Linh mục tuyên úy Oleksandr Khalayim: Không thể giải thích được “mùi chiến tranh”
by Phanxicovn
Trong một cuộc phỏng vấn với Vatican Radio-Vatican News, linh mục Ukraine Oleksandr Khalayim, dòng Thừa sai Lòng Thương Xót nói về sự trợ giúp tinh thần ở tiền tuyến. Ngài thừa nhận: “Nếu chiến tranh ngừng, nếu có hòa bình, không phải chỉ là đình chiến, thì khi đó mới có thể nói đến chuyện tha thứ. Đó sẽ là một con đường dài của ba hoặc bốn thế hệ.”
vaticannews.va, Svitlana Dukhovych và Antonella Palermo, Vatican, 2022-04-26
Linh mục Ukraine Oleksandr Khalayim, đến từ giáo phận la-tinh Kamjanets-Podilskyj, là thành viên của Dòng Thừa Sai Lòng Thương Xót Khmelnytskyi.
Ngày thứ hai 25 tháng 4, linh mục tham dự buổi tiếp kiến với Đức Phanxicô tại Vatican. Đây cũng là dịp để cha nói về những gì đang xảy ra ở đất nước Ukraine, tính cấp thiết của đối thoại chính trị và sự gần gũi giữa con người với nhau. “Tha thứ” và “thương xót” là những từ khóa trong bối cảnh chiến tranh; một con đường dài nhưng cần thiết. Theo linh mục, đó là lời cám ơn dành cho những người, với rất nhiều tinh thần đoàn kết và quan tâm, đang cố gắng chữa lành vết thương của một cuộc xung đột chưa biết khi nào chấm dứt.
Là tuyên úy và là người Ukraine, xin cha cho biết, cha đã trải qua hai tháng chiến tranh như thế nào?
Linh mục Oleksandr Khalayim: Trong những ngày đầu cuộc xung đột, thật khó tin và chấp nhận ở thế kỷ 21 này chiến tranh vẫn tồn tại và đang diễn ra khốc liệt trên đất nước chúng tôi, cho dân tộc chúng tôi. Khi đó ngay lập tức tôi tự hỏi: tôi có thể làm gì? Tôi quyết định ở với đồng đội, với các binh lính, với các tình nguyện viên dân sự, những người chờ Lời Chúa và cần được giúp đỡ về mặt tinh thần. Bổn phận của người tuyên úy là lắng nghe, cử hành thánh lễ, ngồi tòa, can đảm và ở lại với họ. Họ biết họ đang chiến đấu vì điều gì: vì gia đình của họ. Họ sẵn sàng làm tất cả để tự vệ. Điều quan trọng là phải gần gũi với người già, những người đang sống sót sau những trận oanh tạc nặng nề, để không ai cảm thấy đơn độc.
Trong lần gặp thứ ba với các nhà truyền giáo Lòng Thương Xót, Đức Phanxicô xin họ là dấu chỉ cụ thể cho lòng thương xót Chúa. Lòng thương xót trong chiến tranh là gì, tha thứ là gì?
Trước khi tha thứ, cần có đối thoại. Sự tha thứ phải được chấp nhận. Tha thứ là một hành trình lâu dài. Theo tôi, rất khó để nói về tha thứ bây giờ, nếu bom tiếp tục rơi, nếu trẻ em vẫn còn bị giết, nếu các thành phố của chúng ta vẫn còn bị ném bom. Nếu chiến tranh dừng lại, nếu có hòa bình, và không chỉ là đình chiến, thì chúng ta mới có thể nói đến tha thứ, nhưng đó sẽ là một con đường dài của ba bốn thế hệ. Tha thứ cho những gì phụ nữ và trẻ em đã phải gánh chịu thực sự rất khó. Đúng vậy, tín hữu kitô giáo chúng ta phải nói về tha thứ, nhưng chúng ta không được khai thác từ này, vì tha thứ là một trách nhiệm. Thiên Chúa đã tha thứ không chỉ bằng lời, nhưng bằng cả trái tim. Chúng ta cần phải chữa trị lâu dài cho tâm hồn.
Cha có thể nói về lòng thương xót của Chúa với quân nhân không?
