Tại sao Thánh Cả Giuse không nói gì trong Phúc Âm?
James & Joseph Lập chuyển ngữ
LM Don Luigi Epicoco cho rằng sự im lặng mang lại sức mạnh “gây loạn” cho Thánh Giuse, và là bài học nhớ đời cho Chúa Giêsu: “Trước mặt những kẻ tấn công mình, mình phải chứng tỏ mình tước hết vũ khí của họ.”
Im lặng không phải là không nói ra lời, cũng không phải là nhút nhát sợ sệt. Đôi khi im lặng là khả năng lắng nghe và phản ứng tốt hơn đối với những người nói năng không thích hợp. Theo LM thần học gia Don Luigi Maria Epicoco, đây là trường hợp của Thánh Cả Giuse. Người cha nuôi Chúa Giêsu im lặng trong suốt Tin Mừng. Ngài không bao giờ nói gì cả.
“Với con tim Hiền phụ”
Linh mục này giải thích luận điểm của mình về sự im lặng của Thánh Cả Giuse trong quyển sách “Với con tim Hiền phụ” (Ấn bản San Paolo 2021, trang 128). Để bước vào bí ẩn cuộc đời Thánh Cả Giuse, quyển sách trên đưa ra nhiều đường hướng khác nhau: Đó là cách cầu nguyện hàng ngày được đánh dấu với những suy tư của LM Don Luigi Maria Epicoco. Đó cũng là cách đào sâu tư tưởng của ĐTC Phanxicô trong bức tông thư “Tấm lòng Hiền phụ” được đưa ra toàn bộ và nguyên bản như ĐGM Don Tonino Bello trình bày. ĐGM để lại cho chúng ta một trang trữ tình sâu sắc nhất về Thánh Cả Giuse.
“Lắng nghe và thực hành”
LM Don Luigi Epicoco viết trong quyển sách của mình rằng: “Thánh Cả Giuse im lặng trong suốt Phúc Âm. Không một lời nào của Ngài được tường thuật lại. Tuy nhiên, Ngài không lãng phí lời nào Chúa nói với Ngài: Lắng nghe và thực hành. Ngay cả khi đối mặt với sự ngược đãi của Hêrôđê hay bạo lực chính trị của quân La Mã buộc Ngài phải vượt biên với Đức Maria, Tin Mừng cũng không ghi lại lời nào của Ngài.»
Điểm mạnh, không phải điểm yếu!
Ở khía cạnh nào đó, sự im lặng của Thánh Cả Giuse nhắc chúng ta nhớ đến Chúa Giêsu, Đấng “trong Phúc Âm đã loan báo Tin mừng về Nước Trời qua nhiều lời nói và dấu chỉ.” “Nhưng điều làm chúng ta ngạc nhiên nhất về Chúa Giêsu – nổi bật qua tác giả (LM Don Luigi Maria Epicoco) quyển “Với con tim Hiền phụ”– chính là sự im lặng của Người trước những kẻ tố cáo mình. Người im lặng trước Philatô, và Người cũng im lặng trước những lời sỉ nhục của quân lính La Mã và dân Do Thái. (Sự im lặng) của Người không phải là điểm yếu mà là sức mạnh.»
Hình thức đấu tranh cao nhất
Mặt khác, LM Don Luigi Epicoco lại lưu ý rằng: “Người ta không thể nói nhất là nói sự thật trước mặt những kẻ không sẵn sàng lắng nghe. Chính Chúa Giêsu cũng đã từng nói như thế: Không bao giờ nên “ném viên ngọc cho lợn.” Sự im lặng của Người là hình thức phản đối cao nhất chống lại cái ác và bạo lực, đồng thời là bằng chứng chắc chắn nhất về sự tin tưởng hoàn toàn vào Thiên Chúa là Cha mình.”
Bài học Thánh Giuse cho con mình là Chúa Giêsu
Cũng trong trường hợp này, nhà thần học kết luận: “Tôi thích nghĩ rằng Chúa Giêsu đã học được sức mạnh “gây loạn” này từ sự im lặng nơi Thánh Giuse. Chắc chắn chính nơi Ngài mà Chúa Giêsu hiểu rằng ngay cả lời nói (hoặc sự im lặng*) cũng có thể là vũ khí, và trước mặt những kẻ tấn công mình, mình phải thể hiện mình hoàn toàn tước đoạt vũ khí của họ (họ nói còn mình im lặng*). Chính ở cử chỉ (im lặng*) này, người khác tưởng họ thắng nhưng thực tế họ lại nhận lấy thất bại.”
James & Joseph Lập
09.08.2021
_________________________________________
*Việt Nam cũng có câu: “Im lặng là vàng.
Xem song ngữ
Download bản PDF tại đây