Hồn Ai Cập, kim tự tháp, sông Nile và đôi mắt Cleopatra
Đinh Quang Anh Thái/Người Việt
Từ độ cao lúc phi cơ sắp hạ cánh, nhìn qua khung cửa sổ máy bay, xứ sở của Cleopatra là những bãi cát mênh mông nóng cháy và dòng sông Nile như một con rắn ngoằn nghèo, đầu đuôi dài hơn 6,600 km.
Con sông bắt nguồn từ cao nguyên Ruanda miền Ðông Châu Phi, chảy qua sa mạc Sahara, xuyên qua nhiều quốc gia trước khi đổ vào Ai Cập theo hướng Nam-Bắc, đem tươi mát đến cho đất nước nằm phía mạn Bắc Phi Châu này.
Phi trường Cairo ngay trung tâm thủ đô đón chào khách từ năm châu bốn bể đổ đến. Xe buýt của các hãng tour nối đuôi nhau kìn kìn rời bến đậu sau khi bốc khách, trong khi riêng đoàn du khách Việt quốc tịch Mỹ nóng ruột nhìn chiếc xe của họ đang phải thông qua nhiều thủ tục kiểm soát an ninh: chó nghiệp vụ đánh hơi bom, cảnh sát dùng kiếng chiếu ngược dò mìn dưới sàn xe… Và khi xe lăn bánh, họ thích thú với cảm tưởng mình là thành phần “quốc khách VIP” vì trên xe có một nhân viên an ninh đeo súng đi theo, phía trước có cảnh sát hú còi dẫn đường để ưu tiên cho xe luồn lách qua những con đường đông nghẹt xe cộ và tiến vào trung tâm thủ đô của đất nước hơn 5,000 năm lịch sử này.
Không chỉ ngày đầu tiên, mà suốt thời gian 10 ngày của đoàn du khách Mỹ gốc Việt, lúc nào cũng có nhân viên an ninh đi theo để bảo vệ đoàn người.
Theo lời người hướng dẫn viên du lịch bản xứ, thì đây là biện pháp của chính phủ nhằm “bảo vệ công dân hai nước Mỹ và Do Thái.” Hỏi tại sao chỉ có công dân hai nước được hưởng ưu đãi này, câu trả lời là, vì Do Thái và Mỹ có mối quan hệ “nhạy cảm” với Ai Cập nên chính phủ Cairo không muốn bất kỳ rắc rối nào xảy ra cho họ.
Kim Tự Tháp và dòng sông Nile
Mặt trời lúc xế chiều chỉ còn thoi thóp vài vạt nắng, nhìn từ trung tâm Cairo, sừng sững ba công trình vĩ đại của dân tộc Ai Cập được dựng lên giữa sa mạc từ hơn 3,000 năm trước, là kim tự tháp Khufu, kim tự tháp Chéphren và kim tự tháp Mycerinus.
Bình minh ló dạng, cái lạnh đêm trước vừa tan, cái nóng của một ngày mới dưới ánh mặt trời chói chang đã phủ lên vùng cát bát ngàn bao quanh ba Kim Tự Tháp. Dù đẩy tưởng tượng của mình tới tận cùng, khó ai có thể hình dung được, làm cách nào dân tộc Ai Cập từ thế kỷ 24 Trước Công Nguyên, có thể chuyển các khối đá nặng 2.5 tấn đến 16 tấn từ vùng Aswan cách xa Cairo cả ngàn cây số để dựng lên Kim Tự Tháp Khufu có nền hình vuông, mỗi cạnh đáy dài hơn 230 mét và chiều cao 146 mét.
Chỉ có thể nhờ vào sức nước sông Nile, con sông có chiều dài nhất thế giới và khi trôi qua Ai Cập đã giúp người dân xứ sở này tạo nên một nền văn minh rực rỡ bậc nhất của nhân loại.
Với dân số gần 100 triệu sống trên một dải sa mạc mênh mông, 90% diện tích đất bốc khói dưới sức nóng thiêu đốt và chỉ 10% đất canh tác trồng trọt sinh sống được, phải tận mắt nhìn thấy cảnh sinh hoạt tấp nập và sầm uất của dân chúng sống hai bên bờ sông Nile mới cảm nhận hết được sự kỳ diệu của tặng phẩm thiên nhiên này do Thượng Đế ban cho Ai Cập.
Và hầu hết đền đài lăng tẩm các vua chúa ngày xưa, các khối thạch trụ (obelist), các pho tượng Thần-Người-Vật đều được những con người sống trên mảnh đất này từ nhiều ngàn năm trước đục khắc từ các khối đá lớn, sau đó dùng sức nước sông Nile chuyển về những nơi mà hiện nay nhiều triệu du khách khắp địa cầu đổ về chiêm ngưỡng: như kinh thành Memphis, kim tự tháp bậc thang tại Saqqara, các ngôi đền Karnak, Luxor, Hatchesut tại cố đô Thebes, đền Abu Simbel của vị Pharaoh đại đế Ramesses II nằm về phía Nam sát biên giới Sudan và khu vực lăng mộ các Pharaohs cùng hoàng hậu Ai Cập…
Nhiều, còn nhiều vô số kể những di tích của một nền văn minh vĩ đại.
