Vương Cung Thánh Đường… | Kiến thức Công Giáo số 1
VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG (Basilica) – NHÀ THỜ CHÁNH TOÀ (Cathedral) – NHÀ NGUYỆN (Oratorium – Oratory), PHÒNG NGUYỆN (Capella – chapel) và THÁNH ĐIỆN (Scrinium – Shrine) – NHÀ THỜ GIÁO XỨ (Parish Church) – TRUNG TÂM MỤC VỤ GIÁO PHẬN (Diocesan Pastoral Center)
1. Vương Cung Thánh Đường (Basilica)
Từ “Vương Cung Thánh Đường” bắt nguồn trong Hy Ngữ Βασιλική – Basiliki có nghĩa là “Hoàng Gia”, dịch sang Latin là “Basilica”. Từ “Vương Cung Thánh Đường” được xử dụng trong đế quốc La Mã thời cỗ để chỉ: Một toà nhà lớn, có vòm cao và ba cánh. Vương Cung Thánh đường thời đó được dùng làm toà án, nơi gặp gỡ công cộng, có khi được xử dụng như một trung tâm mua sắm. Sau năm 312, Constantine được rửa tội và Công giáo trở thành như quốc giáo thì từ Basilica được “rửa tội” thành Vương Cung Thánh Đường. Nhiều Giám Mục Công Giáo xây nhiều nhà thờ lớn, có 3 cánh, có vòm cao theo mẫu mã Basilia của La Mã thời cỗ, và đặt bàn thờ ở cuối, cũng như ngai Giám Mục và ghế dài cho giáo dân ngồi theo kiều toà án ngày xưa, nhưng không dùng làm toà án hay nơi hội họp công cộng mà là nơi dâng Thánh Lễ, nơi thờ phượng Chúa. Từ đó Basilica mang chở ý nghĩa Vương Cung Thánh Đường mà ta có ngày nay. Có người nói: Đế quốc La Mã được rửa tội Công Giáo năm 312 khi hoàng đế Constantine được rửa tội Công Giáo. Điều đó có nghĩa là: Công Giáo Rôma rất cận thân, gần như hoà chung với La Mã về phương diện lịch sử, văn hoá nghệ thuật, luân lý gia đình và đặc biệt Giáo Luật Hôn nhân. Nhận xét nầy được minh chứng rõ nét trong bộ Giáo Luật năm 1917 nhất là những khoản Giáo Luật về hôn nhân, vì Hồng Y Pietro Gasparri (1852-1934), người chỉ đạo soạn thảo, là một người có gốc dân luật Ý, ông soạn Giáo Luật Hôn nhân dựa trên luật La Mã rất nhiều. Ngài đặc trách ngoại giao và chính trị cho giáo triều Rôma thời ấy. Ảnh hưởng La Mã trên Giáo Hội Công Giáo Rôma là điều dễ thấy.
Thánh Bộ Phượng Tư và Kỷ Luật Bí Tích (Congregation for Divine Worship and the Discipline of the Sacraments) ban hành tài liệu Domus Ecclesiae ngày 9.11. 1989, để qui định tiêu chuẩn cho một nhà thờ được gọi là Vương Cung Thánh Đường. Đức Giáo Hoàng là người có quyền tuyên bố và nhìn nhận những thánh đường nào được gọi là Vương Cung Thánh Đường. Hiện Giáo Hội Công Giáo nhìn nhận có 1580 Vương Cung Thánh Đường trên toàn thế giới và được phân ra làm hai loại như sau:
1/ Đại Vương Cung Thánh Đường hay cũng gọi là Vương Cung Đường thuộc Giáo Hoàng: Chỉ có bốn Đại Vương Cung Thánh đường loại nầy ở Roma là: Đền thờ Thánh Phêrô (St. Peter Basilica), đền thờ thánh Gioan Latêranô (St. John Lateran), đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành (St. Paul outside of the Walls) và đền thờ Đức Bà Cả (St. Mary Major)
2/ Tiểu Vương Cung Thánh Đường (Minor Basilica) hay Vương Cung Thánh Đường nhỏ (Lesser Basilica): Ngoài bốn Đại Vương Cung Thánh Đường nêu trên ở Roma, số 1576 thánh đường còn lại được gọi là Tiểu Vương Cung Đường hay Vương Cung Thánh Đường nhỏ. Thánh bộ Phượng Tự và Kỷ Luật Bí Tích trong tài liệu Domus Ecclesiae đưa ra bốn tiêu chuẩn để một nhà thờ được gọi là Tiểu Vương Cung Đường:
- Biệt hiến cho Thiên Chúa qua nghi thức thánh hiến để dành riêng cho việc tôn thờ Thiên Chúa và cử hành bí tích nhất là bí tích Thánh Thể, bí tích sám hối và các bí tích khác cũng như có số đông tham dự thường xuyên.
