Hạnh phúc trong Thánh Ý Chúa | NVT
LỄ THÁNH GIA NĂM C
HẠNH PHÚC TRONG THÁNH Ý CHÚA
Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.
Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, ông đang ngồi giữa các bậc thầy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng kinh ngạc về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ người nói với Người: “Con ơi, sao con lại làm cho cha mẹ như thế? Con thấy không, cha con và mẹ con đây đang phải cực lòng tìm con!”. Người thưa: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của cha con sao?”. Nhưng hai ông bà không hiểu lời người nói.
Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta. (Lc 2,41-52)
___________________
SUY NIỆM
HẠNH PHÚC TRONG THÁNH Ý CHÚA
+ 1. Vâng theo Thánh Ý Chúa
Đối với những người Kitô-hữu, để sống một cuộc đời có ý nghĩa, là sống theo “thánh ý Thiên Chúa”. Chúa Kitô đã dạy cầu nguyện, trong phần đầu Kinh Lạy Cha: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.
Để trung thành với hướng đi ấy, con người không được nô lệ thế gian với lối sống hưởng thụ sa đọa, có một trái tim yêu thương tha thứ, và khôn ngoan trước bẩy rập Sa-tan. Chúa Giê-su đã dạy cầu nguyện, phần tiếp theo trong Kinh Lạy Cha: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con khỏi mọi sự dữ”.
Sống trọn lời nguyện ấy, con người sẽ được Hạnh Phúc.
Vậy Hạnh Phúc là hoàn toàn thuộc về Chúa. Là hoàn toàn vâng theo Thánh Ý Của Chúa.
Nhân vật chính trong Thánh Gia Thất là Chúa Giêsu. Ngài vâng phục Thiên Chúa để “đến thế gian”, và đến thế gian để “thi hành thánh ý Chúa Cha”. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su xuất hiện khi Ngài mới 12 tuổi, nhưng lời nói của Ngài đã khẳng định sứ mệnh của Ngài ngay khi Ngài còn bé sống với cha mẹ trong gia đình. “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của cha con sao?”.
Kế đến là Mẹ Ma-ri-a. Khi Mẹ Ma-ri-a nghe lời sứ thần truyền, Mẹ đã “xin vâng”. “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc.1,38).
Cuối cùng là Thánh Giu-se, ngài đã vâng lời Thiên Chúa sau khi sứ thần Chúa đến báo mộng cho ngài: “Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà” (Mt.1,24).
Để hoàn toàn vâng theo thánh ý Thiên Chúa, không phải dễ dàng. Nói một cách khác, không phải lúc nào cũng có thể vâng theo thánh ý Thiên Chúa với lòng vui tươi thanh thản. Phải chiến đấu với nội tâm và lắm khi đầy đau khổ, lạc lỏng, bơ vơ.
Ta có thể suy niệm những giờ phút chiến đấu nội tâm của Chúa Giê-su trong cuộc thương khó của Ngài. Lời nguyện của Chúa Giê-su ở vườn cây dầu: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin tha cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha”. “Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc.22,42). Trên Thập Giá, Chúa Giêsu đã kêu lớn tiếng: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt.27,46).
Mẹ Ma-ri-a tràn ngập niềm vui với bài Magnificat, nhưng Mẹ cũng phải chiến đấu dữ dội với những niềm đau trong lòng Mẹ. Bị chồng là Giuse hiểu lầm định tâm từ bỏ, lời ra tiếng vào của thiên hạ. Những đau buồn và lo âu theo từng bước đi của con mình. Như ông cụ Si-mê-on đã nói với Mẹ Maria: “Còn chính bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà…”(Lc.2,35)
Thánh Giu-se khi vâng theo thánh ý Chúa cũng phải chịu rất nhiều những đau khổ. Tôi nhớ khi còn nhỏ, tháng Thánh Giuse, thường nghe đọc “bảy sự buồn và bảy sự vui ông Thánh Giuse”. Có nhiều người thường nói: “Tội nghiệp thánh Giuse, mấy Thánh sử không cho ông thánh Giuse nói câu nào cả! Ngay cả như trong Tin Mừng hôm nay, bầu khí có vẻ “căng thẳng” như vậy, mà không thấy ông thánh Giuse có ý kiến gì”. Nhưng những gì được kể lại rất ít về thánh Giuse lại cho ta thấy rất nhiều về tâm hồn của ngài. Từ đêm thao thức toan trốn đi, đến đêm huyền diệu ở Hang Đá Bê-Lem, rồi trốn sang Ai Cập, rồi quay về quê nhà, cuối cùng về làng Na-gia-rét… cho thấy một tâm hồn phong phú đầy nhẫn nhục, can đảm và luôn trung thành tuân theo thánh ý Chúa.
