Vượt qua nỗi sợ hãi | Mai Nhật Thi | Nghệ Thuật Sống
Vượt qua nỗi sợ hãi.
Chiếc máy bay nhẹ nhàng cất cánh khỏi phi trường. Từ trên cao nhìn xuống chỉ thấy một màu xanh thẫm của biển trải dài đến vô tận. Bầu trời trong xanh, ánh nắng vàng óng tinh khôi khiến lòng người cảm thấy phơi phới. Thời tiết thật tuyệt vời để cho mọi người khởi đầu một chuyến đi tốt đẹp. Bất ngờ, Chease – cô con gái lên 10 tuổi của tôi – quay sang tôi thì thầm :
– Mẹ ơi, bác kia bị làm sao thế ? Bác ấy hình như sợ đi máy bay phải không mẹ ?
Tôi ngước nhìn người đàn ông ở hàng ghế bên kia theo hướng con gái chỉ, rồi thì thầm vào tai nó :
– Bác ấy không sao cả, con đừng làm phiền bác ấy nhé.
Chease ngoan ngoãn nghe lời tôi và ngồi yên trên ghế, nhưng chưa được một phút, cô bé lại ngọ nguậy và nhìn người đàn ông đang ngồi co rúm, mắt nhắm nghiền có vẻ rất khổ sở. Đó là một người đàn ông luống tuổi, tóc lốm đốm hoa râm, mặc bộ trang phục lịch sự. Nhìn cách bấu tay vào thành ghế và khuôn mặt nhăn nhó thì có thể hiểu rằng, ông không thích nghi với áp suất không khí ở trên cao. Tôi ái ngại cho ông, nhưng cũng không biết phải làm thế nào.
Ngay lúc đó, máy bay đột ngột giảm độ cao khiến tất cả các hành khách đều giật mình. Tôi vội quay sang Chease để giữ bé lại, nhưng Chease đã nhanh chóng tuột khỏi ghế và chạy đến bên người đàn ông, nhẹ nhàng nói :
– Bác ơi, không sao đâu. Bác đừng lo lắng nữa !
Người đàn ông vẫn trong trạng thái hoảng sợ, gương mặt xanh xao, mệt mỏi không thốt lên được câu nào.
– Để các cô tiếp viên giúp bác ấy, Chease à ! – Tôi ngoắc tay bảo bé trở về chỗ ngồi.
– Mẹ à, bác ấy đang sợ !
Chease nghiêm giọng, rồi vẫn đứng bên cạnh ông ta, vừa vỗ nhẹ vào tay ông vừa dịu dàng như nói chuyện với người thân của mình :
– Không có gì phải sợ đâu bác ạ ! Bác cứ mở mắt ra mà xem, không có gì đáng sợ đâu !
Những lời nói trẻ thơ của Chease dường như đã có tác dụng, người đàn ông từ từ mở mắt ra. Gương mặt ông tươi tỉnh lên đôi chút, rồi nở một nụ cười hiền lành.
Cô bé nhanh nhảu nói :
– Cháu tên là Chease, 10 tuổi.
– Còn bác tên là Dale. Hân hạnh được biết cháu.
Chease mỉm cười và tiếp tục ríu rít :
– Lần đầu đi máy bay, cháu sợ giống như bác vậy, nhưng bây giờ thì cháu không còn sợ nữa.
– Thật thế à ? Cháu làm sao để nỗi sợ biến mất vậy ?
– Cháu cứ tưởng tượng mình đang ở trên con tàu lênh đênh trên biển, nước nâng tàu lên, còn ở trên trời thì không khí nâng máy bay lên. Cháu xem mình là một thuyền trưởng đang điều khiển con tàu, thế là cháu không còn sợ gì cả !
– Trí tưởng tượng của cháu thật phong phú. Cháu đọc nhiều sách chứ ?
Chease mỉm cười :
– Cháu thích đọc lắm và thích viết nữa bác ạ !
– Cháu quả là một cô bé đặc biệt ! Cháu thường viết gì nào ?
– Cháu viết văn, vì cháu mơ ước được trở thành một nhà văn thật giỏi.
– Ồ ! Vậy thì cháu có thể viết những kinh nghiệm vượt qua nỗi sợ hãi khi đi máy bay như vừa nói với bác rồi gửi đến địa chỉ này không ? – Ông vừa nói vừa rút danh thiếp của mình đưa cho Chease.
Cô bé trò chuyện với ông thêm một lát nữa rồi trở về chỗ ngồi khi thấy ông đã quên hẳn nỗi sợ hãi. Khi máy bay hạ cánh, ông Dale nhìn Chease cười thân thiện :
– Bác thật may mắn vì được gặp cháu hôm nay. Bác không ngờ mình có thể dễ dàng vượt qua nỗi sợ đi máy bay như thế này. Tất cả nhờ cháu đấy !
Rồi người đàn ông quay sang tôi :
– Bà có thể cho tôi địa chỉ của gia đình được không ? Tôi muốn liên lạc với cháu trong một ngày gần đây.
… Một buổi sáng Chủ Nhật, tôi thật bất ngờ khi nhận được cuộc điện thoại của một nhà xuất bản. Họ thông báo rằng Chease được nhận một khoản tiền 10.000 đô la từ cuốn sách viết cho thiếu nhi mà cô bé đã góp phần trong việc khơi gợi ý tưởng cho tác giả. Tác giả cuốn sách ấy chính là nhà văn nổi tiếng Dale Cargenie. Hơn thế nữa, ông mời cô bé cộng tác viết bài dành cho thiếu nhi trong những cuốn sách tiếp theo của mình.
