Về miền Tây, ăn canh chua cá linh bông điên điển
Bởi Thu Trang
Vị ngọt của cá linh non còn chưa tượng xương với vị hăng hăng của bông điên điển đã được đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Tây Nam bộ hòa quyện vào cùng một món ăn. Đây được coi là đặc sản của miền Tây mùa nước nổi.
Mỗi dịp tháng 8 tháng 9 âm lịch, nước lũ từ thượng nguồn đổ về mang trong nó biết bao sản vật trù phú. Trong dòng chảy đó, những đàn cá linh non trắng xóa tỏa ra khắp các cánh đồng, lớn lên theo con nước.Bông điên điển dường như là một biểu tượng của miền Tây vào mùa con nước nhảy bờ. Những nhành bông nhẹ tênh, vàng sậm như uống hết màu của nắng in bóng trên mặt nước là ký ức không thể nào quên đối với những đứa con được sinh ra và lớn lên nơi đây.
Vị ngọt của cá linh non còn chưa tượng xương với vị hăng hăng của bông điên điển đã được đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Tây Nam bộ hòa quyện vào cùng một món ăn. Vị chua chua ngọt ngọt của nồi canh chua cá linh bông điên điển làm siêu lòng biết bao thực khách vãng lai, còn những người đã từng ăn thì chép miệng thèm thuồng.
Cá linh được người dân săn bắt bằng lưới, chài, đặt vó… Số lượng đánh bắt được rất nhiều, lúc nào cũng trắng cả mặt lưới. Sông mẹ Mê Kông luôn hào phóng với những đứa con của mình.
Tùy vào thời gian, càng về cuối mùa, cá linh càng lớn. Nhưng lớn quá thì không ngon, cá linh vừa ăn lớn cỡ đầu đũa con. Khi đó, cá vừa nhiều thịt mà xương lại vừa mềm, ăn vào vừa béo lại vừa có chất ngọt. Thịt cá linh trắng và thơm, khi nấu, người ta vẫn để nguyên vảy, như vậy, lúc nấu xong, lớp thịt và vị ngọt không bị hòa vào nước.
Bông điên điển màu vàng, nhỏ, mọc thành chùm. Cây điên điển mọc rất nhiều quanh ao hồ, kênh rạch. Mùa nước lũ về cũng là mùa điên điển trổ bông. Vị ngọt thanh và giòn giòn của nó rất được người miền Tây ưa thích.
Cá linh và bông điên điển đem đi rửa sạch, đi kèm với một vài nguyên liệu khác như me, bạc hà, đậu bắp, rau muống, cà chua, giá đậu.
Bắc nồi nước lên, khi nước sôi thì cho me vào. Dằm ra lấy vị chua, nêm thêm gia vị cho vừa ăn. Một nồi canh chua đạt yêu cầu là vị chua với vị ngọt phải cân bằng. Khi nước sôi lần nữa thì cho cá linh vào, sôi lần nữa thì cho các nguyên liệu khác rồi nhắc xuống. Bông điên điển rất nhanh chín nên cho vào sau cùng. Lúc nhắc xuống cho thêm tí rau mùi, một vài lát ớt, một tí nước mắm cho đậm đà và dậy mùi thơm. Canh không được nấu quá kỹ, nếu không, rau và cá đều bị nát, mất độ ngon.Chế biến đơn giản là vậy, nhưng hương vị của nó chẳng đơn giản chút nào. Tổng thể các vị chua, cay, mặn, ngọt đều quyện vào nhau rất hài hòa. Những hương vị tinh tế nhất của đất trời như được cho cả vào nồi canh đang nghi ngút khói ấy. Húp một miếng, đầu lưỡi ngay lập tức cảm nhận được vị ngọt trong trẻo của nước cá, vị chua của me. Nhấm nháp kỹ hơn thì thấy có chút cay cay, mặn mặn. Cắn vào miếng cá trắng một miếng, vị beo béo của con cá đầu mùa chảy men theo kẽ răng, hòa vào chút vị giòn giòn, hăng hăng của bông điên điển. Lúc này, có thêm chén nước mắm ớt kế bên thì chẳng còn gì bằng.
Hương vị của nồi canh chua cá linh bông điên điển mê hoặc là thế, chẳng lạ khi những người thành phố cứ thích về quê vào mùa nước nổi. Dù có ăn bao nhiêu cao lương mỹ vị, thì cái vị chân chất của nồi canh chua quê nhà vẫn là thứ không thể nào thay thế được. Canh chua cá linh bông điên điển đã được đưa vào thực đơn của các nhà hàng, quán ăn sang trọng, nhưng nếu là một dân sành ăn, bạn sẽ muốn về miền Tây một lần, để thưởng thức một nồi canh chua cá linh bông điên điển đúng điệu.
Nguồn : Về miền Tây, ăn canh chua cá linh bông điên điển – BlogAnChoi.com