Đức Phanxicô ca tụng giao ước giữa di sản kinh thánh và cổ đại…
by Phanxicovn
Đức Phanxicô ca tụng giao ước giữa di sản kinh thánh và cổ đại qua việc lắng nghe các nền văn hóa khác
Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến với những người tham gia hội thảo do Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa tổ chức năm 2019 (Truyền thông Vatican)
Ngày thứ ba 23 tháng 11, Đức Phanxicô gởi thông điệp cho những người tham dự phiên họp toàn thể của Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa.
vaticannews.va, Cyprien Viet – Vatican, 2021-11-23
Trong sự can thiệp dày đặc của những thách thức nhân chủng học do những biến động ở thời buổi này gây ra, Đức Phanxicô hoan nghênh việc tổ chức hội nghị toàn thể trực tuyến này, ngài cũng lấy làm tiếc vì không thể tiếp xúc trực tiếp với những người tham dự. Ngài công nhận: “Đó cũng là dấu hiệu của thời chúng ta đang sống: trong vũ trụ kỹ thuật số, nơi mọi thứ đều trở nên gần gũi đến khó tin, nhưng không có sự có mặt ấm áp”.
Ngài lưu ý, đại dịch “đã làm cho những xác tín mà mô hình kinh tế và xã hội của chúng ta dựa trên bị khủng hoảng, nó làm lộ ra những điểm yếu: các mối quan hệ cá nhân, phương pháp làm việc, đời sống xã hội, thậm chí cả việc giữ đạo và dự các bí tích. Nhưng ngoài ra, và trên hết, đại dịch đã mạnh mẽ đưa ra những câu hỏi cơ bản về sự tồn tại: câu hỏi về Chúa và về con người.”
Vì thế chủ đề của hội nghị toàn thể, “chủ nghĩa nhân văn cần thiết” mang một ý nghĩa đặc biệt. Đức Phanxicô nêu rõ: “Trên thực tế, vào thời điểm lịch sử quan trọng này, chúng ta không chỉ cần các chương trình kinh tế mới hoặc công thức mới chống lại vi-rút mà trên hết là một quan điểm nhân văn mới, dựa trên Mạc khải trong Kinh thánh, được phong phú bằng di sản của truyền thống cổ điển, cũng như suy tư về con người hiện diện trong các nền văn hóa khác nhau.”
“Thời đại của thanh toán ngay”
Đức Phanxicô nhắc lại ý muốn của Đức Phaolô VI vào cuối Công đồng Vatican II, đó là đối thoại giữa Giáo hội và những người không tin, ngài giải thích, kể từ năm 1965, những biến đổi của thế giới đòi hỏi phải có những định hướng mới và sự cập nhật của nhân học kitô giáo. Những phát triển về công nghệ và khoa học trong những năm gần đây đã thực sự làm đảo lộn các phân chia ý thức hệ vốn đã cấu trúc nên nhiều xã hội cho đến cuối thế kỷ 20.
Đức Phanxicô giải thích: “Vào thời Công đồng, một chủ nghĩa nhân bản thế tục, tự tại, duy vật và một chủ nghĩa nhân văn kitô giáo, mở ra cho sự siêu việt, đã đối mặt nhau. Tuy nhiên, cả hai có thể chia sẻ một cơ sở chung, một sự hội tụ cơ bản về một số vấn đề nền tảng về bản chất con người. Điều này hiện đã biến mất do tính uyển chuyển của tầm nhìn văn hóa đương đại. Đây là thời của thanh toán ngay hay còn gọi là “bốc hơi”. Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh, Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay, Gaudium et Spes “vẫn còn phù hợp”. “Thực tế, nó nhắc chúng ta, Giáo hội vẫn còn nhiều điều để cống hiến cho thế giới, và buộc chúng ta phải nhìn nhận và đánh giá, với tin tưởng và can đảm, những nhận thức trí tuệ, thiêng liêng và vật chất đã xuất hiện từ đó trong các lĩnh vực khác nhau của tri thức nhân loại.”
Một “cuộc cách mạng” nhân học
Văn hóa đương đại mang trong mình một “cuộc cách mạng” thực sự, với “sự thay đổi cấu trúc trong cách chúng ta hiểu về thế hệ, sự sinh ra đời và cái chết. Tính đặc thù của con người trong toàn bộ tạo dựng, tính độc nhất của con người đối với các loài động vật khác, và thậm chí cả mối quan hệ của con người với máy móc đều được đặt lại vấn đề.”
