Quán ven đườngTrà Đá Đường

Giải cứu ông già Noel | SL

LỜI TỰA

Nếu thời gian đúng là tiền bạc thì mấy ông bà cao niên như ta đây ắt là tỉ phú hết.

Rảnh quá mà, đa số thường không có nhiều việc hay đủ sức khỏe để làm. Công việc thì đến người trẻ còn không có đủ, ai thèm đi thuê người già chậm chạp hết thời chứ. Sức khỏe thì… lơ tơ mơ không tập trung, mắt mờ, tai nghe không rõ, thân thể lão hóa nay đau mai mệt. Ôi thôi, đành ngồi bên cửa sổ đếm thời gian trôi, mà tha hồ lang thang trong miền ký ức mênh mang.

Nói là đa số, tức là vẫn có thiểu số ngoại lệ đó mà, ví dụ như mình cũng có một ông bạn U70, tuy mắc phải căn bệnh trầm kha, ra vào bệnh viện bao nhiêu lần không nhớ xuể nữa, thuốc thang lên tới tiền tỉ, vậy mà nguồn năng lượng nội tại của anh Chúa ban cho dường như chưa bao giờ cạn, anh làm bao nhiêu là việc, hết chuyện đạo đến chuyện đời, đến chuyện “trời ơi đất hỡi”… đến nỗi anh nói vui là không có thời gian để yêu luôn.

Lại đi tùm lum lạc đề mất rồi. Thôi ta quay lại mà lang thang miền ký ức, lạc trôi về thuở khi xưa ta bé, rồi đến lúc ta lớn ta yêu, để rồi bị cuốn xoay mệt nhoài vào cuộc mưu sinh tất bật, rồi….

Ảnh Phuong Le từ Đài Loan

GIẢI CỨU ÔNG GIÀ NOEL

Lúc đó tôi còn là một đứa bé 6, 7 tuổi thôi. Xóm tôi là một xóm bình dân, trong xóm có nhà công chức, giáo viên, y sĩ, thợ máy, cả gia đình những người mua gánh bán bưng và những người thất nghiệp nữa.

Vì người lớn luôn bận bịu cả ngày lo cơm áo gạo tiền, bọn trẻ con chúng tôi đi học về là tha hồ tụm lại bày đủ trò để chơi. Con nít mà, đâu lo toan gì. Rảnh là túm tụm lại, mà chơi theo từng phe nhe, không phải đụng đứa nào cũng ráp vô chơi được à. Đám nhí nhố như cỡ tôi, tức con nít tám chín tuổi trở xuống, con gái thì chơi nhà chòi, chuyền chuyền, cúp bế (là búp bê đó)… con trai thì tạt lon, bắn bi ve, bắt dế, làm ná thun đi bắn … ổi. Mấy anh chị lớn đã vào trung học thì ít túm tụm hơn, sắp thành người lớn rồi nên cũng nghiêm chỉnh ra. Các chị thêu đan, đọc sách, nghe nhạc hoặc lâu lâu rủ nhau đi coi phim; mấy ông anh thì tham gia sinh hoạt hướng đạo sinh, đi dã ngoại cắm trại, rảnh nữa thì đi đá banh, ra sông bơi lội. Đám nhỏ tụi tôi mê vụ ra sông hết biết, mà bị người lớn cấm ngặt luôn, tiếc gì đâu.

Túm lại là bọn tôi nghĩ gì chơi nấy, “chưa lành mạnh bổ ích và có tính giáo dục” gì cả. Đó là nguyên văn câu nói của một ông anh trong xóm, một thần tượng mà cũng là thủ lãnh bọn tôi sau này, anh Điện, tức linh mục Nguyễn Công Diện coi sóc một giáo xứ ở Huyện Tam Nông trước khi qua đời cách đây vài năm.

Lúc đó, anh Điện chưa vào trường dòng. Anh vốn ở quê đến trọ học tại nhà dì ruột, người hàng xóm sát vách nhà tôi.

Vừa đến cư ngụ trong xóm, anh Điện đã làm cho bọn con nít tụi tôi mê tít. Anh cao dong dỏng, mái tóc gọn gàng, gương mặt tinh anh với đôi mắt lấp lánh biết cười, giọng nói thiệt dễ mến. Anh thường gom bọn nhóc lại để kể chuyện, đọc sách cho nghe. Cái gì anh nói cũng hay ho, mới lại. Tôi đâm ra phục anh quá xá.

Chị hai tôi lúc đó đang học đệ nhị tại trường Thoại Ngọc Hầu, nổi tiếng là hiền lành và xinh đẹp. Dĩ nhiên là mấy anh trong xóm cùng trang lứa ai mà chẳng thích giao du với chị, muốn giúp chị chút việc nho nhỏ hữu ích nào đó. Anh Điện nhanh chóng chơi thân với chi hai tôi, vì rất hợp tính đó mà. Nghe chị đôi lúc than phiền đám em và tụi trẻ hàng xóm nghịch ngợm phá phách quá xá, la lối ầm ĩ suốt cả buổi trưa, anh Điện suy nghĩ vài hôm rồi tìm cách “giúp tụi nó vừa chơi vừa học”.

– Tụi em là con gái, lại là bạn bè, giận nhau không được gây lộn lớn tiếng, không nói lời thô lỗ, nhứt là không đánh lộn. Con gái, học trò gì mà túm tóc nhau. Không đứa nào được cào mặt bạn mình đó nhe. Anh không thích có những đứa em gái như vậy.

Thế là bọn tôi răm rắp nghe theo, vì đứa nào cũng thích làm em anh Điện, mà ngẫm ra thấy mình cư xử cũng bậy quá. Học trò tiểu học cũng có hiểu biết lắm chứ!

– Đá banh phải có tinh thần thương võ. Cầu thủ không ai đốn cẳng bạn đấu trên sân cỏ, không ai uýnh trọng tài. Mấy đứa tụi bây chắc không phải là cầu thủ rồi.

Anh Điện nói khích rõ ràng như ban ngày, vậy mà mấy anh tôi với đám bạn thôi không gây gỗ, văng tục và đánh nhau khi đá banh nữa. Anh Điện thiệt là giỏi. Trong xóm còn nhiều anh chị khác đồng trang lứa với anh Điện và chị hai tôi,  tuy cũng dễ mến nhưng ít khi chuyện trò chứ nói chi đến chơi cùng chúng tôi. Mấy anh kia còn nói với anh Điện: “Mày đúng thiệt là rảnh quá hén!”

Nghe lời giảng giải hợp tình hợp lý của anh, bọn trẻ trong xóm từ từ trở nên ngoan ngoãn lễ phép hơn. Buổi trưa chúng đi nằm, dù không ngủ được, nhưng đã thôi chạy rong dưới nắng chang chang la hét nhặng xị. Người lớn trong xóm ai cũng quý mến anh.

Anh Điện còn có nhiều tài lẻ, nói theo ngôn ngữ @ bi giờ là “kỹ năng mềm”.

Một hôm, có nhà trong xóm làm bể tấm kiếng tráng thủy nên đem ra bỏ ngoài bãi rác. Anh Điện nhìn thấy liền lượm về mấy miếng ưng ý. Rồi anh qua nhờ chị hai tôi phụ một tay để làm cái gì đó. Anh giải thích, còn chị tôi tròn mắt thán phục. Hai người bày ra băng keo, dao, kéo, ống nước cũ… hì hục cùng làm. Tôi được phân công đi kiếm giấy màu và kim tuyến vụn. Chiều hôm đó, khi vừa tan học về, anh ngoắc tụi tôi lại. Ra vẻ bí mật, anh giơ ra một cái ống nước cũ dài cỡ 2 tấc.

– Cái gì vậy anh?

– Cho em mượn đi

– Đồ chơi mới hả anh? Mình chơi làm sao?

Nhao nhao cả lên. Cả đám tò mò ngắm món “đồ chơi khoa học” anh Điện mới làm. Anh đưa cái ống cho tôi:

– Út nhìn vô đây coi, rồi kể là em thấy cái gì nhe.

Tôi trịnh trọng cầm lấy “đồ chơi khoa học”, cái ống nhựa cũ mới hôm qua còn nằm lăn lóc trong cái thau chứa đồ tạp nham ở phía sau chuồng gà nhà mình. Ghé mắt vào, và tôi như choáng váng. Ôi, cái gì thế này? Vượt ngoài sức tưởng tượng! Một bức tranh, một khung cảnh, một hình ảnh lung linh sắc màu, sống động, ảo diệu hiện ra như từ một thế giới khác. Tôi đang đờ người ra, anh Điện lại chạm nhe vào thành ống, lập tức  hình ảnh cũ biến mất và hiện ra một hình ảnh mới hoàn toàn, đẹp tuyệt trần và hấp dẫn không kém.

Vì tôi ngậm tăm không kể nỗi một chữ, đám nhóc kia tức anh ách bèn giựt luôn cái ống mà lần lượt nhìn vào để rồi cũng há hốc miệng ra như tôi.

Đó là lần đầu tiên chúng tôi biết đến chiếc kính vạn hoa, một thế giới đẹp đẽ, lung linh, vô thường lưu mãi trong kỷ niệm tuổi thơ tôi.

Lại sắp đến Noel. Là xóm đạo nên từ đầu tháng 12 là mọi người đã bắt đầu chuẩn bị. Nào là bông hang đá, nào là giăng đèn màu, nào là làm thiệp. Má tôi năm nào cũng nuôi dành sẵn con gà trống lớn để nấu nồi cà ri khoai lang bí nước dừa béo ngậy ăn Réveilion. Chúng tôi đi lễ nửa đêm về là dọn ra ăn cạnh bên hang Bê lem và nhánh dương treo trái châu giả làm cây thông, Vậy là xong mùa Giáng Sinh.

Năm nay phải khác chứ. Vì năm nay chúng tôi đã có thủ lĩnh tài ba.

Còn một tuần trước Noel, anh Điện hay sang nhà hội ý với chị hai tôi, tôi lén dỏng tai lên nghe mà chỉ biết loáng thoáng là hai người sẽ tổ chức đêm Noel bất ngờ thú vị cho lũ trẻ trong xóm.

Rồi chị hai tôi chính thức đứng ra thông báo:

– Năm nay, chúng ta sẽ cùng ăn Réveillon. Tan lễ về các em sẽ tập họp tại sân cát, thức ăn ai có gì thì mang đến, không có thì cũng đến nhe. Mình sẽ đốt đống lữa, cùng ăn uống, ca hát và nhảy múa. Sau đó, đến tiết mục đặc biệt bất ngờ: Ông già Noel sẽ đến trao quà cho các em.

Lập tức chị không thể nói thêm trước cả chục cái miệng nhao nhao:

– Ông già Noel thiệt luôn hở chị?

– Mà sao ông già Noel biết mình xin quà gì vì mình đâu có gởi thư trước? Em đọc sách thấy nói vậy đó.

– Có con tuần lộc tới không chị?

– Trật tự! Trật tự! Im lặng nghe nè. Vì ông già Noel ở ta không giàu như ông già Noel ở phương Tây, nên ông sẽ chuẩn bị quà theo khả năng ông có. Quà là quý ở tấm lòng. Các em nhận được quà đêm Giáng Sinh là đủ vui rồi. Ông cũng không cưỡi tuần lộc đến mái nhà rồi đặt quà vào ống khói vì nhà chúng ta cũng đâu có ống khói. Vậy cho nên, ông già Noel sẽ đem quà tới trao tận tay các em và cùng chúng ta vui chơi.

– Ôi…. tuyệt cú mèo luôn.

Thế là ai ai cũng náo nức chuẩn bị. Má tôi hứa chừa sẵn cho hai tô lớn cà ri gà với bánh mì. Mấy chị em họ anh Điện thì lo trái cây và còn làm một ổ bánh khoai mì chuối nướng. Các dì trong xóm cũng cho khoai, bắp để nướng. Các anh lớn được phân công đi gom cành khô về sân cát chất đống sẵn. Mấy chị có tham gia ca đoàn thì tập dợt mấy bài thánh ca. Đám con trai nhí nhố còn tính quấn khố lá chuối khô cùng nhau nhảy mọi bên đống lữa như thổ dân da đỏ. Anh trai tôi lôi cái trống ếch ra gõ bùm bùm để thử trống.

Thiệt nôn quá đi…

À, mà lạ nhe, sao ông anh thủ lãnh của chúng tôi lại không hó hé gì trong dịp trọng đại thế này?

Rồi cũng đến ngày 24/12. Đúng như kế hoạch, ngay sau khi dự thánh lễ nửa đêm, từ nhà thờ về là chúng tôi đến ngay sân cát.

Ở đó, đống cây khô nhanh chóng được đốt lên, ngọn lửa bập bùng thi thoảng nổ tí tách thật ấm cúng. Các chị đã bày xong thức ăn, nước uống. Như dự định, chúng tôi sẽ đợi ông già Noel đến rồi mới bắt đầu “nhập tiệc” và văn nghệ văn gừng. Mặt ai cũng rạng rỡ, mắt lấp lánh ánh lữa thật đẹp.

Chẳng phải đợi lâu. Có một tiếng động lớn rơi cái bịch như có ai đó té trên mái chái bếp nhà tôi.

Chị hai tôi nói khẽ:

– Chắc ông già Noel đến. Con tuần lộc không thể nào đáp xuống khu chằng chịt như xóm mình nên chắc tuần lộc thả ông ấy trên mái nhà.

Cả đám hồi hộp, dõi mắt về hướng vừa phát ra tiếng động.

Quả thật vậy rồi, một người áo đỏ, nón đỏ, râu trắng lòng thòng, đang lóp ngóp bò từ trên mái chái bếp xuống mái chuồng gà, lưng vác một bao bố bự tổ chảng.

ĐÍCH THỰC ÔNG GIÀ NOEL!

Dù biết trước, chúng tôi cũng quá sửng sốt y như nằm mơ. Ôi, mai mốt vô trường tha hồ mà kể “tao đã tận mắt gặp ông già Noel”…

Sửng sốt làm cả đám đứng im thin thít.

Ông già áo đỏ chắc phải già lắm rồi nên hành trình leo từ mái nhà xuống mới vất vả làm sao! Vừa bò vừa lết vừa run lẩy bẩy… cuối cùng cũng tiếp đất an toàn. Mà kìa, con vện đã chực sẵn ngay dưới đất, nhắm thẳng ông già sủa inh ỏi. Trong xóm ai cũng biết tính con vện, tuy khá dễ mến với người quen nhưng tuyệt đối không nhân nhương người lạ. Nó mà đã sủa cảnh báo là y như rằng sẽ lao vào xực sau đó vài giây.

Mấy chị hoảng hốt, đồng thanh la to:

– Vện, người quen.

Quen gì mà quen, cái ông già này lạ hoắc. Vện nhảy bổ tới, đốp ngay vào mông ông già Noel, vừa cắn, vừa kéo, vừa gầm gừ.

Thật ra, nó ngoạm chặt vào lớp vải quần chứ không cắn vào thịt.

Ông già chắc hoảng hồn rồi. Nếu ông tuột bỏ cái quần lại thì có thể thoát khỏi con vện. Nhưng cũng ráng giữ chút thể diện chứ, vì chả lẽ ông già Noel đi tặng quà lại mặc quần tà lỏn. Chịu hết xiết, ông già kêu lớn… bằng một cái giọng rất quen: “Cứu, cứu, cứu!”

Cả đám chợt tỉnh, chạy ào tới nắm con vện lại và gỡ ông già Noel ra.

Đúng là anh Điện của chúng tôi rồi.

Sự cố nhỏ không ảnh hưởng gì đến buổi tối tuyệt vời của chúng tôi hôm đó, trừ một điều: Chúng tôi phát hiện ra ông già Noel không phải là thật như kỳ vọng.

Vì muốn đem lại bất ngờ thú vị cho bọn trẻ chúng tôi, anh đã mất nhiều công chuẩn bị tổ chức, các chị lớn đã phải kín đáo tỉ mỉ gói từng phần quà nhỏ, còn anh hóa trang thành ông già Noel mang niềm vui đến với chúng tôi. Vốn thư sinh không quen leo trèo, anh đã vất vả leo từ lầu nhà dì anh xuống mái bếp nhà tôi để chuyền xuống đất với một cái kết cười chảy nước mắt là cả đám phải lao vào giải cứu ông già Noel vì con vện không nhận ra anh.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, mà kỷ niệm tuổi thơ ùa về làm tôi nhớ ông anh thủ lãnh của mình quá đỗi, người luôn ân cần quan tâm đến người khác, không mảy may vụ lợi cá nhân, người đã dâng hiến cả cuộc đời cho Chúa và đã an nghĩ trong Chúa.

SL

Bài liên quan

Back to top button