Panô Chúa Nhật 22 Thường Niên C
NguoiAnGiang | Panô Chúa Nhật
CHÚA NHẬT XXII MÙA THƯỜNG NIÊN:
Lc 14, 1. 7-14
1 Một ngày sabát kia, Đức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người.
7 Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này: 8 “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, 9và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: “Xin ông nhường chỗ cho vị này. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. 10 Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: “Xin mời ông bạn lên trên cho. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. 11Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”
12 Rồi Đức Giêsu nói với kẻ đã mời Người rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. 13 Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. 14 Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.”
NGƯỜI SAU HẾT SẼ NÊN TRƯỚC HẾT
Lm. Phêrô Lê văn Chính
Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp. Câu châm ngôn nói lên tâm lý bình thường của người Việt nam, thích được danh giá, khen tặng giữa nơi đông người. Xã hội Việt nam ngày xưa rất cô lập với lũy tre làng khi mà những chuyến du lịch xa hay những tin tức chưa đến được với quần chúng thì cái đình làng bé nhỏ của quê nhà là nơi mọi người thường gặp gỡ và cũng là nơi nhiều người muốn được danh giá và khen tặng.
Trong truyền thống minh triết của những người do thái, những bậc hiền triết đã biết huấn luyện cho mọi người có một tầm nhìn khác hơn và cập nhật hơn. Những đức tính khiêm nhường, hiền lành phục vụ phải là những đức tính mà họ phải khắc cốt ghi tâm, bởi vi đó là những đức tính được Thiên Chúa yêu mến và quí chuộng. Không phải khi làm lớn có địa vị cao là dịp để người ta nên kiêu căng tự phụ hống hách, mà đó là lúc họ càng phải biết khiêm nhường và hiền lành để phục vụ, bởi vì chỉ có Thiên Chúa là Đấng quyền năng cao cả, và Thiên Chúa yêu thương những người biết sống khiêm nhường hiền lành phục vụ: “càng làm lớn thì con càng phải hạ mình trong mọi sự và đó là điều đẹp lòng Chúa, bởi vì chỉ có Thiên Chúa mới thực sự là Đấng quyền năng cao cả”.
Câu chuyện của bài Tin mừng hôm nay liên hệ tới việc Chúa Giêsu nhận xét và đưa ra lời khuyên cho những người đồng bàn nhân việc người dự bữa ăn ở nhà của một thủ lãnh người biệt phái. Vào thời Chúa Giêsu, đối với những người do thái, nơi người ta thường gặp gỡ nhau vào những dịp ăn uống trong những bữa tiệc nơi các gia đình. Trong giới vị vọng lúc bấy giờ là những luật sĩ và những người biệt phái, nhiều người vốn có tâm lý thích chọn chỗ nhất trong đám tiệc để được mọi người khen tặng và kính trọng. Đây là một tâm lý bình thường và trở nên phổ biến. Nhận xét cách người ta thường lựa chọn chỗ ngồi trong các đám tiệc, Chúa Giêsu đưa ra một lời khuyên thực tế đầy khôn ngoan thận trọng cho họ : khi được mời dự tiệc, đừng vội chọn chỗ nhất trong đám tiệc, lỡ khi có người khác cao trọng hơn bạn cùng đi vào thì chủ nhà sẽ phải nói với bạn nhừơng chỗ cho người danh giá hơn; nhưng ngược lại hãy biết chọn chỗ thấp để chủ nhà sẽ đến mời bạn vào chỗ cao hơn, khi đó bạn sẽ được danh giá và kính trọng trước mặt mọi người. Mặt khác, Chúa Giêsu còn đưa ra một lời khuyên khác nữa dành cho những người tổ chức tiệc tùng. Họ hãy biết mời những người nghèo khổ túng thiếu là những người không có khả năng mời lại mình.
Nếu chỉ dừng lại ở những lời khuyên này, có lẽ những lời dạy của Chúa Giêsu cũng giống những lời dạy của một bậc thầy khôn ngoan dạy xử thế khác. Chúa Giêsu không chủ đích dừng lại ở những lời dạy của một bậc thầy dạy cách xử thế khôn ngoan trong trường đời. Vào thời kỳ này, những bậc thầy do thái cũng đưa ra những lời khuyên đầy khôn ngoan như thế trong việc chọn chỗ ngồi trong đám tiệc hay khi tổ chức các bữa ăn mời khách đến dự tiệc tại nhà mình. Viễn tượng của lời dạy của Chúa Giêsu mới mẻ hơn ở chỗ bắt đầu hướng đến sự đảo lộn mọi trật tự vào cuối thời gian khi mà chính Thiên Chúa sẽ can thiệp một cách quyết định. Lúc bấy giờ những người sau hết sẽ nên trước hết, những người trước hết sẽ nên sau hết và những ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, và những ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên. Chúa Giêsu bắt đầu mở rộng tầm nhìn của những người do thái để họ biết hướng đến viễn tượng quyết định cuối cùng của cuộc đời con người thay vì chỉ khư khư hạn hẹp trong góc nhìn thiển cận của mình. Ở trong đời sống xã hội, con người có những tương quan và đã ao ước được kính trọng giữa mọi người thế nào, thì họ hãy biết khôn ngoan để được đón tiếp và kính trọng trong bàn tiệc của Nước Thiên Chúa là vận mệnh quyết định của con người sau này. Trong bàn tiệc này, sự kính trọng sẽ không còn đặt trên địa vị sang hèn như trong xã hội con người nữa, mà sự kính trọng sẽ thuộc quyền quyết định của Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ quyết định dành sự kính trọng này cho những người đã biết tự hạ, sống khiêm nhường trong cuộc đời trần thế, họ sẽ được nâng cao; hay những người đã biết quảng đại mời những người nghèo khổ túng thiếu đến dùng bữa tại nhà mình, khi mà họ không có gì để trả lại, nhưng chính Thiên Chúa sẽ trả lại cho họ trong ngày người công chính sống lại. Những hành vi khiêm nhường phục vụ và quảng đại giúp đỡ những người nghèo khổ sẽ là điều kiện để được Thiên Chúa thưởng công khi mà Thiên Chúa là Đấng vô cùng giàu có và đại lượng sẽ trả công bội hậu cho họ.
Thời nào cũng thế, chúng ta dễ bị ám ảnh và chi phối bởi những cái nhìn hạn hẹp, người làm lớn quyền cao chức trọng dễ trở nên tự kiêu, người không có địa vị cao thì lại ao ước có địa vị và xem địa vị là lúc mình được ăn trên ngồi trước thiên hạ. Tâm lý hám danh cầu lợi làm cho tầm nhìn của chúng ta trở nên hạn hẹp và gò bó trong cái nhìn thiển cận hẹp hòi. Chúa Giêsu bắt đầu thúc đẩy chúng ta mở rộng tầm nhìn hướng đến những chân trời rộng lớn hơn và quyết định hơn, để rồi có cách hành xử thích hợp trong cuộc đời hiện tại, đừng để mình bị thúc đẩy và chi phối bởi những thói đời chật hẹp. Bởi vì như những lời giải thích trong bài đọc thứ hai của thư Do thái nhắc nhở, chúng ta đang tiếp cận với thực tại mới và quyết định là chúng ta đang tiến tới núi Sion, núi thánh của Thiên Chúa và là Giêrusalem thiên quốc và chung quanh chúng ta là muôn vàn thiên thần và các thánh là cộng đoàn các trưởng tử đã được ghi sổ trên trời, những linh hồn của những người công chính, và nhất là chúng ta đang đến cùng Thiên Chúa là Đấng phán xét mọi người, và đến cùng Đức Giêsu là trung gian của giao ước mới. Một hành trình và điểm đến quan trọng như thế khích lệ và soi sáng cho bước đi của mỗi người chúng ta là bước đi trong ánh sáng của những lời dạy của Chúa Giêsu để biết sống khiêm nhường và quảng đại với mọi người. Lời dạy của Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta về căn tính chân thật của mình với Thiên Chúa. Chúng ta là những người được Thiên Chúa mời gọi đến chung hưởng hạnh phúc vô tận của Thiên Chúa, và chính Thiên Chúa sẽ dẫn đưa chúng ta vào hạnh phúc chân thực này, nơi bàn tiệc quyết định là Nước Thiên Chúa khi mà Thiên Chúa sẽ thưởng công cho mọi người, khi mà Thiên Chúa sẽ trả lại cho chúng ta cách dư dật cho những gì mà chúng ta đã biết cho người khác cách quảng đại trong cuộc đời trần thế.