Café đenQuán ven đường

Tẩn liệm, tẩm liệm | Từ Vựng Công Giáo | Lm Stêphanô Huỳnh Trụ

Bài viết của Cha Stêphanô Huỳnh Trụ có sự đóng góp ý kiến và sửa lỗi của anh Tâm Thành và bà Bernadette Pauline Ngọc Tuyết.
_______

1.

Trong một dịp tĩnh tâm hàng năm của các linh mục, một cha mua được một cuốn sách về nghi thức an táng, trong đó có đề cập đến “tẩm liệm”, tôi nói: “Tẩn liệm” mới đúng, sao lại in “tẩm liệm”. Cha ấy nói: “Dùng quen rồi không sửa lại nữa”. Tôi rất lấy làm ngạc nhiên, chữ dùng sai không sửa, chỉ vì dùng quen rồi. Tôi mới trả lời : “Cha tra từ điển coi”.

Tôi tưởng đơn giản, nhưng thực ra không đơn giản chút nào. Thử vào www.yahoo.com tìm chữ “tẩm liệm” tôi thấy có đến 1.500 chữ trong hơn 400 trang Web; khi tìm chữ “tẩn liệm” tôi thấy có không đến 600 chữ trong khoảng 170 trang Web! Vì hầu hết các từ điển hay tự điển (xem phần Sách tham khảo) đều không có từ “tẩn liệm” hay “tẩm liệm”, chỉ có những cuốn sau đây mới có:

1. ĐẠI NAM QUẤC ÂM TỰ VỊ [1]

Tẩm:   Ngâm, dầm.

tẩm thuốc = Dùng nước gì mà dầm thuốc.

tẩm rượu = Dầm với rượu, ngâm với rượu.

Tẩn:    Phong gói tử thi mà để vào hòm, liệm.

tẩn liệm;

quàn tẩn = liệm mà để lại, chưa chôn.

Liệm:  Để tử thi vào hòm.

Tẩn liệm: Liệm mà để lâu, quàn lại cũng có nghĩa là liệm.

2. TỪ ĐIỂN TRUNG VIỆT [2]

Tẩn:    (In sai tẫn) Quàn áo quan lại chưa chôn.

Liệm:  Cho tử thi vào áo quan.

Tẩm:   Thấm, ngâm, tẩm tưới, dần dần.

3. VIỆT NGỮ CHÁNH TẢ TỰ VỊ [3]

Tẩm:   Thấm, ngâm; thấm lần lần.

tẩm bổ; dâm tẩm, nhập tẩm, nhiễm tẩm; nhuận tẩm; tẩm tiệm.

Tẩn:     Phong gói tử thi mà để vào hòm.

Liệm:  Bó xác người chết mà để vào hòm.

liệm táng; đại liệm; khâm liệm; nhập liệm; tẩn liệm; tiểu liệm; trang liệm.

4. VIỆT NAM TỰ ĐIỂN [4]

Tẩm:   Dầm, ngấm cho thấm.

Tẩn:     Dùng hàng vải gói ghém thây người chết để trong hòm.

5. TỪ ĐIỂN HÁN VIỆT HIỆN ĐẠI [5]

Tẩn: Xác đã liệm nhưng chưa chôn.

Liệm: Đặt người chết vào áo quan.

Tẩn liệm:  Khâm liệm; bó.

Vì phần lớn các từ điển đều không có từ “tẩn liệm” hay “tẩm liệm”, kể cả cuốn TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT của Viện Ngôn Ngữ Học [6], TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ TIẾNG VIỆT, của PGs. Ts. Nguyễn Trọng Báu [7] cũng không có, nên chúng ta phải tìm lại nguồn gốc của chữ “tẩn” và “tẩm”.

2.

Tẩn chữ Hoa viết là 殯 gồm có bộ 歹 (đãi) và chữ 賓 (tân).

Đãi (歹) nghĩa là thi thể của người chết; tân (賓) là lễ viếng người chết, như người khách. Chữ tân (賓) còn có nghĩa là khách, tức là không có dừng lại lâu, nên phải làm cho tốt đẹp việc tiễn đưa. Nghĩa chính của chữ tân (賓) là người chết nằm trong áo quan sẽ được dời đi chôn, khách đến viếng.

Chữ Hoa là loại chữ biểu ý, gồm 4 thể loại: tượng hình, chủ sự, hội ý hình thinh. Chữ tẩn (殯) thuộc về thể loại hội ý hình thinh. Bộ đãi (歹) có nghĩa là chết, chữ tân (賓) có nghĩa là khách, nên thuộc thể loại hội ý. Và bộ đãi (歹) tượng trưng cho sự chết, chữ tân (賓) tượng trưng cho âm thanh, nên cũng thuộc thể loại hình thinh.

Theo ngữ học, chữ tẩn (殯) có những ý nghĩa sau: (danh từ) (1). Linh cữu liệm rồi mà chưa chôn, gọi là tẩn. (2). Việc liệm và chôn; (động từ) (3). Đặt áo quan rồi đưa thi thể vào liệm. (4). Quàn tạm. (5). Chôn cạn để sau này cải táng. (6). Mai một.

Còn chữ tẩm (浸) vốn chữ xưa viết là 濅, thuộc thể hội ý, viết bộ thuỷ (氵), có nghĩa: ngâm, dầm, nhúng, thấm, ngấm, là đưa vật vào nước cho ướt thấm cả để làm sạch, nên đi với bộ thuỷ, và chữ bên cạnh cho âm tẩm. Ngoài ra còn có nghĩa: (1). Chìm. (2). Tưới. (3). Nhuận, dùng dầu, nước làm cho đỡ khô. (4). Rửa. (5). Sâu. (6). Có bổ ích. (7). Dần dần. (8). Nhìn sơ. (9). Phạm, thông với chữ “xâm”. (10). Từ gọi chung dầm ao.

3.

Như thế, chữ tẩm hoàn toàn không có nghĩa là liệm xác chết. Nên khi người ta ướp xác thì nói là “tẩm xác”. Còn khi phong gói tử thi mà cho vào hòm thì nói là “tẩn liệm”.

Ở Việt Nam hiện giờ hầu như không ai ướp xác nữa, cho nên chúng ta nên dùng chữ “tẩn liệm”, thay vì chữ “tẩm liệm”.

Thực tế, tôi có đi vòng quanh nhiều trại hòm trong khu vực Chợ Lớn, người ta chỉ dùng chữ “tẩn liệm” hay “nhập quan”, chứ không khi nào dùng chữ “tẩm liệm”. Hình như hiện giờ chỉ có nhà đạo mới dùng sai từ “tẩm liệm”.

___________________

[1] Huình Tịnh Paulus Của, ĐẠI NAM QUẤC ÂM TỰ VỊ, Imprimerie Rey. Curiol & Cie, Sài Gòn, 1896

[2] Văn Tân, TỪ ĐIỂN TRUNG VIỆT, Sự Thật, Hà Nội, 1956.

[3] Lê Ngọc Trụ, VIỆT NGỮ CHÁNH TẢ TỰ VỊ, Thanh Tân, Sài Gòn, 1959.

[4] Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ, VIỆT NAM TỰ ĐIỂN (thường gọi là TỪ ĐIỂN ĐỨC TRỤ), Khai Trí, Sài Gòn, 1970.

[5] Nguyễn Hữu Cầu, chủ biên, TỪ ĐIỂN HÁN VIỆT HIỆN ĐẠI, Tôn giáo, Hà Nội, 1995.

[6] Gs Hoàng Phê, chủ biên, TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT, Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2005.

[7] PGS TS Nguyễn Trọng Báu, TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ TIẾNG VIỆT, Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2005.

Bài liên quan

Back to top button