Bánh Mì Sáng | 29.12 | Chúa Nhật lễ Thánh Gia
Ngày V trong tuần Bát Nhật Giáng Sinh
Thánh Gia hay Thánh Gia thất, (tiếng Anh: Holy Family) là từ để chỉ về một gia đình gồm 3 thành viên, trong đó người cha là Giuse, người mẹ là Maria và người con trai là Giêsu.
Lich sử
Việc tôn kính Thánh Gia trong giáo hội Công giáo chính thức bắt đầu vào thế kỷ XVII bởi Giám mục Chân Phước François de Laval, người Canada gốc Pháp, vị giám mục đầu tiên của Québec. Dòng Đa Minh và dòng Phanxicô cũng đã góp một phần lớn vào phong trào sùng kính Thánh Gia này.
Lễ kính Thánh Gia
Lễ Thánh Gia bắt đầu trước tiên từ Canada, dần dần lòng sùng mộ Thánh Gia lan rộng ra khắp hoàn cầu. Thời kỳ này, người ta nhận thấy các gia đình bị tục hóa, nhiều gia sản thiêng liêng, các giá trị của gia đình bị tiêu tán. Có nguy cơ gia đình bị băng hoại hoàn toàn. Vì vậy tín hữu tìm tới gia đình gương mẫu Thánh Gia để giúp các gia đình Công giáo sống đạo và sống ơn bí tích hôn phối.
Năm 1893, Giáo hoàng Lêô XIII cho tổ chức lễ kính Thánh Gia vào ngày Chúa nhật trong tuần lễ Bát Nhật của Lễ Ba Vua, nghĩa là trong khoảng từ ngày 07 tháng 01 đến ngày 13 tháng 01 của năm. Trong năm này, người ta thấy có việc cử hành lần đầu tiên một lễ kính Thánh Gia, do lời xin với Tòa Thánh từ các giáo phận hoặc các dòng tu có lòng tôn sùng Thánh Gia.
Tuy nhiên, lễ Thánh Gia vẫn chỉ cho phép một số nơi cử hành, sau đó mới lan ra trong toàn thể giáo hội Công giáo. Và lễ Thánh Gia vẫn chưa có được chỗ đứng vững chắc trong Năm phụng vụ.
Năm 1911, trong sách Lễ Rôma, do Giáo hoàng Piô X cho tu sửa và công bố, cũng không có lễ Thánh Gia. Năm 1920, lễ Thánh Gia mới lại được đưa vào trong sách lễ Rôma, và chỉ định ngày Chúa nhật thứ I sau lễ Hiển Linh.
Ngày 26 tháng 10 năm 1921, Thánh Bộ Nghi lễ đã ra một sắc lệnh truyền cử hành một số lễ trong toàn thể Giáo hội, trong số lễ này, có lễ Thánh Gia, được cử hành vào Chúa nhật Bát nhật sau Lễ Hiển Linh.
Năm 1969, Lễ Thánh Gia và lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, là hai lễ được sắp xếp lại khi cải tổ năm phụng vụ và lịch phụng vụ do Công đồng Vaticanô II khởi xướng. Kết quả của việc cải tổ này áp dụng cho toàn thể Giáo hội Công giáo là lễ Thánh Gia được dịch sang Chúa nhật trong Tuần Bát nhật Lễ trọng Giáng sinh, hoặc nếu không có ngày Chúa nhật, thì cử hành vào ngày 30 tháng 12.
Hiện nay là lễ Thánh Gia được cử hành vào Chúa nhật ngay sau lễ Giáng Sinh. Nếu Lễ Giáng Sinh và tết Dương Lịch rơi vào Chúa nhật (tức là không có Chúa nhật nào ở khoảng giữa), lễ Thánh Gia sẽ được cử hành vào ngày 30 là ngày thứ sáu.
