Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

CN.XII.TN.A Hãy rao giảng Tin Mừng công khai | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XII THƯỜNG NIÊN A
(Yr 20,10-13; Rm 5,12-15; Mt 10,26-33)

****

HÃY RAO GIẢNG TIN MỪNG CÔNG KHAI

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con đừng sợ những người đó, vì không có gì che giấu mà không bị thố lộ; và không có gì kín nhiệm mà không hề hay biết. Ðiều Thầy nói với các con trong bóng tối, hãy nói nơi ánh sáng; và điều các con nghe rỉ tai, hãy rao giảng trên mái nhà.

“Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn: Các con hãy sợ Ðấng có thể ném cả xác lẫn hồn xuống địa ngục. Nào người ta không bán hai chim sẻ với một đồng tiền đó sao? Thế mà không con nào rơi xuống đất mà Cha các con không biết đến. Phần các con, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn đáng giá hơn chim sẻ bội phần.

“Vậy ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ tuyên xưng nó trước mặt Cha Thầy, là Ðấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ chối nó trước mặt Cha Thầy, là Ðấng ngự trên trời”.

______________

SUY NIỆM

HÃY RAO GIẢNG TIN MỪNG CÔNG KHAI

I. Công khai rao giảng Lời Chúa: Mệnh lệnh Truyền Giáo.

“Ðiều Thầy nói với các con trong bóng tối, hãy nói nơi ánh sáng; và điều các con nghe rỉ tai, hãy rao giảng trên mái nhà”. (Mt.10,26-33).

“Rao giảng Lời Chúa” là sứ mạng của mọi người tin vào Đức Ki-tô. “Mỗi người môn đệ  Đức Kitô đều có bổn phận góp phần vào việc truyền bá đức tin” (LG, 17).

Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong sứ điệp của mình rằng : Ngày nay vẫn còn rất nhiều người không nhận biết Chúa Giêsu Kitô. Thế nên, sứ mạng ad gentes vẫn còn hết sức cấp bách. Mọi thành viên của Hội Thánh được kêu gọi tham gia sứ mạng này, vì Hội Thánh tự bản chất là truyền giáo: Hội Thánh được sinh ra để “đi ra”…”(Trích Sứ điệp truyền giáo 2014).

Rao giảng Tin Mừng công khai còn là tiếng nói Hòa Bình và Công Lý. Tiếng nói Sự Thật và Tự Do. Tiếng nói Tình Yêu và Bác Ái…

Ai đứng về sự thật thì nghe tiếng tôi (Ga 18,37).

II. Thử thách từ nhiều phía.

Những thử thách trong việc Rao giảng Tin Mừng Công khai đến từ nhiều phía.

  1. Từ những thành phần tôn giáo cực đoan. Cụ thể như những tổ chức Hồi Giáo cực đoan.

Thí dụ một bản tin, và còn hơn thế nữa…

Khủng bố Hồi Giáo IS nổ sập đền thờ Hồi Giáo al-Nuri để kích động hận thù tôn giáo
(Đặng Tự Do. 6/22/2017)
Trong khi quân Iraq tiến vào khu vực Cổ Thành để hoàn thành giai đoạn sau cùng của chiến dịch giải phóng Mosul, chiều tối ngày thứ Tư 21 tháng Sáu, bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã cho nổ bom đánh sập tan tành đền thờ Hồi Giáo al-Nuri.

Ngay lập tức, Amaq, cơ quan thông tin của bọn khủng bố Hồi Giáo IS tuyên truyền rằng máy bay Mỹ và Iraq đã đánh sập ngôi đền thờ này. Đây là cố gắng cuối cùng của bọn khủng bố Hồi Giáo IS trước giờ chết nhằm kích động hận thù tôn giáo, đe doạ tương lai của nhân loại.

Trung tướng Stephen Townsend, tư lệnh quân đội Mỹ trong cuộc chiến chống bọn khủng bố Hồi Giáo IS ở Syria và Iraq, cho thông tấn xã CNN biết:

“Chuyện này xạo 1000%. Tôi mới ở Mosul chiều thứ Tư, rất gần ngôi đền thờ này, có thể nhìn thấy cả đền thờ Hồi giáo này và ngọn tháp nghiêng nổi tiếng của nó. Tôi không hề có chút cảm nhận nào đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy nó. Đây chỉ là một ví dụ nữa cho thấy bọn khủng bố Hồi Giáo IS là một bọn chất chứa đầy những tư tưởng độc ác, nhẫn tâm và vô thần. Không thể để chúng tồn tại trong thế giới này.”

Trong một tuyên bố được đưa ra vào sáng thứ Năm 22 tháng Sáu, thủ tướng Haider al-Abadi của Iraq khẳng định chính bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã đánh bom làm sập ngôi đền thờ này và đó là “tuyên bố thất trận chính thức của IS”.

Đền thờ Hồi Giáo này được xây dựng cách nay 800 năm và nổi tiếng với ngọn tháp nghiêng của nó. Gần 3 năm trước, tên trùm khủng bố Abu Bakr al-Baghdadi đã tuyên bố thành lập nhà nước Hồi Giáo tại ngôi đền thờ này.

Đây không phải là lần đầu bọn khủng bố Hồi Giáo IS phá hủy các nơi thờ tự và các di tích lịch sử.

Tháng 3 năm 2015, bọn khủng bố phá hủy hoàn toàn thành phố cổ Nimrud của các Kitô hữu Assyriô. Cả thành phố Khorsabad của người Assyriô cũng bị phá hủy sau đó.

Cũng vào đầu năm 2015, khủng bố Hồi Giáo cũng đập nát những bức tượng tại Bảo tàng viện Mosul và những hiện vật khác.

Trước đó, vào tháng Bảy năm 2014, lăng mộ của tiên tri Giôna tại Mosul cũng bị chúng phá hủy.

Đầu năm 2017 bọn khủng bố Hồi Giáo IS phá hủy các di tích lịch sử Rôma tại thành phố cổ Palmyra, bên Syria.

Thành phố Raqqa là tiêu biểu nhất cho sự tàn bạo của bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Chúng phá hủy tất cả các nhà thờ Kitô Giáo, trừ ra nhà thờ Các Thánh Tử Đạo của Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Armenia bị chúng sử dụng làm bộ chỉ huy cảnh sát Hồi Giáo. Các đền thờ Hồi Giáo Shiite cũng chung một số phận

  1. Những chế độ độc tài thường tìm cách hạn chế hoặc bóp nghẹt ảnh hưởng tôn giáo.

Thí dụ một bản tin, và còn hơn thế nữa…

Roma (Asia News 27-09-2016) – Dự luật về các hoạt động tôn giáo do chính quyền Trung quốc phổ biến hồi đầu tháng kiểm soát mọi khía cạnh của đời sống các cộng đoàn: các nhóm, nhân viên tôn giáo, các nơi thờ tự, các cơ sở, các tượng ảnh, yêu cầu không có những liên hệ với ngoại quốc cách độc lập, vv.

Chính quyền đã xin dân chúng góp ý kiến và các ý kiến và phê bình được gửi về hầu như đều tiêu cực. Dù vậy, một đảng viên cho biết là dự luật “trong thực tế là văn bản chính thức” và sẽ không có sửa đổi nào nữa. Dự luật tôn giáo mới bị xem là tự mâu thuẫn. Trong khi trên lý thuyết, hiến pháp viết là mọi công dân Trung quốc có quyền tự do tôn giáo thì trong thực tế, dự luật này là “một cách kìm hãm tự do tôn giáo.”

  1. Sự thoái hóa đạo đức của con người. Chủ nghĩa tục hóa. Cách sống hưởng thụ và nô lệ vật chất kim tiền. 

Có thể thấy rõ vấn đề này qua suy gẫm về “ĐTC. Bênêđictô 16 và Năm Đức Tin”

Năm Đức Tin bắt đầu từ ngày 1 tháng 10 năm 2012 – kỷ niệm 50 năm công đồng Vatican II và 25 năm xuất bản cuốn Giáo Lý Công Giáo – cho đến ngày 14 tháng 11 năm 2013, dịp lễ Chúa Kitô Vua. Trọng tâm là động viên Kitô hữu tái khám phá đức tin của mình để tìm lại “niềm vui và sự hăng hái tìm gặp Đức Kitô,” đồng thời đối diện với chủ nghĩa tục hoánhững thách đố khác đang làm khủng hoảng đức tin của nhiều Kitô hữu.

ĐTC Bênêdictô thực sự chất vấn và ưu tư về sự khập khểnh trong tương quan giữa Khoa Học Kỹ Thuật và Giá Trị Đạo Đức con người ngày nay khi Âu Châu loại bỏ Thiên Chúa ra ngoài hiến pháp và đời sống thường ngày của họ.

Đây cũng là lí do mà những xã hội khác (Phi Châu, Á Châu và các nước Hồi Giáo) đã lên án lối sống thác loạn và loại trừ tiêu chuẩn sống của Âu châu như một mẫu mực cho đời sống con người. (J. Ratzinger, Values in a Time of Upheaval, p. 138-139).

+ Việc chạy theo chủ nghĩa hiện đại nhằm lôi kéo thế gian và lôi kéo nhiều người trở về với giáo hội là việc làm của những kẻ đạo đức giả ngu dại, họ chỉ muốn hướng nhân loại đến với lửa hỏa ngục đời đời khi thay đổi Lời có sức cứu độ của Thiên Chúa chỉ để thỏa mãn cho những ham muốn trần tụcmà không đóng đinh chính bản thân mình như chính Chúa Kitô. (ĐGH Phanxicô).

  1. Sự e ngại dấn thân của những thành phần Dân Chúa, đặc biệt thiếu tinh thần nhiệt huyết của Tông Đồ.

Suy ngẫm về những tấm gương nhiệt thành rao giảng Lời Chúa.

Lời nói mạnh mẽ của Thánh Phaolô:

“Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giê-su, để sự sống của Đức Giê-su cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi. Thật vậy, tuy sống, chúng tôi hằng bị cái chết đe doạ vì Đức Giê-su, để sự sống của Đức Giê-su cũng được biểu lộ nơi thân xác phải chết của chúng tôi” (2 Cr 4,10-11).

Đức Tổng Giám Mục Óscar Romero bị bắn chết.

“Trước lệnh giết người do ai đó ban ra, luật pháp của Thiên Chúa theo đó ‘Ngươi chớ giết người!’ phải thắng thế. Không một người lính nào có nghĩa vụ phải tuân theo một lệnh lạc chống lại luật pháp của Thiên Chúa… nhân danh dân tộc đau khổ này, dân tộc mà tiếng kêu than của họ bay tới trời cao càng ngày càng thống thiết hơn, tôi van xin anh em, tôi khẩn cầu anh em, và tôi ra lệnh cho anh em nhân danh Thiên Chúa, ngưng ngay tức khắc sự đàn áp này”.

Một ngày sau diễn từ nẩy lửa này, hôm 24 tháng Ba, năm 1980, Đức Tổng Giám Mục Óscar Romero bị bắn chết.

III. Tiếng hô trong sa mạc

  1. Hãy bền tâm vững chí, dù chỉ là tiếng kêu trong sa mạc.

Từ những nhận định và phân tích trên, ta hiểu rất rõ việc Rao giảng Tin Mừng Công Khai luôn đối diện với những thứ thách. Từ bên ngoài, từ bên trong. Sự đón nhận Tin Mừng có khi rất lãnh đạm, thờ ơ, có khi chỉ là tiếng hô trong sa mạc. Tiếng hô lạc lỏng không phải chỉ ở trong sa mạc hoang vu, nhưng còn ở nơi đô hội, ở chốn đông người, là sa mạc lòng người,  những cõi lòng đã mất cảm thức về những giá trị đạo đức và chân lý hằng sống.

Nhìn thực trạng của thời đại ngày nay, để thắp lên Ánh Tin Mừng đến tận cùng trái đất, chúng ta không khỏi lo âu. Nhưng chúng ta vẫn hăng say Rao Giảng Tin Mừng bằng tất cả lòng nhiệt huyết của mình, còn kết quả là phần quyết định của Chúa. Chúng ta đã chẳng từng nói “Tận nhân lực, tri Thiên mệnh” đó sao? Gần gũi hơn nữa, ta có lời khẳng định của Phaolô: “Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên“. (1Cor.3,6).

  1. Phần thưởng cuối cùng.

“Vậy ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ tuyên xưng nó trước mặt Cha Thầy, là Ðấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ chối nó trước mặt Cha Thầy, là Ðấng ngự trên trời”. (Mt.10,26-33).

Tấm gương Thánh Phaolô trong việc Công Khai Rao Giảng Tin Mừng.

6 Vì phần tôi, tôi là tửu tế đã tiến, buổi ra đi đã đến gần. 7 Tôi đã chiến đấu trong cuộc chiến chính nghĩa; tôi đã chạy đến cùng đường; tôi đã kiên giữ lòng tin. 8 Kỳ dư, triều thiên công chính đã được dành sẵn cho tôi, và Chúa, Ðấng phán xét chí công, sẽ hoàn lại cho tôi trong Ngày ấy, không chỉ cho tôi mà thôi, nhưng còn cho hết mọi người đã đầy lòng mến yêu trông đợi cuộc Hiển linh của Ngài.(2Tim.4,6-8).

Và, còn biết bao người đã “rao giảng trên mái nhà”, can đảm rao giảng Tn Mừng công khai bằng lời nói và việc làm trong niềm Tin Yêu và Hy Vọng theo lệnh truyền của Thầy Giê-su.

“Ðiều Thầy nói với các con trong bóng tối, hãy nói nơi ánh sáng; và điều các con nghe rỉ tai, hãy rao giảng trên mái nhà”. (Mt.10,26-33).

Lạy Chúa,

Xin ban Thánh Thần,
để thêm sức mạnh cho con
Công khai Rao giảng Lời Chúa
Trong mọi hoàn cảnh cuộc đời.

Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng

 

Bài liên quan

Back to top button