Henri Rousseau: Từ một họa sĩ nghiệp dư từng bị chế nhạo, châm biếm đến một thiên tài hội họa
Lịch sử từng ghi nhận rất nhiều họa sĩ nổi tiếng không được đánh giá cao lúc sinh thời, và họa sĩ Hậu-Ấn tượng Henri Rousseau là một trường hợp như vậy. Ông từng chịu sự chế giễu, chỉ trích nặng nề từ các nhà phê bình hội họa đương thời bởi chưa từng trải qua trường lớp bài bản và bởi lối vẽ bị đánh giá là có phần “ngây thơ” của mình.
“The Dream”(1910) (Ảnh: Wikimedia Commons)
Henri Rousseau nổi tiếng với những bức vẽ rừng rậm sum suê – mặc dù ông chưa từng đặt chân ra khỏi nước Pháp hay tận mắt chứng kiến một khu rừng. Thay vào đó, ông lấy nguồn cảm hứng từ những cuốn sách thiếu nhi, vườn bách thú, và các khu vườn thực vật tại thủ đô Paris hoa lệ.
Henri Rousseau là ai?
Ảnh: Dornac (Paul Francois Arnold Cardon) (1859-1941); Archives Larousse, Paris, France
Rousseau sinh ngày 21 tháng Năm, 1846 tại Laval, một thị trấn nhỏ ở Tây Bắc Pháp. Ông cùng gia đình chuyển tới Angers vào năm 1861, Công việc chính của ông khi đó là một nhân viên thuế quan cho một tòa án của địa phương. Cũng chính bởi vậy ông bị chế giễu và gọi với cái tên Le Douanier. Mặc dù hội họa không phải nghề nghiệp chính của Rousseau cho tới năm 40 tuổi, nhiều khả năng ông đã tập tành vẽ từ khi còn đang làm công việc văn phòng bởi tác phẩm đầu tiên của ông đã ra đời trong khoảng thời gian này.
MYSELF, BỨC CHÂN DUNG TỰ HỌA CỦA ROUSSEAU
“Myself” (1890) (Ảnh: Wikimedia Commons [CC BY-SA 4.0])
Trong bức chân dung tự họa có tên gọi Myself (1890), Rousseau xuất hiện trong một bộ vest đen cùng chiếc mũ nồi gắn liền với người họa sĩ. Ông đứng trước tháp Eiffel Tower và một con tàu có gắn các lá cờ của nhiều quốc gia. Điểm đặc biệt là Myself liên tục được chỉnh sửa, trong suốt nhiều năm, người họa sĩ đã thêm rất nhiều chi tiết mang tính tự sự vào trong bức họa. Đến năm 1901, ông vẽ thêm một chiếc nơ vào ve áo đánh dấu sự kiện ông được giảng dạy tại trường Association Philotechnique. Ngoài ra, Rousseau cũng thêm tên 2 bà vợ của mình là Clemence và Josephine vào bức vẽ.
Sự pha trộn giữa tranh chân dung và phong cảnh của Myself không được lòng các nhà phê bình đương thời, tuy nhiên, Rousseau vẫn giữ vững lập trường cá nhân. Ông khẳng định, “Tôi chính là người phát minh ra tranh chân dung phong cảnh, và báo giới công nhận điều đó.”
Hội họa Thơ ngây là gì?
“Exotic Landscape” (1908) (Ảnh: Wikimedia Commons)
Hội họa “ngây thơ” hay hội họa “nguyên sơ” được định nghĩa là phong cách hội họa của những họa sĩ nghiệp dư, không được học hành bài bản. Hội họa ngây thơ thường hướng tới sự giản đơn, góc nhìn một chiều, và gam màu phẳng.
Có thể nói, Rousseau là nhân tố chính của phong trào hội họa này. Ông tự mình xây dựng phong cách riêng mà theo nhiều người đã phản ánh những thiếu sót của người họa sĩ khi không được đào tạo bài bản. Một bộ phận lớn chỉ trích tranh của Rousseau thiếu cân đối, không đa chiều, sử dụng màu sắc kém tự nhiên. Một bộ phận nhỏ khác lại đánh giá cao sự huyền bí và sự khác biệt có phần kỳ cục trong tranh ông. Trên thực tế, theo như một số nhà sử học thuật ngữ “hội họa thơ ngây” ra đời từ năm 1885 khi danh họa Signac tổ chức một chuỗi triển lãm dành riêng cho Rousseau tại một số phòng triển lãm có tiếng.
THÁCH THỨC ĐỊNH KIẾN
“Self-portrait of the Artist with a Lamp””(1903) (Ảnh: Wikimedia Commons)
Năm 1886, Rousseau trưng bày bốn tác phẩm của mình tại triển lãm Hậu-Ấn tượng Salon des Indépendants. Tác phẩm của ông đã bị chế giễu thậm tệ, “Monsieur Rousseau vẽ bằng chân hay sao, còn mắt ông ta thì bị che lại.” Tuy nhiên, điều đó không làm nản lòng Rousseau. Ông vẫn tiếp tục hăng say sáng tạo nghệ thuật và đều đặn trưng bày sản phẩm tại triển lãm Salon des Indépendants diễn ra thường niên cho tới khi ông qua đời vào năm 1910.
Rousseau bắt đầu hội họa chuyên nghiệp sau 40 tuổi và bỏ công việc thuế quan vào năm 49 tuổi. Người họa sĩ khẳng định chắc nịch rằng ông “không cần một người thầy nào ngoài tự nhiên,” và ghi chép toàn bộ nhận xét tiêu cực mà mình nhận được vào trong cuốn sổ cá nhân.
TÁC PHẨM VỚI CHỦ ĐỀ RỪNG RẬM NỔI TIẾNG NHẤT CỦA ROUSSEAU
“Tropical Forest with Monkeys” (1910) (Ảnh: Wikimedia Commons)
Mỗi tác phẩm về rừng rậm của Rousseau đều có năng lực mở ra một thế giới mới – một chân trời được vẽ nên từ trí tưởng tượng của Rousseau và những khám phá của ông trên đất Paris. Người họa sĩ có một câu nói nổi tiếng, “Khi đặt chân tới một ngôi nhà kính, được chiêm ngưỡng những loài thực vật tới từ nhiều vùng đất mới, tôi có cảm giác như trong mơ.”
SURPRISED! TIGER IN A TROPICAL STORM
(NGẠC NHIÊN CHƯA! MỘT CON HỔ GIỮA CƠN BÃO NHIỆT ĐỚI)
“Surprised! Tiger in a Tropical Storm” (1891) (Ảnh: Wikimedia Commons)
Được vẽ vào năm 1891, Surprised! Tiger in a Tropical Storm là tác phẩm đầu tay của Rousseau với chủ đề rừng rậm. Nó được trưng bày tại triển lãm Salon des Indépendants trong cùng năm. Xuất hiện trong bức tranh là hình ảnh một con hổ mở to mắt, nhe hàm răng sắc nhọn bước đi trong lùm cây. Phía sau con hổ là hình ảnh sấm chớp, cơn mưa càn quét cây cối, và một bầu trời tối thăm thẳm. Khung cảnh khắc nghiệt này lại bị chế nhạo bởi các nhà phê bình đương thời. Nhưng ngày nay, nó lại được đánh giá là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Rousseau.
THE HUNGRY LION THROWS ITSELF ON THE ANTELOPE
(CON HỔ ĐÓI VÀ CON MỒI CỦA NÓ)
“The Hungry Lion Throws Itself on the Antelope” (1905) (Ảnh: Wikimedia Commons)
Một tác phẩm nổi tiếng khác của Rousseau mang tên The Hungry Lion Throws Itself on the Antelope, ra đời năm 1905. Trong một khu rừng rậm rạp, con hổ đói ngoạm lấy cổ con linh dương đáng thương trước sự chứng kiến của 1 con báo và những con chim săn mồi. Rousseau lấy tư thế của 2 con vật dựa theo một bức tranh tầm sâu dành cho Jardin des Plantes, một sở thú mà ông lui tới thường xuyên.
Ông chú thích bên dưới bức hình: “Con hổ đói vồ lấy linh dương và kết liễu nó. Bên cạnh là một con báo chỉ chực chờ để được chia sẻ con mồi. Những con chim săn mồi cũng đã kịp rỉa những miếng thịt bị vung ra từ con mồi đáng thương.”
Chững kiến bức họa được đặt bên cạnh các tác phẩm của Henri Matisse và André Derainat tại triển lãm Salon d’Automne 1905, một vài nhà phê bình so sánh nó với các bức tranh trong hang động. Tuy vậy, nó vẫn được trưng bày trang trọng bên cạnh các họa phẩm của các họa sĩ tiên phong khác (những họa sĩ thuộc trường phái Dã thú) và được đón nhận bởi những danh họa kiệt xuất như Pablo Picasso và Guillaume Apollinaire.
DI SẢN CỦA HENRI ROUSSEAU
“The Snake Charmer” (1907) (Ảnh: Wikimedia Commons)
Mặc dù khá nổi tiếng trong số các đồng nghiệp, Rousseau đã không chinh phục được giới hội họa đương thời và phải sống trong nghèo đói cho tới cuối đời. Ông qua đời vì bị nhiễm trùng bởi một vết thương trên chân vào năm 1910.
Những người bạn và đồng nghiệp của Rousseau đã tập hợp lại và tri ân người họa sĩ xấu số sau cái chết của ông. Họa sĩ Max Weber đã giới thiệu các tác phẩm của ông tại một buổi triển lãm ở New York vào năm 1910 theo sau buổi triển lãm tưởng niệm người họa sĩ được tổ chức tại Salon des Indépendants.
Cuối cùng, hội họa của Rousseau cộng hưởng với phong cách “nguyên sơ” đã được đón nhận và tôn vinh bởi các họa sĩ hiện đại của thế kỷ 20 bao gồm những gương mặt nổi tiếng như Picasso và Wassily Kandinsky. Rousseau cũng được nhà văn và nhà thơ nổi tiếng người Pháp André Breton tôn vinh là “người tiên phong trường phái Siêu thực” bởi vẻ đẹp mộng mị trong mỗi tác phẩm của ông.
Hội họa của Rousseau cũng là nguồn cảm hứng cho rất nhiều nghệ sĩ hiện đại ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhà thơ người Mỹ Sylvia Plath đã mượn bức họa The Dream and The Snake Charmer của Rousseau trong một bài thơ. Ngoài ra, ca khúc The Jungle Line của Joni Mitchell cũng được sáng tác dựa trên một tác phẩm của người họa sĩ tài ba.