Người về từ hỏa ngục | Chuyện tháng Các Đẳng
Chuyện thường được nhắc lại vào tháng Các Đẳng..
Câu chuyện nầy được đăng trên website Caimon.org từ hồi Cha sở Họ Đạo Cái Mơn (Gp Vĩnh Long) Cha Giuse Nguyễn Ngọc Thích còn sống. Câu chuyện dưới đây là nguyên văn bài viết lúc đó trên trang website CaiMon.org. Kính mời các bạn theo dõi câu chuyện và xem hình ảnh thật ở đoạn cuối bài.
NGƯỜI VỀ TỪ HỎA NGỤC
Chuông điện thoại reo, tôi bắt máy:
– Alô, nhà xứ Cái Mơn đang nghe đây!
– Tôi xin phép gặp cha sở.
– Xin lỗi, làm ơn cho biết quí danh để tôi trình lại.
– Tôi là Luân ở thành phố cùng một nhóm anh em người Cái Mơn đang có mặt tại nhà tôi đây, muốn trình cha sở chút việc của họ đạo mình.
– Được rồi, xin chờ một tí.
Câu chuyện tôi sắp kể đây vốn xưa lắm rồi, khi có người nào đó bỗng dưng nhớ lại, người ta bàn tán xôn xao vài ngày rồi thôi. Đó là chuyện có người từ cỏi chết hiện về, bảo người thân đừng cầu nguyện nữa vô ích, vì đã xuống hỏa ngục rồi. Nói nghe đơn giản, nhưng thật ra cũng mất công trả lời những người thích chuyện lạ, nhất là gia đình ông Tám Nhung, người đã có công giữ tấm ván lưu truyền qua nhiều đời. Chắc chắn là thỉnh thoảng phải tiếp những người khách không mời, và rất lắm chuyện. Khổ tâm hơn nữa là thỉnh thoảng nghe học sinh đi ngang nhà vừa chạy vừa la: Nhà có quỉ!..
Hôm nay vì cú điện thoại nầy, tôi quyết phải tìm hiểu rõ câu chuyện để nói cho bà con nghe một lần. Tôi xin thuật lại như một thông tin thông thường, không thêm bớt, không bình luận hay cho ý kiến. Câu chuyện nầy tôi vốn đã nghe nhưng không lưu tâm lắm cho đến hôm nay, khi trên thành phố cho hay có người trên đó muốn xin tấm ván đem về cho bà con xem. Người Cái Mơn ở Sài Gòn nghe được, họ không đồng ý, với lý do: Đây là tài sản văn hóa của họ đạo. Họ cũng có lý: Bởi ít ra tấm ván cũng nói lên được thời gian tính của họ đạo. Họ đạo có hơn 300 năm, trong khoảng thời gian dài như vậy chẳng lẽ không có câu chuyện gì để lại cho hậu thế sao! Rất tự nhiên. Trong mớ kho tàng nầy có những thứ còn dùng được, có những thứ đã lỗi thời, có những thứ là chuyện tiếu lâm, nhưng phải chân nhận là của Cái Mơn. Nếu đem tấm ván lên thành phố cho khách xem thì để tại Cái Mơn cho khách xem hay hơn… Đây không là chuyện mê tín dị đoan gì cả, bởi có ai phê phán gì đâu, mà chỉ thuật lại cho nhau nghe. Câu chuyện đó theo ông Trùm Đại là để nhắc cho con cháu rằng có Hỏa Ngục! Thấy cũng không thiệt hại gì cho ai…
Câu chuyện thế nầy:
Có bà lão tuổi ngoài thất tuần, tu xuất (tôi không hỏi tu viện nào, sợ gây xúc phạm), đời sống của đương sự không tốt. Bà đau nặng, liệt giường khoảng 3 tháng, không ăn uống! Bà nằm yên trên giường, chân duỗi thẳng, hai tay để trên ngực trong suốt thời gian nói trên. Gia đình giữ linh hồn cho bà ròng rả từng ấy ngày nên thấm mệt. Hôm đó ông biện Nguyễn Văn Đài đến đọc kinh giữ linh hồn cho người liệt. Ông bảo gia đình đi ngủ để ông thay cho một hôm. Ông Biện nầy sau là Trùm họ: Ông Trùm Nguyễn Văn Đài.
Ông Biện Đài đang chăm chỉ nhìn sách đọc kinh, thì thình lình bệnh nhận ngồi phắt dậy, thổi tắt đẻn, ôm lấy cổ ông, đeo cứng. Ông bình tĩnh không la lên làm rối gia đình, nhưng cứ mang người bệnh đi tìm lửa đốt đèn. Đốt đèn xong, ông mang người bệnh trở lại giường, gở hai tay người liệt ra khỏi cổ ông, để nằm xuống. Bà nằm xuống trong tư thế như thường lệ là hai chân duỗi thẳng, hai tay để lên ngực, im lặng như người đang hấp hối.
Cũng nên lưu ý là vào thời điểm nầy chưa có dầu lửa, chưa có đá quẹt. Người ta dùng dao cưa tẹt vào hòn đá đen cho lửa xẹt vào bông gòn trong ống tre. Khi bông gòn bén lửa người ta thổi lên cho có lửa ngọn rồi dùng cây rọi lấy lửa mồi vào đèn. Rọi là mảnh vải bằng hai ngón tay, nhúng dầu mù u, xe xoắn lại phơi khô. Đèn dầu mù u không bắt lửa nhanh như đèn dầu ngày nay.
Sở dĩ nói đến chuyện nầy là để hiểu rằng thời gian ông biện mang bệnh nhân trên cổ là khá lâu.
Ngày hôm sau bà nầy chết. Việc tống táng theo nghi thức đạo như thường lệ.
Sau khi tống táng, gia đình và hàng xóm có tập tục cầu lễ cho người mới sinh thì trong vòng một tuần lễ, lâu hơn hay ít hơn tùy hoàn cảnh gia đình.
Hôm đó, lúc mọi người đang sốt sắng cầu lễ, thì bỗng dưng đèn tắt hết. Người chết xuất hiện, mình đầy lửa, mang dây xích, đến ngồi trên bộ ván, nói lớn tiếng: “Các người đừng cầu nguyện cho tôi nữa, vì bởi đã lỗi đức công bằng, tôi xuống hỏa ngục rồi”. Nói chỉ bấy nhiêu lời rồi biến đi mất. Mọi người có mặt chết điếng, lặng thinh, ngưng đọc kinh nhưng không dám đi một mình về nhà!
Ông chủ nhà nói: “Tôi không dám để bộ ván nầy trong nhà nữa, sẽ đem ra sông Cái ném bỏ, cho trôi đi khuất cho rồi.” Nói thế nhưng có lẽ do quá sợ ông không dám chở đi, nên đã ném ngay xuống rạch bên nhà. Nhà ông ở trên ngọn, nhà ông Biện Đài ở cuối nguồn, nên nước ròng ông Biện đã vớt được tấm ván ghi dấu cái mông của linh hồn sa hỏa ngục, tấm kia trôi mất. Ông Biện Đài cương quyết giữ tấm ván lại trong nhà để nhắc nhở con cháu và người đời sau nhớ rằng có Hỏa Ngục. Ông dặn con cháu sau nầy không được cho nói tên người bất hạnh cho ai biết, đễ giữ thanh danh cho người ta. Ông Nguyễn Văn Nhung nói thêm: Ông bà nội và cha mẹ tôi bảo hãy nhớ kỹ câu chuyện nầy và kể lại cho con cháu biết mà răn mình. Câu chuyện nầy con cháu đều thuật lại rõ ràng giống nhau, nhưng không bao giờ nói tên người chết với lý do: Chỉ nghe kể lại có thế. Người lớn cũng thuật lại và cũng không nói tên người hiện về từ Hỏa Ngục. Ai có hỏi người đó tên gì, thì chỉ được nghe trả lời: Chỉ nghe có thế, hoặc ông bà dặn không được nói tên người ta ra. Thôi thì mình cũng không dám nài ép, nhưng phải tính kế khác để biết rõ hơn.
Bộ ván nầy có hai tấm dầy cỡ 8cm, dài có tới 3m. Linh hồn hiện về ngồi bên tấm ván nầy, chống hai chân và hai tay qua tấm ván bên kia. Tấm ván bên nầy để lại dấu mông, và tấm ván kia là dấu hai bàn chân và hai bàn tay úp xuống. Dấu lửa cháy ăn sâu xuống cả hai tấm ván. Không biết ngày xưa gìn giữ thế nào nhưng mấy mươi năm sau nầy gia đình ông Nguyễn Văn Nhung bỏ phế ngoài vườn cây, dầu rằng đây là bộ ván bằng gỗ sao, ngày nay quí hiếm, và cũng chính vì là gỗ sao nên có thể tồn tại lâu dài với thời gian ngoài mưa nắng. Thời chiến tranh ông Nhung đã dùng để làm hầm núp bom đạn. Chiến tranh chấm dứt, ông lại quăng tấm ván ra bờ mương. Đến hôm nay khi có người đến ngỏ ý xin, gia đình mới cạo rửa và định tống đồ ác ôn đó đi. Khi hay được sự việc, giáo dân phản ứng ngăn lại, câu chuyện dừng ở đây. Gia đình không tha thiết gì đến tấm ván, có lẽ rồi đây họ đạo phải tìm chỗ cất giữ cho người hiếu kỳ xem, biết đâu cũng cho người xem vài suy nghĩ về cuộc đời. Theo ông Thật thì có ai đó đã cưa tấm ván mất mấy tấc. Có lẽ vì dài và nặng nề, khó di chuyển, nên đã vô tình cưa bớt đi.
Bài viết trên đây được ghi theo lời tường thuật của ông biện Nguyễn Văn Nhung, cháu cố của ông Biện Đài và của ông Nguyễn Văn Thật, người có khả năng biết nhiều chuyện xưa ở Cái Mơn. Hai tường thuật nầy rất giống nhau. Riêng qua lời thuật của ông Nguyễn Văn Thật chúng tôi biết được tên bà “hiện về từ Hỏa Ngục”. Nhưng giờ đây chưa biết phải là lúc nên viết ra chưa, xin còn giữ kỹ trong trí và trong tập tư liệu để chờ ngày được mở văn khố của Cái Mơn.
Ông Biện Nguyễn Văn Nhung thuật theo truyền khẩu của gia đình. Phần ông Nguyễn Văn Thật thì nói theo lời kể của ông Isiđôrô Võ Văn Vạn, thầy tuồng của Cái Mơn ngày xưa. Ông là con đỡ đầu của Đức Cha Isiđôrô Đượm, tên Pháp là Dumortier, cha sở Cái Mơn, sau là Giám Mục Địa Phận Sài Gòn. Ở đây thường gọi ông là ông Sáu Vạn. Ông nầy mất cách nay 25 năm, thọ 90 tuổi.
Theo chúng tôi tìm hiểu, nhưng chưa tiện nói ra đây, thì bà nầy lớn tuổi hơn thánh P. Phan Văn Minh. Thánh nhân sinh năm 1815. Như vậy câu chuyện xảy ra có đến 200 năm.
Đối chiếu với gia phả của ông Biện Phan Văn Đài thì thời gian như vậy là đúng.
– Ông Biện Đài, sau thăng chức là Trùm Đài, không biết tuổi.
– Con của ông Trùm Đài là ông Trùm Thiệu sống 92 tuổi.
– Con ông Biện Thiệu là ông biện Gioang, sống 72 tuổi.
– Con ông Biện Gioang là ông Biện Nguyễn Văn Nhung còn sống, 76 tuổi…
Có người đã thắc mắc: Tại sao câu chuyện được nhắc đến trong thời gian dài như vậy, vừa có vẻ đạo đức đối với người Công Giáo nhưng cũng có thể là hoang đường đối với một số người khác mà những người có trách nhiệm như các cha sở hay hội đồng giáo xứ không nghĩ đến việc nhờ người chuyên môn giảo nghiệm, để biết thực hư. Người Công Giáo chúng ta rất thích khoa học kia mà!
Chúng tôi đã thỉnh ý cha sở và người đã giải đáp vấn nạn trên như sau:
– Thật sự vấn đề nầy từng lúc cũng có người thắc mắc nhưng không có gì nghiêm trọng. Các Bề Trên còn nhiều vấn đề cần phải làm hơn câu chuyện nầy. Chuyện nầy mà đem trình lên Bề Trên, chắc không khỏi chịu một trận cười thối mặt. Đối với trật tự xã hội cũng chẳng ai thèm để ý. Với các nhà khoa học thì chắc không ai có giờ đâu để phân tích một vấn đề mà họ có thể cho là nhỏ nhen và tào lao như thế!
– Thế tại sao Cha không dẹp đi?