Vâng, tôi có thể. Lòng thương xót là xin binh lính không giết người, nếu có thể. Khi đang ở tiền tuyến, điều này không hề dễ dàng. Tôi nói với họ đây là để bảo vệ đất nước. Đây cũng là lòng thương xót: để bảo vệ nhà cửa và gia đình của họ. Có rất nhiều điều kỳ diệu mà những thanh niên này đã thấy trong hai tháng qua: chẳng hạn họ đã hỏi, làm thế nào họ có thể còn sống giữa quá nhiều tàn phá như vậy. Ở đây, lòng thương xót Chúa là sự hiện diện của Ngài với sự bảo vệ của Ngài.
Trong bóng tối chiến tranh, nhiều câu chuyện về tình đoàn kết, về sự đón nhận hiện diện và xoa dịu nỗi đau của biết bao vết thương.
Người dân Ukraine ngày nay cần gì?
Tôi nghĩ chưa bao giờ người dân Ukraine cần sự hiệp nhất, cần tình đoàn kết như bây giờ. Tôi cảm ơn người dân Ý và nhiều người khác về tất cả những gì họ làm. Chúng tôi cần đoàn kết, gần gũi nhưng cũng cần đi tìm sự thật. Kẻ thù che giấu bằng nói dối, bằng tuyên truyền. Sự thật kêu gào, chúng ta không được sợ hãi khi nói lên sự thật, ngay cả khi điều này đồng nghĩa với việc mất an ninh vật chất. Đằng sau một sự thật không nói nên lời, luôn có một người hy sinh sinh mạng sống của họ. Và nếu điều đó xảy ra, thì chúng ta trở thành người đồng chịu trách nhiệm về cái chết của người vô tội. Và sau đó là lời cầu nguyện. Chiến tranh luôn đi ngược lại nhân quyền. Tôi muốn cảm ơn quý vị vì quý vị hỗ trợ cho quân đội. Chúng tôi bảo vệ đất đai chúng tôi. Tự do không chỉ là một lời nói mà còn là một trách nhiệm. Và nhân danh tự do, chúng tôi phải sẵn sàng cống hiến, không chỉ một chút cuộc đời mà đôi khi là cả cuộc đời.
Cha nói đến “mùi” của chiến tranh…
Ngay từ những ngày đầu triều giáo hoàng Đức Phanxicô, ngài đã nói đến mùi chiên. Và bây giờ Giáo hội Ukraine có mùi này. Mùi khét, mùi chiến tranh. Một mùi không thể giải thích bằng lời. Cùng với một phó tế, chúng tôi đi qua vùng gần Donetsk và chúng tôi ngửi mùi chiến tranh. Không thể giải thích được mùi của cái chết. Ở Bucha, ở Gostomel, chúng ta có thể ngửi thấy mùi khét của lửa. Ở Chernihiv có mùi của bỏ rơi, mọi thứ đều bị phá hủy. Những người già nghèo khổ chỉ có một mình. Một người không thể di chuyển trong năm ngày, không ai có thể giúp họ. Bà chỉ có nước từ máy sưởi để uống. Vì vậy, bà đã sống sót. Mỗi thành phố có mùi đau khổ riêng. Không thể mô tả được. Ở đây, Giáo hội đượm mùi này và sẵn sàng giúp đỡ bằng nhiều cách khác nhau. Giáo hội đích thực là một Giáo hội “linh hoạt”.
Người dân Ukraine còn hy vọng đến mức nào?
Chúng tôi không biết con đường thánh giá này sẽ kéo dài bao lâu với Ukraine. Chúng tôi vẫn ở trong Mùa Chay dù chúng tôi đã hát “Chúa Kitô đã sống lại”. Tuy nhiên, chúng tôi tiếp tục hy vọng. Những gì chúng tôi làm, chúng tôi không làm vì không có gì khác để làm. Nhưng vì đó là nhiệm vụ. Con người tuy kiệt quệ, nhưng họ có niềm tin vào Chúa và vào những người xung quanh. Một người lính đến từ Crimea, cả gia đình đều theo chủ nghĩa vô thần, anh muốn nhận tất cả bí tích trước khi ra trận. Suốt một tuần, anh chuẩn bị tinh thần sốt sắng đến mức chúng tôi hiếm khi thấy ai có lòng biết ơn như vậy. Đối với anh, việc đến với các bí tích thực sự là một ơn. Tôi là nhân chứng. Hy vọng một ngày nào đó chúng ta có thể hát chúng ta đã sống lại với Ngài.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch