20.11.2016 Tri ân Nhà Giáo
John 13:1 Loved To The End
Tu sĩ Luca Sơn | Dòng Tôi Tớ Đấng Bầu Cử (Paraclite), Xóm Mới
Kính thưa quí Cha giáo, quí thầy cô và các bạn độc giả. “διδάσκαλος” /đi-đas-ka-los/ là từ Hy Lạp dùng để nói về người thầy. Trong sự quí mến tận thâm sâu, con xin mạn phép gửi đến quí vị bài viết này xoay quanh ngôn từ Hy Lạp ấy. Con xin tỏ lòng tri ân những nhà giáo đã, đang và sẽ hướng dẫn, chỉ bảo con để trở nên người đẹp lòng Chúa. Xin quí vị lượng tình tha thứ và giúp con hoàn thiện bài viết này nếu có những thiếu sót và sai lỗi.
Cũng như Anh ngữ “teacher” và Hán Việt “giáo viên”, chữ “διδάσκαλος” cũng có phần cơ bản nghĩa là dạy “διδάσκω” /đi-đas-kô/. Không những thế, khi chiết tự nguyên ngữ Hy Lạp “διδάσκαλος”, con bắt gặp hai từ “δαω” /đa-ô/ và “καλεω” /ka-le-ô/. Lần giở những trang tự điển, chữ “δαω” là từ nguyên thuỷ của động từ “học”. Chợt giật mình! Ẩn sâu bên trong ngôn từ nói về nhà sư phạm, người Hy Lạp tinh tế đặt họ ở vai trò “học”. Nhà giáo là người “học” trước khi truyền đạt. Ngoài ý nghĩa của việc đi bước trước trong chuyện tìm tòi, trau dồi, nghiên cứu, ý nghĩa của “học” còn là một tiến trình cập nhật không ngừng. Từ thứ hai là “καλεω”, nghĩa là “kêu, gọi”. Sau tiến trình thụ huấn, người ấy kêu gọi người khác để giới thiệu, hướng dẫn. Con cám ơn quí thầy cô, những người đến giảng đường với những chuẩn bị chu đáo hầu làm phong phú nguồn kiến thức cho thụ nhân. Phải thú thật, đôi khi đám trò phải tăng tốc vận động để bơi trong dòng sông chữ nghĩa, nhưng điều được thụ hưởng lại là gia tài quí báu đáng công sức.
Học và dạy tạo nên sự gắn kết khắng khít trong nguyên ngữ “διδάσκαλος”. Điều này gợi hứng cho con về tình thầy, trò trong Thánh Kinh. Những dòng suy tư sau đây xin mượn ba trường hợp đặc sắc được Thánh Kinh trình bày để trân trọng mối tương quan thiêng liêng thầy trò.
Cụ già Êli và học trò Samuel sống với nhau trong đền thờ Đức Chúa (x.1Sm 3:1-10). Dáng vẻ bề ngoài của thầy Êli không phương phi oai vệ, mắt đã mờ và không còn thấy rõ. Tuy nhiên, Samuel vẫn khắng khít với ông trong tư thế mau mắn lắng nghe và thực hành. Thầy Êli trở nên mẫu gương của người phụng sự Thiên Chúa, nhờ đó chính thầy đã chỉ dẫn Samuel con đường mà Chúa muốn Samuel dấn bước. Con dành những tâm tư sâu lắng để nhớ về những nhà đào tạo luống tuổi. Các vị còn không hoạt bát, nhanh nhẹn. Tuổi già làm hao mòn sức khoẻ, trí nhớ, năng lực của các cụ. Xin Chúa luôn đồng hành, nâng đỡ các vị ấy để tâm hồn luôn thanh thản, bình an nhờ đó họ trở nên điểm nghỉ chân lý tưởng những ai đang mệt mỏi giữa dòng đời.
Câu chuyện thầy trò Êlia và Êlisa khiến con mủi lòng. Ngôn sứ Êlisa yêu quí và kính trọng ngôn sứ Êlia cách đặc biệt. Từ giã gia đình, Êlisa nhận lấy Êlia làm người hướng dẫn, giáo huấn (x.1V 19:19-21). Sau đó, khi Êlia được Thần Khí rước đi trước mắt Êlisa, Êlisa đau buồn và kêu lên “Abba” (Cha ơi) (x.2V 2:12). Tương quan thầy trò trở nên phụ tử. Ngày nay, mặc cho truyền thông không thiếu những nhà sư phạm băng hoại đạo đức: từ các bảo mẫu nhà trẻ, đến những giáo viên học đường coi trọng kinh tế, tiền bạc, hay những chiêu trò sản xuất những thế hệ học sinh máy móc… vẫn có đó những nhà sư phạm chân chính chia sẻ vui buồn, đồng hành cùng học trò. Sự âm thầm trong tận tuỵ giáo dục, tuy không được “đánh bóng” tên tuổi hay “xông hương” danh dự, nhưng lại được quí mến và kính yêu như những người cha, người mẹ. Đằng sau đồng tiền thu được hoặc quà cáp gửi đến nhà giáo nếu là sự chê ghét, khinh thị của học trò thì đó thật đáng buồn cho người làm nghề buôn chữ, nhưng nếu là sự trân trọng tận thâm sâu của thụ nhân thì đó là thành công rực rỡ của nhà đào tạo. Con xin nghiêng mình, cúi chào những nhà giáo đã cống hiến hết mình cho những người con mà họ không sinh ra theo thể lý, nhưng đã quặng đau sinh ra trong nền giáo dục chân chính.
Câu chuyện cuối cùng liên quan đến Đức Giêsu. Trong Tin Mừng Gioan có hai lần dùng chữ Hy Lạp “διδάσκαλος” để phiên dịch chữ Hipri “Rabbi” (Ga 1:38), và chữ Aram “Rabbouni” (Ga 20:16). Khi người môn đệ được thương mến ngay lần gặp đầu tiên thốt lên với Đức Giêsu “Rabbi”, đấy là hiệu quả từ chính uy tín, lời giảng dạy, giáo huấn của người thầy Gioan Baotixita (Ga 1:36-37). Con cám ơn quí thầy cô đã từng bước đưa con tìm gặp Thiên Chúa qua chính uy tín, lời giảng dạy và gương sống của quí vị. Xin Chúa thương trả công bội hậu cho quí vị “thể xác khoẻ mạnh và tinh thần luôn phấn chấn” (3Ga 2). Ước mong rằng, quí thầy cô tiếp tục đồng hành, chia sẻ, dạy dỗ con và chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau, cho cả những nhà giáo đã quá cố, để sau khi vượt qua cuộc đời tạm bợ này, như chị Mađalêna lúc gặp Đức Kitô phục sinh, chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa “Rabbouni” là vị thầy hoàn hảo đầy tình yêu thương và tha thứ. Amen.
20.11.2016
Luca Giuse Phạm Hồ Hùng Sơn, s.P.