Bài học từ Alexander Đại đế | Hương Thơm Ngày Mới | 02.09.2020
Trà Đá Đường
Câu chuyện
Bài học từ Alexander Đại đế
Một bức họa của Alexander Đại đế (Ảnh: Internet)
Alexander sinh ra ở Pella, thủ đô cổ đại của Marcedonia của vào năm 356 TCN. Ông là con của vua Philip đệ nhị và công chúa Olympias xứ Ipiros. Alexander lớn lên dưới sự dạy dỗ của nhà triết học Aristotle.
Năm 336 TCN, vua Philip bị ám sát, Alexander kế thừa một vương quốc hùng mạnh nhưng đầy bất ổn. Bằng tài năng thiên bẩm của mình, ông nhanh chóng giải quyết hết kẻ thù trong nước và xác lập lại quyền lực của người Marcedonia tại Hy Lạp. Sau đó, ông lên đường chinh phạt đế chế Ba Tư khổng lồ.
Bản đồ đế chế của Alexander Đại đế. Ảnh: Wikipedia
Trong tám năm tiếp theo, trên cương vị hoàng đế, kiêm chỉ huy quân sự , chính trị gia, học giả và người thám hiểm, Alexander đưa đội quân của mình đi xa thêm khoảng 18.000 km, lập nên 70 thành phố và tạo dựng một đế chế trải khắp ba lục địa và bao phủ khoảng hơn 5 triệu km2.
Bắt đầu từ Hy Lạp ở phía Tây, cho tới sông Danube ở phía Bắc, Ai Cập ở phía Nam, trải dài theo phía Đông cho tới vùng Punjab của Ấn Độ, toàn bộ khu vực này được kết nối trong một mạng lưới thương mại và buôn bán quốc tế rộng lớn, cai trị hàng triệu thần dân đa sắc tộc.
Sau khi không thể tiến thêm về phía đông, Alexander cuối cùng cũng từ bỏ kế hoạch viễn chinh của mình và thừa nhận giới hạn của đế chế dừng lại ở bờ sông Ấn. Năm 323 TCN, trên đường trở về Babylon, Alexander mắc trọng bệnh rồi qua đời ở tuổi 33.
Ước nguyện cuối cùng của Alexander
- “Điều ước đầu tiên của ta là hãy bảo thầy thuốc của ta mang cái quan tài của ta về nhà một mình”.
- “Ước nguyện thứ hai của ta là hãy rải vàng bạc, đá quý trong kho báu của ta trên suốt dọc đường khi các ngươi đưa quan tài của ta đến nấm mồ “.
- “Ước muốn cuối cùng của ta là hãy đặt 2 bàn tay ta ra bên ngoài cỗ quan tài”.
Alexander lấy sức thở một hơi dài, đoạn nhìn tất cả một lượt và nói: “Sở dĩ ta yêu cầu các ngươi làm điều đó là muốn nhắn nhủ với con người thế gian 3 điều này”:
- Thứ nhất, thầy thuốc giỏi đến thế nào cũng không thể thực sự chữa khỏi bệnh cho chúng ta. Khi đối diện với cái chết, họ cũng đành bất lực. Vì vậy, hãy biết trân quý sinh mệnh của mình.
- Thứ hai, tiền bạc, của cải dù nhiều đến đâu, khi chết đi cũng trở thành vô nghĩa, chỉ có thể dùng để lót đường mà thôi.
- Thứ ba, khi giã từ cõi đời, thứ con người thực sự còn lại chỉ là hai bàn tay trắng. Ta đến và đi đều là như vậy, cớ sao phải ôm giữ quá nhiều?
Nói xong, Alexander thở dài một tiếng rồi từ từ nhắm mắt và trút hơi thở cuối cùng
(Từ Internet)
Bạn có thể xem thêm đoạn cuối cuộc đời của Đại Đế Alexander trong phim sử thi Ấn Độ “Hoàng Đế Porus” tại địa chỉ này:
https://www.youtube.com/watch?v=muzeOaIojU0
_______________
Hương thơm…
Lịch sử cho thấy mộng bá chủ thế giới không phải chỉ có Alexander, mà có biết bao kẻ nuôi tham vọng đó gây ra cho nhân loại những cuộc chiến đẫm máu tang tóc thê lương.
Những kẻ nuôi tham vọng bá chủ thế giới có thể thấy ngay trong thời đại bây giờ qua những chính sách dân tộc cuồng điên về giấc mộng bành trướng bá quyền bất chấp công lý nhân loại và cả những niềm tin thiêng liêng thần thánh.
Alexander, hay ai đó sau này, thâu tóm hết thành này đến thành khác, xóa tên hết dân tộc này đến dân tộc khác, đè bẹp hết nước này đến nước khác… để được gì ?
Ước nguyện cuối cùng của Alexander mãi mãi là bài học cho ngàn đời sau suy nghĩ.
Trong ước vọng cuối cùng của Alexander cho nhân loại thấy con đường bành trướng lẫy lừng của ông thiếu vắng điều gì ? – Câu trả lời chắc chắn ai cũng biết, đó là Tình Thương.
Thiếu vắng Tình Thương nên tất cả chỉ là xác chết.
– Thầy thuốc nào giỏi để có thể ban cho con người nguồn sống ?
– Tiền bạc của cải nào có thể đem đến cho con người lẽ sống cuộc đời ?
– Bàn tay nào có quyền lực để có thể giữ lấy những gì còn lại như lòng ta mong muốn trong chuyến đi cuối cùng của đời ta ?
Thế giới cuối cùng sẽ chẳng còn lại gì đâu nếu Tình Thương không lan tỏa khắp nơi như lòng Chúa mong muốn.
“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12,49).
Sự chinh phục thế giới của Đức Ki-tô và những môn đệ tiếp bước theo Ngài là sự chinh phục bằng Tình Thương.
“Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm chuyện đó” (c. 43)
Trà Đá Đường
HƯƠNG THƠM NGÀY MỚI 02.09.2020
____________________
NGỌN ĐÈN SOI
Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi (Tv 119,105)
Phải loan báo Tin Mừng cho các thành khác nữa
(02.9.2020 – Thứ Tư Tuần 22 Thường niên)
Khi ấy, Đức Giêsu rời khỏi hội đường, đi vào nhà ông Simôn. Lúc ấy, bà mẹ vợ ông Simôn đang bị sốt nặng. Họ xin Người chữa bà. Ðức Giêsu cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt rời khỏi bà: tức khắc bà trỗi dậy phục vụ các ngài.
Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, đều đưa tới Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ. Quỷ cũng xuất khỏi nhiều người, và la lên rằng: “Ông là Con Thiên Chúa!” Người quát mắng, không cho phép chúng nói, vì chúng biết Người là Ðấng Kitô.
Sáng ngày, Người đi ra một nơi hoang vắng. Ðám đông tìm Người, đến tận nơi Người đang ở và muốn giữ Người lại, kẻo Người bỏ họ mà đi. Nhưng Người nói với họ: “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó.” Và Người rao giảng trong các hội đường miền Giuđê. (Lc 4, 38-44).