Bản tin Phanxicô.vnTin tức

Tâm sự của bà cựu Đại sứ Pháp tại Tòa thánh: “Tôi nợ các nữ tu những cuộc gặp gỡ tuyệt vời”

by Phanxicovn

Quan hệ giữa nước Pháp và Tòa thánh, cộng đồng nói tiếng Pháp, ngoại giao thời Covid-19, hỗ trợ phụ nữ, đặc biệt là các nữ tu: nhân dịp kết thúc sứ mệnh, bà Élisabeth Beton-Delègue, người phụ nữ đại sứ đầu tiên của nước Pháp tại Tòa thánh tâm sự.

lavie.fr, Marie-Lucile Kubacki, 2021-12-23

http://phanxico.vn/wp-content/uploads/2022/01/tam-su-cua-ba-cuu-dai-su-phap-tai-toa-thanh-630x420.jpg

Bà Elisabeth Beton Delègue, Đại sứ Pháp tại Tòa Thánh trình ủy nhiệm thư lên Đức Phanxicô ngày 7 tháng 6 năm 2019.  VATICANMEDIA-FOTO / CPP

Năm 2019, bà Élisabeth Beton-Delègue được bổ nhiệm làm Đại sứ Pháp tại Tòa thánh, bà là người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ này và là người cao tuổi nhất trong ngành ngoại giao Pháp. Trước đó, nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm đã từng là đại sứ tại Chilê, Mêxicô và Haiti, bà đã phục vụ tại Iraq, Ethiopia, Thổ Nhĩ Kỳ và Madagascar.

Ngày 1 tháng 1 năm 2022 bà sẽ kết thúc nhiệm kỳ, bà tiếp chúng tôi tại văn phòng lịch sử Villa Bonaparte, tòa Đại sứ Pháp. Một dịp để bà nói về quan hệ giữa Pháp và Tòa Thánh, về cộng đồng nói tiếng Pháp, về vấn đề vinh danh phụ nữ, và lòng ngưỡng mộ của bà với các nữ tu, điều mà bà đặc biệt vinh danh.

La Vie: Bà rời nhiệm vụ của mình trong tâm trạng nào?

Bà Élisabeth Beton-Delègue: Tôi rời đi với cảm giác công việc chưa xong, một cảm giác đặc biệt vào những lần cuối nhiệm kỳ, nhất là khi nó bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng sức khỏe. Trong lúc này, Giáo triều đã đóng cửa, chính Đức Thánh Cha đảm nhận vai trò Người đứng đầu Giáo hội, với thẩm quyền thiêng liêng có tiếng nói vang dội trên các lục địa. Theo dõi quá trình này qua các bài suy niệm hàng ngày ở Nhà nguyện Marta được phát sóng trên toàn thế giới, là một trải nghiệm đặc biệt.

Ngày qua ngày, theo dõi các bài giảng trong tiến trình của nó mới có thể đánh giá hết mức độ vừa nhất quán, vừa sâu sắc vừa có tầm nhìn xa. Cuộc khủng hoảng này là minh họa đầu tiên trên quy mô hành tinh về những tệ nạn gây ra bởi một quá trình toàn cầu hóa không được kiểm soát, nhất là nó đã phá vỡ sự hòa hợp với thiên nhiên và để thấy những gì Đức Phanxicô đã xây dựng trong các thông điệp Laudato si ‘và gần đây là thông điệp Fratelli tutti quan trọng như thế nào.

Đức Phanxicô được cho là nhà siêu lãnh đạo thế giới trong cuộc khủng hoảng…

Ngài là nhà lãnh đạo tâm linh mà lời nói của ngài vượt ra ngoài những người theo đạo công giáo, thông qua lời kêu gọi các chính phủ ủng hộ việc hủy bỏ nợ cho các nước nghèo nhất, những lời cảnh báo của ngài khi đối diện với sự gia tăng bất bình đẳng do cuộc khủng hoảng này gây ra, hoặc vị trí rất quan trọng của việc chích ngừa. Một số người đã chỉ trích ngài khi ngài nói về vấn đề này, họ cho rằng đây không phải là vai trò của ngài, nhưng tôi thấy thông điệp của ngài rất đúng, vì nó nói lên nghĩa vụ đạo đức và bảo vệ người khác. Tiếng nói của ngài cũng là tiếng nói của người công dân.

