Thăm nhà thờ cổ nhất Việt Nam, “đọc” cuốn sách quốc ngữ đầu tiên
Dân trí: Cách thành phố Tuy Hòa 35km về phía Bắc, nhà thờ Mằng Lăng thuộc xã An Thạch (Tuy An, Phú Yên) là một trong những nhà thờ cổ nhất ở Việt Nam. Đây cũng là nơi lưu giữ cuốn sách chữ quốc ngữ đầu tiên của nước ta.
Nhà thờ Mằng Lăng được xây dựng năm 1892, trong khuôn viên rộng 5.000m2, theo kiến trúc Gothic với nhiều hoa văn trang trí. Hai bên nhà thờ có hai lầu chuông, chính giữa là thập tự giá. Tất cả sơn màu xanh xám giản dị, hòa đồng với khung cảnh ruộng vườn cây lá.
Nhà thờ nhỏ nhưng có khuôn viên thoáng mát rợp cây xanh với những hàng cây sake mạnh mẽ. Đặc biệt trước sân còn có một khu hầm nhỏ, được xây dựng khá kỳ công trong lòng một quả đồi giả. Bên trong hầm có nhiều điêu khắc chạm trổ kể lại những câu chuyện về thánh Anre Phú Yên.
Bước xuống căn hầm, du khách sẽ được chiêm ngưỡng toàn bộ những chứng tích liên quan đến nhà thờ Mằng Lăng được lưu giữ cẩn thận tại đây. Đặc biệt được trưng bày trang trọng trong một hộp kính là cuốn sách bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của nước ta, in năm 1651 tại Roma (Italia). Đó là quyển giáo lý “Phép giảng tám ngày” của Alexandre de Rhodes (người dân địa phương gọi là cha Đắc Lộ) – người khai sinh ra chữ quốc ngữ.
Trong khuôn viên nhà thờ trước đây còn có trường trung học tư thục Trương Vĩnh Ký và cô nhi viện.
Với lịch sử gần 120 năm tồn tại, mỗi bức tường, cánh cửa, bàn cầu nguyện… nơi đây đều nhuốm màu thời gian. Cùng sự độc đáo trong hình dáng, đường nét mang đậm dấu ấn kiến trúc thế kỷ XIX, nhà thờ Mằng Lăng là điểm đến không thể bỏ qua trong những dịp ghé thăm tỉnh Phú Yên.
Thành Chung – Khánh Hằng