Chút Tâm Tình Tam Nhật Vượt Qua | NVT
CHÚT TÂM TÌNH TAM NHẬT VƯỢT QUA
Đã có rất nhiều những suy tư sâu lắng về Tam Nhật Vượt Qua được chia sẻ từ nhiều tác giả. Ở đây, người viết bài này chỉ xin chia sẻ một chút suy nghĩ nhỏ bé đơn sơ trong những ngày cuối cùng của Mùa Chay, mà đỉnh cao là Tam Nhật Vượt Qua. Những dòng tâm tình này đơn giản chỉ là một chút tâm tư chợt đến trong cuộc sống đời thường… nếu nó có một ý nghĩa nào đó, là vì nó đến trong không khí thánh thiêng của những ngày Đại Lễ sắp đến…
_______________________
THỨ NĂM TUẦN THÁNH
Tôi đang nhìn về một dòng sông…
Dòng sông trước mắt tôi vẫn êm đềm trôi. – như “Tất cả các dòng sông đều chảy” (All the rivers run – NANCY CATO). Vâng, là như vậy ! – Dòng đời cũng thế ! – Dòng thời gian cũng thế !
Và nó cuốn đi biết bao thứ yêu quý để chỉ còn là kỷ niệm xa xăm… Nó mang theo những nỗi đau thầm lặng mà ngày biệt ly vẫn chưa thể nói được nên lời… Thật cô đơn và chua xót…
Một mai kia ở bên khe nước ngọc
Với sao sương Anh nằm chết như trăng
Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc
Đến hôn anh và rửa vết thương tâm… (HMT).
Người đời để lại gì cho ta giây phút chia ly ?
Như mọi người Công Giáo, đêm Thứ Năm Tuần Thánh, tôi thức thật khuya, ngắm nhìn Thánh Thể – Bí Tích Tình Yêu – nơi Bàn Thờ Phụ…
Tất cả là đây, một tình yêu “tuyệt đối” – Yêu thương “đến cùng”. Không có ngôn ngữ nào diễn tả hơn thế được nữa !
“Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và yêu thương họ đến cùng” (Ga.13,1).
Thế nên, món quà Ngài ban tặng quý trọng hơn tất cả mọi món quà trên thế gian này, là Thịt Máu của Ngài, là Thánh Thể, là tình yêu lớn lao vượt qua mọi ngôn ngữ phàm nhân.
Yêu thương đến cùng, nhưng ai đã ở bên cạnh Ngài đến cùng ?
Đáp lại tình yêu ấy, là một sự cô đơn “đến cùng”, để đối diện với thương đau tận cùng “chỉ một mình”.
“Thế ra anh em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ sao ?” (Mt.26,40).
Nỗi đau buồn tan nát tâm can không phải chỉ là sợ hãi, nó còn là sự đau buồn đơn độc khi tất cả người đời tìm cách ngoảnh mặt lìa xa… Họ ngủ yên trong sự bình an riêng họ, có khi trong sự yếu đuối nhất thời, có khi trong sự giả tạo đầy tính toán tinh vi…
Thôi, cứ để họ ngủ yên trong niềm vui bình yên và hạnh phúc theo cách của họ…
“Rồi người lại đến, thấy các môn đệ vẫn đang ngủ, vì mắt họ nặng trĩu. Người để mặc các ông, mà đi cầu nguyện…” (Mt.26,43-44).
Và Giê-su quỳ đó, tôi quỳ đây… Nỗi buồn của Ngài dâng lên Chúa Cha, còn nỗi buồn của tôi dâng lên Ngài…
“Lòng xao xuyến bồi hồi, nên Người càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc.22,44).
Hơn 2000 năm trôi qua, đối với Chúa, giây phút nào cũng là hiện tại…
Đêm nay, Chúa vẫn quỳ đó với những giọt mồ hôi máu đang rơi xuống đất để cứu chuộc đời tôi…
Tôi quỳ đây với nỗi buồn mất mát chuyện trần gian chứ không phải vì mất Chúa…
Đau đớn thay, Ngài yêu thương tôi, tình yêu chung thủy và bao la đến như vậy, tôi lại chạy theo những tình yêu khác, người đời, danh vọng, tiền của… chóng qua và tẻ nhạt…
Làm sao tôi xóa được những khổ đau lòng mình nhờ khổ đau của Chúa dành cho tôi…
Đêm nay, tôi tìm sự bình an trong giây phút đớn đau tận cùng của Chúa ở Vườn Cây Dầu…
Lạy Chúa, xin thương xót con…
____________________
THỨ SÁU TUẦN THÁNH
ĐAU KHỔ
Nhà thơ Rupert Brooke đáp tàu đi du lịch từ Anh sang Mỹ. Tất cả mọi người trên tàu đều có người nhà ra tiễn chân – chỉ riêng mình ông là không. Nhà thơ cảm thấy rất trống vắng – nỗi cô đơn choáng ngợp trong lòng. Ngắm nhìn cảnh mọi người ôm hôn từ biệt, ông ước gì cũng có ai đó nhớ đến mình.