Và tiên tri?

Người kế vị Thánh Phêrô có một thông điệp phổ quát nói cho mọi người trên thế giới. Một thông điệp của lòng nhân ái và tháp tùng, nhưng cũng là thông điệp của hy vọng và hành động với những đề xuất rất cụ thể: đây là thời điểm mà các nhà lãnh đạo, bị bao vây bởi những cấp bách hàng ngày của một cuộc khủng hoảng mà họ không thể kiềm chế, đang rối loạn và không thể có một phản ứng tập thể: ngài đã đóng vai trò hướng dẫn và đặt tất cả sức nặng ảnh hưởng của mình để làm nổi bật nhu cầu đoàn kết, quan tâm đến những người thiệt thòi nhất, đến lợi ích chung với câu nói ngài liên tục nhắc đi nhắc lại: “Chúng ta cùng ở trên một chiếc thuyền”, mặc cho những ích kỷ của các quốc gia.

Theo bà tình trạng quan hệ hiện nay giữa Pháp và Tòa thánh như thế nào?

Cuộc khủng hoảng sức khỏe vẫn chưa kết thúc, đây là lúc tăng cường đối thoại chính trị. Hai bên thường xuyên thảo luận về các cuộc khủng hoảng khu vực và các vấn đề toàn cầu. Pháp, một cường quốc tầm trung bình, theo truyền thống, nước Pháp có chính sách đối ngoại vượt ra ngoài lợi ích quốc gia và hỗ trợ chủ nghĩa đa phương, làm dịu các vụ khủng hoảng, thúc đẩy lợi ích chung. Đây là tất cả các chủ đề hội tụ giải thích cụ thể mối quan hệ khá thường xuyên qua điện thoại giữa tổng thống Pháp và Đức Phanxicô, và qua các chuyến thăm thường mở ra các cơ hội mới.

Nhất là các chuyến thăm của Thủ tướng và Tổng thống: bà có thể nói gì về những chuyện này?

Bắt đầu năm 2021, chương trình nghị sự đánh dấu qua các chuyến thăm cấp cao được gia tăng. Chúng tôi vinh dự đón tiếp Thủ tướng và các bộ trưởng tháp tùng để kỷ niệm một trăm năm nối lại hoạt động quan hệ ngoại giao giữa Pháp và Tòa thánh; sau đó, ngày 26 tháng 11, tôi được vinh dự đón tiếp Tổng thống Pháp và tháng 10 đón tiếp Tổng thống Biden tại Villa Bonaparte, tòa đại sứ lịch sử của nước Pháp tại Tòa Thánh!

Cũng nên nhắc lại những chuyến thăm này không chính thức nhưng đã đưa đến những cuộc thảo luận sâu sắc: Tôi có thể làm chứng điều này khi tham dự các cuộc gặp của Nguyên thủ quốc gia với hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin, với giám mục Paul Gallagher, một cuộc thảo luận thực sự đã diễn ra, vượt ra ngoài những cân nhắc chung. Các mục tiêu của hai bên không giống nhau, nhưng trao đổi là sâu sắc, tự tin và nhất quán ở cấp độ phân tích. Ở cấp độ ứng dụng, các lô-gic khác phát huy tác dụng của nó. Theo định nghĩa, một nguyên thủ quốc gia không có cùng tầm nhìn về thời gian hoặc không gian như người đứng đầu Giáo hội hoàn vũ.

Các mối quan hệ đã phát triển, nhưng cũng có nhiều người lấy làm tiếc về sự suy giảm của cộng đồng nói tiếng Pháp và ảnh hưởng của Pháp: đó là một nghịch lý!

