Café đenQuán ven đường

Mồ Thánh Phêrô nơi tầng hầm Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô ở Rôma

Lm Phêrô Trần Thế Tuyên

Sáng sớm ngày 1.11.2016, lễ Các Thánh nam Nữ, tôi tháp tùng với 40 linh mục người Phi Luật Tân vào dâng lễ ở mộ phần thánh Phêrô, nơi tầng hầm Vương Cung Thánh đường Thánh Phêrô ở Rôma. Xin ghi lại và chia sẻ những suy niệm dơn giản cá nhân để làm quà tinh thần mừng lễ các thánh.

image001

Tên Do Thái của Phêrô là SIMON. Cha Ông là Gioan và em trai Ông là Anrê. Chúa đổi tên Simon sang tiếng Aram là CEPHAS hay KEPHAS, có nghĩa là ĐÁ – Đá trong tiếng Hy Lạp là PÉTROS – Từ đó Ông được gọi là SIMON KEPHAS hay SIMON PÉTROS – hay SIMON PHÊRÔ trong tiếng Việt. PHÊRÔ trong tiếng Việt đọc theo kiểu nhái âm tiếng Hy Lạp là PETROS – Đúng ra phải là SIMON ĐÁ. Ngày nay người ta dùng tên Kephas hay Pétros, là tên Chúa đặt cho Phêrô trong các ngôn ngữ khác như PIETRO (Ý) – PETRUS (LATINH) – PIERRE (PHÁP) hay PETER (ANH).

Dựa trên Phúc Âm Gioan 21.15 nói về việc Chúa hiện ra cho các tông đồ sau khi sống lại và trao quyền tối thượng chăn dắt đoàn chiên Chúa của Phêrô bên bờ hồ Galilê. Dựa trên hoạt động truyền giáo thường xuyên của Phêrô ở Rôma và nhất là cuộc tử đạo anh hùng bị đóng đinh chỏng ngược đầu xuống đất năm 64…. Giáo Hội Công giáo nhìn nhận Phêrô là:

(1) Giáo Hoàng tiên khởi của Giáo Hội;

(2) Giám Mục Giáo đoàn Rôma ừ năm 42 và tại vị trong vòng 25 năm… theo Niên Giám Toà Thánh năm 1838 dưới triều đại Giáo Hoàng Grêgôriô XVI. Từ truyền thống và huấn quyền nầy, Giáo Hoàng Phanxicô hiện tại là Giáo Hoàng thứ 264 tính từ Phêrô  (Có vài chỗ đếm số Giáo Hoàng tới 266, vì như Giáo Hoàng Benedictô thứ IX 1021-1045 được tái nhiệm 2 lần (1045 và 1047)… cũng có chỗ tính số Giáo Hoàng là 267, vì như Stêphanô II nguyên là một linh mục được bầu làm Giáo Hoàng, 23.3.752 chưa kịp chịu chức Giám Mục và lên ngôi Giáo Hoàng thì chết 26.3.752)

Tuy nhiên có một số học giả, đặc biệt Hans Kung, người Đức (cực lực chống lại việc tin rằng Đức Giáo Hoàng có quyền bất khả ngộ) cho rằng: Đây là chuyện Giáo Quyền Rôma sáng chế nhằm củng cố quyền Giáo Hoàng đương nhiệm kế thừa Giáo Hoàng tiên khởi là Phêrô và Giám Mục hiện tại kế thừa các tông đồ do Chúa chọn… Kỳ thực, Chúa chọn Phêrô làm thủ lãnh Giáo Hội và các tông đồ khác đi truyền đạo, chứ không có cắt đặt ai làm Giáo Hoàng hay Giám Mục chi cả. Nói ra để chúng ta thấy có bất đồng trong Giáo Hội về quyền bính lãnh đạo chứ không có ý đi sâu và đi xa hơn…. Vì không sẽ có kết thúc.

Phêrô, cùng ba môn đệ đầu tiên: Gioan, Giaôbê, Anrê và sau nầy có Philip và Natanael… đều là gốc dân chài và người làng Bethaida, một thị trấn nhỏ miền Bắc, gần biển hồ Tibêria, như được ghi trong các Phúc Âm Matthêu 4.18-22; Matcô 1.16-20; Luca 5.1-11 và Gioan 1.35-51. Vì thế khi xuất hiện lần đầu tiên sau khi được Gioan làm phép rửa, Chúa Giêsu đã gặp họ đang giặt lưới sau một đêm vất vả mà không bắt được gì. Mượn thuyền Simon, ra khỏi bờ một chút, Chúa giảng và sau đó đã ban cho họ một lưới cá đầy. Phêrô sụp lạy và được Chúa chọn làm kẻ chài lưới người. Vào bờ họ bỏ cả Cha mình và thuyền chài mà theo Chúa.