- Đạt tiêu chuẩn về kích thước chung cũng như có một cung thánh nỗi bật thiết bị đúng tiêu chuẩn phụng vụ được qui định trong Qui chế tổng quát từ số 288-218.
- Nổi tiếng trong địa phận ít là về mặt lịch sử và nghệ thuật trang trí.
- Có schola cantorum, Hội Kinh Sĩ để đọc kinh thần vụ mỗi ngày.
Trong số 1576 tiểu Vương Cung Thánh Đường nầy, Giáo Hội Công Giáo dành sự ca ngợi đặc biệt cho một số Tiểu Vương Cung Thánh Đường rất nổi tiếng như: Tiểu Vương Cung Thánh Đường Lộ Đức, nhà thờ Chánh Toà Thánh Matcô ở Venezia, Ý, Đền Bà Thánh Anna ở Quebec, Đền Thánh Đức Mẹ Vô Nhiễm ở Washington, D.C….
Cũng xin thêm một ghi chú ở đây: Nếu xét theo bốn tiêu chuẩn trên của Bộ Phượng Tự và Kỷ Luật Bí Tích thì có rất nhiều Tiểu Vương Cung Thánh Đường không hề có Kinh Sĩ Hội. Tuy nhiên, theo sự hiểu biết của tôi thì Giáo Hội thường có nhiều miễn chuẩn và đối xử theo lòng nhân ái của một Bà Mẹ: Khi đã cho thì rất ít khi rút lại hay huỷ bỏ.
2. Nhà Thờ Chánh Toà (Kathédra – Cathedra – Cathedral)
Gốc Hy Ngữ là Kathédra – dịch sang Latin Cathedra, có nghĩa là chair, ghế ngồi, là seat, toà, là throne, là ngai. Nhà thờ chánh toà là nhà thờ chính trong giáo phận, nơi có ngai toà của Giám Mục chánh toà. Nên nhà thờ chánh toà cũng là nhà thờ của Giám Mục chánh toà. Ngài là Cha sở nhà thờ chánh toà. Ngài là chủ chăn tối cao trong giáo phận. Ngài thực thi quyền lãnh đạo từ tông toà, tức từ Sedes Apostolica, từ quyền kế vị các thánh tông đồ. Nên khi không có giám mục thì gọi là trống toà, sede vacante.
Nhiều khi, nhà thờ chánh toà trong tiếng Latin được gọi là Domus Ecclesiae, nhà của Giáo Hội hay Domus Episcopalis, nhà của Giám Mục. Từ đó, trong tiếng Đức gọi là Dom và trong tiếng Ý gọi là Duomo… Nên nhà thờ chánh toà của Milan gọi là Duomo di Milano.
Không thực tế và cũng không phổ biến lắm, nhưng người ta cũng phân biệt ba loại nhà thờ chánh toà:
Tiền nhà thờ chánh toà – Pro-Cathedral: Nhà thờ đang dùng tạm làm nhà thờ chánh toà trước khi giáo phận có nhà thờ chánh toà thực sự.
Song – nhà thờ chánh toà – Co-Cathedral: Tức có hai nhà thờ chánh toà trong một địa phận. Đây thường là kết quả của trường hợp sáp nhập hai địa phận lại thành một, nhưng vẫn giữ nhà thờ chánh toà của địa phận bị sáp nhập trong một thời gian nào đó.
Nguyên là nhà thờ chánh toà – Proto-Cathedral: Nhà thờ chánh toà của địa phận cũ, nhưng bây giờ đã bị sáp nhập chung vào địa phận.
3. Nhà Nguyện (Oratorium – Oratory – cũng quen gọi là Đền Thánh)
Phòng nguyện hay Nhà Nguyện riêng (Capella – Chapel – không riêng biệt nhưng thường nằm chung trong một toà nhà của tu viện, một bệnh viện, một đại học hay một trung tâm mục vụ)
Thánh điện (Scrinium – Shrine – Cũng quen gọi là đền hay đài)
Thật khó tìm thấy một thống nhất trong cách xử dụng những nơi thánh trên. Đại khái có thể hiểu như thế nầy:
Nhà Nguyện theo cách dùng của Giáo Luật là Oratory mà chúng ta cũng gọi là đền thánh đó là nơi hành hương cầu nguyện. Vì Oratorium phát xuất từ Orare có nghĩa là cầu nguyện. Giáo Luật số 1223 định nghĩa “Danh từ Nhà nguyện được hiểu là một nơi được Bản Quyền ban phép dành vào việc phụng thờ Thiên Chúa, vì ích lợi của một cộng đoàn hay một nhóm giáo dân lui tới đó và, với sự đồng ý của Bề Trên có thẩm quyền, các giáo dân khác cũng có thể lui tới.
Phòng nguyện hay nhà nguyện riêng được Giáo Luật số 1226, 1227 và 1228 qui định thế nầy: Danh từ Phòng nguyện được hiểu là nơi mà Bản Quyền địa phương cho phép dành vào việc thờ phượng vì ích lợi của một người hay một số người. Các Giám Mục có thể lập một phòng nguyện riêng cho mình. Phòng nguyện ấy được hưởng các quyền lợi như một nhà nguyện. Ðừng kể quy định của điều 1227, để cử hành thánh lễ và các nghi thức phụng vụ khác trong phòng nguyện tư, cần phải có phép của Bản Quyền sở tại.
Như vậy nhà nguyện theo nghĩa Oratory thường là một trung tâm hành hương, nơi giữ thánh tích của một vị thánh và là nơi mà nhiều người có thể đến khấn nguyện xin ơn. Vì ảnh hưởng lớn của một Oratory cho khách hành hương, nên chúng ta thường gọi là đền thánh. Thí dụ đền thánh Giuse ở Montreal, Quebec. Oratory thường được một dòng tu đảm trách, đứng đầu là Cha bề trên viện trưởng. Nếu không có phép miễn chuẩn của bản quyền sở tại, tức Giám Mục địa phận, thường nhà nguyện không được cử hành thánh lễ Chúa Nhật hay cử hành các bí tích như hôn phối và thánh lễ an táng… Những cử hành bí tích phụng vụ nầy dành quyền cho nhà thờ xứ.
Phòng nguyện hay nhà nguyện riêng thường giới hạn trong khuôn viên hay trong toà nhà của một tu viện, bệnh viện, học viện… Phòng nguyện hay nhà nguyện riêng cũng là nơi thánh để cầu nguyện và cử hành thánh lễ hay bí tích mà bản quyền địa phương cho phép. Thường không được phép cử hành thánh lễ Chúa Nhật và các bí tích như hôn phối hay lễ an táng và không được phép mở rộng công khai cho mọi người.
Thánh điện (Scrinium – Shrine – Người Việt Nam quen gọi là đền hay đài). Từ scrinium có nghĩa là một rương hòm chứa đựng chứng tích hay kỷ vật thánh của một thánh nhân. Thí dụ đền Các Tử Việt Nam (Shrine of saint Vietnamese martyrs) hay Đài Mẹ La Vang (Shrine of Our Lady of Lavang)… Tất cả đền hay đài trong tiếng Việt đều mang nghĩa của scrinium, của shrine. Từ thánh điện mà Luật dùng xem chừng hơi xa lạ. Tuy nhiên, Giáo Luật vẫn có những qui định cho những nơi thánh nầy.
Ðiều 1230: Danh từ thánh điện được hiểu là một nhà thờ hay một nơi thánh khác, mà vì một lý do đạo đức đặc biệt, giáo dân thường xuyên lui tới hành hương, với sự chuẩn nhận của Bản Quyền sở tại.
Ðiều 1233: Một số đặc ân có thể được ban cho các thánh điện mỗi khi thấy hoàn cảnh địa phương, số khách hành hương đông đảo và nhất là ích lợi của tín hữu đòi hỏi.
