Có phải cứ ăn nhiều rau xanh là tốt cho sức khỏe?
Rau xanh không chỉ được xem là “thuốc bổ” cho hệ thống tiêu hóa bởi hàm lượng chất xơ dồi dào mà còn mang đến nhiều vitamin thiết yếu cho cơ thể. Hơn nữa, rau xanh còn giúp ích cho quá trình giảm cân. Thế nhưng, liệu việc tiêu thụ quá nhiều rau xanh có tốt? Hãy cùng chúng tôi “điểm mặt đặt tên” những loại rau củ mà bạn không nên dùng quá nhiều trong các bữa ăn hàng ngày nhé!
1. Cải Xoăn
Cải xoăn là một trong những loại rau được yêu thích bởi giá trị dinh dưỡng cao, chứa ít calo nhưng lại nhiều chất xơ, vitamin (A, C, K) và chất sắt. Loại cải này được nhiều bà nội trợ ưa thích vì nó có thể chống lão hóa, ngăn ngừa ung thư, kháng viêm, giảm cholesterol và đặc biệt được dùng trong nhiều thực đơn giảm cân.
Thế nhưng, đừng vì tác dụng của chúng mà bạn sử dụng loại rau này quá nhiều, bởi cải xoăn có chứa hàm lượng kali cao, không tốt cho người bị yếu thận. Ngoài ra, cải xoăn còn có chứa đường phức raffinose mà cơ thể không thể tự tiêu hóa được, do đó, chúng ta sẽ bị triệu chứng đầy hơi khi ăn chúng quá nhiều.
2. Rau Mồng Tơi
Mồng tơi là loại rau thường xuất hiện trong các bữa cơm ngày hè vì có tác dụng giải nhiệt. Ngoài ra, loại rau này cũng được đánh giá cao vì hàm lượng vitamin A, C dồi dào và chất sắt, giúp bổ máu. Loại rau này rất tốt cho những người thiếu máu, người béo phì, người bị bệnh tim mạch và giúp nâng cao hệ miễn dịch cho cơ thể.
Song đừng nên ăn mồng tơi nếu bạn đang bị đau dạ dày, bị tiêu chảy hay sỏi thận. Ngoài ra, ăn quá nhiều mồng tơi sẽ khiến cơ thể hấp thu kém chất dinh dưỡng. Chất nhầy trong rau mồng tơi cũng góp phần khiến răng bạn bị mảng bám và ố màu.
3. Cà Chua
Cà chua là thực phẩm quen thuộc và hầu như có mặt trong mỗi bữa ăn của người dân Việt Nam. Trong cà chua có chứa nhiều khoáng chất, vitamin A, C, kali và các chất chống ôxy hóa. Đây là thực phẩm giúp tăng cường thị lực, làm sáng da, chống ung thư và giảm lượng đường trong máu.
Tuy vậy, không phải cà chua tốt cho tất cả mọi người. Cà chua không phù hợp với những người có vấn đề về dạ dày, bị hội chứng ruột kích thích, người đang gặp các vấn đề về thận và tiết niệu. Bên cạnh đó, việc lạm dụng cà chua trong mọi bữa ăn có thể sẽ khiến cơ thể dễ mắc các bệnh về sỏi thận, trào ngược axít, viêm đau khớp, dị ứng và đau nửa đầu.
4. Rau Má
Rau má thường được dùng để nấu canh hoặc dùng làm thức uống giải nhiệt trong những ngày hè nóng nực. Không chỉ là thực phẩm, rau má còn có nhiều dược tính nên được sử dụng như “phương thuốc” giúp lợi tiểu, giải độc, cầm máu, giúp cải thiện hệ tuần hoàn và da.
Tuy nhiên, vì là loại rau có dược tính nên nếu bạn lạm dụng rau má tươi, bạn sẽ dễ gặp phải các vấn đề về tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, làm tăng lượng đường và cholesterol trong máu. Đối với phụ nữ, việc sử dụng quá nhiều rau má sẽ giảm khả năng mang thai và tăng nguy cơ sảy thai.
