Quán ven đườngTrà Đá Đường

Gánh Nước Lên Đồi & Mơ Ước Đời Tôi!

image0040 giờ ngày 14 tháng 3, 1989 được Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc chọn làm mốc chính thức ra lệnh đóng cửa các trại tị nạn Đông Nam Á. Những thuyền nhân đến sau ngày giờ nói trên không được công nhận quyền tị nạn, chỉ được cho tạm dung chờ ngày hồi hương.

Tôi đến đảo tị nạn Pulau Bidong lúc bảy giờ tối ngày 5 tháng 4, 1989. Hết mùa tị nạn! Tôi chậm chân, trễ hạn hai mươi mốt ngày. Thấy như mình lạc lõng trong phiên chợ chiều. Cũng an ủi! Nhiều người cũng đi chợ chiều. Chợ chiều thành chợ sáng. Đông người vô kể! Chỉ trong ba tháng số người tị nạn trên đảo tăng từ sáu ngàn lên mười sáu ngàn. Đông, vui và đỡ buồn! Nhưng quá đông, sinh nhiều khó khăn phiền phức. Chỗ ở, cái khó khăn trước tiên. Chính quyền Mã Lai đã xây dựng thêm một số những longhouse, cái kiểu nhà dài nhằng, được ngăn vách chia cho nhiều gia đình. Không cần thẩm mỹ, chỉ cần dung chứa cho thật nhiều người là tốt. Khí hậu Mã Lai nóng ngột ngạt. Mái nhà tôle thấp lè tè sát đầu. Hòn đảo khô cằn. Giếng sâu cạn nước. Đàn ông ở trần nhiều hơn mặc áo. Mất quê hương. Mang thân trần trơ trọi. Cái khó khăn thứ đến là thức ăn và  nước uống. Mã Lai dưới sự thống trị của Hồi Giáo. Thịt heo, thịt bò bị nghiêm cấm. Dân tị nạn chúng tôi phải đáo giang tùy khúc và nhập gia tùy tục: Lương thực quanh năm chỉ toàn thịt gà, cá và trứng. “Mã Lai thật văn minh! Có nhà dưỡng lão cho gà!” Những châm biếm được loan truyền trong dân tị nạn để diễn tả nỗi cơ cực phải nhai cật lực những miếng thịt gà già, dai như cao su.

image005
Longhouse

Đảo Pulau Bidong nằm chênh vênh giữa biển, xa đất liền khoảng mười lăm cây số. Ngày ngày hai tàu to mang chở nước uống ra phân phối cho người tị nạn. Mười lít cho mỗi đầu người. Mười sáu ngàn người, mười sáu ngàn cái sô đựng nước, đủ màu sắc, xếp dọc dài chung quanh khu phân phối nước. Thoạt nhìn, thấy cũng vui mắt! Chuyện phát và nhận nước thường kéo dài từ sáng sớm cho tới giữa trưa. Mỗi gia đình hay mỗi nhóm cần nuôi một người ở không để chuyên lo việc lãnh nước uống và thức ăn.

image010

Đời tị nạn, khốn nạn một chữ chờ: Chờ  thư, chờ nước, chờ định cư.

Mỗi lần xếp hàng chầu chực lãnh nước là mỗi lần tôi lãm nhãm những câu thơ trên. Chẳng có gì thanh nhã, nhưng diễn tả thật đúng kiếp tị nạn. Không gì chán cho bằng chờ: Chán vì mất giờ, chán vì không bỏ đi đâu được, không làm gì khác hơn được, chán vì nhận ra thân phận bất lực của người tị nạn: Chờ để nhận lãnh, để được ban phát.

image000
Longhouse: Chồng chất, chật chội

Chán ngán cộng với cái nóng hực lửa của đất Mã Lai làm tâm tính người tị nạn dễ cau có, bẵn gắt và dễ gây sự. Những vị sĩ quan từng hét ra lửa, từng ho ra lệnh của ngày xưa vàng son càng dễ sinh bất mãn, bực tức hơn. Nhưng hết rồi, còn đâu thời oanh liệt! Bây giờ là thời rèn kiên nhẫn và khiêm tốn bằng việc ngoan ngoãn xếp hàng chờ nước, chờ thư và chờ định cư.

image001
Mỗi ngày, một người được 1 sô nước 10 lít

Một ngày sau khi cập bến Mã Lai, bắt chước No-e sau Lụt Đại Hồng Thủy, tôi tổ chức dựng bàn thờ tạ ơn Thiên Chúa. Bà con Công Giáo tị nạn vây quanh tôi đông nghẹt, sốt sắng suy tôn lời Chúa, hát thánh ca tạ ơn Chúa đã cho chúng tôi đến bến bờ bình an sau nhiều ngày lênh đênh trên Biển Đông. “Đôi bàn tay Chúa nâng đỡ con. Xin dâng lời cảm tạ. Tay hồng ân Chúa đưa con về. Xin dâng lời cảm mến. Chúa cho con Trời Mới Đất Mới, đường đời con đổi mới. Con sẽ ca ngợi lòng thương xót Chúa muôn muôn đời.” Không ai thuộc hết lời của bài hát, nhưng tất cả cố âm ư đưa đẩy cho đúng cung giọng bài Tán Tụng Hồng Ân. Lời ca hùng tráng và cảm động nhập tâm đẩy dòng lệ nóng lăn dài trên má tôi. Dòng lệ tri ân đầu đời tị nạn. Dòng lệ của tâm tình tán tụng hồng ân. Xin Chúa thương nhận!

image013
Nhà thờ Công giáo trên Đồi Tôn Giáo

Vừa tới đảo, tôi được dời lên Đồi Tôn Giáo. Ngọn đồi khá cao sát biển, nơi tập trung nhà thờ Công Giáo, Chùa Phật Giáo, nhà thờ Tin Lành, Thánh Thất Cao Đài và một vài chiếc miếu thờ nhỏ. Sáng chiều đều nghe tiếng cầu kinh ở những nơi thờ tự tạm bợ nầy. Dễ hiểu, càng đau khổ, càng thất vọng người ta càng ý thức sự bất lực của mình và càng bám vào những thế lực thần thiên. Có vài linh mục Việt Nam và một số tu sĩ đã đến trước tôi, đang lưu trú trên Đồi Tôn Giáo chờ ngày định cư. Tôi nhập nhóm và chiếm ngay vị trí đàn anh. Tính ra không mấy ai đã tu lâu năm như tôi, hai mươi sáu năm tròn chứ ít gì.  Vai trò lãnh đạo khá hợp lý: Tu lâu năm, đã có tí tuổi, đi tị nạn cuối mùa, đến sau ngày đóng cửa, chắc sẽ có cơ hội ở lâu trên đảo phục vụ bà con Công Giáo tị nạn. Từ Nhà Thờ Công Giáo xuống địa điểm phân phối nước không xa lắm, độ chừng non một ngàn thước, tương đương với chặng dài đường Thánh Giá Chúa đi. Muốn hạ san, không mấy nhọc mệt. Muốn thượng sơn, thật không dễ chút nào, nhất là phải mang vác vật gì nặng như phải khiêng, gánh thùng nước 20 lít. Chúng tôi không gánh theo kiểu hai thùng nước ở hai đầu đòn gánh, nhưng hai người ở hai đầu đòn, gánh một thùng nước ở giữa. Hai mươi lít nước chỉ hai mươi ký nặng. Một thanh niên khoẻ mạnh bình thường chỉ cần xách bằng một tay. Nhưng đường lên núi, vừa dốc cao, vừa ngoằn ngoèo, gập ghềnh đá cứng, nên thùng nước hai mươi lít đủ nặng oằn vai chúng tôi. Không ai có thể gánh một lèo, từ chân đồi, nơi phát nước lên tới đỉnh đồi nơi nhà xứ toạ lạc. Chúng tôi thường phải dừng lại, hạ đòn nghỉ đôi lần, nhất là những thùng nước sau cùng khi mặt trời đã lên cao, sức nóng hực xuống hòn đảo trơ trọi.

image018
Các bậc thang lên đồi Tôn Giáo

Cách gánh nước lên đồi suốt hơn 27 tháng dài đời tị nạn đã dạy cho tôi một bài học sống động về tinh thần tương trợ. Tương trợ  là trợ giúp lẫn nhau. Trợ giúp lẫn nhau để có nước làm bếp, nấu ăn chờ ngày định cư. Thùng nước nặng hai mươi ký, đu đưa giữa hai người gánh nước, làm một tượng hình cho tương trợ.

Nước phát giới hạn chỉ đủ nấu ăn từng ngày. Từng giọt nước thật quý giá! Nước quý, không được phí phạm, tránh đánh rơi dù một giọt nước dọc dài con đường dốc cao. Muốn thế, người phía trước không được bước đi thẳng chân, phải lùn người thấp xuống. Trái lại, người phía sau phải vươn người cao lên để tạo một thăng bằng cho thùng nước quý. Không được bước quá nhanh, có thể làm nước trong thùng chứa tròng trành, tràn ra ngoài, hay tệ hơn, người gánh nước vấp té làm mất toi hai mươi lít nước.

Gánh nước lên đồi diễn tả thật sinh động ý nghĩa tương trợ nhờ tác động đồng bộ của hai người gánh. Một người cần nghỉ, người kia cũng phải nghỉ. Muốn dừng nghỉ dọc đường, hai người gánh nước phải có một thoả thuận chung về thể thức hạ thùng: Làm sao cho nhẹ nhàng, hạ xuống đều tay và an toàn. Nếu một người vì quá mệt, hạ đòn gánh xuống quá sớm và quá nhanh, nước trong thùng sẽ bị mai một. Chúng tôi thường chia theo từng cặp để gánh nước: Sức khoẻ ngang ngau, chiều cao không quá chênh lệch và nhất là có tinh thần “yêu nước” và “quý nước”.  Những anh em hơi lớn tuổi, sức khoẻ kém không phải gánh nước, nhưng được phân công nhận nước. Tương trợ không hề mang ý nghĩa sòng phẳng hay ăn đều, chia đủ, nhưng tương nhượng, nâng đỡ, đùm bọc nhau. Không có tương trợ trong công thức toán học. Tương trợ nằm trong Phúc Âm và trong lề luật Chúa. Biết trợ giúp nhau là thực sự biết thực hành Lời Chúa và nhận ra Chúa trong người anh em cho mình cơ hội thực thi tương trợ và bác ái.

image017
Cầu tàu, nơi tàu chở nước đậu và bơm nước lên nơi phát nước.

Nhìn những Giáo Xứ Việt Nam, những cộng đoàn Công Giáo Việt Nam ở Hải Ngoại, những tổ chức Giáo Sĩ & Tu Sĩ Việt Nam ở Hải Ngoại, những Hội Đoàn Công Giáo Tiến Hành….. sao thật quý hoá trong mắt tôi và trong tim tôi. Tôi nhìn thấy tất cả qua hình ảnh thùng nước uống quý báu, đu đưa, tròng trành mà tôi đã gánh lên đồi hai mươi năm trước, trong suốt hơn hai năm dài đời tị nạn. Quý, vì người ta phải mang chở từ trong đất liền ra đảo xa. Quý Cha, quý Thầy, quý tu sĩ nam nữ và quý Ông Bà, anh chị em giáo dân đã phải đổi một giá rất cao, bằng chính mạng sống mình, để có mặt ở đây. Nhiều người đã chết trên biển, chúng ta còn sống, được sinh hoạt trong Cộng đoàn Giáo Xứ, được phục vụ trong thiên chức linh mục và ơn gọi tu trì.

image022
Đồi Tôn Giáo

Thật đáng quý! Quý vì chúng ta đã thành những Giáo Xứ có nề nếp, thành những cộng đoàn có tổ chức, có thực lực sau một thời gian 40 năm dài. Bốn mươi năm, thời gian đủ dài như hành trình về Đất Hứa của người Do Thái xưa. Thời gian cần thiết cho thử thách và cho trưởng thành. Chúng ta phải chờ thật lâu, nhiều người đã dày công tạo dựng và tranh đấu để chúng ta có được thùng nước quý đong đầy mấy ngàn người trong một Giáo Xứ, hàng trăm Linh Mục, Tu Sĩ và Chủng Sinh Việt Nam trên một quốc gia không là quê hương mình. Quý, vì chúng ta có nhiều cái chung: Chung tổ quốc Việt Nam, chung ngôn ngữ, chung tập tục, văn hóa, chung đức tin, chung lý tưởng tu trì, hy sinh phục vụ Giáo Hội. Quý, vì chúng ta có cơ hội để tương trợ, để nâng đỡ nhau hành trình đức tin, để liên kết, để sống, để rao giảng Tin Mừng và mang ơn cứu độ cho muôn người như lệnh Chúa truyền trước khi về trời.

Người ta chỉ giữ cái gì đáng giá và quý báu. Xin hãy chung sức gìn giữ những Giáo Xứ Việt Nam, những cộng đoàn Công Giáo Việt Nam lớn nhỏ, những Tổ chức Giáo Sĩ &Tu Sĩ Việt Nam Hải Ngoại, những Đoàn Hội nêu cao tinh thần dấn thân và phục vụ. Muốn giữ Giáo Xứ, giữ tổ chức tồn tại và giữ chúng ta gần lại, cần một tương trợ vượt mức. Như người gánh nước lên đồi, nhiều khi phải biết vươn cao thẳng người, nhưng lắm lúc cũng cần rút co người lại để thùng nước quý bớt tròng trành, để giữ nước trong thùng trọn vẹn. Nhiều khi phải đi đến một tương nhượng, để người gánh nước đã lâu, trách nhiệm đã nhiều có cơ hội hạ thùng, nghỉ lấy sức. Nếu cứ ‘đường ta, ta đi’ hay ‘lập trường ta, ta giữ trước sau như một’ thì e rằng nước trong thùng sẽ sóng sánh, tung tóe vung vãi, thất thoát dọc đường. Dù có tới đích hay tự ái được ve vuốt thì cũng là chiếc thùng rỗng, không còn nước làm bếp, nấu cơm, nhiều người chết đói, không tìm thấy lương thực tinh thần bổ dưỡng.

Nhiều lần gánh nước lên đồi tháo mồ hôi. Tôi may mắn tìm được một giúp đỡ, một người nào đó tình nguyện chia sẻ một đoạn đường. Ánh mắt tôi rực sáng lòng biết ơn! Tôi hiểu được tâm trạng Chúa Giêsu, tiếng thở dài nhẹ nhõm của Ngài khi Simon kê vai vác tiếp đỡ một đoạn đường thánh giá. Nếu không có Simon, có lẽ Chúa sẽ phải té ngã nhiều hơn ba lần. Nếu không có Simon, có lẽ Chúa không đi tới đích như đội lính hành hình đã lo sợ. Simon thật cần thiết! Đời sống nào, giáo xứ nào, tổ chức nào cũng cần nhiều Simon. Ông Simon không một lời phát biểu, không thắc mắc hay dài dòng biện giải. Ông Simon không đòi có tiếng nói trong nhà thờ, không yêu cầu chức nọ, quyền kia trong giáo xứ… Ông Simon chỉ lặng lẽ, đưa vai vác đỡ lấy Thánh giá Chúa. Hãy là Simon âm thầm đưa vai gánh vác việc chung! Hãy là Simon qua một khích lệ, một yểm trợ tinh thần, một quan tâm, một góp ý chia sẻ hay một nhập cuộc! Đường thánh giá Chúa đi, khách bàng quan lũ lượt. Không một ai được ghi tên vào Kinh Thánh. Bàng quan, người đứng ngoài cuộc, có thấy sự việc xảy ra, nhưng không một quan tâm hay một hành động thiết thực.

image025
Đồi Canvê trên đồi tôn giáo Pulau Bidong năm 1989. Sau nầy bị chính quyền Hồi Giáo Mã Lai triệt hạ năm 1990.

Không chút oán hận và tiếc sót, trái lại tôi trân quý và tri ơn Chúa đã ban cho tôi sống hai mươi bảy tháng dài đời tị nạn. Tôi học thuộc nhuần nhuyển bài học tương trợ qua những chuyến gánh nước oằn vai lên đồi. Nó thật cần thiết cho cuộc sống nơi xứ người. Càng sống lâu năm trên xứ người, tương trợ càng cần thiết giữa những người đồng hương. Càng sống gần người bản xứ, càng gần với Tây, càng làm việc cho Tây và nói tiếng Tây, tôi càng khám phá ra cái Ta khác biệt nơi mình. Tôi càng thấy không thể thiếu sự gắn bó giữa những người ly hương. Càng phục vụ lâu trong những địa phận xứ người, tôi càng thấy trong tôi một mơ ước mãnh liệt cho tình người Công Giáo Việt Nam ly hương, cho tình anh em Linh Mục & Tu Sĩ Việt Nam ở hải ngoại. Tôi không chối bỏ những đức tính tốt của người bản xứ. Tôi luôn tri ân cho một đất nước an bình, trù phú và cho một dân tộc có lòng quảng đại như Canada. Nhưng tôi cũng rất quý cái tôi Việt Nam trong tôi. Tôi cũng rất quý Đất Mẹ Việt Nam, nơi đã sinh ra tôi và gần ba triệu đứa con Việt Nam đang lưu xứ.

Tôi mơ một mái ấm gia đình:

Có tình, nhiều hơn tiền của. Có anh chị em, nhiều hơn người dưng nước lã.

Có lắng nghe, nhiều hơn cải cọ. Có nâng đỡ, nhiều hơn tranh chấp.

Có ủi an, nhiều hơn ngược đãi. Có cầu nguyện, nhiều hơn tranh cãi.

Có nội tâm, nhiều hơn bì phu trống rỗng.

Có quan tâm, nhiều hơn thờ ơ bỏ mặc.

Có xây dựng, nhiều hơn phá đổ.

Có hướng đi phục vụ, nhiều hơn ngõ cụt nghẽn đời.

Xin gọi mời chung giấc mơ !

Linh mục Phêrô Trần Thế Tuyên

Bài liên quan

Back to top button