Chắc chắn đây là một nghịch lý sai! Nước  Pháp và Tòa thánh hợp tác với nhau về các mối quan tâm liên quan đến các vấn đề và khủng hoảng lớn, nhưng ảnh hưởng cũng trải dài qua các vấn đề khác. Rõ ràng, nước Pháp là quốc gia thế tục, bây giờ lại là quốc gia thế tục hóa nhất ở châu Âu và do đó, sự hiện diện tôn giáo của người Pháp ở Rôma có khuynh hướng giảm theo với việc giảm ơn gọi và số lượng linh mục. Cộng đồng nói tiếng Pháp đặc biệt phải chịu giảm sự hiện diện của người Pháp và nhất là các nhân vật Pháp lớn trong Giáo triều đã biến mất.

Điều gì làm cho bà ngạc nhiên khi đến Giáo triều?

Điều làm tôi ngạc nhiên nhất khi đến Giáo triều là tinh thần sẵn sàng và nhân ái. Tôi luôn được hỏi liệu việc là đại sứ phụ nữ có gặp khó khăn đặc biệt nào không, câu trả lời dĩ nhiên là không. Đâu đâu tôi cũng được lắng nghe và đối thoại. Trong cuộc sống ngoại giao, được những người ở cấp cao dành thì giờ nói chuyện, mà thời gian không phải là điều dễ dàng được chia sẻ, thì đó là một món quà quý giá. Nhưng điều cũng làm tôi ngạc nhiên, đó là sự giàu có về trí thông minh, kiến thức và kinh nghiệm của những người phục vụ Giáo hội, sự phong phú trong nét đa dạng này. Mỗi ngày tôi học, mỗi ngày tôi lật sang một trang mới trong quyển sách chưa bao giờ khép lại này.

Đâu là nhiệm vụ thiết yếu của một tòa đại sứ  Pháp ở Tòa Thánh?

Không phải là việc thu thập các thông tin độc quyền, đó không thuộc thẩm quyền chúng tôi, nhưng là giải mã và giải thích các phương hướng và sứ mệnh chính của Tòa thánh cũng như hành động của Đức Phanxicô. Còn hơn là việc khám phá và đưa vào quan điểm, nơi các phương tiện truyền thông thường ưu tiên đến vấn đề thời sự “thu hút” người đọc. Ví dụ, Đại hội đồng Amazon là một điều khá phi thường để trải nghiệm, nhưng nó thường gây xôn xao trên các phương tiện truyền thông phương Tây về vấn đề có thể phong chức cho các ông đã có gia đình, viri probati và bậc sống độc thân.

Vai trò của nhà ngoại giao là điều chỉnh lại các chủ đề, đặt chúng trong bối cảnh và quan điểm của chính nó: Đức Phanxicô không nghĩ các định hướng chính của ngài theo quan điểm nước Pháp và Châu Âu, nhưng trong tầm nhìn toàn cầu, đôi khi việc nhắc nhở này rất hữu ích. Một chiều kích cơ bản khác là xây dựng các mối quan hệ. Rôma-Vatican là khoảng không gian độc đáo, nơi bạn chạm đến tất cả các vấn đề thế giới, được mở ra để bạn nắm bắt qua các nét đa dạng về văn hóa, địa lý và con người của dân Chúa này, những người tìm thấy ở đây sự hiệp nhất trong đức tin và trong lòng trung thành với người kế vị Thánh Phêrô.

Trong nhiệm vụ của bà, đặc biệt bà đã vinh danh các phụ nữ…

Việc đề cao phụ nữ là một trong những mục đích lớn của nhiệm kỳ 5 năm của tổng thống Emmanuel Macron mà tôi tiếp nhận, tôi đã dẫn đầu một chính sách nữ quyền ở đây, dù điều này làm cho những người ở Paris mỉm cười… Ngay sau khi tôi đến, đó là đại hội thế giới của Hiệp hội Quốc tế các nữ Bề trên Tổng quyền (UISG) được tổ chức. Tôi đã gọi cho họ, và ngay lập tức họ mời tôi ăn trưa và cuộc nói chuyện bắt đầu, tôi vô cùng ngạc nhiên trước phong thái tự do, tinh thần dễ giao tiếp và sự phong phú các chủ đề được đề cập. Không có gì phải ganh tị với hội nghị của Liên hợp quốc về phụ nữ. Từ đó, một cách hệ thống, tôi đi tìm gặp các phụ nữ phục vụ Giáo hội trong Giáo triều, trong các dòng tu, trong các trường đại học giáo hoàng. Tôi nợ các nữ tu những cuộc gặp tốt đẹp, rất đơn sơ, ngay lập tức họ tiếp nhận tôi như người nhà chứ không trong tư cách đại sứ.

