Quán ven đườngTrà Đá Đường

Cuộc sống và cái chết | Phaolô Võ Công Nam

Bức ảnh trên được chụp vào lúc 10g40 sáng ngày 22.05.2020 trước nhà xứ giáo xứ Cầu Kho, nhân dịp anh em Cựu P. Minh tại Sài Gòn họp nhau dâng lễ Cầu Hồn cho Cha Thơm bên Mỹ vừa mới mất vì Covid-19.

Đã lâu không gặp nhau, Nam thân thiện tay bắt mặt mừng, vừa nở nụ cười thân thiện, với chút ngạc nhiên hỏi:
– Sao da mầy trắng quá vậy? Quá trắng giống như người bệnh bạch tạng?
Chúng tôi vẫn quen miệng xưng hô mầy tao từ hồi kiếp nào tới giờ.
– Hihihi… có lẻ do tao uống thuốc điều trị bệnh… Một thời gian sau khi dùng loại thuốc đặc trị nầy, tao có cảm giác da mình như trắng lên, mõng hơn rất dễ bị tổn thương. Mầy có quen ai cần làm trắng da thì nói với tao, tao chỉ thuốc cho uống… khỏi cần đi tắm trắng… hihihi…
– Tao có mấy bài viết đăng trên website Giáo xứ Thiên Thần…
– Có dịp mầy gởi cho tao, tao đăng trên CĐTG cho anh em đọc.
– Ở nhà, viết bài xong thì có người đăng bài cho mình. Tao không biết cách gởi cho mầy. Để về tao hỏi lại, có gì tao sẽ gởi cho…
Như thường lệ, tôi thường chụp ảnh chân dung mỗi khi gặp lại anh em bạn bè cũ, lần nầy cũng thế:
– Ê, sẵn có máy, mầy để tao chụp một tấm ảnh, rủi có gì khỏi mất công kiếm hình.
Với các anh em khác cũng thế, mỗi khi chụp ảnh, lúc nào tôi cũng nói thòng thêm câu: “… để có gì khỏi mất công kiếm hình…” Cứ như thế, mọi người ai cũng cười ha hả rồi vui vẻ làm dáng để tôi chụp.

2 tháng sau, Nam đã đột ngột ra đi ngày 04.08.2020. Nhớ lời Nam nói, tôi truy cập vào website Giáo xứ Thiên Thần (https://www.thienthan.info/). Tôi có tìm thấy một số bài của Võ Công Nam. Lần lượt tôi sẽ đăng lên để tưởng niệm đến người anh em cũ.

Đây là bài viết cuối cùng của Võ Công Nam trên website giáo xứ Thiên Thần. Bài viết có tựa đề: Cuộc Sống Và Cái Chết (bài và ảnh trích từ https://www.thienthan.info/)

CUỘC SỐNG VÀ CÁI CHẾT

“Tôi muốn Thiên Chúa nhìn thấy tôi thế nào khi Ngài gọi tôi?” 

(Lời Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài giảng Chúa nhật cuối cùng mùa phụng vụ 2018. Vatican News, 27-11-2018).

Con người luôn phải đối mặt với nhiều nỗi sợ hãi. Con người sợ hãi vì con người “bất tri”. Con người sợ hãi điều gì là bởi con người không biết gì về nó. Trong tất cả những nỗi sợ hãi của mình, nỗi sợ lớn nhất chắc chắn là “sợ chết”. Vì theo Công Đồng Vaticano II,” trước cái chết, bí ẩn về thân phận con người lên cao đến tột độ”. (Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng số 18.) Quả vậy, Các triết gia, các nhà tư tưởng từ xưa đến nay luôn trăn trở đi tìm trả lời cho ba câu hỏi về thân phận con người: Tôi là ai? Tôi bởi đâu mà đến và đi về đâu? Tôi sống để làm gì? Các câu hỏi ấy có một nguồn gốc chung: là sự tìm kiếm ý nghĩa luôn luôn hối thúc trong tâm khảm chúng ta, vì chưng hướng đi của cuộc nhân sinh hệ tại lời giải đáp cho những câu hỏi ấy.

Công Đồng Vaticano II đã mô tả nỗi lo âu và nghèo nàn của con người trước mầu nhiệm “sự chết”, nhưng mỗi người lại luôn được mời gọi tiếp cận mầu nhiệm này, nhất là trong tháng 11, tháng nhớ về người chết và nghĩ về cái chết. Cái chết là một thực tại không thể tránh được và cái chết là một điều gây nên mọi đổ vỡ đau đớn trong bản chất người, trong cuộc đời của mỗi người. Ngay cả những vị đại thánh cũng phải trải qua những giờ phút đau đớn trước cái chết của những người thân yêu. Thánh Augustinô đã mô tả sự đau đớn đó khi ngài phải chứng kiến cái chết của mẹ ngài. Ngài nói: “Khi vuốt mắt cho mẹ tôi, một nỗi buồn thảm siết chặt con tim tôi và nỗi buồn đó trào ra thành một dòng suối lệ. Đó là một sự kiện gây tổn thương khủng khiếp cho tôi. Vết thương đau buốt bởi sự kiện xảy ra bất ngờ làm tan vỡ cuộng sống êm đềm quá quen thuộc của chúng tôi.” (Carlo Martini. Đồng hành với Chúa. Tuyển tập các bài giảng của Đức Hồng Y Carlo Martini, Tổng Giám Mục Milan).

Người Kitô hữu chúng ta đã từng được mặc khải đầy đủ về bí mật của thân phận con người: con người, dù ở đâu, thời nào, đều do Chúa tạo dựng, mục đích của con người sống là để ngợi khen, tôn kính và phụng sự Chúa. Ngang qua cái chết con người trở về với Chúa để được hưởng cuộc sống vĩnh hằng viên mãn với Chúa. Bởi vì “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là Thiên Chúa của kẻ sống” (Lc 20,37-38.) Cái chết không phải là kế hoạch ban đầu của Thiên Chúa như lời trong sách khôn ngoan: “Thiên Chúa không làm ra cái chết, không vui gì khi sinh mạng tiêu vong vì Ngài đã sáng tạo ra muôn loài cho chúng hiện hữu” (Kn 1,13-14.) Khi Chúa tác tạo con người bằng bùn đất, Ngài đã thổi vào nó một luồng sinh khí, đó là lúc con người được ban sự sống vĩnh cửu. Sự chết xuất hiện là do tội lỗi, như lời Thánh Phaolô: “nọc của sự chết là tội” (1Cr,5,15.) Tội lỗi sinh ra cái chết, cắt đứt mọi mối liên hệ với Đấng hằng sống, Đấng ban sự sống.

Mặc khải về sự sống, sự chết đối với người Kitô hữu là một ơn ban, nhất là về sự sống đời sau, cho chúng ta biết cách đương đầu với cái chết. Sự chết giúp chúng ta kết thúc một cuộc hành trình ở nơi trần gian này với quá khứ, hiện tại và tương lai, tuy ngắn ngủi nhưng lại vô cùng quan trọng, bởi vì chính cuộc đời đó laị quyết định đến một cuộc sống không có quá khứ, không có tương lai mà vĩnh hằng, viên mãn được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa. Cuộc sống đó chỉ được ban cho “những ai được xét là đáng hưởng hạnh phúc đời sau” (Lc,20,35.)

Không ai biết được lúc nào thì ngày ấy đến, có khi già, có khi còn rất trẻ, nhưng chắc chắn là bất ngờ. Ngày đó, mọi người đều phải trình diện Chúa với đầy đủ những dấu chứng của cuộc sống nhân thế để quyết định xem có phải là người xứng đáng. Mọi người từ bây giờ phải chuẩn bị trả lời cho câu hỏi: Tôi muốn Chúa nhìn thấy tôi thế nào khi Ngài gọi tôi? Khốn nỗi, ngày ấy chắn chắn sẽ đến nhưng không ai nghĩ sẽ là ngày hôm nay, vậy thì cứ để mai hẵng tính. Tốt nhất, ngay từ bây giờ, chúng ta phải cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta sự khôn ngoan, nhận ra những điều chưa tốt để sửa chữa, nhận ra điều tốt để ấp ủ, để vươn tới, để thực hiện. Để ít ra, khi trình diện Chúa, chúng ta còn có những hoa quả nảy mầm từ hạt giống mà Chúa trao ban cho ta. Biết rằng, Chúa không chỉ là một quan tòa nghiêm minh mà còn là một người cha giàu lòng thương xót, nhưng với tư cách người con, chúng ta cũng phải biết đáp lại ít ra bằng một tấm lỏng thiện chí, quyết tâm sửa đổi điều chưa tốt, ước ao thực hiện điều tốt hơn.

Lạy Chúa, xin cho con biết tận dụng tốt nhất những cơ hội Chúa ban thông qua cuộc sống trần thế, cho con biết làm sinh lợi từ những nén bạc mà Chúa đã trao, làm đơm hoa kết trái những hạt mầm mà Chúa đã gieo vào lòng con để con có thể an lòng trình diện Chúa khi Ngài gọi con, Amen.

Giáo xứ Thiên Thần
Tháng 11.2019
Phaolô Võ Công Nam

Bài liên quan

Back to top button