Panô Chúa Nhật 29 Thường Niên C
NguoiAnGiang | Panô Chúa Nhật
CHÚA NHẬT XXIX MÙA THƯỜNG NIÊN
Lc 18, 1-8
1 Đức Giêsu kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí. 2 Người nói: “Trong thành kia, có một ông quan toà. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì. 3 Trong thành đó, cũng có một bà goá. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: “Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho. 4 Một thời gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: “Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, 5 nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc.”
6 Rồi Chúa nói: “Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó! 7 Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? 8Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”
Lm Phero Le Văn Chinh
Chúa nhật XXIX thường niên năm C
NHẪN NẠI CẦU NGUYỆN
Lm. Phêrô Lê Văn Chính
Những bài lời Chúa tuần này hướng chúng ta về việc cầu nguyện, thúc đẩy chúng ta càng phải gia tăng và kiên trì trong lời cầu nguyện nhiều hơn nữa, vì Thiên Chúa là Đấng giàu có và yêu thương, luôn sẵn sàng ban những ơn cần thiết khi chúng ta biết kiên nhẫn cầu xin với người. Trong bài đọc thứ nhất trích từ sách Xuất hành, Môisen là gương mẫu của người cầu nguyện. Ông vốn là người đạt đến tình trạng cầu nguyện kết hiệp thâm sâu với Chúa trong thân mật nên lời cầu nguyện của ông rất hiệu quả. Vào thời Xuất hành, quân Amaléc là một dân tộc thiện chiến, họ cố gắng để đánh phá dân Israel trong hành trình của Israel đi đến đất hứa. Họ muốn làm cho kế hoạch của Thiên Chúa dành cho Israel không thực hiện được. Môisen nhận thấy điều này, ông cảm thấy cần phải dùng sức mạnh quân đội để đánh trả lại quân Amaléc nên truyền cho Giôsuê chuẩn bị những chiến sĩ ra giao chiến với quân thù, phần ông thì lên núi cầu nguyện cùng với sự trợ giúp của hai ông Aaron và Hua. Hay nói cách khác, Môisen không phải là người thụ động hay hèn nhát, buông xuôi mà ông biết phải làm gì đứng trước tình hình khó khăn. Một mặt phải chiến đấu chống lại quân thù, mặt khác phải cầu nguyện để xin Chúa nâng đỡ cho cuộc chiến đấu của những chiến sĩ của dân tộc ông. Mỗi khi Môisen giơ tay lên cầu nguyện thì quân Israel thắng, và mỗi khi ông hạ tay xuống thì quân Amaléc thắng thế. Vì ông mỏi mệt, cho nên người ta phải kê tảng đá cho ông ngồi và hai ông Aaron và Hua phải đỡ hai bên tay ông cho đến chiều tối, và ông Giôsuê đánh đuổi quân thù cho tới chiều. Phẩm chất của lời cầu nguyện của Môisen vốn được biết đến xưa nay do bởi ông đã thực hành việc cầu nguyện thân mật và tin tưởng đạt tới mức kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa như một người bạn thân. Môisen tin tưởng lời cầu nguyện của mình đẹp lòng Chúa, vì thế khi phải đối diện với quân thù là lúc nguy tử, ông tin rằng chỉ có Thiên Chúa là Đấng ban sức mạnh cho quân đội của ông chiến đấu chống lại quân thù. Môisen là gương mẫu của người thực hành cầu nguyện.
Câu chuyện của Tin mừng theo Luca được đặt trong bối cảnh những lời Chúa Giêsu công bố về thời cánh chung. Người nhắc nhở các môn đệ phải kiên trì cầu nguyện luôn và kể câu chuyện người thẩm phán bất lương và người đàn bá goá trong thành. Người thẩm phán này khác thường ở chỗ ông là một thẩm phán bất lương, không biết kính sợ Thiên Chúa cũng chẳng kiêng nể ai. Phần bà góa trong câu chuyện lại là một người đàn bà kiên nhẫn một cách lạ thường, bà kiên trì chiến đấu cho đến khi quan tòa phải minh xử cho bà. Điều kiện của những người đàn bà trong xứ Do thái tùy thuộc vào người chồng của mình. Mất chồng thì cũng đồng nghĩa với mất đi sự trợ giúp bảo bọc và vì thế phải nghèo khổ túng thiếu, nhất là khi bà không có con lớn. Điểm nổi bật của bà góa trong câu chuyện là bà không buông xuôi thất vọng mà kiên trì để chạy đến cửa quan cho đến khi ông phải xử cho bà. Chúng ta cũng cần hình dung tình thế của những kitô hữu thời kỳ đầu. Các ngài phải đối diện với những cuộc bách hại của các anh em do thái giáo và của chính quyền rôma. Trong hoàn cảnh bị bách hại, điều an ủi và khích lệ các kitô hữu thời kỳ đầu đó là niềm hy vọng là Chúa Kitô sẽ trở lại gần kế. Nhưng rồi mọi sự không như ý muốn, với thời gian trôi qua, các ngài không thấy Chúa Kitô trở lại, các ngài ở trong một hoàn cảnh thực là căng thẳng và khủng hoảng đức tin. Các ngài sẽ phải chọn một thái độ nào? Tiếp tục hy vọng vào việc Chúa Kitô trở lại gần kề hay can đảm đối diện với những khó khăn hiện tại trong lòng tin đào sâu vào Thiên Chúa bằng lời cầu nguyện kiên trì. Chắc chắn Chúa sẽ đến, thái độ mạnh mẽ là không thất vọng nhưng phải cầu nguyện luôn, đồng thời người kitô hữu học cách thích ứng với những hoàn cảnh mới, họ di tản, đi đến những tỉnh khác của đế quốc rôma và tiếp tục rao giảng niềm tin vào Đức Giêsu cho những anh em đồng bào của mình và cho những người ngoại giáo khác.
Cầu nguyện là một trải nghiệm nhẫn nại kiên trì trong tin tưởng. Khó khăn người tín hữu thường gặp khi cầu nguyện là cảm tưởng như Thiên Chúa vắng mặt, Thiên Chúa xa cách không nghe lời cầu nguyện của mình. Câu chuyện Tin mừng nhắc nhở chúng ta gương kiên trì và nhẫn nại của bà goá trong câu chuyện. Xem ra bà có vẻ mờ nhạt, nhưng thực ra bà có một sức mạnh và ý chí phi thường. Bà không buông xuôi theo định mệnh mà chiến đấu mạnh mẽ cho đến khi đạt được mục đích. Người tín hữu khi cầu nguyện cũng thế, họ nhẫn nại và mở lòng để mình được Thiên Chúa lần hồi chuẩn bị để càng lúc càng trở nên xứng đáng hơn. Cầu nguyện không phải chỉ là đến với Chúa để xin một điều gì đó nhằm thoả mãn nhu cầu tức thời, hay cầu nguyện không phải là chuyện mua bán trao đổi, mà cầu nguyện là bắt đầu một đời sống tương quan thân mật, trao đổi của tình yêu với Thiên Chúa cách thân mật và bền chặt hơn. Thiên Chúa là tình yêu, người muốn chuẩn bị những ai đến với người nhiều hơn để cảm nghiệm tình yêu của Thiên Chúa hơn nữa, càng lúc càng đi vào trong tình yêu và hiểu biết Thiên Chúa như Môisen, hay như chính Chúa Giêsu, người đã cầu nguyện và sống tương quan sâu xa thân mật với Chúa Cha. Thánh Phaolô cũng là gương mẫu cho người tín hữu trong đời sống cầu nguyện. Người nhắc nhở Timôthêu, người môn đệ hãy luôn trung tín trong việc học hỏi Sách Thánh. Khi cầu nguyện cũng là lúc người tín hữu suy niệm Sách Thánh. Đây là việc học hỏi mà người tín hữu cần làm quen bởi vì đó là những Lời Thiên Chúa nói với con người để khuyên bảo, sửa dạy nhắc nhở chúng ta như lời nhắc nhở của thánh Phaolô. Mỗi ngày dành thời gian để suy niệm và học hỏi Thánh Kinh chắc chắn sẽ làm người tín hữu có đời sống cầu nguyện sâu sắc và thân mật với Thiên Chúa.