5. Rau Muống
Rau muống thường xuất hiện trong các bữa ăn với nhiều món chế biến hấp dẫn như xào tỏi, luộc, hoặc nấu canh. Trong rau muống có chứa nhiều vitamin A, C và hàm lượng chất sắt cao. Ăn rau muống sẽ giúp giảm nồng độ cholesterol trong máu, trị thiếu máu, chữa vàng da và các vấn đề về gan, tăng cường hệ miễn dịch, chống ung thư, chữa khó tiêu và có thể dùng để hỗ trợ điều trị đái tháo đường do lượng calo thấp.
Tuy nhiên, trong rau muống thường có nhiều ký sinh trùng như giun, sán, v.v. Do đó, ăn quá nhiều rau muống không được vệ sinh sạch sẽ sẽ dẫn đến việc nhiễm giun sán. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ quá nhiều rau muống cũng gây ra chứng khó tiêu và đau bụng. Ngoài ra, những người bị sỏi thận, bị gout, có vết thương mềm hoặc đau xương khớp không nên ăn rau muống.
6. Cà Rốt
Cà rốt là thực phẩm có chứa nhiều vitamin A, C, đường, sắt, muối khoáng và chất xơ. Ăn nhiều cà rốt sẽ giúp cải thiện thị lực, chữa thiếu máu và tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể.
Mặc dù cà rốt là thức ăn ngon và nhiều dinh dưỡng, bạn không nên lạm dụng ăn quá nhiều cà rốt vì cơ thể bạn có thể không chuyển hóa hết lượng beta-caroten trong cà rốt. Chất này sẽ là nguyên nhân gây ra các bệnh vàng mắt, vàng da, chán ăn với các biểu hiện tương tự bệnh gan. Ngoài ra, nếu phụ nữ ăn quá nhiều cà rốt sẽ có thể ảnh hưởng đến kỳ kinh nguyệt, ức chế rụng trứng do sẽ dung nạp một lượng lớn carotenoid trong loại củ này.
7. Cà Pháo
Cà pháo, đặc biệt là cà pháo muối, là món ăn khoái khẩu của nhiều người Việt. Trong cà pháo có nhiều dưỡng chất như vitamin E, P, protein, các khoáng chất và đặc biệt chứa chất giúp ức chế khối u Nightshade soda. Thế nhưng, trong cà pháo xanh cũng chứa lượng độc tố solanine với hàm lượng cao gấp 5 – 10 lần so với ngưỡng an toàn đối với cơ thể. Chất độc này có thể gây ra tình trạng rối loạn thần kinh, tiêu hóa, tê liệt cơ thể, mất cảm giác, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Ngoài ra, món cà pháo muối cũng là món ăn được cảnh báo có liên quan hàng đầu đến các bệnh ung thư dạ dày, ung thư gan.
Tóm lại, tuy rau xanh rất tốt đối với cơ thể, giúp thải độc và tăng cường vitamin cho cơ thể, bạn không nên ăn quá nhiều một loại rau xanh nhất định. Trong các bữa cơm hằng ngày, bạn nên phối hợp nhiều loại rau củ để có thể hấp thu các vitamin và khoáng chất trong rau xanh một cách đầy đủ và hợp lý. Ngoài việc tránh quá lạm dụng một loại rau cụ thể, hãy tìm chọn các địa điểm bán rau xanh an toàn. Các loại rau không rõ nguồn gốc, còn tồn đọng thuốc trừ sâu hoặc thuốc kích thích tăng trưởng sẽ khiến cơ thể bị ngộ độc, là nguyên nhân gây ung thư, vô sinh, suy yếu hệ miễn dịch, gây tổn thương hệ thần kinh và cũng là nguyên nhân gây nên bệnh Parkinson.