Kỳ lạ những loài động vật tí hon nhất thế giới
Không phải cứ to mới là tốt, nhiều sinh vật có kích thước bé đến lạ lùng lại cực kỳ dễ thương, độc đáo.
1. Bạch tuộc Wolfi
Cứ tưởng đã là bạch tuộc thì phải khổng lồ đến mức ăn thịt được cả cá voi, dìm đắm cả một con tàu như trong các bộ phim tùng xem nhưng loài bạch tuộc Wolfi mệnh danh là nhỏ bé nhất trên thế giới. Loài này được phát hiện năm 1913 sau nhiều năm tìm kiếm ở vùng biển Ấn Độ – Thái Bình Dương. Một con trưởng thành chỉ cân nặng 1 gram và dài khoảng 1,5 cm nghĩa là nó có thể bám thoải mái trên đầu ngón tay bạn.
2. Tắc kè Brookesia Micra
Loài tắc kè tí hon Brookesia Micra mới được phát hiện ở Madagascar vào năm 2012. Chúng dành phần lớn thời gian sống dưới những đám lá rụng nên gây nhiều khó khăn cho công tác nghiên cứu. Khi mặt trời lặn, loài tắc kè này sẽ leo lên thân cây ngủ – người ta đã tìm thấy chúng bằng cách này. Giữ kỷ lục là 1 trong 4 loài thằn lằn nhỏ nhất, Brookesia Micra chỉ dài 29mm đủ nhỏ để đứng trên đầu một que diêm.
3. Cá ngựa Hippocampus Denise
Sinh sống ở độ sâu 13 – 90 mét ở phía Tây Thái Bình Dương, cá ngựa Hippocampus Denise ban đầu bị nhầm lẫn với cá ngựa con. Trên thực tế, con lớn nhất cũng chỉ dài 16mm. Ngoài việc kích thước quá nhỏ, còn rất khó phát hiện ra vì chúng hay lẩn trốn trong các đám san hô lớn. Khó khăn này là trở ngại duy nhất cho việc xác định số lượng của loài để có những giải pháp bảo tồn khi tình trạng ô nhiễm biển và nạn đánh bắt cá vô tội vạ như ngày nay.
4. Rùa đốm Speckled Padloper
Những con trưởng thành cũng chỉ có 11cm nhưng đủ lớn để một con rùa đốm Speckled Padloper có thể bắt nạt đồng loại tranh giành thức ăn. So với kích thước chung của loài rùa thì rùa đốm bé hơn 16 lần loài rùa Galaparos, để dễ tưởng tượng bạn có thể nhân chiều cao của mình lên 16 lần. Chiếc mai màu lốm đốm có tác dụng rất tốt trong việc ngụy trang trước mọi kẻ thù và cũng do quá yếu đuối nên loài rùa đốm thường ẩn mình trong các tảng đá. Việc duy trì nòi giống cũng gặp khó khăn, vì cơ thể mỗi con cái chỉ đủ chỗ cho 1 quả trứng mỗi lần sinh. Điều này dãn đến tình trạng chúng đang bị đe dọa nguy cơ tuyệt chủng trước nạn săn bắn, động vật ăn thịt và mất môi trường sống.
5. Sóc bay Sugar Glider
Loài thú có túi Sugar Glider đang được nhiều người Việt Nam nuôi làm thú cưng trong nhà. Chúng là loài sóc sống trên cây sống về đêm có nguồn gốc từ Papua – New Guinea, Indonexia, bờ biển đông nước Úc. Sóc bay trưởng thành có chiều dài 16 – 20cm và sở hữu một màng mỏng kéo dài từ giữa cánh tay đến cuối chân sau cho chúng khả năng bay xa tới 60 – 100 mét sau vài giây. Các bé sóc bay con mới sinh sẽ tự động chui vào cái túi đựng nhỏ trước ngực mẹ và bú sữa cho tới khi cứng cáp hơn. Sóc Sugar rất dễ thuần hóa và gần gũi với con người. Khi chăm sóc cho chúng người ta hay cho ăn các loại có vị ngọt đúng như cái tên Sugar như: bông hoa, mật hoa, phấn hoa, chồi cây, nhựa cây, lá, hạt và côn trùng.
6. Khỉ lùn Pygmy Marmoset
Khỉ lùn là thành viên nhỏ nhất trong đại gia đình linh trưởng với con ở độ tuổi sinh sản chỉ dài 12cm, nặng 170 gram. Cặp khỉ bạch tạng sinh đôi ở vườn thú Froso thành phố Ostersund, Thụy Điển cực kỳ dễ thương và trở nên nổi tiếng trên khắp nơi. Ngoài tự nhiên, khỉ lùn sống trong rừng nhiệt đới Amazon, các nước Nam Mỹ với từng bầy nhỏ gồm 5-6 con trong đó có 1 con đực đầu đàn và 1 con cái chuyên sinh sản. Chúng giao tiếp bằng nhiều hình thức phức tạp bao gồm âm thanh, hóa chất tiết ra từ tuyến trên ngực, bộ phận sinh dục hoặc các tín hiệu cử chỉ. Hiện nay, loài khỉ lùn đang bị đe dọa nghiêm trọng môi trường sống và buôn bán động vật hoang dã.
7. Dơi mũi heo Kitti
Dơi mũi heo Craseonycteris thonglongyai là loài động vật có vú nhỏ nhất đối mà con người tim thấy, ở một số nơi gọi là dơi ong. Mỗi cá thể dơi chỉ nhỏ khoảng 30 – 40mm (gần như một đồng xu) và nặng 2 gram. Sở dĩ chúng mang cái tên dơi mũi heo Kitti vì có đôi tai khá lớn, lông màu nâu đỏ còn mũi hếch rất giống mũi lợn. Mỗi đàn dơi có số lượng từ 10 – 500 con đi kiếm ăn nhiều lần trong ngày, chủ yếu là côn trùng. Chúng không sử dụng khả năng định vị sóng âm như những loài dơi khác. Từ khi phát hiện vào năm 1970, số lượng loài dơi ong cũng giảm đáng kể và bị thu hẹp môi trường sống ở một số khu vực Thái Lan và xung quanh Myanmar.
8. Chuột Lemur hay Chuột xám vượn cáo
Chuột Lemur của Madagascar có tên khoa học là Microcebus murinus cũng nằm trong danh sách những linh trưởng tí hon nhất thế giới với kích thước 5,5 – 12cm (bằng một chiếc lược) . Hiếm khi có thể nhìn thấy chúng trên cây vì chúng chỉ dám thò mặt ra kiếm ăn vào ban đêm. Nhìn vẻ bề ngoài nhút nhát nhưng đôi khi những con vượn cáo chuột xám đực vẫn nhẫn tâm ăn thịt con cái mặc dù thức ăn ưa thích vẫn là lá cây, hoa quả và côn trùng.
9. Tê tê Pink Fairy Armadillo
Loài tê tê này có lớp vảy cứng hoàn toàn tách biệt với cơ thể khác hẳn với loài rùa. Chúng thường sống ở vùng đồng bằng cỏ khô hoặc bãi cát ở trung tâm nước Argentina với kích thước khoảng 8 – 12cm. Chúng dành 18-19 tiếng đồng hồ để ngủ mỗi ngày. Và chỉ thức dậy vào ban đêm với nỗ lực kiếm càng nhiều thức ăn tích trữ cho mùa đông càng tốt. Thức ăn yêu thích của loài tê tê là ấu trùng, côn trùng và các động vật không xương sống. Khi gặp nguy hiểm lớp vỏ cứng bên ngoài có tác dụng hữu hiệu khiến kẻ thù phải bó tay bỏ đi.
10. Rắn giun Leptotyphlops Carlae
Vẫn chưa chắc chắn đây là loài rắn nhỏ nhất thế giới nhưng những con Leptotyphlops Carlae chỉ dài 10cm mới được phát hiện không lâu trong rừng ở Barbados. Cơ thế rắn giun phủ lớp vẩy bóng với sọc vàng hai bên nhưng không rõ rệt. Theo các chuyên gia thì những loài rắn bị đẩy vào con đường cùng không có thức ăn đành chuyển sang chế độ ăn kiến, các loại ấu trùng đã tiến hóa dần đến kích thước tối giản nhất như ngày nay. Sự phát hiện của giáo sư Hedges đã từng bị người dân Barbados chỉ trích nặng nề khi ông đặt tên loài vật quá quen thuộc với họ bằng tên của vợ mình. Tuy nhiên về mặt khoa học, ông là người đầu tiên phát hiện và đặt tên cho loài vật này.
Theo genK.vn