Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Chân Dung Người Mục Tử Lý Tưởng | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH A
(Ga.10,1-10)
****

Chân Dung Người Mục Tử Lý Tưởng

1 “Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. 2 Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. 3 Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. 4 Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. 5 Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ.” 6 Đức Giê-su kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ.

7 Vậy, Đức Giê-su lại nói: “Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào. 8 Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ. 9 Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. 10 Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.”

______________

SUY NIỆM

Chân Dung Người Mục Tử Lý Tưởng

1. Hình ảnh Vị Mục Tử Nhân Lành theo Giáo huấn Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô

Có người đã tóm gọn giáo huấn  của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về Chân Dung Người Mục Tử Lý Tưởng. Chúng ta mượn những ý tưởng trong đoạn văn này để mở đầu phút suy niệm trong ngày Chúa Nhật Chúa Chiên Lành hôm nay.

Mục tử lý tưởng theo Đức Thánh Cha Phan-xi-cô:

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô quan niệm mục tử lý tưởng cần phải:

– Là “người gần gũi với dân chúng, là người cha, người anh em, với sự hiền dịu, kiên nhẫn và thương xót.
– Là những người yêu sự khó nghèo, sự khó nghèo nội tâm trước mặt Chúa, cũng như khó nghèo bên ngoài như sự đơn sơ và khắc khổ trong cuộc sống.
– Là những người không có “tâm lý của các ông hoàng“.

– Là những người không tham vọng và là các phu quân của Giáo Hội.
– Là những người có khả năng thức tỉnh đoàn chiên được giao phó, và quan tâm duy trì sự hiệp nhất, canh giữ đoàn chiên, chú ý tới các hiểm nguy có thể đe dọa đàn chiên.
– Nhất là, làm cho niềm hy vọng được lớn lên. Ước gì các Mục Tử luôn có mặt trời và ánh sáng trong trái tim.
– Là những người có khả năng hỗ trợ Thiên Chúa nơi dân Người, với tình yêu thương và lòng kiên nhẫn.

Và cuối cùng

– Mục tử có ba vị trí trong đàn chiên của mình để thi hành sứ vụ mục tử như sau:

Một là ở đàng trước để dẫn đường.

Hai là ở giữa để duy trì sự hiệp nhất và giữ vững tinh thần của đàn chiên.

Ba là ở đàng sau để tránh cho chiên khỏi đi tụt hậu, và tạo điều kiện để đàn chiên đánh hơi hầu tìm ra một hướng đi mới.

2. Ba vị trí trong đàn chiên của Người Mục Tử

“Có ba chỗ của Giám Mục ở với dân mình: hoặc là ở đàng trước để chỉ đường, hay ở giữa để duy trì đoàn chiên hiệp nhất và trung lập hóa các tán loạn, hoặc ở đàng sau để tránh cho ai đó ở lại đàng sau, nhưng cũng một cách nền tảng, để cho chính đoàn chiên đánh hơi, hầu tìm ra các con đường mới.” (ĐGH Phanxico)

Đây có thể nói là phần thực hành những tâm tư của người mục tử như huần từ của Đức Phan-xi-xô.

a) – Ở đàng trước để chỉ đường

“Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau” (Ga.10,4)

Hình ảnh khá quen thuộc về Chúa Ki-tô Vị Mục Tử Nhân Lành là Chúa Ki-tô đi trước dẫn dắt đàn chiên của minh trên cánh đồng xanh tươi cỏ non và được vây bọc bởi những dòng suối trong lành.

Chúa Ki-tô dẫn đầu đàn chiên theo Thánh Ý Chúa Cha, theo Chương trình Cứu Độ của Thiên Chúa. Ngài dẫn dắt Đàn Chiên đến bến bờ hạnh phúc, “để cho chiên được sống và sống dồi dào.” (Ga. 10,10).

Con đường theo Thánh Ý Chúa là trên hết và chỉ có một. “Xa-tan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.” (Mc.8,33).

b)- Ở giữa để duy trì đoàn chiên hiệp nhất

Chúa Ki-tô ở giữa đàn chiên. Ngài quan tâm chăm sóc cho họ lương thực thiêng liêng và cả vật chất, phần hồn và phần xác.

Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương vì họ như đàn chiên không người chăn dắt. Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều. (Mc.6,34)

Đức Giê-su ở giữa đàn chiên, Ngài ở giữa họ. ở giữa con tim họ, ở trong lòng họ. Chính vì thế Ngài biết họ cần gì. Ngài quy tụ họ thành một và quay quần bên Ngài trong Tình Yêu. Ngài yêu thương họ và dạy họ biết yêu thương nhau.

Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn!3 Nếu Thầy giải tán, để họ nhịn đói mà về nhà, thì họ sẽ bị xỉu dọc đường. Trong số đó, lại có những người ở xa đến.”4 Các môn đệ thưa Người: “Ở đây, trong nơi hoang vắng này, lấy đâu ra bánh cho họ ăn no?”5 Người hỏi các ông: “Anh em có mấy chiếc bánh?” Các ông đáp: “Thưa có bảy chiếc.”6 Người truyền cho họ ngồi xuống đất. Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh, dâng lời tạ ơn, và bẻ ra, trao cho các môn đệ để các ông dọn ra. Và các ông đã dọn ra cho đám đông.7 Các ông cũng có mấy con cá nhỏ. Người đọc lời chúc tụng, rồi bảo các ông dọn cả cá ra.8 Đám đông đã ăn và được no nê. Người ta nhặt lấy những mẩu bánh còn thừa: bảy giỏ (Mt 15,32-39)

 “Bấy giờ Đức Giêsu cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông”(Lc 9,16):

– Tất cả các con hãy cầm lấy mà ăn, này là mình Ta sẽ bị nộp vì các con.
Cùng một thể thức ấy Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các môn đệ và nói:
– Tất cả hãy cầm lấy mà uống vì này là chén máu Ta, máu giao ước sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta. (Mt 26,26-29).

– Chúa Ki-tô lập Bí Tích Thánh Thể, bí tích Tình Yêu và hiệp nhất. Bí tích Thánh Thể là sự tiếp nối vĩnh hằng của Ngài dành cho họ. Họ nên một trong Tình Yêu Thánh Thể. Họ nên một trong tình yêu Thiên Chúa.

“Lạy Cha, xin cho mọi người nên một” (Ga 17,21)

c)- Ở đàng sau để tránh cho chiên khỏi đi tụt hậu

– Để thấy được sự an toàn cho đến con chiên cuối cùng, người mục tử phải là người cuối cùng được nghỉ ngơi
– Nguy hiểm cho đàn chiên có lúc từ ở phía sau đến. Sự tụt hậu, bị bỏ rơi. Khả năng hạn chế không vươn kịp ra phía trước.

– Có lúc ở đàng sau mới “biết tất cả con chiên của mình, từng  người một”, những con chiên “ngồi lút phía sau ở chiếc ghế hạng cá kèo” trong sân khấu cuộc đời, hay trong những bậc thang giá trị của cuộc đời… những con chiên tụt hậu, thấp bé, nhiều khi bị lãng quên.

“ĐTC mô tả vị Giám mục là một người mục tử biết tất cả con chiên của mình, từng người một. Với tình yêu và sự kiên nhẫn, ngài hướng dẫn họ và ở bên cạnh họ, điều này sẽ minh chứng cho tình mẫu tử của Giáo hội và lòng thương xót của Thiên Chúa”.

– Có lúc ở đàng sau mới thấy được những lẫn khuất  đen tối mà ở những nơi xông xáo phía trước không nhận ra được.

Chúng ta suy nghĩ thêm về câu chuyện ngụ ngôn này:

Mèo ăn chay

Có một con mèo già, chậm chân, mắt mờ không bắt được chuột nữa. Nó bèn nghĩ ra một kế lừa đàn chuột trong nhà.

Một hôm Mèo già đeo tràn hạt, gõ mõ, tụng kinh, nói rằng từ nay không bắt chuột nữa vì tu hành kiêng ăn thịt sống, không được sát sinh.

Lúc đầu, đàn chuột nửa tin nửa ngờ. nhưng mấy ngày sau vẫn thấy Mèo già ngồi niệm Phật và chỉ thích ăn rau quả, có con thử lại gần mà Mèo không vồ, nên chúng tin là Mèo sám hối thật. Vì thế đàn chuột thường nhởn nhơ đi lại bên cạnh mèo già, không còn bị Mèo ăn thịt nữa.

Mỗi buổi tối, cả đàn chuột lại xếp hàng một, đi qua chỗ Mèo đang ngồi tụng kinh, để vào hang.

Mèo ta biết thế, liền chờ cho đàn chuột chui vào hang, chỉ còn lại con cuối cùng phía sau chót, mới vồ lấy và nuốt chửng.

Hôm đầu tiên, thấy thiếu mất một con, đàn chuột cho là nó bị lạc. Nhưng hôm sau, hôm sau, rồi hôm sau nữa… hôm nào cũng thấy thiếu mất một con, thì chúng đâm hoang mang.

Con chuột đầu đàn nghĩ là Mèo già bắt, lúc nào nó cũng luôn đi trước để dẫn đàn chuột vào hang. Hôm ấy, nó thử đi cuối cùng xem sự thể ra sao. Khi nó đến gần con Mèo, Mèo ta nhe răng, giơ vuốt ra vồ, con chuột đầu đàn chỉ kịp kêu thét lên báo cho cả đàn chuột hay biết, rồi cũng bị nuốt chửng.

Từ đó, lũ chuột luôn nhắc nhau rằng:”Chớ có bao giờ tin vào lời Mèo không ăn thịt chuột !”.

Lạy Chúa,

Trách nhiệm và bổn phận của Người Mục Tử
cao quý và cũng rất nặng nề. Người Mục Tử thì yếu đuối.

Nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi. (2Cor.4,7)

Lạy Chúa, xin thương xót những Người Mục Tử của Chúa.
Xin thương xót chúng con.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

 

Bài liên quan

Back to top button