Ông bước đến gần một cậu bé có tên là William ở bến tàu và hỏi: “William này, cháu có muốn kiếm vài xu để tiêu vặt không?”
“Dạ, muốn chứ! Nhưng cháu sẽ phải làm gì?”
“Chỉ cần cháu đứng đó vẫy tay chào chú khi tàu rời bến thôi”, nhà thơ cô đơn trả lời.
Người ta nói rằng tiền không thể mua được tình thương, nhưng với sáu xu, cậu bé William đã làm cõi lòng nhà thơ Brooke ấm lên bằng cách vẫy tay chào tạm biệt khi tàu rời bến.
Nhà thơ đã ghi lại buổi ra đi hôm ấy như sau:
“Có người cười, có người khóc. Có người vẫy khăn tay và có người vẫy nón. – Còn tôi? Tôi có William, cậu bé vẫy chào tôi bằng chiếc khăn màu đỏ để được sáu xu và để giúp tôi không cảm thấy cô đơn khi tàu rời bến”. (Steve Goodier)
Thật tội nghiệp nhà thơ Brooke. Ông tìm xoa dịu nỗi cô đơn của mình với một kịch bản do chính mình dàn dựng.
Thực tế, cô đơn không chỉ là một mình. Sự cô đơn đáng sợ là không còn ai hiểu được ta. Bên cạnh nhau mà lòng đã rất xa… “Tôi xin người cứ gian dối, cho tôi tưởng người cũng yêu tôi” (Kiếp Đam Mê).
Mẹ Tê-rê-sa thường mô tả nỗi cô đơn là “một căn bệnh lớn nhất” trong mọi thời đại của chúng ta. Và những người cô đơn nhất không phải lúc nào cũng là các cụ già trong viện dưỡng lão hoặc những người sống một mình”. (Steve Goodier).
_________________
Đêm Thứ Sáu Tuần Thánh, sau giờ lễ chung, nhiều giáo dân vẫn thường đến ngắm nhìn và tôn thờ Thánh Giá cách riêng. Tôi cũng thế. Nhìn về Thập Giá, Chúa Giê-su thật cô đơn với đau thương cùng cực chỉ một mình.
“Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con ?”.(Mc.15,34).
Ngồi một mình, nhìn về Thập Giá…
Ngày ấy, Chúa Giê-su giang rộng đôi tay đón nhận mọi người, nhưng nào có ai đâu. Thánh Giá chơi vơi lạc lỏng giữa rừng người rất quen thuộc nhưng giờ phút ấy lại trở nên rất xa lạ, lạnh lùng…
Trong đêm thâu vắng lặng, với ánh nến lung linh, Thập Giá trông thật cô quạnh… Trong không gian im ắng này, tôi mới nghe được tiếng nói sâu thằm trong lòng tôi…
Rồi có lúc nào đó, trong cuộc đời, ta lạc loài như một lữ khách đơn côi, ta có cần đi tìm vị ngọt cuộc đời bằng một cuộc trao đổi bù lắp khoảng trống không ? Để đổi lấy những cái vẫy tay chào, những vòng tay nồng ấm… bằng cái giá thương lượng hay van xin… như nhà thơ Rupert Brooke đã làm không ?
Những gì không chân thật có đem lại cho ta sự an bình trong lòng không ?
Thập Giá là Tình Yêu vượt qua đỉnh đau thương. Đau thương vì trái tim hẹp hòi của con người. Làm sao tôi vươn lên được Tình Yêu Thập Giá, khi những ngọn sóng tình đời vẫn ập đến lòng tôi…
Lạy Chúa, xin thương xót con…
_______________________
THỨ BẢY TUẦN THÁNH
ĐOÀN VIÊN
Tôi đứng trong mảnh vườn hoang bên dòng kênh nhỏ nối ra sông lớn Tiền Giang. Mảnh vườn hoang không có cây ăn trái, chỉ có mấy bụi tre già, hàng còng lớn, và nhiều cây mọc hoang…
Nhưng thích nhất là tiếng chim hót trong vườn. Cây cao bóng cả nên nhiều loài chim thích về đây tung tăng đua hót đùa nghịch.
Hạnh phúc làm sao phút giây trút sạch được những gánh lo âu nặng oằn vai vì bổn phận và trách nhiệm để vui hưởng hạnh phúc đơn sơ và bình dị ở mái tranh nghèo đầy ắp yêu thương và chân thật.
Tôi đã đi quá xa rồi tuổi thơ và năm tháng đã xóa nhòa nhiều hình bóng yêu thương ở quê nhà, nhưng dấu chân kỷ niệm vẫn còn đó, in sâu vào tim óc khó có thể phôi phai…
Mảnh vườn xưa như một mảnh lòng
Có giếng nước, cội mai và lùm cỏ…
Có những nắng, những mưa và những gió
Ấm lạnh buồn vui theo những tháng ngày…
(Hoa ổi – Hà Nguyên Dũng).
Tôi đang thả hồn bay về khung trời kỷ niệm ngày xưa… Ngày xưa … khi tôi còn mẹ…
Khi tôi đang ngắm cảnh quê nhà… chợt nghe tiếng động, tôi nhìn lại, mẹ tôi vừa cười vừa tiến lại phía tôi:
– Má đi đâu vậy? Trời ơi, ngoài này đường quanh co, hầm hố không, má đi té chết !
– Có sao đâu, má đi hoài. Ở chỗ này hồi xưa là cái hầm lớn lắm, mấy đứa nhỏ thổi cát lấp lại đó !
– Dạ, con biểu tụi nó làm đó má. Con sẽ về hưu cất nhà ở với má nhen !
– Ối, biết chừng nào!
– Vài năm nữa thôi mà, má!
– Thiệt hôn? Trễ quá biết má còn hông?
– Xời, má sống ít gì cũng 20 năm nữa đó. Ông ngoại gần 100 tuổi mà má !
– Ừa, con về nhà nhen! Thiệt nhen !
– Con hưu ở nhà với má mà, má tin đi… Lúc ấy con thành ông già, còn già hơn má nữa… Thấy má hổng có già lắm đó nhen !
Hai mẹ con cùng cười. Mẹ tôi cười lớn tiếng hơn cả tôi, thật là vui…
Giấc mơ không thành… ngày ấy không bao giờ đến …
___________________
Ðức Giêsu hiện ra với bà Ma-ri-a Mác-đa-la
(11) Bà Maria đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, (12) thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Ðức Giêsu, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. (13) Thiên thần hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc?” Bà thưa: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!” (14) Nói xong, bà quay lại và thấy Ðức Giêsu đứng đó, nhưng bà không biết là Ðức Giêsu. (15) Ðức Giêsu nói với bà: “Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?” Bà Maria tưởng là người làm vườn, liền nói: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về”. (16) Ðức Giêsu gọi bà: “Maria!” Bà quay lại và nói bằng tiếng Hípri: “Rápbuni!” (nghĩa là ‘lạy Thầy’). (17) Ðức Giêsu bảo: “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: ‘Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em’“. (18) Bà Maria Mácđala đi báo cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa”, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà. (Ga.20,11-18).
Thế là “Thầy – trò” đoàn viên.
“Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và yêu thương họ đến cùng” (Ga.13,1).
“Yêu thương họ đến cùng”, là gìn giữ họ đến cùng, là đem họ về chung hưởng vinh quang ở Vương Quốc Tình Yêu Vĩnh Hằng của Thiên Chúa.
“Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga.20,17).
___________________
Sau đêm Phục Sinh, những gia đình Công Giáo thường có tiệc vui. Tiệc vui mừng Đại Lễ.
Nhưng hạnh phúc nhất, đó là những “cuộc trở về”, những “cuộc đoàn viên” trong Đức Tin, Tình Thương và Chân Lý.
Như Tiệc Vui dành cho đứa con trai hoang đàng được người cha nhân từ vui mừng đón nhận. Niềm vui của bữa tiệc “ngày đoàn viên”càng trọn vẹn hơn khi hy vọng người anh cả chia sẻ niềm hạnh phúc với Cha mình qua việc cảm thông và tha thứ cho em mình.
Có một điều gì đó lớn hơn trong tôi, thanh thản và nhẹ nhàng…
Dù có thể, cuộc đời lập lại những gì không chờ đợi…
Lạy Chúa, xin thương xót chúng con…
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG