Quán ven đườngTrà Đá Đường

Được gọi để bị tướt đoạt | Lm. Minh Anh, Tgp. Huế | 17.08.2020

Kính thưa Anh Chị em,     

Cả hai bài đọc Lời Chúa hôm nay nói đến sự tước đoạt, một sự tước đoạt cần thiết. Chúa tước đoạt người vợ thân yêu của Êzêkiel để ông nên lời sấm báo trước tai hoạ sắp ập xuống Giêrusalem và tình huống hoảng loạn của dân vào buổi lưu đày; Chúa Giêsu đề nghị chàng thanh niên hãy để người nghèo tước đoạt những gì anh sở hữu nếu anh muốn giàu có thực sự với những của cải bền vững trên trời.

Như ‘nửa kia’ của Êzêkiel là ‘niềm vui của mắt ông’ bị Thiên Chúa tước đoạt thì Giêrusalem, ‘niềm vui của mắt dân’ cũng sẽ bị Người tước đoạt đột ngột như thế; đột ngột đến nỗi họ không kịp khóc, cũng không có thời giờ để khóc. Mục đích là, “Khi sự việc xảy ra, các ngươi sẽ biết Ta là Thiên Chúa”, Đấng sẽ tước đi những gì chỉ để vui mắt và che chắn việc con người nhận biết Người.

Đặt vấn đề với Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay là một người trẻ đáng trân trọng; đáng trân trọng vì lẽ dù giàu có, anh vẫn nhận ra Đấng nhân lành nơi một Giêsu nghèo khó và nhất là anh luôn luôn khắc khoải bởi một khát vọng cao hơn, đời đời hơn: khát vọng nên thánh, “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?”. Chúa Giêsu phỏng vấn anh về các giới răn, và câu trả lời của anh chứng tỏ anh càng đáng được trân trọng hơn, “Tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ”. Nhiều người tưởng anh quá đủ tiêu chuẩn; nhưng với Chúa Giêsu thì không, “Nếu anh muốn nên trọn lành, hãy về bán hết của cải anh có, bố thí cho người nghèo khó; anh sẽ được kho tàng trên trời, rồi đến mà theo Tôi”.

Ngài nói đến một chuỗi, một tiến trình mà anh phải làm nếu anh muốn giàu có hơn. Anh phải đi, phải bán, phải cho, phải trở lại và theo Ngài; tắt một lời, anh hãy để cho người nghèo tước đoạt hết. Chúa Giêsu mời anh đi một vòng rồi quay lại vì Ngài biết, một khi trở lại, anh sẽ nhẹ nhàng hơn, thanh thoát hơn và bay bổng hơn vì anh đã được Thiên Chúa tước đoạt. Tiếc thay, anh đã từ chối. Anh sa sầm nét mặt, buồn buồn bỏ đi; và vì tôn trọng, Ngài cũng không buồn gọi anh lại. Thực ra, không phải vì anh chiếm hữu nhiều của cải; đúng hơn, của cải đã chiếm hữu anh. Bao lâu chỉ biết thu tóm, người ta cứ mãi sa sầm nét mặt.

Anh Chị em, Chúa Giêsu thật nhân lành khi Ngài không đòi chúng ta bán hết như thế. Đúng không? Hay Ngài đã đòi? Nếu muốn nên trọn lành, liệu chúng ta có thể áp ứng điều Ngài đòi không? Câu trả lời sẽ rất thú vị và lắm ngạc nhiên.

Sự thực, Thiên Chúa đã kêu gọi một số người bán hết những gì họ có và cho đi đúng theo nghĩa đen. Với những ai đáp lại tiếng gọi này, họ khám phá ra một sự tự do tuyệt vời để mình được tước đoạt tất cả. Ơn gọi của họ là dấu cho thấy có một tiếng gọi tận căn bên trong mà mỗi người đã được ngỏ mời. Phần chúng ta thì sao? Lời mời gọi tận căn bên trong được ngỏ với mỗi chúng ta là gì? Đó là một lời mời sống tinh thần nghèo khó. Bằng tinh thần nghèo khó, mỗi người được gọi để bị tước đoạt khỏi những gì thuộc về thế gian cùng một trương độ như những người được gọi để sống khó nghèo triệt để theo nghĩa đen. Khác biệt duy nhất ở đây là một người được kêu gọi để sống khó nghèo cả bên trong lẫn bên ngoài; đang khi người kia thì chỉ nghèo khó bên trong; thế nhưng, cả hai đều đòi hỏi triệt để, tận căn.

Vậy thì nghèo khó bên trong là gì? Đó là một mối phúc, “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó” như Matthêu nói; và “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó” như Luca nói. Tâm hồn nghèo khó chính là phúc lành giàu có thiêng liêng được khám phá khi một người để cho mình bị tước đoạt khỏi những cám dỗ vật chất đời này. Vật chất không phải là sự dữ, chúng ta có thể sở hữu nó nhưng quá gắn bó và muốn có nhiều hơn vì nghĩ rằng nhiều hơn sẽ hạnh phúc thì đó là cạm bẫy, “Ai có tiền sẽ không bao giờ có đủ tiền”. Của cải chỉ là phương tiện giúp chúng ta nên thánh và hoàn thành mục đích đời mình; quá gắn bó và ham hố đến nỗi phương hại đời sống ân sủng của con cái Chúa là điều tối kỵ và như thế, tước bỏ sẽ thật cần thiết.

Đã một thời tỷ phú George Soros than thở, “Tôi không biết mình đang giàu hay đang nghèo; đang làm chủ số phận hay đang nô lệ cho những thành công. Bởi lẽ, để thành công tôi đã phải làm việc như một con chó và để giàu có, tôi đã phải bất an triền miên”. Thế nhưng, sau khi đến với người cùng khốn, George Soros chia sẻ, “Chỉ khi biết yêu thương, tôi mới nếm được mùi hương hạnh phúc và sung túc thật sự”.

Anh Chị em,

Chúng ta không giàu như người thanh niên trong Tin Mừng, không là tỷ phú như George Soros, nhưng để có sự sống đời đời, những gì Chúa cần tước đi cũng sẽ không bằng một Nước Trời Người đang dành sẵn.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con trao vào tay Chúa những gì con có như một lễ tế thiêng liêng. Xin đón nhận tất cả và giúp con dùng nó theo cách Chúa muốn. Chớ gì trong khi để mình bị tước đoạt, con khám phá ra sự giàu có đích thực Chúa dành cho con”, Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Bài liên quan

Back to top button