image005
Nhà thờ trao quyền

Phêrô dân thuyền chài nhà quê, nhưng lại lấy vợ là dân thành thị… Mẹ vợ của Phêrô ở thành Capharnaum, thành phố thương mãi lớn thời bấy giờ, cũng bên biển hồ Galilê. Chúng ta còn nhớ câu chuyện chúa chữa mẹ vợ Phêrô khỏi cơn sốt sau khi Ngài rời hội đường ở Capharnaum được ghi lại trong Matthêu 8.14-15; trong Luca 4.38 và trong Matcô 1.29-31. Không thấy nói đến tên, nhưng xem chừng vợ của Phêrô cũng bôn ba theo bước đường truyền giáo của Phêrô như được đề cập trong thư I Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Corintô 9.5 “ Phải chăng tôi không có quyền ăn uống, không có quyền đem theo một người chị em tín hữu như các tông đồ khác, như các anh em của Chúa và như ông Kêpha”. Sau cùng bà chịu tử đạo. Con gái của Phêrô tên Petronilla có trong danh sách những thánh tử đạo đầu tiên trong giáo đoàn Rôma và theo Công Giáo Bách Khoa tự điển của De Rossi, Thánh nữ Petronilla được  chôn cất cùng chỗ với Thánh Nereus và Achilleus ở Via Ardeatina, Roma (De Rossi, loc.cit., 180).

Phêrô được chọn làm tông đồ trưởng:image006

(1) Chúa chọn Phêrô ngay lần đầu gặp gỡ sau mẽ cá đầy như trong Luca 5.4-11
(2) Ông được Chúa đổi tên theo chương trình của Chúa, từ Simon sang Kephas, như trong Gioan. 1.42  (3) Tên Ông được nhắc đến đầu tiên trong nhóm sau khi Chúa cầu nguyện và chọn nhóm 12;
(4) Ông thay cho các tông đề tuyên tín Chúa là Con Thiên Chúa và được trao chìa khoá nước trời và quyền cầm buộc;
(5) Ông khóc thảm thiết vì chối Chúa;
(6) Ông chứng kiến mổ trống;
(7) Ông bị chất vấn 3 lần “con có yêu mến ta hơn những người nầy không?” trước khi ban quyền tối thượng;
(8) Ông thi hành quyền lãnh đạo như triệu tập công đồng Giêrusalem, Công đồng các Tông đồ năm 50 sau Chúa Giáng Sinh;
(9) Ông chịu tử vì đạo khổ hình thánh giá nhưng đầu chỏng ngược xuống đất.

image008
Ngai tòa bên trên

Những yếu tố nầy chỉ nhằm chứng minh vai trò tông đồ trưởng của Phêrô. Ông không đến từ gia đình danh tiếng, có học thức hay những yếu tố xứng đáng cho một lãnh đạo tối cao… nhưng ông được chọn từ Thiên Chúa là Đấng tối cao. Tại sao Chúa chọn Phêrô mà không là những người xứng đáng hơn? Đó là việc của Chúa, chúng ta không cần thắc mắc và giải đáp. Chỉ nên căn cứ vào Lời Chúa “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là tảng đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” như trong Matthêu 16.18-19 để vững tin vào quyền lãnh đạo của Phêrô cũng như những Đấng kế vị Ngài.

image012
Mộ phần bên dưới

Bản thân linh mục, Giám Mục hay Giáo Hoàng… ai có thể cắt nghĩa tại sao Chúa chọn mình? Vì mình có tài nầy tài nọ hơn người hay mình xứng đáng? KHÔNG! Một câu trả lời ngàn đời không thoả đáp là Chúa chọn vì Chúa chọn. Vậy thôi! Thực tế trong đời thường, chúng ta tự hỏi sao Cha Mẹ thương con cái mình hơn cả chính bản thân mình? Vì mình là Cha Mẹ, nhưng tại sao? Vì con cái dễ thương chăng? Vì con cái ngoan ngoãn chăng? KHÔNG! Vì Chúa chọn người làm Cha Mẹ thì ban cho tình yêu thương con cái. Chỉ có vậy.

Thánh Clementine, Giám Mục Rôma, Giáo Hoàng thứ III sau Thánh Phêrô đã biên thư cho Giáo đoàn Corintô nói về cái chết anh hùng của Giáo Hoàng Phêrô. Sử gia Eusebius, thần học gia Origen sau nầy… đều nói đến cái chết đóng đinh chỏng ngược đầu xuống đất của Thánh Phêrô. Thánh Phêrô được chôn nơi gọi là Naumachia, nơi mà từ thời Cesar đã xử dụng như nghĩa trang tập thể…. Naumachia ngày xưa chính là đồi Vatican ngày nay. Cũng chính nơi nầy Nhà thờ hiện nay được xây dựng từ ngày 18 tháng 4 năm 1506 và hoàn thành ngày 18 tháng 11 năm 1626. Người ta cũng nói đến ngôi thánh đường đầu tiên được Constantine đại đế và bà Helene, Mẹ của Ông xây vào thế kỷ thứ tư. Đây cũng là thời kỳ bà Helene đã cho mang sàn gỗ nơi Chúa bị xử án ở Do Thái về Rôma và làm thành nơi kính viếng gọi là Cầu thang Thánh, bên kia đường của Vương Cung Thánh đường Gioan Latêranô, nhà thờ chánh toà của địa phận Rôma, có ngai giám mục Rôma.

image013Truyền thống Giáo hội Công giáo Rôma tin rằng: khu vực dưới bàn thờ của vương cung Thánh đường này là phần mộ của Thánh Phêrô – vị giám mục của Rôma và cũng là giáo hoàng đầu tiên. Tuy nhiên làm sao chứng minh phần mộ hiện tại là của Thánh Phêrô và xương cốt trong đó là của chính ngài? Rất nhiều khai quật đã xảy ra trong quá khứ để minh định xương và mộ phần của Thánh Phêrô. Cuộc khai quật sau cùng xảy ra năm từ năm 1939 đến 1949 dưới sự giám sát của Đức Ông Ludwig Kaa. Đức Ông đã gia công tìm kiếm với đội ngũ khai quật hầm mộ. Đức Ông đã tìm ra những phần xương của người đàn ông chết từ năm 64. Ông quả quyết đây là phần hài cốt của Thánh Phêrô.

Ngày 26.6.1968, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã tuyên bố xương thánh Phêrô đã tìm thấy và ngày 24.11.2013 Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cho trưng bày xương thánh Phêrô trong năm Thánh Đức Tin. Toán khai quật còn khám phá ra những chuyện lạ: Mộ phần Thánh Phêrô nằm ngay bên dưới tông toà, tức ngai toà của Đức Giáo Hoàng trong Vương Cung Thánh đường thánh Phêrô hiện nay. Điều nầy muốn chứng minh cho thấy 264 Giáo Hoàng đúng là những vị nối tiếp quyền lãnh đạo Giáo Hội từ Thánh Phêrô mà Chúa trao chìa khoá. Điều nầy cũng nói lên đứng tin vững vàng vào Chúa Kitô “Thầy là Đấng Kitô, Con TC, hằng sống” mà Phêrô đã một lần tuyên xưng và những Giáo Hoàng tiếp nối đang thể hiện đức tin tong truyền nầy.

22-02-chair-of-saint-peter-2Tôi hay dùng từ truyền thống của Giáo Hội Công Giáo, Roman Catholic tradition.  Tức những điều không là tông truyền, không có giá trị tín lý. Không buộc phải tin đó là xương thánh Phêrô hay đó chính là mồ thánh Phêrô ngày xưa được ơn Chúa cho, xây bên dưới sâu mấy chục thước mà đâm thẳng lên ngai Đức Giáo Hoàng ở tầng trên. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI năm 1968 hay Đức Giáo Hoàng Phanxicô hiện tại tuyên bố đây là xương thánh Phêrô hay mồ thánh Phêrô, nhưng không lấy quyền bất khả ngộ của tông toà để làm thành tín điều buộc phải tin như tín điều Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội được Đức Giáo Hoàng Piô IX công bố ngày 8.12.1854 và tín điều Đức Mẹ hồn xác lên trời được Đức Giáo Hoàng Pio6 XII công bố ngày 1.11.1950. Bây giờ nhiều người hành hương Rôma hay Thánh địa Do Thái, hay Lộ Đức, Fatima… về khoe rằng: Mình thấy cái nầy, thấy cái nọ…. Những cái “thấy” không quan trọng lắm, vì ai cũng có thể thấy… Nhưng điều quan trọng là tuyên tín như Phêrô: ”Thầy là…” và sống điều mình tuyên tín, tức điều mình không thấy.

Bài viết xin được kết thúc với lời kêu gọi chân thành:

Dành hai phút đọc và suy một phần trong bài viết TỪ TRÊN THÁNH GIÁ của Cha Giám Đốc chủng viện Thánh Quí Cần Thơ, Cha Carôlô Hồ Bặc Xái torng dịp mừng 40 năm linh mục về nhân vật Phêrô.