Có những cuộc gặp gỡ ngỡ như ngẫu nhiên, tình cờ nhưng lại có thể đem đến những cơ hội tuyệt vời cho cuộc sống của bạn. Biết đâu bạn cũng đã từng bỏ lỡ những cơ hội ấy bởi bạn không nhìn cuộc sống bằng một trái tim và tâm hồn rộng mở như cô bé Chease.
(Sưu tầm)
________________
Chút Suy Tư
+ 1. Mặt yếu và mặt mạnh của một con người.
Có lẽ những người có cơ hội nhiều với đèn sách, đặc biệt là học sinh, sinh viên trước 1975, phần lớn ai cũng biết cái tên rất quen thuộc Dale Cargenie – một nhà văn tên tuổi với những đầu sách mà nhiều người đã xem như cẩm nang sống. Thật vậy, ngay cả bây giờ, dù văn hóa đọc đang dần dần trở nên mờ nhạt, nhưng nhiều tựa sách của Dale Cargenie vẫn tiếp tục được tái bản và hấp dẫn nhiều thế hệ trẻ sau này, như Quẳng Gánh Lo Đi và vui sống, Đắc Nhân Tâm…
Thật khó tin câu chuyện Dale Cargenie sợ hãi khi đi máy bay và một em bé 10 tuổi đã trấn an và giúp ông vượt qua nỗi sợ hãi ấy.
Chúng ta không đi xa để phân tích vì sao Dale sợ hãi, tình trạng sức khỏe, tâm lý… Chúng ta chỉ suy nghĩ đơn giản ai cũng có mặt mạnh và mặt yếu. Chỉ với vài câu nói đơn sơ của một cô bé khôn ngoan, ông lại vượt qua sự sợ hãi, điều mà lẽ ra, ông phải dạy cho một đứa trẻ.
– Bác thật may mắn vì được gặp cháu hôm nay. Bác không ngờ mình có thể dễ dàng vượt qua nỗi sợ đi máy bay như thế này. Tất cả nhờ cháu đấy !(trích truyện).
+ 2. Sức mạnh tinh thần.
Cô bé Chease chỉ mới lên 10 tuổi, tất nhiên sức mạnh thể xác là bình thường, ở đây cô bé nổi bật là do “sức mạnh tinh thần”. Sức mạnh ấy không chỉ tiềm ẩn trong bản thân cô bé mà còn truyền cảm hứng sức sống đến cho người khác, ngay khi người khác hơn hẳn về tuổi tác và cả kinh nghiệm sống.
Có thể từ đó – từ câu chuyện hôm nay – mà nhiều ý tưởng sáng tạo táo bạo hình thành nhiều tác phẩm có giá trị vượt thời gian góp phần đem lại sự tiến bộ thăng hoa cho nhiều cuộc đời mỏi mòn hay mất phương hướng. Tác phẩm “Quẳng gánh lo đi và vui sống” là một thí dụ.
Một buổi sáng Chủ Nhật, tôi thật bất ngờ khi nhận được cuộc điện thoại của một nhà xuất bản. Họ thông báo rằng Chease được nhận một khoản tiền 10.000 đô la từ cuốn sách viết cho thiếu nhi mà cô bé đã góp phần trong việc khơi gợi ý tưởng cho tác giả. (trích truyện).
+ 3. Vượt qua nỗi sợ hãi.
Cô bé chẳng những “vượt qua nỗi sợ hãi” của bản thân mà còn muốn người khác cũng thế. Để đến giúp người khác còn phải có niềm tin vào con người nữa. Như con tàu lên xuống theo sóng nước, như máy bay lên xuống theo làn khí, con người đi qua dòng đời cũng phải tiếp nhận tình đời thăng trầm, vui buồn, trắng đen, thiện ác, vàng thau… lẫn lộn. Nếu ta sợ hãi lòng người, nếu ta chán nản tình đời, nếu ta vô cảm với cuộc sống quanh ta… Nói chung, ta sợ hãi “lòng người như lá úa”, “thói đời đen bạc”… thì làm sao ta “vượt qua nỗi sợ hãi” ở ngay bản thân của mình, để đến với tha nhân, cuộc sống quanh ta, bằng một trái tim và tâm hồn rộng mở được. Nếu ta khép kín trước cuộc đời, thì cuộc đời cũng khép kín lại với ta.
Lòng nhỏ mọn hẹp hòi, như cốc nước nhỏ, ta tom góp cho đầy, tưởng là rất nhiều vì đã đầy tràn, nhưng thật ra là có được bao nhiêu. Tâm hồn rộng mở bao la, ta thu vào có vẻ như không được bao nhiêu, nhưng thật ra là rất nhiều, vì bao nhiêu cũng không đầy. Vì tình yêu là vô bờ bến. Cho và nhận cũng vô bờ bến.
Có những cuộc gặp gỡ ngỡ như ngẫu nhiên, tình cờ nhưng lại có thể đem đến những cơ hội tuyệt vời cho cuộc sống của bạn. Biết đâu bạn cũng đã từng bỏ lỡ những cơ hội ấy bởi bạn không nhìn cuộc sống bằng một trái tim và tâm hồn rộng mở như cô bé Chease. (trích truyện).
MAI NHẬT THI