Giáo hội không thể né tránh những câu hỏi này, ngài nhấn mạnh: “Chúng ta không thể luôn giới hạn mình trong việc phủ nhận và chỉ trích. Thay vào đó, chúng ta được yêu cầu suy nghĩ lại về sự hiện diện của con người trên thế giới dưới ánh sáng của truyền thống nhân văn: với tư cách là người phục vụ sự sống, chứ không phải là chủ của nó, với tư cách là người xây dựng cho lợi ích chung với các giá trị đoàn kết và nhân ái.”
“Bên cạnh câu hỏi về Thiên Chúa – vẫn là câu hỏi nền tảng cho chính sự tồn tại của con người, như Đức Bênêđíctô XVI đã thường nhắc – ngày nay còn đặt ra một câu hỏi quyết định về chính bản thân và bản sắc con người. Ngày nay, đàn ông và đàn bà như những con người bổ túc cho nhau được gọi vào mối quan hệ có ý nghĩa gì? Các từ “tư cách làm cha”, “tư cách làm mẹ” có ý nghĩa gì? Và còn nữa, đâu là điều kiện đặc biệt để là con người, làm cho con người trở nên độc nhất và không thể tái tạo được so với máy móc và thậm chí so với các loài động vật khác? Ơn gọi siêu việt của con người là gì?, Đức Phanxicô đặt câu hỏi.
Sự hội tụ giữa tư tưởng Kinh thánh với triết học hy-la
Luôn trong dòng liên tục hoàn toàn với Đức Bênêđictô XVI tiền nhiệm của mình, Đức Phanxicô nhấn mạnh: “Sách Thánh cung cấp cho chúng ta những mối dây thiết yếu để phác họa một bản nhân chủng học của con người trong quan hệ của con người với Thiên Chúa, trong sự phức tạp của mối quan hệ giữa người nam và người nữ, và mối liên hệ với thời gian và không gian trong đó con người sống. Chủ nghĩa nhân văn trong Kinh thánh, trong đối thoại phong phú với các giá trị của tư tưởng cổ Hy lạp và La tinh, đã khai sinh ra một tầm nhìn cao cả về con người, về nguồn gốc và số phận cuối cùng, và về cách sống của con người trên trái đất này. Sự kết hợp giữa khôn ngoan cổ xưa và Kinh thánh này vẫn là một mô hình phong phú.”
Ngài nói thêm, nhưng trong bối cảnh luân lưu ngày càng nhanh của con người, những ý tưởng, hình ảnh, biểu hiện của thế giới giao nhau và đôi khi va chạm, “chủ nghĩa nhân văn cổ điển và Kinh thánh ngày nay phải khôn ngoan mở ra để tiếp nhận, trong một tổng hợp sáng tạo mới, cùng với những đóng góp của truyền thống nhân văn đương đại và của các nền văn hóa khác từ khắp nơi trên hành tinh ”, cho dù họ đến từ châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh và ngay cả các dân tộc bản địa.
Vượt ra khỏi chủ nghĩa cá nhân của phương Tây
Một số kinh nghiệm sống của các dân tộc này thực sự có thể giúp chúng ta vượt ra khỏi chủ nghĩa cá nhân của các nền văn minh phương Tây, mang lại động lực mới cho các mối quan hệ giữa con người và gia đình, cũng như kiến thức quý giá trong lĩnh vực y tế hoặc nghệ thuật. Đức Phanxicô nói tiếp: “Trong những nền văn hóa khác nhau này, có những hình thức của chủ nghĩa nhân văn, được tích hợp vào chủ nghĩa nhân văn châu Âu thừa hưởng từ nền văn minh hy-la và được biến đổi bởi tầm nhìn Kitô giáo, mà ngày nay là cách tốt nhất để giải quyết những câu hỏi đáng lo ngại về tương lai của nhân loại.”
Đức Phanxicô kết thúc bài tham luận với câu từ Enéide của Virgile, tiếng la tinh trong văn bản: “Sunt lacrimae rerum et mentem mortalia tangunt” được dịch là: “Mọi vật đều có nước mặt của chúng làm lay động trái tim người phàm”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch