Chưa được phân loại

Tiến cử công tâm | Mai Nhật Thi | Nghệ Thuật Sống

TIẾN CỬ CÔNG TÂM

Năm 1138, vua Lý Thần Tông băng hà. Thái tử là Thiên Tộ nối ngôi, ấy là vua Anh Tông mới có 3 tuổi.

Bà Lê Thái Hậu nhiếp chính, tư thông với Đỗ Anh Vũ.

Đỗ Anh Vũ chỉ có tiếng hát hay mà được Thái Hậu sủng ái. Y Viên không dám làm việc cướp ngôi vì lúc ấy trong Triều còn có những tài giỏi, trung lương.

Ở mạn Thái Nguyên có tên Thân Lợi khởi binh làm phản, tự xưng mình là con riêng của Nhân Tông, đem binh về vây phủ Phú Lương. Tô Hiến Thành đuổi đánh, Thân Lợi chạy lên Lạnh Sơn thì bị bắt giải về kinh trị tội.

Tô Hiến Thành chấn chỉnh võ bị, lựa chọn những người biết thao lược, dựa vào các cấp bực chỉ huy.

Binh lực Đại Việt lại hùng cường, đánh tan các mường Ngưu Hống ở lưu vực sông Đà, đuổi giặc Lào và giặc Chiêm Thành, giữ yên bờ cõi.

Năm 1175, vua Anh Tông phong Tô Hiến Thành làm Thái Phó, ban cho vương tước và gởi con thơ ấu là Long Cán mới có 3 tuổi cho Tô Hiến Thành phù trì.

Năm sau Anh Tông băng hà. Bà Chiêu Linh Thái Hậu muốn lập con mình là Long Xưởng lên làm vua, sai người đem vàng bạc đút lót cho bà vợ Tô Hiến Thành. Mặc dù có phu nhân ở trong nhà nói ra, nói vào nhưng Tô Hiến Thành nhất định không nghe, không tham vàng phụ nghĩa, cứ phù lập Long Càng lên làm vua. Ấy là vua Cao Tông.

Sự sáng suốt của vua Anh Tông là biết lựa đúng người trung nghĩa mà gởi gắm con thơ.

Năm Kỷ Hợi (1179) Tô Hiến Thành bệnh nặng. Lúc bấy giờ có quan Tham tri Chính trị là Vũ Tán Đường ngày đêm săn sóc thuốc thang.

Bà Đỗ Thái Hậu (mẹ đẻ ra vua Cao tông) ngự đến thăm, hỏi rằng :

– Nếu một mai tướng phụ qua đời thì việc nước nên ủy thác cho ai ?

Tô Hiến Thành đáp rằng :

– Thần xin tiến cử quan giám nghị Trần Trung Tá.

Đỗ Thái Hậu nói :

– Sao không tiến cử Vũ Tán Đường ?

Tô Hiến Thành đáp :

– Nếu Thái Hậu hỏi người hầu hạ thì thần cử Vũ Tán Đường. Nếu hỏi người giúp nước thì thần cử Trần Trung Tá.

*****

Mặc dù đã có lời tiến cử minh bạch và khẩn thiết như thế, nhưng khi ông mất rồi, Triều đình vẫn không chịu nghe theo lời ông, nên cử Đỗ Yên Gi làm phụ chính, Lý Kính Tu làm Đế sư. Triều đình lúc bấy giờ còn có những người tài giỏi nên bà Chiêu Linh Thái Hậu không dám mưu việc thế lập.

Tô Hiến Thành là cột trụ của hai triều Anh Tông và Cao Tông. Người đời thường ví ông vơi Gia Cát Lượng Thừa tướng nhà Thục Hán thời Tam Quốc.

Đến khi vua Cao Tông lớn lên, nhà vua chỉ nghĩ đến việc săn bắn, vui chơi như phụ hoàng Anh Tông ngày trước. Nhưng Anh Tông có chỗ dựa, còn Cao Tông thì dựa vào ai ?

Biên thùy phương Bắc thì các sắc dân Thổ, Hán từ bên Tàu tràn qua cướp phá khốc hại.

Biên thùy phương Nam thì giặc Chiêm Thành nổi lên đánh phá dữ dội. Dân chúng khổ sở điêu linh.

Vua Cao Tông cứ một mực rong chơi, lại con xây đắp cung điện nguy nga làm hao tổn của nước. Nạn hối lộ lưu diễn gần như công khai.

Tô Hiến Thành mất rồi, còn ai đủ uy tín tinh thần mà răn dạy, khuyên bảo, can gián nhà vua nữa ?

Kỷ cương ngày một hao mòn.
Cuộc đời chìm nổi, ai còn hiện trung ?

(Theo Lâm Giang – Nguyễn Quang Trứ. “Những cái khôn của người xưa” NXB Thanh Niên,1999).

__________

Chút Suy Tư

TIẾN CỬ CÔNG TÂM : ĐÚNG NGƯỜI ĐÚNG VIỆC

+ 1. Tiến cử Công Tâm

Việc chung có nhiều thứ. Đoàn thể, làng xóm, quê hương, đất nước, băng đảng, lý tưởng, tôn giáo, nhân loại…

Muốn lo việc chung thì phải biết vì công ích. Muốn hết lòng vì công ích thì phải có công tâm. Muốn có công tâm thì phải hy sinh tình riêng, cái riêng tư, chuyện cá nhân. Nếu có dính líu chuyện người thân, thì lợi ích chung là trên hết.

Công Tâm chân chính là nhìn về ích lợi cho số đông, cho đại sự. Lợi ích cho phe đảng mà thiệt hại bao người, thiệt hại Đất Nước, thì đó là tầm nhìn hẹp hòi, ngụy biện… là một thứ cá nhân núp ẩn trong cái gọi là tập thể hẹp hòi. Lấy việc công mà phục vụ việc riêng, lấy công ích mà phục vụ tư lợi, là thứ tham ô, trộm cắp ! Cha ông ngày xưa đã lên tiếng về vấn đề này một cách rất chính xác và tinh tế : “Con ơi nhớ lấy câu này. Cướp đêm là giặc cướp ngày là quan”.

Công Tâm đối nghịch với “cá nhân” theo nghĩa “con ông cháu cha thì rất rõ ràng”. Ai cũng biết “Con ông cháu cha” không chỉ là chuyện dòng tộc huyết thống mà còn là chuyện vây cánh, phe ta, che chắn, ăn chia, đường dây, vòi bạch tuộc…

Để giữ Công Tâm không dễ dàng gì. Ngoài bản thân bị cám dỗ, nó còn có cả một hệ thống tình cảm áp lực ngay ở bên cạnh ta, ngay ở những người thân cận ta, ngay ở những người thân yêu của ta.

Bà Chiêu Linh Thái Hậu muốn lập con mình là Long Xưởng lên làm vua, sai người đem vàng bạc đút lót cho bà vợ Tô Hiến Thành. Mặc dù có phu nhân ở trong nhà nói ra, nói vào nhưng Tô Hiến Thành nhất định không nghe, không tham vàng phụ nghĩa, cứ phù lập Long Càng lên làm vua. (Trích truyện).

+ 2. Đúng người đúng việc

Một người lính bắn giỏi, gan dạ, anh hùng ở chiến trường vào thời chiến thật đáng vinh danh, nhưng không phải nhờ chiến tích đó mà anh ta chắc chắn sẽ là một người giỏi trong cấp lãnh đạo vào thời bình được, vì rằng Thời Chiến thì khác, Thời Bình thì khác.

Một người có tài diễn thuyết hấp dẫn đem lại nhiều hiểu biết cho nhiều người thành đạt trong cuộc sống nhưng bản thân anh ta chưa hẳn đã thành công trong trường đời, vì rằng Nói thì khác mà Làm thì khác !

Một tỷ phú bậc nhất nhì thế giới chưa từng nếm mùi thất bại trong kinh doanh nhưng khi bước vào chính trị anh không tồn tại được, vì rằng Thương Trường thì khác, Chính Trường thì khác.

Một nhà văn nổi tiếng viết đủ loại sách tâm lý bạn trai tâm lý bạn gái đầy thuyết phục nhưng không giữ được người vợ yêu quý trong gia đình, vì rằng Thư Trường thì khác mà Tình Trường thì khác…

+ 3. Người tiến cử – kẻ được tiến cử

Việc Tiến Cử nếu hiểu theo nghĩa rộng có nhiều hình thức lắm. Có thể thấy qua những cuộc thi, những cách “lăng xê” (lancer), những hình thức quảng cáo…

Người Tiến Cử – như có thể thấy nhan nhản ngày nay – phần lớn chẳng có mấy thực tài, họ tiến lên có khi thành danh chủ yếu nhờ khéo tự quảng cáo, tự lăng xê…  Họ chẳng cho ra đời “tác phẩm” nào vượt thời gian. Phần lớn là những Trò Hề nhảm nhí, những giọng ca “độc lạ” trái mùa, có khi cũng ồn ào nổi tiếng nhưng nó chỉ tồn tại nhất thời, có lóe sáng đó nhưng chỉ như ánh chớp lóe sáng lên rồi vụt tắt, qua đi biền biệt có còn mấy ai nhớ đến. Gần nửa thế kỷ qua, những gì có giá trị khi nói về con người và tác phẩm thì đếm được trên đầu ngón tay…

Tô Hiến Thành mất rồi, còn ai đủ uy tín tinh thần mà răn dạy, khuyên bảo, can gián nhà vua nữa ? (trích truyện)

Những người tự nhận là tài năng nhờ tự vẽ chân dung của mình… là thứ trống rỗng, mà lại là người Tiến Cữ thì… còn có giá trị gì ! Chẳng phải là Trò Hề sao ?

Đó là chưa nói đến cảnh “hằm bà lằng xắn cấu”, trộn lộn… lộn tiệm … Tên Hề chấm điểm Ca sĩ… Ca Sĩ chấm điểm Sắc Đẹp… Ôi ! Nực cười cảnh bát nháo làm sao !

Chỉ nói đến lãnh vực nghệ thuật thôi, sự sai lầm trong việc “người tiến cử – kẻ được tiến cử” đã tàn phế đến cỡ đó, nếu suy nghĩ đến lãnh vực lớn hơn như Chính Trị, Tôn Giáo, Giáo Dục… còn thương tích đến cỡ nào !

Chua xót thay … “Hữu xạ tự nhiên hương” ! Những giá trị chân chính hao mòn theo ngày tháng !

Cổ nhân đã từng nói  “Hữu xạ tự nhiên hương, hà tất đương phong lập”, nghĩa là khi có mùi hương thì tự nó thơm, không cần phải ra đứng ở đầu ngọn gió.

(Hữu xạ tự nhiên hương 有麝自然香 (Yǒu shè zìrán xiāng) là câu thành ngữ tiếng Trung có thể hiểu theo nghĩa đen là chỉ cần có chất xạ thì tự nhiên sẽ tỏa ra hương thơm.)

Vậy, những người Được Tiến Cử thực chất như thế nào ?

Vua chèo còn chẳng ra gì, Quan chèo vai nhọ khác chi thằng hề” (Nguyễn Khuyến)

Để kết :

Thật là thâm thúy câu trả lời của Tô Hiến Thành khi Tiến Cử người.

– Nếu Thái Hậu hỏi người hầu hạ thì thần cử Vũ Tán Đường. Nếu hỏi người giúp nước thì thần cử Trần Trung Tá.

Được như Tô Hiến Thành : Tiến cử công tâm. Đúng người đúng việc

Mong lắm thay !

MAI NHẬT THI

________________

BÀI ĐỌC THÊM

TÔ HIẾN THÀNH

Sách Giai thoại Lịch sử Việt Nam chép rằng tháng 7/1175, vua Lý Anh Tông mất. Vua có hai con trai là Long Xưởng và Long Cán. Trước đó một năm, con trưởng Long Xưởng ăn ở vô đạo, đã bị truất ngôi thái tử. Long Cán được vua cha cho thay giữ ngôi vị này.

Mẹ của Long Xưởng là Chiêu Linh buộc phải vâng lệnh, nhưng trong lòng ấm ức, muốn con mình được làm thái tử. Đến khi Lý Anh Tông trở bệnh nguy kịch, bà tìm cách thuyết phục nhà vua một lần nữa. Một cuộc đối đáp rất đáng ghi nhớ đã diễn ra giữa vua Anh Tông, quan quyền nhiếp chính Tô Hiến Thành và bà Chiêu Linh.

Tô Hiến Thành từ chối mâm vàng hối lộ (Tranh minh họa)

Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Trước đó, khi vua ốm nặng, hoàng hậu họ Đỗ lại xin lập Long Xưởng. Vua nói: Làm con bất hiếu thì trị dân làm sao được? Ít lâu sau, nhà vua băng hà, để lại di chiếu cho Long Trát lên ngôi và giao cho Tô Hiến Thành phò tá ấu chúa”.

Bấy giờ, Đỗ Thái hậu muốn phế Long Trát để lập con trai lên làm vua, bèn đem vàng bạc đút cho vợ của Tô Hiến Thành. Tô Hiến Thành biết được, đã nói rằng: “Ta là đại thần nhận mệnh của tiên tổ để lo giúp đỡ vua còn bé, nay lại lấy của đút mà làm chuyện phế lập thì còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế ở dưới suối vàng”.

Thái hậu lại gọi Tô Hiến Thành đến thuyết phục nhưng ông vẫn một mực nói “làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, kẻ trung thần nghĩa sĩ đâu có chịu làm, huống chi lời của tiên đế còn ở bên tai, điện hạ lại không nghe việc của Y Doãn, Hoắc Quan hay sao? Thần không dám vâng lệnh”.

Âm mưu phế lập của thái hậu không thành, bà ta vẫn chưa chịu từ bỏ. Năm 1778, khi hết quốc tang, Đỗ thái hậu lại ban yến cho quần thần ở điện của mình và dụ rằng: Hiện nay, tiên đế đã chầu trời, vua nối ngôi thơ ấu, nước Chiêm Thành thất lễ, người phương Bắc quấy nhiễu. Các khanh chịu ơn nặng của triều đình, nên lo việc của nước nhà. Kế sách ngày nay không gì bằng lập lại thái tử, để vận nước được lâu dài, lòng dân được yên.

Các quan đều chắp tay tâu: “Thái phó nhận mệnh rõ ràng của thiên tử, bệ hạ cũng đã nhiều lần dỗ bảo rồi, bọn thần không dám trái mệnh”.

Tô Hiến Thành lúc bấy giờ lãnh cấm binh, nghiêm hiệu lệnh, thưởng phạt công bằng, quần thần lẫn người trong nước đều hết sức nể phục.

Gạt bỏ tình riêng tiến cử người tài

Vì quá lo toan việc nước, sức khỏe Tô Hiến Thành suy giảm, ông lâm bệnh nặng. Những ngày ở trên giường bệnh, quan tham tri chính sự là Vũ Tán Đường (bè cánh của Đỗ thái hậu) được giao ngày đêm hầu hạ phục dịch ông.

Trong khi đó, quan gián nghị đại phu là Trần Trung Tá vì nhiều công việc bận, không có thời giờ rảnh rỗi tới thăm Tô Hiến Thành được. Khi bệnh tình đã nguy kịch, thái hậu họ Đỗ tới thăm và hỏi ông: Nếu thái úy có mệnh hệ gì, ai là người có thể thay thế ông được?

Tô Hiến Thành trả lời: Người mà bình nhật thần biết chỉ có Trần Trung Tá mà thôi.

Thái hậu tỏ vẻ thắc mắc hỏi để nhắc lại ông: Tán Đường ngày ngày hầu hạ thuốc thang, ông không nói tới là làm sao? Còn Trần Trung Tá là kẻ luôn thờ ơ với ông, sao ông vẫn ưa chuộng vậy?

Tô Hiến Thành đáp: Vì thái hậu hỏi người thay thế thần để lo việc lớn của quốc gia, nên thần tiến cử Trần Trung Tá, bởi xét trong triều chỉ có ông ấy làm nổi. Nếu hỏi việc phục dịch cơm nước thuốc thang, ngoài Tán Đường còn ai nữa.

Thái hậu khen Tô Hiến Thành, thầm phục tấm lòng cương trực của ông, không vì chút vị tình mà quên việc nghĩa lớn. Tuy nhiên, về sau, bà ta đã không làm theo chủ ý của Tô Hiến Thành. Cũng từ đây, nhà Lý bắt đầu suy yếu, cho đến khi sụp đổ vào năm 1225.

(Từ INTERNET)

Bài liên quan

Back to top button