Lời ChúaPanô Chúa Nhật

Panô Chúa Nhật 27 Thường Niên C

NguoiAnGiang | Panô Chúa Nhật

cn-xxvii-cCHÚA NHẬT XXVII MÙA THƯỜNG NIÊN
Lc 17, 5-10

5 Các Tông Đồ thưa với Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con.”6 Chúa đáp: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: “Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc”, nó cũng sẽ vâng lời anh em.
7 “Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: “Mau vào ăn cơm đi”, 8 chứ không bảo: “Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau!? 9 Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao? 10 Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.”


Chúa nhật XXVII thường niên năm C

cn27tn-cTRẢI NGHIỆM CỤ THỂ ĐỨC TIN

Lm. Phêrô Lê Văn Chính

Chủ đề của Lời Chúa tuần này là về đức tin và khởi đầu với lời cầu xin của các tông đồ xin thầy gia tăng đức tin cho các ông: “Xin thầy ban thêm lòng tin cho chúng con”. Đáp lại lời cầu xin của các tông đồ, Chúa Giêsu đã nhắc nhở hãy thực hành sống đức tin sẽ thấy hiệu quả lớn lao: “Nếu các con có đức tin bằng hạt cải thì các con có thể khiến cho cây dâu bứng rễ đi và mọc dưới biển, nó sẽ nghe lời các con”. Người môn đệ là người đặt lòng tin vào Thiên Chúa, nhất là vào Chúa Giêsu, vào lời của người và bắt đầu khai triển khả năng tiềm tàng của đức tin qua đời sống trung tín phục vụ của mình. Tin luôn là một tương quan, một thái độ và hành động kiên nhẫn đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa là Đấng luôn muốn những điều tốt đẹp cho những người Thiên Chúa tuyển chọn dù hiện tại nhiều khi làm cho người ta có cảm tưởng như Thiên Chúa thinh lặng. Trong bài Tin mừng, Chúa Giêsu nhắc nhở người tin cũng là người tôi tớ, phải luôn biết trung tín phục vụ theo ý của chủ. Chính khi trung tín phục vụ cần mẫn theo ý của chủ mà đức tin của họ càng được vững vàng và gia tăng và đạt được những hiệu quả lớn lao.

Ngược dòng lịch sử trở về với dân Chúa trong Cựu ước. Sách tiên tri Habacúc trình bày vấn nạn gay gắt vào thời của ông. Tại sao Chúa lại để cho quân thù xâm lăng và dày xéo lên đất nước của dân Chúa. Tại sao con kêu lên Chúa mà Chúa không lắng nghe, để cho biết bao nhiêu cướp bóc, bất lương diễn ra trước mắt và để cho quân thù thắng thế. Vấn nạn nhiều lúc rất căng thẳng khi nêu lên những vấn đề mà vị tiên tri cảm thấy khó hiểu như tại sao Thiên Chúa là Đấng thánh thiện lại để cho những người ngoại xứ Canđê là những đứa gian ác hành hạ con dân của Chúa, trừng phạt ác nhân bằng những đứa ác hơn. Câu trả lời của Thiên Chúa là dù cho có nhiều điều bất công xảy ra, những kẻ gian ác có chiến thắng, nhưng rồi thì suy cho cùng mọi kẻ bất lương, ác nhân rồi sẽ bị trừng phạt tất cả, chỉ có những người công chính có đức tin sẽ sống nhờ trung tín. Qua nhiều đường lối xem ra nghịch lý, Thiên Chúa là Đấng toàn năng chuẩn bị cho chiến thắng quyết định sau cùng của người ngay thẳng và người công chính sẽ sống nhờ bởi sự trung tín và lòng tin.

Như thế, suy tư về đòi hỏi của lòng tin và sự trung tín không chỉ liên hệ với chính mình mà còn với Thiên Chúa là Đấng toàn năng làm chủ lịch sử và vận mệnh con người. Chúa Giêsu khẳng định lại với các tông đồ hiệu quả của lòng tin dù là bé nhỏ, vẫn có thể thực hiện những điều lớn lao kỳ diệu. Bất cứ ai có lòng tin thì đều có thể làm được điều bất khả như khiến cho cây dâu được bứng đi và được trồng dưới biển. Xem chừng như các môn đệ cảm thấy thúc bách phải xin Chúa Giêsu ban thêm cho họ đức tin vì dường như họ nghĩ rằng Chúa phải ban thêm lòng tin để họ trải nghiệm hiệu quả một cách cụ thể hơn. Chúa Giêsu như muốn nhắc nhở các ông hãy trải nghiệm đức tin vốn đã được ban cho các ông, dù bé nhỏ nhưng hiệu quả sẽ rất lớn lao. Vấn đề quan trọng là ở chỗ người ta chưa thực sự sống và khai triển đức tin mình vốn có. Đức tin là sống tương quan với Thiên Chúa, đặt tin tưởng vào Thiên Chúa cách cụ thể chứ không phải vào một điều gì đó và chờ đợi hiệu quả mà mình chưa thực sự bắt đầu cách cụ thể, hay nhiều khi hình dung hay chờ đợi Thiên Chúa thực hiện những điều lớn lao mà chính mình không bắt đầu bằng những việc phục vụ bé nhỏ. Để giải thích, Chúa Giêsu nhấn mạnh nhiều về thái độ của người tin nơi hình ảnh của người tôi tớ phục vụ chuyên cần. Người tin, giống như một người tôi tớ chuyên cần luôn sẵn sàng phục vụ tức là bắt đầu trải nghiệm cụ thể qua những công việc phục vụ của mình. Đối diện với nhiều vấn đề đặt ra, người tôi tớ này không được phép để cho mình bị chao đảo, nghi ngờ hay bi quan thất vọng mà vẫn luôn vững vàng trung tín phục vụ. Người tôi tớ là người có bổn phận phục vụ, dù là mới đi làm vất vả ngoài đồng trở về, anh vẫn phải phục vụ bàn ăn cho chủ cho đến khi chủ ăn uống xong. Tình tiết Chúa Giêsu nêu ra có vẻ thiếu gần gủi thân thiện giữa chủ và tớ, nhưng gần với những dụ ngôn khác mà Chúa Giêsu đã đưa ra như những người tôi tớ trung tín cần mẫn chu toàn công việc phục vụ khi chủ vắng nhà, hay tỉnh thức đợi chủ trở về muộn. Những người tôi tớ ở trong nhà chủ luôn phải sẵn sàng phục vụ tận tụy theo bổn phận của mình. Chúa Giêsu còn khẳng định hơn nữa khi xác định rõ chủ không hề mang ơn người đầy tớ khi người đầy tớ phải nghe theo lệnh chủ và tâm niệm của người đầy tớ phải luôn là phục vụ và nghĩ rằng đó chính là những công việc mà mình phải chu toàn như là những người tôi tớ bất xứng.

Sống đức tin là sống tương quan với Thiên Chúa, và cụ thể là sống tương quan tin tưởng phục vụ của người tôi tớ trung tín và cần mẫn phục vụ đối với Thiên Chúa là chủ cuộc đời của con người. Anh là người ở trong nhà của chủ, được tin tưởng và có trách nhiệm chứ không phải chỉ là một người làm công hết giờ. Chính lòng trung tín phục vụ làm cho anh vững vàng và sẽ thực sự trải nghiệm và gia tăng tương quan với chủ hơn. Như thế, đức tin được trải nghiệm cụ thể qua việc làm, không nhất thiết phải là những việc làm to lớn vĩ đại mà là những việc bé nhỏ hằng ngày khi chuyên cần phục vụ, khi có những chọn lựa can đảm và hy sinh theo sự thúc đẩy của Thánh Thần. Thánh Phaolô nhắc lại cho Timôthêô ân sủng mà ông đã lãnh nhận do bởi việc đặt tay. Chính Thiên Chúa, khi trao ban sứ vụ cho mỗi người, đã rộng rãi ban ơn Thánh Thần để làm cho họ có được ơn sức mạnh nâng đỡ để chu toàn công việc được trao phó. Ân sủng này là ơn sức mạnh, tình yêu và lòng tự chủ chứ không phải là sự hèn nhát, nhờ đó Timôthêô trở nên người làm chứng cho Chúa Giêsu như Phaolô vốn cũng là người chứng của Chúa Giêsu và Tin mừng.

Bài liên quan

Back to top button