Năm 1921, khi ban hành việc mở rộng lễ Thánh Gia cho toàn thể Giáo hội Công giáo, Thánh Bộ Nghi lễ ban sắc lệnh như sau: ” Việc mừng lễ Thánh Gia thất với một lễ phụng vụ là một điều rất thích hợp và giúp cho việc phát triển lòng sùng mộ đối với Thánh Gia. Ngoài ra nhờ việc cử hành này, mà chúng ta suy niệm và bắt chước các nhân đức của các thành phần Thánh thiện trong gia đình Nazareth “. Như vậy việc mừng lễ Thánh Gia có chủ đích thần học là để ca tụng tôn vinh Ba Đấng Thánh trong nhà Nazareth. Việc này nhằm giới thiệu cho các gia đình Công giáo về một gia đình kiểu mẫu trong kinh Thánh để học tập theo. Đây cũng là dịp để những thành viên trong gia đình nhớ về công lao của cha, mẹ và thêm gắn bó với gia đình của họ.
https://vi.wikipedia.org/wiki/Thánh_Gia
Mời nghe các bài đọc trong thánh lễ hôm nay:
(Martha đọc)
Nghe hoặc Download Bài đọc 1 Tại đây
Bài đọc 1: 1 Sm 1,20-22.24-28
Mọi ngày đời ông Samuen sống, ông sẽ được nhượng cho Đức Chúa.
Lời Chúa trong sách Samuen quyển thứ nhất.
Ngày qua tháng lại, bà An-na thụ thai, sinh con trai và đặt tên cho nó là Sa-mu-en, vì bà nói : « Tôi đã xin Đức Chúa, và Người ban nó cho tôi. » Người chồng là En-ca-na lên với cả gia đình để dâng hy lễ thường niên cho Đức Chúa và để giữ trọn lời khấn hứa của mình. Bà An-na không lên, vì bà nói với chồng : « Đợi cho đến khi đứa trẻ cai sữa đã. Khi đó em sẽ đưa nó đi, nó sẽ ra mắt Đức Chúa và sẽ ở lại đó mãi mãi. » … Sau khi cai sữa cho con, bà đưa nó lên với mình, mang theo một con bò mộng ba tuổi, hai thùng bột và một bầu da đầy rượu. Bà đưa con vào nhà Đức Chúa tại Si-lô; đứa trẻ còn nhỏ lắm. Họ sát tế con bò và đưa đứa trẻ đến với ông Ê-li. Bà nói : « Thưa ngài, xin thứ lỗi, tôi xin lấy mạng sống ngài mà thề : tôi là người đàn bà đã đứng bên ngài, tại đây, để cầu nguyện với Đức Chúa. Tôi đã cầu nguyện để được đứa trẻ này, và Đức Chúa đã ban cho tôi điều tôi đã xin Người. Đến lượt tôi, tôi xin nhượng nó lại cho Đức Chúa. Mọi ngày đời nó, nó sẽ được nhượng cho Đức Chúa. » Và ở đó, họ thờ lạy Đức Chúa. Đó là lời Chúa.
Nghe hoặc Download Bài đọc 2 Tại đây
Bài đọc 2: 1 Ga 3,1-2.21-24
Chúng ta được gọi là con Thiên Chúa, mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa.
Lời Chúa trong thư thứ nhất của thánh Gioan tông đồ.
Anh em thân mến, anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa -mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa. Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người. Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Ki-tô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy… Anh em thân mến, nếu lòng chúng ta không cáo tội chúng ta, chúng ta được mạnh dạn đến cùng Thiên Chúa. Và bất cứ điều gì chúng ta xin, chúng ta được Người ban cho, bởi vì chúng ta tuân giữ các điều răn của Người và làm những gì đẹp ý Người. Đây là điều răn của Người: chúng ta phải tin vào danh Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người, và phải yêu thương nhau, theo điều răn Người đã ban cho chúng ta. Ai tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy. Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, đó là nhờ Thần Khí, Thần Khí mà Người đã ban cho chúng ta. Đó là lời Chúa.
Nghe hoặc Download Bài Tin Mừng MP3 Tại đây
Tin Mừng: Lc 2,41-52
Đức Giêsu được cha mẹ tìm thấy đang ngồi ở giữa các thầy dạy.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.
Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, theo tập tục ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm. Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đáp của cậu. Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói. Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta. Đó là lời Chúa.
C’est au bout de trois jours qu’ils le trouvèrent dans le Temple, assis au milieu des docteurs de la Loi: il les écoutait et leur posait des questions, et tous ceux qui l’entendaient s’extasiaient sur son intelligence et sur ses réponses. (Lc 2, 41-52)