Hồn Ai Cập sống lại
Nếu không xảy ra cuộc xâm lăng của Nã Phá Luân Đại Đế năm 1789 và đoàn quân chiếm đóng không tình cờ tìm thấy một phiến đá màu đen khắc 54 dòng chữ Ai Cập được dịch ra ngôn ngữ Hy Lạp ở bên dưới, thì Hồn Ai Cập vẫn bị chôn vùi dưới lớp gió cát thời gian. Và cùng với nỗi tủi nhục của quê hương tan vỡ, Hồn Ai Cập sống lại cũng chính là nhờ vào một nhà khảo cứu cổ ngữ học người Pháp, ông Champollion, đã bỏ công khai quật lại một thứ chữ viết đã biến mất từ hai ngàn năm, sau một thời gian dài 5,000 năm Ai Cập bị các đế quốc Ba Tư, Hy Lạp, Byzantine, La Mã và Ả Rập chiếm đóng, cai trị.
Chữ viết hồi sinh giúp hồn Ai Cập sống lại, từ đó nhân loại và chính người dân Ai Cập mới biết được ngọn ngành lịch sử, văn hóa, văn minh xứ này.
Hồn Ai Cập được du khách cảm nhận rõ nhất khi cưỡi trên lưng con lạc đà ngất ngưởng đi trên sa mạc quanh khu vực có Đại Kim Tự Tháp và tượng Nhân Sư tại Giza. Gió thổi cát bay, mùi lạc đà, tiếng phương ngữ của những người nài vang xa đuổi theo nhau, tất cả trộn lại, khơi dậy hình ảnh của hàng ngàn năm trước, khi các bậc tổ phụ của dân tộc này đã đổ mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu để dựng lên những công trình vẫn sừng sững giữa trời.
Hồn Ai Cập còn được thể hiện rõ nét với những đồ hình khắc trên các khu lăng mộ, cho thấy nhiều ngàn năm trước, nền y học của Ai Cập đã tân tiến như thế nào: dao mổ, kéo giải phẫu, dụng cụ cưa các bộ phận thân thể người bệnh, kim chỉ khâu vết thương… chẳng khác gì dụng cụ mà ngành y khoa hiện nay của nhân loại đang sử dụng. Thậm chí, người Ai Cập cổ xưa còn vẽ cả hình chỉ dẫn cho các bà mẹ tư thế ngồi, sao cho việc sinh đẻ dễ dàng.
Không biết nhiều ngàn năm nữa, những con người sống trên quả đất này khi nhìn lại lịch sử tiến hóa của nhân loại, sẽ nghĩ sao về sự thần diệu của máy điện toán, chiếc điện thoại cầm tay hiện đang phổ biến khắp thế giới; chứ thế kỷ 21 này, con người vẫn chưa thể hiểu hết được những bí ẩn còn chìm trong các Kim Tự Tháp, các đền đài và công trình xây dựng của dân tộc Ai Cập.
Nụ cười Cleopatra
Trước khi đi thăm Ai Cập, kẻ viết bài này được một số bạn bè cảnh cáo, sao hết khôn lại dồn đến dại như thế, đi đâu không đi, lại đâm đầu vào một nơi mất an ninh, không sợ bị khủng bố bắt cóc, cắt đầu à?
Kẻ viết bài này không quan ngại vấn đề an ninh nhưng trong đầu cứ hình dung sẽ gặp những khuôn mặt khó đăm đăm, đàn ông thì quấn khăn, phụ nữ thì che kín mặt và từ cổ tới chân là bộ quần áo đen kịt, cách cư xử thiếu thân thiện khi gặp người ngoại quốc.
“Nhưng chưa đi không biết Cairo
Đi rồi mới biết Cairo hiền lành.”
Quả thật như thế. Người dân xứ này, không cứ ở Cairo, mà ở Luxor, ở Aswan… nơi nào cũng tiêu biểu cho cặp mắt đen mang nét huyền bí quyến rũ của Cleopatra.
Người già thân thiện, người lớn niềm nở, trẻ em đón chào, đó là cảm tưởng của cả đoàn du khách Mỹ gốc Việt.
Nhất là với các em học sinh. Các em chao ôi sao mà thân thiện đến thế, không hề một chút ngần ngại và lúc nào cũng nở nụ cười trên môi chào hỏi du khách. Thậm chí, các em còn chủ động xin chụp hình chung với du khách; và chỉ chụp lưu niệm mà thôi, không hề tỏ thái độ muốn xin xỏ điều gì.
Còn về vấn đề an ninh, 10 ngày di chuyển, lúc đường bộ, lúc máy bay, lúc lang thang vào các khu chợ ban đêm, không hề xảy ra bất cứ điều gì để du khách cảm thấy bất ổn.
Trong khu có nhà thờ Chính Thống Giáo và nhà thờ Do Thái Giáo, du khách không cảm thấy người Ai Cập Hồi Giáo chiếm tới hơn 90% dân số có thái độ bất dung tôn giáo nào. Thậm chí, ngôi nhà thờ nhỏ tại đây còn bảo tồn các di tích cho thấy Đức Chúa Jesus đã từng dừng chân và truyền đạo nơi đây trên con đường từ Palestine đi rao giảng tinh thần Kitô Giáo.
Mười ngày trôi qua, luyến tiếc nhưng rồi cũng phải chia tay. Lúc phi cơ cất cánh khỏi phi trường Cairo, kẻ viết này nhủ thầm, hẹn gặp lại nhé, hồn Ai Cập, kim tự tháp, sông Nile và đôi mắt Cleopatra.
(Đinh Quang Anh Thái)
https://www.nguoi-viet.com/du-lich/hon-ai-cap