Quán ven đườngTrà Đá Đường

Hội chứng tu xuất

Zắc Dũng chuyển bài
Trích xuất từ
http://gpbuichu.org/

00-00-bo-tu-1a-jpgTu xuất tự nó không phải là một bậc sống, nhưng là một thành phần quan trọng trong nhịp sống Giáo hội. Có lẽ, cuộc đời chúng ta không ai hiểu hết được chữ “ngờ”, và vì thế, xuất tu cũng hàm chứa những lý do khó nói lên lời. Đôi dòng tản mạn và những cảm nghiệm riêng tư của tác giả về những người tu xuất có lẽ sẽ là tâm tư của bất kỳ ai đó muốn đồng cảm, muốn yêu thương, muốn sẻ chia với những con người đặc biệt này.

Nói về người tu xuất có thật lắm khía cạnh để người ta phải suy nghĩ, bàn luận. Trước hết, có lẽ chúng ta nên khởi đi từ hai tiếng “Ơn gọi”. Ban đầu, nhiều bạn trẻ lắng nghe được tiếng Chúa gọi, họ hăng hái dấn thân vào đời tu với tất cả nhiệt huyết của một con tim căng đầy sức sống. Nhưng rồi, cuộc đời có trăm ngàn lối đi khiến họ không còn giữ được nét trinh trong và nhiệt huyết thuở ban đầu. Giã từ chốn Viện tu, họ nghe theo một tiếng gọi khác và đi tìm cho mình một niềm vui giữa đời thường. Có những người tìm về chốn hồng trần để mong tìm một mái ấm, một niềm hạnh phúc dẫu mong manh nhưng thật đơn thành; có những người can đảm tiếp tục rong ruổi dấn thân trên hành trình dâng hiến đầy cát bụi… Trong số đó, có những người đã nhận ra chân lý sống và họ đã làm trổ sinh hoa trái giữa cuộc đời; nhưng rồi lại cũng không thiếu những người chìm ngập trong cô đơn, thất vọng và bị dòng đời vùi lấp, cuốn trôi.

Tại sao cuộc đời người tu xuất lại rơi vào bất hạnh? Nhiều người cho rằng: vì anh đó, chị đó đã ăn cơm nhà Chúa Trời, nay quay gót về với thế gian thì đương nhiên phải chuốc lấy hậu quả. Nghe thoáng qua thật quá phũ phàng, chẳng lẽ Thiên Chúa lại là kẻ dữ dằn và khát máu trả thù đến vậy ư? Chắc chắn không phải thế. Sở dĩ người tu xuất khi trở về đời thường, cuộc sống của họ không mấy hạnh phúc có lẽ vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Khi họ còn sống trong Ơn gọi, họ làm mọi việc đều có chương trình, kế hoạch, mọi sự xem ra an nhàn, thư thái, nay trở về thế gian, họ phải bươn trải với cuộc sống cơm áo gạo tiền, đó là một thử thách lớn lao đối với họ. Hơn nữa, suốt thời gian sống trong Dòng tu hay Chủng viện, người tu chỉ lo trau dồi tri thức để chuẩn bị lãnh chức thánh hay khấn dòng, họ đâu biết mùi thế nhân đoạn trường ra sao? Nay trở về đời thường trăm ngàn sóng gió, bể dâu, sức đề kháng của những con người này sẽ vô cùng mong manh, yếu ớt. Vì thế, họ ít tìm được những cơ hội trong cuộc sống, trong khi cuộc đời lại quá khắt khe đối với họ. Thành ra, người xuất tu khó có thể tìm được cho mình một cuộc sống bình an và hạnh phúc.

Ngày nay, người ta nhiều khi có ác cảm và thành kiến nặng nề với người tu ra. Họ cho rằng: việc ông Thầy, bà Sơ giũ áo Dòng ra về lấy vợ, lấy chồng là chuyện chẳng nên. Ngoài việc bị kết án là ham muốn thế gian, xác thịt, lại còn bị gán cho cái tội tày đình là bội ơn nhà Đức Chúa Trời. Bao nhiêu tiền bạc, cơm gạo nuôi ăn giờ đây trở về con số không tròn trĩnh. Họ căm tức người tu ra vì cho rằng: cô, cậu đã bôi gio, chát trấu vào mặt cha mẹ, tiên tổ, ông bà. Thanh danh đang lên như “diều gặp gió” nay chẳng khác chi “lá chuối gặp bão” xác xơ bên đường. Cha mẹ thì khăng khăng dán chặt con mình trên bàn thánh, chôn chân con mình trong chốn Viện tu bằng bất cứ giá nào, nhưng cũng chẳng hay chẳng biết rằng: con mình không có khả năng sống đời Ơn gọi. Họ chỉ biết một điều: việc trở về gia đình sau hành trình tu trì dang dở là chuyện không thể chấp nhận được. Họ cũng đâu biết rằng: việc quyết định ngả sang một Ơn gọi khác không phải là chuyện dễ dàng như người ta vẫn lầm tưởng. Trước khi về đời, người xuất tu đã phải đón nhận sức ép thật khủng khiếp từ phía dư luận, bà con lối xóm. Thật là đáng sợ!

Hơn thế nữa, nhiều người xuất tu mang theo suốt cuộc đời mình mặc cảm tội lỗi vì biết mình đã làm hỏng ơn Chúa. Bao nhiêu chữ “giá mà” thế này, “phải chi” thế thế kia cứ đeo bám và ám ảnh trong trí não. Bao nhiêu nước mắt đã lặng lẽ buông xuống dòng đời; bao nhiêu tiếng thở dài não nề trôi theo giọt nắng, giọt mưa; bao nhiêu thất vọng, bao nhiêu chán ngán cuộc đời, bao nhiêu mỏi mòn, tăm tối giăng ngập lối về… Thật xót xa, thật phũ phàng! Mọi sự giờ đây đã quá muộn cho một lời xin lỗi, chỉ còn lại đây những giọt lệ buồn của cay đắng, xót xa. Nỗi đau khiến họ ăn không ngon, ngủ không yên, và vì thế họ cảm thấy bất hạnh và đau khổ. Mọi cánh cửa hy vọng dường như đã đóng chặt khiến họ không còn lối thoát. Cuộc đời thật quá khắt khe với họ.

Nói về người tu xuất với biết bao cảm xúc và nghĩ suy, nhưng chúng ta không thể nào không thừa nhận vị trí và vai trò của họ trong Giáo hội và ngoài xã hội. Nhiều người tu xuất đã trở thành cánh tay đắc lực của Cha xứ và của xóm đạo. Các hội đạo đức, các công việc bác ái, các hoạt động từ thiện có thăng tiến được cũng là nhờ phần nhiều vào những con người nhiệt thành này. Họ là những người trí thức, được đào luyện bài bản trong Chủng viện, nơi Dòng tu nên cũng đã trang bị cho mình một sự trưởng thành vừa đủ trước khi đối mặt với cuộc đời. Họ làm việc có cái tâm và trở nên những con người đáng tin cậy trong Cộng đoàn. Vì thế, chúng ta cần đặc biệt tôn trọng, cảm phục và cầu nguyện cho họ, để giúp hăng say và nhiệt thành chu toàn bổn phận làm người Kitô hữu của mình.

regretĐôi dòng suy tư về giới tu xuất không phải là bao che, dung dưỡng, nhưng là tấm lòng trân trọng, cảm thông và tri ân. Thiên Chúa đã dùng họ cách âm thầm để làm việc trong vườn nho của Ngài. Không ít thì nhiều, những việc làm và những hy sinh lớn lao của họ cũng làm cho vườn nho Chúa được trổ sinh hoa trái. Viết về người tu xuất giúp chúng ta có cái bao dung hơn, yêu thương hơn, đồng cảm hơn, vì mọi người dù là ai, dù trong hoàn cảnh nào cũng đều là những con người bất xứng trước mặt Thiên Chúa và ai trong chúng ta cũng cần đến lòng thương xót và ân sủng của Ngài. Đây cũng là một lần giúp chúng ta hâm nóng lại tình yêu với Chúa, hun đúc khát khao dâng hiến của mình. Ước mong sao dù cho bao khó khăn, thử thách, chúng ta cũng hãy luôn trung thành với Chúa đến cùng.

Diệu Tâm, BC

Bài liên quan

Back to top button