Linh mục Phêrô Trần Thế Tuyên

TỪ TRÊN THÁNH GIÁ NHÌN XUỐNG
Từ trên thánh giá nhìn xuống, Chúa Giêsu thấy những ai ?

image015

1. TÔNG ĐỒ PHÊRÔ

Từ trên Thánh Giá nhìn xuống, Chúa Giêsu nhìn thấy Phêrô, trưởng nhóm 12 tông đồ của Người…

Giờ này Phêrô đang ở đâu ?

Phêrô không ở dưới chân Thánh giá là nơi lẽ ra anh phải có mặt, nhưng có lẽ anh đang lang thang trong một ngỏ hẽm tối tăm nào đó trong thành phố Giêrusalem. Anh nghiến răng căm giận chính bản thân mình và không ngừng tự trách. Nước mắt anh cũng không ngừng tuôn chảy.

image017

Anh đã làm gì thế ? Thưa anh đã phạm phải một lỗi lầm nghiêm trọng nhất trong đời.

Phêrô đã được Thầy Giêsu hết lòng tin tưởng. Người đã chọn anh làm trưởng nhóm 12 tông đồ của Người bởi vì Phêrô quả có tính cách làm trưởng. Anh đã từng điều khiển một nhóm ngư phủ ở Biển Hồ Galilê. Khi đó Chúa Giêsu gọi anh: “Hãy theo Ta! Sau này anh sẽ không lưới cá nữa mà là lưới người”. Chúa Giêsu còn đặt cho anh một tên mới nữa: Trước đây tên anh là Simon, nhưng Người bảo: “Từ nay anh được gọi là Phêrô (nghĩa là tảng đá), vì trên Tảng Đá này Ta sẽ xây dựng Hội Thánh của Ta”. Chúa Giêsu dùng từ “Hội Thánh” để chỉ một “Hội” lớn quy tụ tất cả các Kitô hữu, tất cả những ai tin vào Người.

Như vậy Tông đồ Phêrô có đầy đủ lý do để tự hào. Thế nhưng anh đã tự phụ hơi quá. Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, khi Chúa Giêsu nói những lời khó hiểu về Bí tích Thánh Thể: “Nếu anh em không ăn thịt Ta và không uống máu Ta thì sẽ không có Sự Sống trong người”, thì có nhiều kẻ đã bỏ Người. Lúc đó Chúa Giêsu quay sang hỏi các tông đồ: “Còn các con, các con có bỏ Thầy không?”. Phêrô liền thay mặt cả nhóm đáp: “Không bao giờ chúng con bỏ Thầy, vì bỏ Thầy thì chúng con sẽ theo ai. Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời”. Anh nói thật hay. Nhưng khi đó chỉ là nói suông chứ không gặp đe dọa nào cả.

Thế rồi mọi sự trở nên tồi tệ. Những người thù ghét Chúa Giêsu đã quyết tâm giết Người. Giuđa đã ra đi bán Người. Phần Chúa Giêsu thì, buổi tối bữa ăn từ biệt, trước khi đi đến Vườn Cây Dầu, đã nói với các tông đồ Người rằng: “Đêm nay sẽ là một đêm khủng khiếp với các con. Đánh chủ chăn thì đàn chiên tan tác. Đó là điều sẽ xảy đến với các con”. Lúc đó, vốn tính cả quyết và không sợ gì cả, anh đã đáp lời: “Dù mọi người có bỏ Thầy thì con cũng không bỏ. Con sẵn sàng chết vì Thầy”. Nhưng Chúa Giêsu nói với anh: “Phêrô ơi. Đừng tưởng là con can đảm lắm. Đêm nay trước khi gà gáy hai lần thì con đã chối Thầy ba lần”. Và quả thực đã xảy ra đúng như vậy…

vaticanChúa Giêsu bị bắt ở Vườn Cây Dầu. Phêrô nổi máu anh hùng tuốt gươm ra, nhưng chỉ chém đứt tai một tên đầy tớ. Và Chúa Giêsu bảo Phêrô xỏ gươm lại vào bao. Đó là điều tốt nhất cho Phêrô và các bạn anh nếu không muốn bị bọn lính trả thù… Vả lại nếu Chúa Giêsu muốn thì Người thừa sức làm cho bọn lính không thể nào bắt Người được kia mà… Sau đó thế nào?

