Xe hàng rong 25 năm và một tổ ấm đơn sơ của anh gù nhà thờ Đức Bà Sài Gòn
Hình ảnh người đàn ông bị gù lưng, bán khô mực hàng chục năm bên dưới Nhà thờ Đức Bà ở Trung tâm quận 1 (TP. HCM) khiến người ta liên tưởng đến hình ảnh “Thằng gù nhà thờ Đức Bà” của Victor Hugo. Và đây là câu chuyện của người đàn ông 44 tuổi này.
Vào một đêm sau khi đi làm về khuya, tôi tạt ngang qua nhà thờ Đức Bà. Một hình ảnh làm tôi chợt giật mình dừng xe đó là khi thấy chỉ còn một chiếc xe bán khô mực duy nhất còn sáng đèn. Bên cạnh là một người đàn ông với cái lưng gù đang cặm cụi xào nấu ngay dưới chân tượng Chúa không thể không khiến tôi nhớ tới câu chuyện “Thằng gù nhà thờ Đức Bà”.
Tò mò, tôi bước tới gần bắt chuyện thì điều ấn tượng ngay đó là chất giọng Huế pha Sài Gòn đầy tình cảm của anh bán khô mực: “Mi ăn chi rứa, đợi anh chút hầy”. Chàng gù đó có tên Đào Hữu Thể, 44 tuổi, và đã 25 năm anh đã gắn bó với nơi đây, bên chiếc xe khô mực đơn sơ này.
Hình ảnh chàng gù ở Nhà thờ Đức Bà vốn đã quen thuộc với người Sài Gòn suốt nhiều năm nay.
Đến từ làng quê nghèo Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Sinh ra với dị tật ở lưng, anh chẳng thể làm nông được như bao người khác vì cứ cúi lâu là đau nhức. Quê nghèo chẳng có gì ngoài ruộng lúa nên năm 23 tuổi, anh chân ướt chân ráo lên Sài Gòn mưu sinh. Quay cuồng với đủ thứ nghề, rồi anh chọn nghề thợ may. Đổ hết vốn liếng vào may mặc thế rồi cũng trắng tay. Chẳng biết làm gì hơn, anh tích cóp mua một chiếc xe máy cũ và tự chế đồ đạc để bán khô mực ban đêm.
Với cái lưng gù và dáng người bé nhỏ, anh chia sẻ: “Hồi thanh niên tự ti lắm, đi đâu cũng xấu hổ, chứ nói chi đến chuyện trai gái nam nữ, cuối cùng lại nhờ khô mực nó se duyên”. Quả đúng là nhờ chiếc xe khô mực, mà một lần đi bán ở nhà thờ Đức Bà, chàng gù này đã gặp định mệnh của đời mình. Anh kể rất chân thật: “Đi bán thì gặp bà này, rồi làm quen, thế rồi bả thương, lấy nhau ở tới giờ”. Vợ anh là chị Nguyễn Thị Lài, người gốc Quảng Trị, kém anh một tuổi.
Quê nghèo chẳng có gì ngoài ruộng lúa nên năm 23 tuổi, anh chân ướt chân ráo lên Sài Gòn mưu sinh.
Nhắc tới quá khứ, hai anh chị vẫn còn nhớ như in những kỉ niệm buồn. Đó là lần khánh kiệt sau khi chị bị bệnh viêm gan B và dạ dày. Đổ hết tiền vào chữa bệnh, không dám sinh con vì sợ lây nhiễm. Có những thời điểm, cả gia đình phải ăn cơm trắng với mắm.
Thế rồi cũng nhờ xe khô mực mà mới vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất. Để rồi ông trời chẳng phụ người, anh chị cũng sinh được hai đứa con mạnh khỏe, nếp tẻ có đủ.
Cô con gái đầu lòng tên Đào Thị Nhật Mi, nay đã học lớp 10, là niềm tự hào lớn của anh Thể khi bé có thành tích học tập khá tốt. Trong ảnh anh Thể đang chờ con gái đi học về mỗi ngày ở đầu ngõ.
Cậu con trai thứ học lớp 5. Anh cho biết: “Thằng này thì lại chả thích học hành gì, dưng cứ bắt nghỉ học là khóc, thế mới kì”, rồi anh lại lắc đầu lo lắng về tương lai của cậu con trai.
Anh luôn tâm niệm bố mẹ sẽ hi sinh hết vì tương lai, học hành của con, không để cho con phải đi làm sớm, phải đói khổ. Nhưng tuyệt nhiên không dạy con phải báo hiếu, mà để cho chúng tự nhận thức điều hay lẽ phải.
Anh Thể đang cùng vợ chuẩn bị cho bữa cơm chiều và đồ đạc để cùng nhau đi bán buổi tối. Thường mỗi lần hai vợ chồng cùng đi bán từ 6 giờ chiều tới 2 giờ sáng mới về.
Nơi gia đình 4 người “Chàng gù” này ở trọ là một căn phòng 20 mét vuông cùng 3 hộ gia đình khác cũng đều làm nghề bán hàng dạo. Trong ảnh anh Thể đang quét dọn khoảng sân trước của khu xóm trọ.
Trước mỗi lần đi bán, anh lại chọn những con mực tốt nhất từ cửa hàng quen. Anh chia sẻ: “Để tồn tại được với nghề này, cái quan trọng là phải có tâm, nhiều lúc lãi được hơn dăm ba đồng mà mất cả những gì khách hàng tin cậy”.
Chiếc xe cũ kĩ đã 20 năm ròng rã và những dụng cụ thô sơ, 6 giờ chiều khi thành phố lên đèn, anh lại lên đường, ngày nào cũng như ngày nào bất kể mưa nắng.
Do nhà chỉ có một xe máy, nên chị phải nhường anh đi còn mình sẽ đẩy xe ba gác từ nhà đến khu vực phố đi bộ để bán. Hai vợ chồng đang chia bớt đồ cho nhau rồi mỗi người đi bán một nơi.
Chị Lài hay chọn bán ở khu vực trước các cửa quán bia hoặc cà phê vì lượng khách ăn vặt sẽ đông hơn. Chị chia sẻ: “Hồi mới lên Sài Gòn cũng bỡ ngỡ vì những sự tráng lệ của thành phố, giờ làm dần cũng quen nhưng chưa một lần bước vào những nơi này”.
Anh Thể thì lại chọn bán ở khu vực nhà thờ Đức Bà. Khi được hỏi anh theo đạo Thiên Chúa hay đạo Phật, anh trả lời: “Tôi theo đạo sự thật, cứ thật là được”.
2 giờ sáng, khi thành phố xuống đèn cũng là lúc hai vợ chồng lại gặp nhau ở con đường Hàm Nghi, để nối xe vào với nhau và cùng nhau về.
Khi được hỏi tại sao chị hồi ấy lại đồng ý yêu rồi cưới anh dù dị tật như thế, anh cười: “Vì bả ấy nói em thương sự thật thà và nỗ lực của anh”.
—
Theo Trí Thức Trẻ.
https://tachcaphe.com/xe-hang-rong-25-nam