách tham quan từ năm 1914. Và chính thức kể từ năm 1934, Conciergerie không còn là một nhà ngục.

Hiện nay, du khách chỉ được tham quan một phần tòa nhà, trong đó có khu vực từng là nơi giam cầm hoàng hậu Marie-Antoinette, lãnh đạo Cách Mạng Robespierre hay như Cour des Dames – tức khoảng sân vườn nhỏ ngoài trời dành cho các nữ tù nhân, với một đài nước nhỏ nơi họ giặt giũ quần áo; Toilette – căn phòng mà trước khi bị đưa ra pháp trường, các tù nhân được đưa tới đó để cắt tóc, gỡ bỏ đồ trang sức.

Một khu vực khác cũng đáng được xem là căn phòng có tên Salle des Gens d’Armes mái vòm được vua Philippe Le Bel cho xây từ năm 1302. Đây được xem là mái vòm gothic lớn nhất và đẹp nhất châu Âu thời ấy. Gian phòng này có thể tiếp đón tới 2.000 người. Đây là khu vực dành cho đội ngũ phục vụ hoàng tộc. Ngoài ra, du khách còn được tham quan khu bếp được xây dưới thời vua Jean Le Bon (1350-1364), dành để nấu ăn cho những người trong đội ngũ nói trên.

Nhìn từ bên ngoài, phía sát bờ sông Seine, Conciergerie nổi bật với bốn tòa tháp cao. Đầu tiên là tháp Đồng Hồ, cao 47m. Chiếc đồng hồ công cộng đầu tiên của Paris được treo tại đây vào năm 1370. Được phục chế, trùng tu nhiều lần, chiếc đồng hồ hiện vẫn còn hoạt động. Trên mặt chiếc đồng hồ tuyệt đẹp, nổi bật trên nền xanh thẫm biểu trưng cho hoàng tộc Pháp thời xưa là rất nhiều họa tiết trang trí mạ vàng óng ánh, cầu kỳ, tinh xảo, trong đó nổi bật là bức chạm nổi khắc họa hai vị thần: thần pháp luật – một tay cầm quyền trượng, một tay cầm tấm bảng giới luật và thần công lý – một tay cầm kiếm, một tay cầm chiếc cân.

Hai tháp đôi ở giữa có tên gọi tháp Cesar và tháp Argent. Tòa tháp cuối cùng là tháp Bonbec. Bec có nghĩa thông tục là mồm, miệng. Tháp mang tên Bonbec vì trước kia đó là nơi có các phòng tra khảo, dùng nhục hình để lấy khẩu cung.

Một điều đặc biệt là kể từ cuối năm 2016, Conciergerie được trang bị hơn 100 máy tính bảng có tên Histopad, với công nghệ hiện đại tái hiện lại quang cảnh trong Conciergerie theo dòng thời gian, cho phép khách tham quan chìm đắm trong lịch sử cả về không gian và thời gian.

Theo RFI

Bài liên quan

Check Also
Close
Back to top button