Bà cũng nhân danh nước Pháp vinh danh một số nữ tu: vì sao?

Họ có những hành trình ấn tượng. Thực chất, chúng ta có thể nói cách khác, tôi vinh danh những phụ nữ truyền cảm hứng, những người thể hiện khả năng lãnh đạo rất mạnh và đã có rất nhiều đổi mới trong cách họ thực hiện sứ mệnh của mình, thường là những người làm việc trong bóng tối. Đường hướng đã chuyển động, Đức Phanxicô đã giao một số vị trí cao trong Giáo triều cho phụ nữ, nhưng vấn đề về vị trí của các nữ tu – rộng hơn là phụ nữ trong Giáo hội – vẫn còn bỏ ngỏ, và Giáo hội vẫn còn tránh né.

Chắc chắn, tôi đặc biệt nhạy cảm với những người thục địa. Chẳng hạn tôi nghĩ đến một trong số họ, người điều hành một bệnh viện ở Giêrusalem, sơ đã cống hiến đời mình ở đó trước khi trở thành Bề trên Tổng quyền. Thông minh, hài hước và trung tín. Hoặc một nữ tu người châu Phi, đã làm việc về vấn đề lạm dụng các nữ tu ở các quốc gia thuộc lục địa này… một bằng chứng của lòng dũng cảm và đúc tính ngoan cường. Nhiều nữ tu có những lời chứng đáng kinh ngạc. Từ Ấn Độ Châu Phi, đến Hoa Kỳ… cả một nhân cách!

Những cuộc sống này cũng như cuộc sống của một đại sứ?

Không, nó sâu đậm và khó hơn nhiều. Các nữ tu thường làm việc trong bể khó khăn với ít phương tiện. Họ có thể được kêu gọi để đi phục vụ nơi khác, bỏ lại những gì họ đã yêu thích; họ không được bảo vệ nhờ công việc vì lợi ích chung của họ có thể mang lại! Về cơ bản, các nữ tu thường là những nhà thám hiểm, theo nghĩa cao cả của thuật ngữ này, những nhà thám hiểm của Chúa. Bà Pauline Jaricot, người sắp được phong chân phước, có một cuộc sống đáng kinh ngạc: lúc đầu, bà là phụ nữ trẻ khá giả, nhưng không hài lòng với cuộc sống dễ chịu của mình, cùng với một vài người bạn, bà quyết định thành lập một cái gì đó… Và cái gì đó đã tạo nên công việc truyền giáo giáo hoàng!

Còn các nữ tu chiêm nghiệm?

Các nữ tu chiêm niệm là bí ẩn rất lớn với tôi. Tôi đã có những thảo luận sâu đậm với các nữ tu dòng Thánh Clara Assisi. Tôi nhớ một nữ tu trẻ tôi gặp cách đây hai năm khi cô vừa học xong y khoa. Một sơ khác từng là nhà tâm lý học trong 20 năm. Họ là những phụ nữ có trình độ học vấn cao, từng làm nghề có lợi ích cho xã hội và đã bỏ tất cả để cống hiến đời mình cho cầu nguyện: ở đó, bạn thực sự đối diện với mầu nhiệm đức tin.

Bà có ấn tượng không?

Tôi đã ấn tượng theo nghĩa khi xem một tấm hình ấn tượng. Đây là những giây phút mình tự hỏi mình: có một cái gì cao cả đã vượt khỏi tôi.

Marta An Nguyễn dịch

Bài liên quan

Back to top button