+ 2. Nên một trong Thánh Ý Chúa
Vị trí mỗi một thành viên trong Thánh Gia Thất được phân chia rõ rệt, bổn phận và trách nhiệm cụ thể, khác nhau, nhưng đan kết vào nhau thành một, yêu thương cho nhau và vì nhau, ngay cả Chúa Giê-su, Ngài khẳng định sứ mạng của mình đối với Chúa Cha, nhưng cũng sống tròn đạo làm con và liên đới trong tình gia đình chặt chẽ. “Người đi xuống cùng cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài” (Lc.2,51).
Có thể có một điều gì đó, những thành viên trong gia đình chưa hiểu nhau trọn vẹn, nhưng tình thương luôn là cuộc hành trình nhẫn nại, tiếng nói con tim là những suy niệm thầm kín sâu thẩm, nên hạnh phúc không dễ gì tan vỡ. Cuộc sống Thánh Gia Thất thật êm ái và bình an ở làng Na-da-rét. Một cuộc sống thanh bần, đầy yêu thương và thánh thiện. Mầu nhiệm về Đức Giê-su là Con Thiên Chúa đâu thể một sớm một chiều mà hiểu thấu được. Thánh Gia Thất còn cần thêm một thời gian để suy niệm về thánh ý Thiên Chúa, về chương trình của Thiên Chúa.“Nhưng ông bà không hiểu lời Người nói”. “Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giê-su thì ngày càng khôn lớn, và được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến” (Lc.2,50-51).
+ 3. Hạnh phúc trong Thánh Ý Chúa
Ngày nay, cuộc sống Gia Đình gặp nhiều thử thách. Một nửa những cuộc hôn nhân tan vỡ. Lý do sâu xa nhất vì người ta không có tình yêu chân chính. Tình yêu chân chính chỉ có được khi người ta biết sống theo thánh ý Chúa. Khi trong gia đình mọi người đều biết sống vì thánh ý Chúa, vì Đức Tin, thì họ sẽ biết sống vì nhau và cho nhau. Nguồn tình yêu đến từ tình yêu Thiên Chúa là tình yêu vô tận, không bao giờ cạn kiệt, là tình yêu bất tử.
Không sống vì Chúa, con người sẽ vì mình. Sự đổ vỡ của hôn nhân ngày nay phần lớn là từ lối sống chạy theo sự hưởng thụ ích kỷ. Sự hưởng thụ đi dần vào bản năng thống trị đòi hỏi được cung phụng và mất dần lòng bác ái. Lối sống hưởng thụ là con đường thênh thang dẫn đến sa chước cám dỗ và sự dữ.
Thực tế cho thấy, có nhiều gia đình khi nghèo thì rất hạnh phúc, khi trở nên giàu có thì xáo trộn và tan vỡ. Vợ chồng thi nhau hưởng thụ đủ kiểu và họ choáng ngợp trước những thú vui tạm bợ mà họ lầm tưởng là hạnh phúc dài lâu. Những thống kê cho thấy những học sinh giỏi và thành đạt phần lớn là con nhà nghèo, còn một lượng rất lớn những học sinh bỏ học, ăn chơi, phá phách là những hạng con ông cháu cha hoặc con nhà giàu có.
Lạy Thánh Gia Thất,
Xin thánh hóa mọi gia đình. Xin cho mọi gia đình tìm thấy hạnh phúc trong thánh ý Chúa. Xin cho tình yêu mái ấm Na-da-rét sưởi ấm tất cả mọi gia đình trong thế giới hôm nay. Amen.
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG