Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Phút Suy Niệm 3 Ngày Xuân

PHÚT SUY NIỆM 3 NGÀY XUÂN  

 MÙNG MỘT TẾT  

                                                  

TÂM TÌNH TRI ÂN CẢM TẠ NGÀY ĐẦU NĂM

Thiên Chúa quan phòng

25 Vì thế Ta bảo các ngươi: chớ lo cho mạng sống mình: các ngươi ăn gì; hay về thân xác; các ngươi mặc gì. Há mạng sống không hơn của ăn, và thân xác không hơn áo mặc sao? 26 Hãy coi chim trời. Chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào lẫm, và Cha các ngươi, Ðấng ở trên trời nuôi nấng chúng! Các ngươi không hơn chúng sao? 27 Ai trong các ngươi chỉ lo mà có thể thêm cho đời mình một gang nữa? 28 Còn về áo mặc các ngươi lo làm gì? Hãy ngắm hoa huệ ngoài đồng xem chúng lớn lên thế nào? Không nhọc nhằn, cũng chẳng canh cửi! 29 Nhưng ta bảo các ngươi: Salômôn trong tất cả vinh quang đời ông cũng không ăn vận sánh tày một đóa hoa đó. 30 Nếu cỏ đồng nội, nay còn, mai sẽ quăng lò, mà Thiên Chúa còn mặc cho như thế, thì huống chi là các ngươi, hỡi quân yếu tin! 31 Vậy các ngươi chớ lo mà rằng: Ta sẽ ăn gì? Ta sẽ uống gì? Ta sẽ lấy gì mà mặc? 32 Các điều đó, dân các ngươi kiếm gì. Nhưng Cha các ngươi, Ðấng ở trên trời, biết rõ các ngươi cần đến các điều ấy. 33 Hãy tìm kiếm Nước trước đã, và sự công chính của Người, và các điều ấy sẽ được ban thêm cho các ngươi. 34 Vậy chớ lo đến ngày mai: Mai sẽ lo cho mai. Khổ ngày nào, đủ cho ngày ấy. (Mt.6,25-34)

________

SUY NIỆM

Tất cả là của Chúa

Thời gian không dừng lại, người ta tìm cách phân  chia thời gian để nhận rõ giới hạn của cuộc đời. Để đo lường “tuổi đời” mọi thứ xung quanh ta, trong đó có kiếp người trăm năm trong cõi người ta”(ND).

“Trăm năm” là giới hạn “cõi người ta” của một đời người, cũng như “một thời” là giới hạn của vạn vật.

1 Ở dưới bầu trời này,
mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời:
2 một thời để chào đời, một thời để lìa thế;
một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây;
3 một thời để giết chết, một thời để chữa lành;
một thời để phá đổ, một thời để xây dựng;
4 một thời để khóc lóc, một thời để vui cười;
một thời để than van, một thời để múa nhảy;
5 một thời để quăng đá, một thời để lượm đá;
một thời để ôm hôn, một thời để tránh hôn;
6 một thời để kiếm tìm, một thời để đánh mất;
một thời để giữ lại, một thời để vất đi;
7 một thời để xé rách, một thời để vá khâu;
một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng;
8 một thời để yêu thương, một thời để thù ghét;
một thời để gây chiến, một thời để làm hoà. (Gv.3,1-8).

Từ đó, ta nhận ra sự giới hạn của con người. Giới hạn ấy nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa.“Ai trong các ngươi chỉ lo mà có thể thêm cho đời mình một gang nữa?”(Mt.6,27).

Con người không ngừng cố gắng vươn lên, không phải vươn lên “bằng Thiên Chúa”, Thay thế Thiên Chúa, là thần linh như Thiên Chúa, ai cũng như ai, không còn lệ thuộc vào Thiên Chúa – như Satan hứa hẹn với Eva khi dụ dỗ hai nguyên tổ ăn trái cấm, “Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác.” (St.3,5) vươn lên để được thuộc về Thiên Chúa, để ở trong tình yêu của Thiên Chúa, để là con cái Chúa.

Không ngừng vươn lên để ngày một xứng đáng hơn với ơn huệ được là con cái Chúa, đó là sự biết ơn và là lời cảm tạ lớn lao và tốt đẹp nhất mà con người có thể thực hiện được để dâng lên Thiên Chúa trong thân phận yếu hèn của mình

Niềm tri ân cảm tạ

“Tri ân Cảm tạ” – Điều đó nói lên sự hiểu biết cần thiết nhất của con người là nhận ra “tất cả là hồng ân của Chúa”.

Nếu cỏ đồng nội, nay còn, mai sẽ quăng lò, mà Thiên Chúa còn mặc cho như thế, thì huống chi là các ngươi, hỡi quân yếu tin! (Mt.6,30).

Tình yêu Chúa triền miên và ngày nào chẳng là ngày ta phải dâng lên Chúa niềm tri ân cảm tạ. Nhưng Xuân đến, ngày đầu năm là phút dừng chân để cảm tạ và tri ân tình yêu Thiên Chúa một cách đặc biệt vì bao hồng ân Thiên Chúa dành cho chúng ta trong năm cũ đã qua và dâng lên Chúa tâm tình tin yêu phó thác vào Thiên Chúa trong năm mới. 

MÙNG HAI TẾT

TẤM LÒNG HIẾU THẢO

Tranh luận về truyền thống Biệt phái

1 Bấy giờ, có Biệt phái và ký lục từ Yêrusalem đến gặp Ðức Yêsu, mà rằng: 2 “Vì lẽ gì mà môn đồ Thầy phạm đến lệ truyền của tiền nhân? Quả thế, họ không rửa tay khi dùng bữa”. 3 Ðáp lại, Ngài nói với họ: “Còn các ông, vì lẽ gì các ông phạm đến lịnh truyền của Thiên Chúa nhân lệ truyền của các ông? 4 Vì chưng Thiên Chúa, thì đã phán: “Người hãy thảo kính cha mẹ” và: “Kẻ nào chúc dữ cha mẹ, thì phải chết tử hình”. 5 Còn các ông thì lại nói: “Kẻ nào nói được với cha hay mẹ: Của cúng! Mọi điều người trông nhờ vả nơi tôi”, 6 thì người ấy sẽ khỏi giữ hiếu đối với cha mẹ mình. Thế là các ông hủy bỏ lời Thiên Chúa nhân lệ truyền của các ông (Mt.15,1-6).

_____________

SUY NIỆM

Thờ cha mẹ từ tấm lòng.

Chúng ta biết việc “hiếu thảo với Cha Mẹ” rất được đề cao trong cuộc sống. Với người Việt Nam, đó còn là “Đạo Ông Bà”, không chỉ là bổn phận con người thông thường, mà còn có ý nghĩa sâu xa  tâm linh nữa. “Tu đâu cho bằng tu nhà. Thờ Cha kính Mẹ hơn là đi tu”. (Ca dao).

Tiền bạc tung ra là xong   

Nói chung chung, con cái bỏ rơi cha mẹ thì chắc hiếm thấy, trừ một vài trường hợp cá biệt của một ít người, chúng ta không nói đến ở đây, nhưng hiếu thảo với cha mẹ “cách nào” thì có lắm vấn đề.

Trường hợp ta gặp thông thường nhất, đó là “tung tiền ra là xong”. Lo cho cha mẹ già ăn uống, thuốc men đầy đủ, nhà cửa tiện nghi trong ngoài chu đáo… chỉ có “bầu khí” yêu thương, thì rất thiếu! Mà cái thiếu ấy lại “rất quan trọng” !

Tuổi già sống nhiều với kỷ niệm, từ tình yêu thuở ban đầu, cho đến những ngày gìn giữ con trong bụng mẹ, rồi tháng ngày  bồng bế con trên tay, chăm sóc con những ngày con thơ bé, vui mừng nhìn đàn con non nớt quây quần trong mái ấm gia đình… Khi những cánh chim non đã đủ lông đủ cánh bay vào khung trời mới, “tổ ấm” năm xưa trở thành cái tổ lạnh lùng hoang vắng buồn tẻ vô cùng đối với những người còn ở lại mà không ai khác là cha mẹ già nua.

Tuổi già cô đơn

Bạn suy ngẫm thêm về câu chuyện “Đi tìm sự ấm áp” này:

Đó là một buổi sáng lạnh buốt ở Denver. Thời tiết ở vùng này không thể nào đoán được. Chỉ mới ngày hôm qua, trời còn nắng ấm, hôm nay đã có bão tuyết ngập đường.

       Một ngày như thế này nên là một ngày nghĩ ngơi trong nhà. Nhưng đó lại không phải là ngày của tôi. Hôm đó, tôi có một buổi nói chuyện ở Trung tâm hội nghị Denver với khoảng 200 sinh viên.

       Và khi tìm chiếc micro không dây, tôi lại phát hiện ra nó đã hết pin. Không còn một sự lựa chọn nào khác, tôi đành mặc áo dựng cao cổ, quàng khăn và cắm cúi đi ra khỏi nhà.

       Ngay góc dãy phố thứ hai, tôi thấy một biển hiệu nhỏ cho biết rằng có một cửa hàng tạp hóa ngay gần đó.

       Trong cửa hàng cũng chỉ có hai người. Cô bán hàng là người da màu, đứng sau quày thu tiền, có chiếc thẻ gắn ở ngực áo, để tên Roberta. Nếu chỉ nhìn vẻ ngoài mà đánh giá thì trông cô gái cũng rất đơn giản.

       Người thứ hai là một ông cụ, dường như vào đây để tránh rét. Ông cụ loanh quanh giữa những giá hàng, có vẻ không vội vã gì.

            Nhưng tôi cũng không có nhiều thời gian để quan tâm đến một ông cụ rảnh rỗi. Tôi cần một cục pin, và có gần 200 sinh viên đang chờ tôi ở Trung tâm Hội nghị. Chúng tôi có nhiều việc phải làm và có mục đích.

            Ngay khi tôi định ra quầy tính tiền thì ông cụ đã ra đó trước tôi. Roberta mỉm cười. Ông cụ thì không nói lời nào. Roberta cầm từng món hàng mà ông cụ đã chọn để bấm mã số vào máy. Tôi tò mò nhìn theo. Hóa ra ông cụ đi giữa một buổi sáng lạnh lẽo đến tận đây chỉ để mua một cái bánh ngọt và một quả chuối! Thật là kỳ cục!

            Roberta đã tính ra tổng số tiền, còn ông cụ thì chậm chạp cho tay vào túi chiếc áo khoác cũ. “Nhanh lên nào” – tôi nghĩ – “Ông có thể rảnh rỗi cả ngày, nhưng tôi thì còn rất nhiều việc phải làm!”

            Ông cụ rút ra một tờ tiền nhàu nát và vài đồng xu, đặt lên quầy tính tiền. Roberta cười tươi, thu chỗ tiền lại như thể cô vừa nhận được một kho báu.

            Khi Roberta cho chiếc bánh và quả chuối vào túi nylon, một điều đáng nhớ đã xảy ra. Ông cụ vẫn không nói lời nào, chỉ chìa bàn tay về phía trước. Bàn tay già nua, gầy guộc và run rẩy.

            Roberta nhẹ nhàng lồng quai của chiếc túi nylon vào cổ tay ông cụ. Và cô cười tươi hơn. Không chỉ thế, cô bất chợt nắm lấy cả hai bàn tay ông cụ, nhanh chóng lấy chiếc khăn cô đang đặt trên lò sưởi để quấn vào tay ông cho ấm.

            Sau đó, Roberta quàng chiếc khăn lên cổ cho ông cụ, và cài thêm một khuy áo cho ông. Ông vẫn không nói lời nào, nhưng tôi tin rằng trong đôi mắt già nua đang có những tia sáng ấm áp. Có thể ông đang ghi nhớ lại khoảnh khắc này, ít nhất là đến ngày mai, khi ông quay lại đây mua hàng.

            Quàng xong khăn cho ông cụ, Roberta nhìn ông và trách:
Nào, cháu đã nhắc ông bao nhiêu lần, là phải mặc thật ấm khi ra đường? Cháu dặn ông phải cẩn thận cơ mà?! – Cô dừng một chút như để nhấn mạnh – Cháu muốn ngày mai vẫn nhìn thấy ông đến đây khỏe mạnh!  

            Ông cầm lấy chiếc túi và chậm chạp đi ra cửa.

            Lúc đó, tôi nhận ra rằng ông cụ đến đây không phải để tìm một chiếc bánh ngọt và một quả chuối. Ông đến để tìm sự ấm áp trong trái tim.

            Tôi hỏi Roberta:

            – Đó là họ hàng hay hàng xóm của cô phải không, Roberta?

            Roberta có vẻ phật ý khi tôi cho rằng cô chỉ đối xử như vậy với hàng xóm hoặc họ hàng. Đối với Roberta, rõ ràng, tất cả mọi người đều đặc biệt.

_____________

MÙNG BA TẾT

NIỀM VUI LÀM VIỆC

Ví dụ nén vàng

14 “Vì chưng cũng nhưng người kia trẩy đi xa, gọi tôi tớ lại mà ký thác của cải mình cho họ. 15 Người thì được ông trao cho năm nén vàng; người khác: hai; và người thứ ba: một nén; mỗi người tùy theo tài lực của mình. Ðoạn ông trẩy đi. Ngay đó 16 người lĩnh năm nén ra đi doanh lợi bằng vốn đó và gây lời được năm nén khác. 17 Cũng vậy, người có hai nén đã gây lời được hai nén khác. 18 Còn người lĩnh một nén, thì đi đào đất giấu bạc của chủ. 19 Ðằng đẵng mãi lâu sau, chủ các tôi tớ ấy đến mà tính sổ với họ. 20 Người đã lĩnh năm nén tiến lại nộp thêm năm nén khác, mà rằng: “Thưa ngài, ngài đã trao tôi năm nén; này tôi đã gây lời được năm nén khác đây!” 21 Chủ nói với người ấy: “Tốt lắm! Tôi tớ lương hảo và trung trực! Ít, mà ngươi đã trung trực thì ta sẽ đặt ngươi cai nhiều; hãy vào trong hoan lạc của chủ ngươi”. 22 Người đã lĩnh hai nén cũng tiến lại mà nói: “Thưa ngài, ngài đã trao tôi hai nén; này tôi đã gây lời được hai nén khác đây”. 23 Chủ nói với người ấy: “Tốt! tôi tớ lương hảo và trung trực! Ít, mà ngươi đã trung trực thì ta sẽ đặt ngươi cai nhiều; hãy vào trong hoan lạc của chủ ngươi”. 24 Cả người lĩnh một nén cũng tiến lại mà nói: “Thưa Ngài, tôi đã biết Ngài là một người hà khắc, không gieo mà gặt, không vãi mà thu; 25 nên tôi sợ và tôi đã giấu dưới đất nén vàng của ngài: Này đây, xin ngài nhìn lấy của ngài”. 26 Ðáp lại, chủ nói với nó: “Tôi tớ bất hảo và lười biếng! Ngươi đã biết ta không gieo mà gặt, không vãi mà thu? 27 Vậy thì phải đặt bạc của ta nơi ngân hàng và khi ta đến, ta thu hồi lại mà có lãi chứ! 28 Vậy hãy cất lấy nén vàng nó giữ mà ban cho người có mười nén. 29 Vì mọi kẻ có, thì sẽ được cho thêm mà nên dư dật; còn kẻ không có, thì điều có cũng bị giựt mất. 30 Còn tên đấy tớ vô dụng kia, thì hãy đuổi nó ra tối tăm bên ngoài: ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng!”. (Mt.25,14-30)

____________

SUY NIỆM

Phải làm việc

Làm việc vì bổn phận trách nhiệm đối với cuộc đời. Cống hiến cho đời những điều hữu ích.

Như những nhà khoa học, Y học, văn học, hội họa…  đã đóng góp biết bao sáng tạo của mình để giúp ích cho đời…

Ngoài ra, trong đời thường, mọi người đều làm việc và con người có trách nhiệm và bổn phận với nhau, có liên quan với nhau, cần nhau.

Người nông dân làm ra bát cơm, người thợ dệt làm nên tơ lụa, người thợ may làm nên y phục, người công nhân làm nên giầy dép… miếng cơm manh áo, vật dụng hằng ngày và bao tiện nghi đều đến từ những bàn tay lao công làm việc hết lòng để phụng sự xã hội, cuộc sống con người.

Nói chung, sống ở đời phải làm việc. Chính vì làm việc, mà ta mới tìm thấy niềm vui đích thực, cho ta sống một cuộc đời có ý nghĩa.

Ta suy ngẫm thêm “Nơi đây chính là Địa Ngục” như sau:

Người nọ sau khi chết đi, linh hồn đến một nơi nọ, vị thần giữ cửa nói với ông ta “Ngươi thích ăn uống phải không? Ở đây ngươi cứ tuỳ thích ăn uống. Ngươi thích ngủ phải không? Ở đây ngủ bao lâu cũng không có ai quấy rầy cả. Ngươi thích vui chơi phải không? Ở đây có đủ các trò giải trí để ngươi lựa chọn. Ngươi ghét làm việc, không thích bị trói buộc phải không? Ở đây bảo đảm không có việc gì cả, cũng chẳng có ai quản lí ngươi đâu”.

Người này rất là vui sướng. Ăn xong rồi ngủ, ngủ xong rồi chơi, chơi xong rồi ăn. Ba tháng trôi qua, ông ta dần dần cảm thấy vô vị, chán ngán. Thế là ông ta chạy tới gặp vị thần giữ cửa, ông ta thỉnh cầu: “Sống ở đây mấy ngày thì rất tuyệt, nhưng thời gian kéo dài thì chưa hẳn đã tốt gì. Vì chơi quá nhiều , tôi đã chẳng còn cảm thấy hứng thú gì cả; ăn quá no, khiến cơ thể tôi không ngừng béo phì; ngủ quá nhiều, đầu óc tôi trở nên trì độn. Ngài có thể giao cho tôi một công việc gì đó, sáng sớm đánh thức tôi dậy! ”   Nhưng vị thần giữ cửa nói: ” Xin lỗi, ở đây không có việc làm, cũng chẳng có ai đánh thức ngươi dậy sớm đâu”.

          Lại ba tháng nữa trôi qua, ông ta thật sự cảm thấy quá khó chịu, thế là ông ta lại chạy tới vị thần giữ cửa, khóc lóc kể lể: “Tôi thật sự không thể chịu đựng nổi nữa. Nếu ngài không giao cho tôi công việc gì thì thà cho tôi xuống địa ngục còn hơn “.

“Ngươi cho rằng ở đây là thiên đường ư? Nơi đây chính là địa ngục đấy! ” Vị thần giữ cửa nói,” Nó khiến ngươi không có lí tưởng, không có sáng tạo, không có tiền đồ, dần dần trở nên biến chất, hủ bại ; sự dày vò tâm hồn này khiến người ta còn khó chịu đựng hơn cả nỗi khổ xác thịt dầu sôi lửa bỏng, trên đe dưới búa!”.

Phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân

Một người dù ở cương vị nào, cũng phải là việc với cái “tâm” của mình. Người dạy học với cái “tâm nhà giáo”, người thầy thuốc với cái “tâm lương y”… Nhờ thế, người ta không làm việc chỉ vì lợi nhuận, từ đó sinh ra cạnh tranh một cách đen tối, không lành mạnh, hay  chỉ vì  nhắm tới ăn chơi thụ hưởng, mà lạnh lùng với đồng loại, hoặc bỏ rơi tha nhân.

“Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm: ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi” (Lc 12, 13-21).

“Có một nhà phú hộ kia vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người hành khất tên là Ladarô, nằm bên cổng nhà ông đó, mình đầy ghẻ chốc, ước được những mụn bánh từ bàn ăn rớt xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai thèm cho.(Lc.16,19-31). 

Tất cả mọi việc làm của ta trước tiên là để sáng danh Chúa.

“Vậy dù khi ăn, dù khi uống, hay làm bất cứ việc gì, anh chị em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1Cr 10,31).

Kế đến, để chia sẻ với mọi người, nhất là những người bất hạnh.

“Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”. (Mt.25,31-46).

Một mùa Xuân vui, một năm mới sống đầy ý nghĩa. Tất cả là hồng ân của Chúa.

Vì, Chúa là mùa Xuân. Chúa là nguồn vui.

Nguyện tiếng lòng tôi làm cho Người vui thoả,
đối với tôi, niềm vui là chính CHÚA.(Tv.104,34).

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

 

Bài liên quan

Check Also
Close
Back to top button