Ở Kazakhstan, Đức Phanxicô bảo vệ một “tinh thần thế tục” lành mạnh và có bài phát biểu rất chính trị
by Phanxicovn
cath.ch, I.Media, 2022-09-13
Hình ảnh buổi đón tiếp Đức Phanxicô tại dinh tổng thống Kassym-Jomart Tokaïev
Trong bài phát biểu trước các nhà chức trách Kazakhstan tập trung ở Phòng hòa nhạc Qazaq ngày thứ ba 13 tháng 9, Đức Phanxicô lên tiếng: “Tự do tôn giáo tạo nên cái nôi tốt nhất cho sự chung sống dân sư.” Trước tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokaïev, Đức Phanxicô ca ngợi một “tinh thần thế tục lành mạnh” của quốc gia Trung Á Kazakhstan, ngài công nhận vai trò quý giá và không thể thay thế của tôn giáo và phản đối chủ nghĩa cực đoan đang bào mòn tinh thần này.
Sau khi được nguyên thủ quốc gia Kazakhstan tiếp đón tại phủ tổng thống Ak Orda, Đức Phanxicô đến dự buổi hòa nhạc tại Phòng hòa nhạc Qazaq, nơi các đại diện chính trị, ngoại giao và tôn giáo của đất nước đang chờ ngài. Các quân nhân trong lễ phục đã trang nghiêm cất cao tiếng hát.
📹HIGHLIGHTS | On his first day in Kazakhstan, Pope Francis offered a speech to civil authorities and diplomats at the Qazaq Concert Hall. He is the second pope to visit the country after JPII's journey in the wake of the 9/11 terrorist attacks. #PopeInKazakhstan pic.twitter.com/iDce78fOrK
— EWTN News (@EWTNews) September 13, 2022
Ngài cám ơn chính quyền Kazakhstan đã mời ngài tham gia Đại hội các nhà lãnh đạo các tôn giáo truyền thống và thế giới, một hội nghị thượng đỉnh liên tôn giáo quy tụ khoảng 100 đại diện tôn giáo từ khắp nơi trên thế giới mà ngài mô tả là nơi để thúc đẩy “hòa hợp và hòa bình”.
Nêu lên hình ảnh của một Kazakhstan thế tục tôn trọng truyền thống, ngài nhấn mạnh chức năng thiêng liêng của họ là “đất nước của sự gặp gỡ” được sinh ra từ ký ức đau đớn của những trại tập trung, những goulag của thế kỷ 20, khi quyền lực Liên xô đã trục xuất người dân hàng loạt. Theo ngài, Kazakhstan là quốc gia có “hai tâm hồn, một châu Á và một châu Âu”, vì thế Kazakhstan là nơi có ưu thế để đối thoại giữa các tôn giáo, là “ngã tư quan trọng của các nút thắt địa chính trị”.
Trong một bài phát biểu rất chính trị, ngài khuyến khích những người nghe ngài, tiếp tục cải cách nội bộ bắt đầu sau cuộc bạo động vào tháng 1. Lời khuyên có giá trị vượt xa quốc gia Trung Á vĩ đại có 7.000 cây số biên giới chung với nước Nga. Ở đất nước có số người theo đạo công giáo rất ít ỏi (chưa đến 1% dân số), đã trải qua những đợt bạo lực đầu tiên vào tháng 1 từ ba mươi năm nay. Ít nhất có 225 người thiệt mạng trong vụ bạo động, 10.000 người khác bị bắt. Vào lúc đó, tổng thống Kassym-Jomart Tokaïev đã tố cáo “những tên cướp được nước ngoài gởi đến và những kẻ khủng bố quốc tế” đã có âm mưu đảo chính.
Một sự phân phối quyền lực tốt hơn là một “quá trình xứng đáng và đòi hỏi nhiều năng lực”, ngài nói thêm, cải cách này đòi hỏi phải thực hiện các biện pháp chống tham nhũng: “Mọi quốc gia trên thế giới đều cần, không phải chỉ một mình Kazakhstan.” Kazakhstan ở trong số 80 quốc gia tham nhũng nhất hành tinh, theo xếp hạng năm 2021 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế.
Ở đất nước mà mọi người đều bị theo dõi, Đức Phanxicô ca ngợi những đức tính “tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do phát biểu” để Kazakhstan là cái nôi tốt nhất cho sự chung sống dân sự.
Không nhắc đến các quốc gia láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc và Nga, giáo hoàng cho rằng Kazakhstan là “chiếc cầu giữa phương Đông và phương Tây” đã làm cho đất nước này đóng “vai trò cơ bản trong việc làm giảm xung đột”. Ngài trích dẫn cụ thể “cuộc chiến điên cuồng và bi thảm do cuộc xâm lược Ukraine” cũng như các cuộc đụng độ đang diễn ra khác trên khắp thế giới.
Ngài lấy làm tiếc tác động của những cuộc xung đột này trên các nước đang phát triển, Đức Phanxicô xin “khuếch đại tiếng kêu” của những người kêu gọi hòa bình, mời các nhà lãnh đạo cổ động các tổ chức đa phương cho “một tinh thần Helsinki mới”, ngài muốn nói đến hội nghị năm 1975. Đức Phanxicô nhấn mạnh, trên thực tế cam kết này là “công việc của mọi người” và vì thế cần thiết phải “đối thoại với mọi người”.
Chống lại vũ khí hạt nhân
Khi nói về nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine, Đức Phanxicô ca ngợi quyết định của Kazakhstan đã từ bỏ vũ khí hạt nhân. Sau khi giành được độc lập năm 1991, Kazakhstan đã tự nguyện tháo dỡ vũ khí hạt nhân trong kho vũ khí của mình, một tàn tích còn sót lại từ thời Liên Xô.
Cuối cùng, ngài ca ngợi cam kết của quốc gia Trung Á đối với các chính sách “năng lượng và môi trường” và giải quyết vấn đề năng lượng, trọng tâm của quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên này. Về điểm này, ngài tố cáo “sự bất công chung”, đã làm cho một số nước “thành con tin” của hệ thống kinh tế toàn cầu. Ngài kêu gọi nhà nước cũng như trong lãnh vực tư nhân không hạn chế phát triển kinh tế để chỉ thu lợi cho “một số ít”.
Trong một bài phát biểu mang ý nghĩa bảo vệ các quyền tự do cơ bản, Đức Phanxicô nhấn mạnh, việc bảo vệ các quyền này không nên giảm “thành các lời tuyên bố”. Theo ngài, một xã hội dân sự tự do đòi hỏi phải hỗ trợ người lao động và người trẻ, phải cung cấp “an toàn kinh tế” cho họ. Ngài nói: “Một nhà nước pháp quyền là “phản ứng hiệu quả nhất với chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa dân túy, những loại chủ nghĩa có thể đe dọa đến sự ổn định và hạnh phúc của các dân tộc”.
Sau đó Đức Phanxicô về tòa sứ thần, ngài sẽ ngủ hai đêm ở đây. Ngày mai, ngài sẽ tham dự Đại hội VII Lãnh đạo các Tôn giáo Truyền thống và Thế giới. Ở tuổi 85, đôi khi ngài đã có nét mệt mỏi, khó khăn khi đứng lên, ngồi xuống trên chiếc xe lăn của ngài.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch