Tác dụng của nước dừa, những lưu ý khi sử dụng
Tác giả: DS. Nguyễn Thị Phương Dung
Tham vấn y khoa: BS. Đặng Thành Long
Uống nước dừa không chỉ đơn thuần để giải khát mà còn có rất nhiều lợi ích với sức khỏe. Tuy nhiên, không nên lạm dụng mà cần sử dụng hợp lý nước dừa …
Uống nước dừa tự nhiên vừa giúp giải khát trong những ngày hè nắng nóng, vừa đẹp da và bổ sung dưỡng chất rất tốt cho cơ thể. Cùi dừa còn là một món ăn ngon, bùi, đậm đà hương vị…. Tuy nhiên, uống nước dừa quá nhiều, không đúng cách có thể gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe.
Nước dừa có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe
Tìm hiểu về nước dừa
Nguồn gốc của nước dừa
Nước dừa là chất lỏng chứa trong quả dừa. Khi quả dừa già đi, nước dừa được thay thế bởi cùi dừa và không khí. Quả dừa non chứa rất ít cùi dừa, lớp cùi này mỏng, rất mềm và khá trong.
Nước dừa được dùng làm đồ uống phổ biến ở các nước nhiệt đới, đặc biệt là vùng Đông Nam Á, các đảo Thái Bình Dương và Caribe.
Thành phần của nước dừa
Nước dừa chứa 95% nước, các thành phần khác rất đa dạng bao gồm: nitơ, acid phosphoric, Kali, Canxi, Magie, Sắt, Đường khử. Nhờ các thành phần trên nước dừa có tính hàn giúp giải nhiệt, làm mát, giải khát đặc biệt tốt. Nước dừa cũng được sử dụng để tạo nước oresol khi không sẵn oresol tại nhà để bổ sung cho người bệnh mất nước.
Tác dụng của nước dừa đối với sức khỏe
Là loại nước giải khát tự nhiên không chứa chất béo.
Có thể dùng làm nước điện giải trong những trường hợp bị mất nước.
Được sử dụng làm dịch truyền tại một số nước khi không có sẵn nước muối y khoa.
Nước dừa giúp giảm nguy cơ mất nước
Nước dừa chứa kali và các khoáng chất nên nó điều hòa dịch nội bộ và bổ sung nước cho cơ thể. Vì vậy, nước dừa được dùng để điều trị chứng mất nước khi bị bệnh lỵ, tả, tiêu chảy, cúm và làm cân bằng chất điện phân.
Uống một cốc nước dừa mỗi ngày giúp giảm nguy cơ bất thường của đường tiêu hóa, hồi phục cơ thể sau khi mất nước.
Nước dừa giúp tăng cường năng lượng
Nước dừa chứa nhiều vitamin, khoáng chất, chất dinh dưỡng, vì vậy nó là một thức uống năng lượng tuyệt vời.
Tuy nước dừa chứa ít đường và hàm lượng natri ít hơn so với các nước uống thể thao khác nhưng nó chứa nhiều kali, canxi, chloride giúp nâng cao mức năng lượng tối ưu của cơ thể.
Nước dừa giúp tăng năng lượng cho cơ thể vận động tốt hơn
Nước dừa rất tốt cho tim mạch
Nước dừa chứa nồng độ kali và axit lauric cao, vì vậy nó rất hữu ích cho bệnh nhân huyết áp cao trong việc điều hòa huyết áp.
Nước dừa có thể giúp tăng HDL (tốt) cholesterol, và là một thứ nước tuyệt vời để điều trị và duy trì sức khỏe tim mạch.
Nước dừa hỗ trợ tiêu hóa
Nước dừa chứa axit lauric, khi vào cơ thể chúng sẽ chuyển đổi thành monolaurin. (Monolaurin giúp kháng vi-rút, kháng khuẩn, chống giun đường ruột, ký sinh trùng và nhiễm trùng đường tiêu hóa) ở trẻ em và người lớn.
Những người bị táo bón, tiêu chảy và các vấn đề tiêu hóa thông thường khác nên uống nước dừa ngày 2 lần (mỗi lần một cốc).
Uống nước dừa thường xuyên giúp tăng cường hệ miễn dịch
Nước dừa là một chất lỏng vô trùng ít calo và chất béo nhưng giàu vitamin, khoáng chất, dinh dưỡng.
Các chất dinh dưỡng chính trong nước dừa bao gồm: acid lauric, Chloride, và sắt, kali, magiê, canxi, natri, và Phospho giúp cân bằng sức khỏe cơ bắp, tim mạch, hệ thần kinh và hệ miễn dịch, cũng như hấp thụ và cân bằng các chất lỏng bên trong của cơ thể.
Uống nước dừa thường xuyên giúp nâng cao hệ miễn dịch cho cơ thể
Nước dừa có tác dụng kháng vi khuẩn, chống viêm
Nước dừa tươi có tác dụng kháng vi-rút kháng khuẩn, chống viêm và chống oxy hóa.
Nước dừa được sử dụng để điều chỉnh huyết áp, lượng đường trong máu, và mức cholesterol. Chúng giúp nâng cao năng lượng và tăng cường sự trao đổi chất trong cơ thể người.
Nước dừa còn điều trị các bệnh: cúm, dạ dày, kiết lỵ, khó tiêu, táo bón, giun đường ruột, bệnh tả, bất thường về tiết niệu, thận có vấn đề trục trặc, da khô ngứa và giảm nếp nhăn…
Nước dừa chứa: monolaurin, monoglyceride kháng virus, kháng khuẩn và antiprozoal được sử dụng để diệt các loại virus gây các bệnh như HIV, Herpes, cytomegalovirus, cảm cúm và các vi khuẩn khác.
Uống nước dừa giúp giảm vấn đề về tiết niệu
Uống nước dừa sẽ làm giảm các vấn đề về tiết niệu.
Những người bị tiểu rắt, và các bệnh tiết niệu cần uống nước dừa 2 lần/ngày để giảm triệu chứng bệnh.
Nước dừa chữa tiểu rắt, tiểu buốt, các bệnh về đường tiết niệu…
Tiêu diệt các vi khuẩn có hại trên đường ruột
Uống nước dừa 1 lần/ngày với một muỗng cà phê dầu ô liu (từ 3 đến 5 ngày) sẽ giết chết các vi khuẩn trong ruột, làm sạch dạ dày, đồng thời giúp cho tiêu hóa tốt hơn.
Ngăn ngừa sỏi thận nhờ nước dừa
Uống nước dừa thường xuyên giúp tan sỏi thận và làm cho chúng thoát ra ngoài cơ thể.
Người có vấn đề về thận nên uống nước dừa kết hợp với các loại thuốc điều trị.
Nước dừa sử dụng trong truyền máu
Nước dừa gần giống như huyết tương, do vậy nó được sử dụng trong truyền máu.
Trong trường hợp khẩn cấp, nước dừa còn được sử dụng như là một chất lỏng làm thông tĩnh mạch thay vì dùng các chất lỏng tiêu chuẩn.
Tác dụng của nước dừa trong làm đẹp
Nước dừa dùng để giảm cân
Nước dừa là một chất điện phân tự nhiên giúp giải khát và tăng cường sự trao đổi chất. Vì vậy, người ta dùng nước dừa để giảm cân cho những người béo phì..
Nước dừa làm đẹp da
Chất cytokinin trong nước dừa giúp điều chỉnh sự phát triển tế bào da. Acid lauric làm giảm thiểu sự lão hóa của tế bào da, cân bằng độ PH và giữ cho các mô da liên kết mạnh mẽ, làm ẩm cho da.
Khi sử dụng, thoa nước dừa lên vùng da xấu mỗi tối trước khi đi ngủ giúp hạn chế mụn trứng cá, nếp nhăn, vết rạn, ngứa da và eczema.
Rửa mặt với nước dừa giúp da sáng mịn
5 lưu ý khi sử dụng nước dừa
- Không nên lạm dụng nước dừa: uống hơn 3 – 4 trái và uống liên tục nhiều ngày.
- Không nên uống nước dừa vào buổi tối (gây đầy bụng).
- Uống nước dừa từ từ (không nên pha đá hoặc kèm các hóa chất khác).
- Sau khi đi ngoài trời nắng về uống nước dừa từng chút một (tránh uống quá nhiều sẽ dẫn đến các triệu chứng: ớn lạnh, đầy bụng, hâm hấp sốt hoặc sốt cao).
- Khi thi đấu thể thao, uống nước dừa nhiều, sẽ làm cho tay chân rũ nước, giảm sức dẻo dai và phản xạ nhanh lẹ cần thiết.
Khi nào không nên uống nước dừa?
- Những người có thể tạng thuộc âm: da xanh tái, bắp thịt mềm nhão, mát, tay chân lạnh, ăn uống chậm tiêu, ăn ít, ít khát nước, thích uống ấm, dễ bị tiêu chảy, phân mềm, người nặng, bải hoải, chậm chạp… không nên dùng nước dừa.
- Phụ nữ có thai không nên uống nước dừa vào quý thứ 1 của thai kỳ
- Người bị bệnh trị, huyết áp thấp, thấp khớp không nên uống nước dừa.
Lời kết
Từ lâu nước dừa tươi đã trở thành một thức uống bổ dưỡng đối với sức khỏe con người, đặc biệt là phụ nữ mang thai. Trong nước dừa tươi có chứa các chất: protein 0,3%, chất béo 0,2%, đường 4,7%, các chất khoáng Ca, Na, K. L, P, Fe; các vitamin C, PP… rất tốt cho sức khỏe, có tác dụng: giải nhiệt, tăng cường năng lượng, tốt cho tim mạch, hệ tiêu hóa, ngăn ngừa sỏi thận, nước dừa vô trùng được sử dụng làm dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch, trị tiêu chảy…
Tuy nhiên, khi sử dụng nước dừa cần lưu ý:
- Không uống quá nhiều nước dừa trong ngày (nhiều hơn 3 trái)
- Không uống vào buổi tối, uống pha thêm đá hoặc những hóa chất khác, uống nhanh, nhiều sau khi đi nắng về… đặc biệt những người thể tạng thuộc âm (da xanh tái, tay chân lạnh, tiêu chảy, chậm tiêu…) phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu không nên uống nước dừa.
Theo healthline.com