Lời ChúaPanô Chúa Nhật

Panô Chúa Nhật 21 Thường Niên C

NguoiAnGiang | Panô Chúa Nhật

CN-XXI-TN-CCHÚA NHẬT XXI MÙA THƯỜNG NIÊN
Lc 13, 22-30

22 Trên đường lên Giêrusalem, Đức Giêsu đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy. 23Có kẻ hỏi Người: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?” Người bảo họ: 24 “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.
25 “Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: “Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào!, thì ông sẽ bảo anh em: “Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến! 26 Bấy giờ anh em mới nói: “Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi. 27 Nhưng ông sẽ đáp lại: “Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!
28 “Bấy giờ anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Ápraham, Ixaác và Giacóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài. 29 Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa. 30 “Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót.”

09-Cn21Tn-4x3

HÃY VÀO QUA CỬA HẸP

Lm. Phêrô Lê văn Chính

“Những người sau hết sẽ nên trước hết và những người trước hết sẽ nên sau hết”. Đây quả là một nghịch lý khó chấp nhận, nhưng đây cũng là chân lý mà người ta không thể dễ dàng bỏ qua. Bình thường, chúng ta dễ chấp nhận những người đến trước phải được ưu tiên theo thứ tự. Ai lại chơi trò ngược đời, đến sau mà lại đòi lên trước những người khác. Ở đây, chúng ta bắt đầu tiếp cận một trật tự mới, trật tự của Nước Thiên Chúa mà Chúa Giêsu lần hồi giới thiệu nhân vì một người vô danh nào đó đặt ra câu hỏi trên đường Chúa Giêsu lên Giêrusalem. Vào thời đó, trong bối cảnh còn có nhiều bận tâm tôn giáo, câu hỏi khiến nhiều người đặt ra khá nghiêm chỉnh. Phải chăng là hết những người Israel sẽ được dự phần vào thế giới tương lai hay là nhiều người sẽ phải hư mất đời đời và chỉ có một số ít người được cứu độ?

Mường tượng câu hỏi này, có một thứ bệnh tâm lý nhiều người dễ dàng mắc phải đó là hoặc hình dung thế giới tương lai như là sự nối dài của thế giới hiện tại, nơi mà người ta vẫn còn dễ dàng theo chủ trương con quan cha chú. Con quan thì được làm quan, hưởng nhiều bổng lộc trên trước người khác; hoặc là người ta bi quan không dám trực diện vấn đề, chỉ trả lời chung chung mà không thấy thực hư ra sao.

Câu chuyện được viết khi Chúa Giêsu đang trên đường đi Giêrusalem càng làm cho chúng ta hiểu chủ ý của thánh sử Luca. Về phần mình, Chúa Giêsu rất rõ ràng dứt khoát, và người cũng muốn những ai đi theo người cũng  rõ ràng dứt khoát. Đã qua rồi cái thời mà người ta vẫn cứ bằng an, tự hào vì mình là con cháu Israel, được thừa hưởng nhiều phúc lành của Thiên Chúa, có đền thờ Giêrusalem với nhiều hy lễ nghi ngút khói hương : còn đền thờ tức là  còn sự hiện diện của Thiên Chúa, người ta chỉ cứ bằng an đến dâng của lễ theo luật định. Có điều Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp cho câu hỏi để người ta có thể dễ dàng an lòng một cách bệnh hoạn, người chỉ nhắc nhở cảnh tỉnh mọi người phải biết cố gắng, phải biết thay đổi đời sống cho phù hợp với những đòi hỏi rất nghiêm chỉnh. Hình ảnh người dùng là cửa hẹp : “Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp”. Nghịch lý là ở chỗ sự sống của thế giới mai sau thật là mênh mông vô tận, hạnh phúc tràn đầy nhưng những ai muốn đi vào phải chấp nhận đi qua cửa hẹp mà nhiều người không thể vào được. Nghịch lý là ở chỗ Thiên Chúa không ưu tiên cho những người vốn tự hào tin tưởng vào gốc gác thân quen hay địa vị của mình. Thiên Chúa là Đấng giàu có và hay thương xót, nhưng không hào phóng mở rộng cửa để mọi người có thể thênh thang đi vào, dùng những phương tiện trần thế như tiền của, thế lực, địa vị hay phương tiện giàu sang của mình. Thiên Chúa cũng không thiên tư ưu ái riêng cho một ai vì là người quen biết do địa vị  thân quen. Nhưng ngài lại cẩn thận để cái cửa thật bé nhỏ chỉ để cho những ai có thể trở nên đủ khiêm tốn để đi vào, dù người đó là ai bất luận. Cửa nước trời đó, mọi người đều được mời gọi đi vào không trừ ai, nhưng có nhiều người không vào được vì đã tự làm cho mình bị cồng kềnh, vướng bận so với cái cửa bé nhỏ của Nước Trời. Vấn đề còn khó hơn nữa khi thời gian càng lúc càng gấp rút, cửa  bị đóng lại cách dứt khoát và lúc bấy giờ, mọi lời năn nỉ hay giải thích biện bạch đều vô nghĩa. Lúc bấy giờ, trong đám đông chen chúc kêu la, ai đó  có cố gắng chen chân vùng vẫy cách mấy cũng sẽ là vô ích mà thôi.

Càng nghiêm khắc và quyết định hơn nữa là những lời đối đáp của chủ nhà với những người nghĩ mình quen biết, giờ đây họ cố gắng nhắc lại những  lần quen biết xưa kia cách tha thiết cũng đành vô vọng : “Xin mở cửa cho chúng tôi vì chúng tôi đã ăn uống cùng bàn với ngài, ngài đã giảng dạy ở công trường của chúng tôi”. Chủ nhà vẫn lạnh lùng trả lời: “Ta không biết các người từ đâu tới, hỡi những kẻ làm điều gian ác”.

Một sự đảo lộn mọi trật tự, mọi địa vị là điều chúng ta cần phải hình dung trong tầm nhìn của Tin mừng. Tin mừng là một thách đố hơn mọi thách đố có thể hình dung. Đang khi chúng ta bằng an với những tư duy rất chặt chẽ của biết bao nhiêu chuẩn mực đầy uy tín của chính mình hay của xã hội, ngay cả của những bậc thầy trong Giáo hội hay trong xã hội, Chúa Giêsu đã đưa đến chuẩn mực mới mẻ, đảo lộn, vượt mọi dự kiến của con người. Quả thật, không những người do thái thời Chúa Giêsu đã trở nên lạc hậu mà ngay cả mọi người ở bất cứ thời nào cũng dễ trở nên lạc hậu so với những gì mà Chúa Giêsu cảm nghiệm trên con đường người đi lên Giêrusalem. Chính người là người rao giảng Nước Thiên Chúa, cũng chính người là người thực hiện Nước Thiên Chúa và là hiện thân của Nước Thiên Chúa nhưng cũng phải đi vào qua cửa hẹp thì không thể có bất kỳ một nhân nhượng ưu ái nào cho ai. Người cảm nghiệm một cách chắc chắn con đường của cái chết trên thập giá là con đường duy nhất đạt tới vinh quang của sự sống đời đời, là cánh cửa hẹp mà người phải đi vào để mở con đường dẫn đưa đến sự sống cho mọi người. Nghịch lý hơn nữa là ở chỗ, người rao giảng Nước Thiên Chúa có chết đi thì khi đó Nước Thiên Chúa mới được thực hiện. Người rao giảng Nước Thiên Chúa xác tín nhất lại sẽ trở nên cho những người khác điều mà họ sẽ vấp phạm: “Hắn đã cứu được người khác mà không cứu nổi chính mình”. Viễn tượng của sự qui tụ muôn dân mà tiên tri Isaia đã hình dung được thực hiện một cách bất ngờ, đảo lộn: đó là những người từ khắp nơi sẽ đến núi thánh của Thiên Chúa là Giêrusalem giờ đây được hiện thực hóa một cách quyết định bởi Chúa Giêsu, người rao giảng và thực hiện Nước Thiên Chúa: “Người ta sẽ từ đông sang tây, từ bắc chí nam sẽ đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa. Phải có những người sau hết sẽ nên trước hết và những người trước hết sẽ nên sau hết”. Viễn tượng qui tụ mới này trong Nước Thiên Chúa không phải là con đường trải thảm đỏ để ai đó dễ dàng bước vào cách thênh thang mà là con đường dẫn vào qua cửa hẹp, con đường từ bỏ chính mình, chịu biến đổi để đi theo Chúa Giêsu. Con đường đi lên Giêrusalem mà Chúa Giêsu đã thực hiện hôm qua vẫn còn là con đường mà hôm nay mỗi người chúng ta được mời gọi bước đi một cách xác tín. Đó là con đường qua cửa hẹp nhưng dẫn đưa tới sự sống đời đời vô tận, khi mà chúng ta sẽ được hạnh phúc tuôn trào được kể vào số những người từ đông tây nam bắc vào dự tiệc trong Nước Thiên Chúa, khi mà chúng ta sẽ cảm nghiệm hạnh phúc của những người sau hết lại được kể là những người trước hết.

Bài liên quan

Back to top button