– Tại sao lại dẹp? Mà làm sao dẹp được? Nếu câu chuyện đã không đi vào tiềm thức con người thì họ đã bỏ quên từ đời nào. Đối với những ai nghe câu chuyện mà lo làm lành để khỏi sa hỏa ngục như ông Trùm Đài dạy con cháu thì cũng hay đấy. Với hạng người không niềm tin, sống bán mạng thì khoa học có chứng minh gì đi nữa cũng chẳng nghĩa lý gì đối với họ. Thế thì được lợi gì mà nại đến khoa học. Điều dân chúng suy nghĩ ở đây là giá trị tinh thần và thiêng liêng bên sau câu chuyện. Tôi xin chỉ nói riêng cho trường hợp nầy, bởi đối với những phép lạ thì Giáo Hội vẫn nhờ đến khoa học chứng minh để tuyên bố công khai. Ở đây cả hội đồng giáo xứ còn chưa lưu ý nói chi đến cha sở và các Bề Trên cao hơn, thế thì có gì mà chúng ta phải sợ là mang tiếng truyền bá mê tín, dị đoan…
Để kết luận: Đứng về phương diện truyền thống thì câu chuyện rất là tự nhiên và cần ghi vào lịch sử của họ đạo. Về phương diện tôn giáo thì đây là cơ hội nhắc nhở lo sống công bằng thì tốt thôi!
***
Cái Mơn, 17 năm về trước
ngày 17.10.2006 tại nhà ông Biện Nhung
Hình ảnh: Tâm Lê
Tại Cái Mơn, ngày 17.10.2016 tại ngôi nhà nầy.
Út Luôn, Minh Tân và Ông Biện Nguyễn Văn Nhung: Người đang giữ tấm ván chứng tích.
Bạn có thấy con số trên tờ giấy lịch treo tường: Ngày 17.10.2006.
Ông Biện Nhung chậm rãi kể lại câu chuyện mấy trăm năm trước và về lai lịch tấm ván đang dựng trước nhà. Câu chuyện ông kể quá xa rồi, nhưng chuyện về tấm ván thì rất thật, rất gần…
Ông Biện Nhung trước đây là thầy dạy đàn violon.
Tấm ván được vớt lên, chùi rửa cẩn thận khi có người ngỏ ý xin để mang về Sài Gòn. Giữa ban ngày, nhưng chúng tôi cũng cảm giác rợn người khi đứng trước chứng tích nầy.
Câu chuyện ông kể về bà “quỉ” hiện hình về y như bài viết bên trên.
Nhưng về lai lịch tấm ván ông kể lại rành rọt hơn.
Anh Út Luôn và Minh Tân đều nói từ hồi còn nhỏ, con trai, con gái mỗi lần đi ngang qua ngôi nhà nầy đứa nào cũng chạy bán sống bán chết vì nói là ngôi nhà có quỉ.
Cận ảnh vết cháy lõm tròn khuyết xuống mặt gỗ. Nhìn vết cháy, trí tưởng tượng của tôi bắt đầu làm việc: Buổi tối, mọi người đang cầu lễ… Tai tôi như nghe tiếng nổ lách tách của than gỗ đang cháy…
Cảm giác rợn người khi các ngón tay chạm vào vết cháy lõm, tưởng như chạm vào mông bà “quỉ” đang cháy đỏ rừng rực.
Chứng tích hỏa ngục đang trước mắt. Hỏa ngục không xa vời như người ta nghĩ.
Hãy cảnh giác các bạn ạ: Chúng ta dư sức với tới nó đó !
Vợ chồng ông Biện Nhung
Lời cuối:
– Sau lần gặp gở với Cha Giuse Thích và ông Biện Nhung, nghe nói tấm ván trên đã được giữ lại tại nhà xứ Cái Mơn theo nguyện vọng của người Cái Mơn.
– Chính Cha Giuse Thích có nói với chúng tôi là Cha đã được biết tên của bà “quỉ” hiện hình về, nhưng chưa đến lúc và chắc cũng chẳng cần thiết phải nói ra… vì dù sao cũng phải giữ gìn thanh danh cho con cháu, dòng họ của gia đình ấy và như thế danh tánh “bà quỉ” nầy chắc Cha đã mang theo xuống tuyền đài.
– Ông Biện Nhung nghe nói đã qua đời. Nếu đúng như thế, thì bài viết và hình ảnh về ông hôm nay như một chút tưởng niệm về ông và xin Chúa nhân từ sớm đưa ông về nơi phước thật đời đời.