Sau đó, Phêrô đã hiểu bọn lính mạnh thế hơn anh, và Chúa Giêsu cũng muốn để họ bắt Người. Thế là Phêrô co giò chạy trốn như những tông đồ khác… Khi đã chạy được một khoảng cách an toàn, anh bắt đầu hoàn hồn… Và rồi, lợi dụng trời tối, anh quày trở lại để nhìn theo bọn lính xem họ dẫn Chúa Giêsu đi đâu. Nhưng anh vẫn giữ một khoảng cách an toàn… Họ điệu Chúa Giêsu đến tòa án Thượng Hội Đồng Do Thái… Nhờ tông đồ Gioan hướng dẫn, Phêrô vào được sân tòa án đang khi Chúa Giêsu bị xử bên trong.

Thực ra vào đây rất dại dột. Cô giữ cổng thoạt nhìn thấy anh thì đã nghi ngờ vì thái độ của anh rụt rè sợ sệt làm sao đó. Cô nói với anh: “Hy vọng ông không thuộc nhóm của người vừa bị bắt chứ?…” “Không, không, chắc chắn là không. Phêrô trả lời. Tôi không biết gì cả”.

Một con gà cất tiếng gáy vang trong thinh lặng của đêm khuya. Phêrô rùng mình, nhưng không hiểu tại sao, mà cũng chưa nhớ điều gì…. Anh tiếp tục lân la trà trộn vào bọn lính và những tôi tớ giúp việc đang ngồi sưởi quanh một lò lửa, nghĩ rằng có thể biết được chút tin tức gì về số  phận của Thầy mình chăng… Rủi thay cô gác cổng quay trở lại và lại nhìn thấy anh. Cô nhắc lại: “À cái ông này! Tôi đã nghi không biết ông có thuộc phe của cái ông Giêsu Nadarét kia không?” Phêrô cãi hăng: “Cô nói gì vậy! Tôi không biết cái người mà cô vừa nói”. Những người khác bắt đầu nghi ngờ Phêrô: “Nhưng sao giọng nói của ông giống ông kia quá vậy. Ông đúng là dân miền Galilê rồi…” Một người khác nói thêm: “Hình như tôi đã gặp ông ở đâu đó… À hồi đầu hôm tôi đã thấy ông ở trong Vườn Cây Dầu với ông ấy”. Phêrô thấy mình chết chắc. Anh lấy hết gân cổ cãi lại: “Tôi đã nói là tôi không biết ông ấy mà. Tôi xin thề đó !…” Lần thứ hai, tiếng gà gáy vang lên xé tan bấu khí yên lặng của đêm đen…

Lúc đó Phêrô mới nhớ lại lời Thầy đã cảnh báo trước… Anh nhận ra mình là một thằng hèn… Anh vừa chối Thầy một cách hết sức nhục nhã…

Đúng lúc đó toán lính dẫn Chúa Giêsu từ phòng xử án đi ra. Người đi ngang mặt Phêrô, đưa mắt nhìn anh. Cái nhìn của Thầy xoáy tận đáy tim anh, xé nát tim anh… Anh hết chịu nổi… Anh chạy ùa ra ngoài và khóc như mưa…

image0222. Từ trên Thánh Giá nhìn xuống, Chúa Giêsu cũng nhìn thấy tôi.

  1. Tôi có phần nào như Phêrô giống như chiếc bong bóng: Rất nhanh chóng phùng lên và hứa những việc trọng đại: Hứa luôn trung thành với Chúa; hứa giữ đạo đến hơi thở cuối cùng… Nhưng cũng rất dễ xì hơi xẹp xuống khi gặp khó khăn, và quên đi tất cả?
  2. Khi tôi nghe những người chung quanh, trong chỗ làm, trong trường học, trong khu xóm, lúc đi làm, lúc đi chơi… phê bình chỉ trích, chế nhạo, nói xấu về Chúa, về Giáo Hội… Phải chăng tôi cũng có thái độ như Phêrô giả bộ như không nghe, hoặc nghe mà không hiểu, hoặc cũng đưa đẩy nói theo họ “Hồi trước tôi cũng có tin, nhưng bây giờ thì hết tin rồi”…?
  3. Nếu tôi đã lỡ quên lời hứa với Chúa và Giáo Hội, nếu tôi đã lỡ hèn nhát không dám làm chứng đức tin hoặc chối bỏ niềm tin thì sau đó tôi có hối hận như Phêrô không? Tôi có thấy mình cần phải học hỏi thêm để củng cố đức tin không? Tôi có chịu khó nhín bớt thời giờ và chịu khó tham dự những buổi hội họp về đạo không?

Bài liên quan

Back to top button