Mồ côi mẹ
Năm nay là năm thứ ba tôi mồ côi Mẹ.
Thông thường khi nói mồ côi mẹ, người ta thường liên tưởng đến những em bé, những bé tuổi thiếu niên, nhi đồng, những bé ăn chưa no lo chưa tới mà thiếu sự lo lắng, đùm bọc của người Mẹ. Nhưng với tôi, một gã đàn ông với 60 năm cuộc đời lại vẫn muốn dùng chữ mồ côi Mẹ, vì rằng cảm giác ấy ở trong tôi vẫn như nhau. Mẹ tôi há chẳng vẫn thường quan tâm lo lắng cho mọi người con của Mẹ sao , dù rằng chúng tôi đã trưởng thành, đã lục tuần, thất tuần, tóc cũng đã bạc không thua kém Mẹ bao nhiêu.
Để nói về Mẹ tôi thì sẽ tốn rất nhiều bút mực và thời gian. Có một điều tôi đã cố gắng hết sức để bắt chước nhưng nhiều lúc vẫn quên hoặc nhớ nhưng vẫn không làm được, một điều nói nghe thì dễ nhưng thực hành thì không dễ một chút nào.
Đó là: Không lớn tiếng hoặc cãi nhau trước mặt con cái.
Từ khi tôi có trí khôn cho đến lúc tôi mồ côi Mẹ, tôi chưa từng thấy điều đó xảy ra giữa Ba Mẹ của tôi.
Ông Bà giống như những con đường một chiều vậy. Ông cằn nhằn thì Bà chẳng nói gì. Bà cằn nhằn thì Ông im lặng. Chỉ thế thôi, nhưng để làm được trong một ngày thì dễ, giữ cho được 50-60 năm thì không dễ chút nào. Mẹ tôi cũng chưa bao giờ lớn tiếng với tôi, chẳng phải vì tôi luôn ngoan ngoãn đâu. Có lẽ vì tính Mẹ tôi thương con mà tôi lại là con trai Út nên được ưu ái hơn chăng. Khi tôi còn trai trẻ, không việc làm ổn định, thỉnh thoảng lại thấy một ít tiền trong túi áo treo ở đầu giường, thế là vô tư sử dụng mà đến lời cảm ơn cũng không biết nói.
Nước mắt chảy xuôi. Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ. Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình… bao nhiêu là ca dao tục ngữ, câu hò, điệu hát đã nói lên lòng yêu thương bao la của người Mẹ. Hãy học, thực hành và tiếp nối truyền thống tốt đẹp của Cha Mẹ.
Nếu bạn còn được diễm phúc sống gần Mẹ, hãy làm ấm lòng Mẹ nhiều đến mức bạn có thể, điều đó sẽ giúp bạn sống thanh thản hơn khi bạn đã MỒ CÔI MẸ.
3 tháng 6.2019
Vũ Tuyến