Đọc báo dùm bạnLướt web

Tượng binh mã Tần Thủy Hoàng, khám phá vĩ đại của giới khảo cổ học

Tượng binh mã Tần Thủy Hoàng – đội quân đất nung với kích cỡ thật được tìm thấy trong một hang động dưới lòng đất bao quanh Lăng mộ của Tần Thủy Hoàng được coi là một trong những khám phá khảo cổ vĩ đại nhất thế giới.

Xuất hiện tại vùng Tây Bắc Trung Quốc, với nguồn gốc từ vương triều đầu tiên, quần thể đất nung đã tiết lộ một phần nào về kỹ thuật mỹ nghệ cổ đại cùng những tục lệ mai táng truyền thống của Trung Quốc.

Không chỉ có giá trị về mặt nghệ thuật tang lễ, về mặt quy mô, mỗi pho tượng trong tổng số 8000 bức tượng trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng đều là duy nhất, không có sự trùng lặp. Chúng được mô phỏng dựa trên người thật, với hình dáng, thần thái, biểu cảm khác nhau, đạt tới độ chính xác cao.

Ảnh: Pheniti Prasomphethiran via Shutterstock 

Sau đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về lịch sử của đội quân đất nung Tần Thủy Hoàng, bao gồm nguồn gốc của nó từ thế kỷ thứ 3 TCN, khám phá vào thập niên 1970, và những giá trị của nó đối với nền văn hóa đương đại.

Lịch sử

Năm 246 TCN, Tần Thủy Hoàng lên ngôi vua khi mới 13 tuổi. Ông là vị quân chủ đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc xưng hiệu “Hoàng đế”. Trong suốt thời gian trị vì, vị đế vương này đã có nhiều thành tựu quan trọng, bao gồm việc thống nhất chế độ tiền tệ, quy định chữ viết chuẩn mực trong văn tự hay còn gọi là chính sách “Thư đồng văn”, hạ lệnh xây dựng Vạn Lý Trường Thành, công trình phòng thủ quân sự “khổng lồ” hiếm có trong lịch sử thế giới. Ngoài ra, Tần Thủy Hoàng còn có công hợp nhất và mở rộng bờ cõi đất nước.

‘Chuyến khảo sát của Tần Thủy Hoàng’ (Thế kỷ 18) (Ảnh: Wikimedia Commons)

Để kỷ niệm những thành tựu đã đạt được, ông hạ lệnh xây dựng khu lăng mộ tại thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc). Trong lăng mộ cất giữ tài sản quý giá của ông khi còn tại thế, bao gồm vàng bạc châu báu, nhiều tác phẩm thủ công mỹ nghệ, mô hình vũ trụ hoàn chỉnh được khảm ngọc cùng hàng nghìn bức tượng binh lính có nhiệm vụ canh gác giấc ngủ ngàn thu của vị đế vương.

Ảnh: Cezary Wojtkowski qua Shutterstock 

Mặc dù đã huy động tới 700.000 nhân công và thợ thủ công làm việc miệt mài trong hàng chục năm, khu lăng mộ vẫn chưa được hoàn thiện khi Tần Thủy Hoàng băng hà vào năm 210 TCN.

Sự khám phá

Trong nhiều thế kỷ, khu lăng mộ khổng lồ của Tần Thủy Hoàng vẫn là một bí ẩn chưa được khám khá. Tuy nhiên, vào năm 1974, những người nông dân đào giếng ở gần một ngôi làng nhỏ thuộc huyện Lâm Đồng, tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc) đã tình cờ phát hiện một hang rộng lớn dưới lòng đất bao quanh lăng mộ hoàng đế chứa hơn 8.000 tượng đất nung có kích thước như người thật. Kể từ khi được phát hiện vào năm 1974, việc khai quật khảo cổ vẫn được tiến hành mỗi ngày. Dù vậy quá trình khai quật kéo dài do binh mã bằng đất nung rất dễ vỡ và việc bảo vệ những bức tượng này là vô cùng khó khăn (bị phong hóa, bị vi khuẩn phá hoại…).

Ảnh: Robin Chen qua Wikimedia Commons 

Có thể khẳng định, các bức tượng binh mã được chú trọng tới từng chi tiết và mỗi bức tượng là một cá thể độc lập, được mô phỏng dựa trên người thật. Tuy vậy, các pho tượng này đều có chiều cao chuẩn mực của một binh lính với binh phục, kiểu tóc, kích cỡ và biểu cảm khuôn mặt đồng nhất.

Ảnh: Peter Dowley qua Wikimedia Commons CC BY 2.0

Mặc dù hiện nay, tượng binh mã Tần Thủy Hoàng được ghi nhận với một màu xám, người ta cho rằng ban đầu những bức tượng này thực chất đều được sơn màu dựa trên nguyên mẫu của nó.

Bản sao tượng binh mã Tần Thủy Hoàng (Ảnh: Wikimedia Commons CC BY-SA 4.0)

Ngoài 8000 binh lính trên, 130 xe ngựa và 670 con ngựa đất nung đã được phát hiện trong lăng mộ. Bên cạnh đó, các bức tượng vũ nữ, người biểu diễn nhào lộn, và ca kỹ cũng được khai phá bên trong hầm mộ, mặc dù với một quy mô nhỏ hơn nhiều so với đội binh mã.

Tầm ảnh hưởng

Ngày nay, lăng mộ Tần Thủy Hoàng đã được UNESCO công nhận là một trong những di sản thế giới, đồng thời, là một trong những địa điểm thu hút khách du lịch bậc nhất tại tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.

Mặc dù hầu hết các pho tượng đều được lưu giữ tại lăng mộ, mười pho tượng đã xuất hiện trong một buổi triển lãm tại nước ngoài, tạo cơ hội quý giá cho khán giả quốc tế tận mắt “chiêm ngưỡng các pho tượng ở một khoảng cách gần”. (Viện bảo tàng Nghệ thuật châu Á)

Buổi triển lãm Tượng binh Mã Tần Thủy Hoàng (Ảnh: Choo Yut Shing)

Không chỉ vậy, tượng binh mã Tần Thủy Hoàng đã truyền cảm hứng cho rất nhiều nghệ sĩ đương đại sáng tạo hàng loạt bản sao từ các chất liệu đa dạng như giấy thủ công hay thậm chí là cốt bánh pizza. Tất cả là minh chứng cho giá trị lâu dài của loạt tạo tác đất nung cổ đại này.

MyModernMet/MaiAnh/Designs.vn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài liên quan

Back to top button