Ðiều 1234: (1) Tại các thánh điện, cần phải cung cấp dồi dào những phương thế cứu rỗi cho các tín hữu như: chuyên cần rao giảng Lời Chúa, cổ võ đời sống phụng vụ, đặc biệc bằng việc cử hành Thánh Lễ và việc thống hối, cũng như thực hành các hình thức đạo đức bình dân đã được công nhận.
Bình thường, nếu không có phép đặc biệt của bản quyền địa phương, những nơi gọi là thánh điện theo nghĩa giáo luật hay đền đài theo cách người Việt Nam thường dùng không được cử hành thánh lễ Chúa Nhật hay các bí tích dành riêng cho nhà thờ giáo xứ.
4. Nhà Thờ Giáo Xứ
(Ecclesia Paroecialis – Parish Church or Parochial Church)
Giáo xứ – Cha xứ và nhà thờ giáo xứ là những yếu tố gắn chặt vào nhau và hỗ tương cho nhau.
Giáo luật điều 515 định nghĩa gíáo xứ: (1) Giáo xứ là một cộng đoàn tín hữu được thiết lập cách bền vững ở trong Giáo Hội địa phương, và việc săn sóc mục vụ được ủy thác cho Cha Sở làm chủ chăn riêng, dưới quyền của Giám Mục giáo phận.(2) Chỉ duy có Giám Mục giáo phận có quyền thành lập, giải tán hoặc thay đổi các giáo xứ….(3) Một khi đã được thành lập hợp lệ, giáo xứ đương nhiên được hưởng tính cách pháp nhân theo luật.
Giáo luật điều 519 nói về Cha sở như sau: Cha Sở là chủ chăn riêng của giáo xứ đã được giao phó, và thi hành việc săn sóc mục vụ của cộng đoàn được ủy thác dưới quyền của Giám Mục giáo phận, vì được gọi thông phần với Giám Mục vào tác vụ của Ðức Kitô, ngõ hầu chu tất nhiệm vụ giảng dạy, thánh hóa và quản trị đối với cộng đoàn ấy, với sự cộng tác của các linh mục khác hoặc với các phó tế và cả sự hợp lực của các giáo dân, theo quy tắc luật định.
Như vậy Giáo xứ là cộng đồng dân Chúa ở một địa phương, trong một giáo phận, do chính Giám Mục địa phận thiết lập và đặt dưới sự chăn dắt của Giám Mục như chủ chăn của địa phận.
Cha xứ hay Cha sở là linh mục có đức hạnh vả đủ khả năng, do Giám Mục sai đến để trực tiếp chăm sóc giáo dân của một giáo xứ dưới quyền lãnh đạo của Giám Mục địa phận.
Dễ hiểu hơn: Giáo xứ do Giám Mục địa phận thiết lập. Thật ra Giám mục là cha sở và giáo dân là của Giám Mục. Nhưng vì địa phận có nhiều giáo xứ mà một mình Giám Mục không quán xuyến nỗi, nên ngài nhờ người khác gọi là Cha sở chăm sóc đàn chiên giáo xứ cho Ngài.
Nhà thờ giáo xứ là nơi thánh được Giám Mục cho phép xây dựng trong lãnh thổ giáo xứ để giáo dân có nơi dâng lễ thờ phượng Chúa và lãnh nhận các bí tích do Cha sở trao ban. Nhiều nơi, vì số giáo dân đông, nên ngoài nhà thờ giáo xứ, còn có các nhà thờ họ lẻ hay giáo họ…Tuy nhiên, chỉ được phép có một Cha sở và một nhà thờ giáo xứ. Đức Giám Mục là người duy nhất có quyền nâng cấp một giáo họ hay họ lẻ thành giáo xứ, và bổ nhiệm Cha xứ. Lúc đó, nhà thờ ở họ lẽ nầy thành nhà thờ Giáo xứ.
Giáo luật qui định về nhà thờ giáo xứ như sau:
- Phải được cung hiến trọng thể, GL. Điều 1217 2
- Cha sở phải cư trú trong nhà xứ gần nhà thờ, GL. Điều 5331
- Bí tích rửa tội phải được ban ở nhà thờ xứ, GL. Điều 857, 858 và 859
- Lưu trử Chúa ở nhà thờ xứ, GL. Điều 934§1
- Hôn nhân phải cử hành trong nhà thờ xứ, GL. Điều 1118
- Nghi thức an táng phải được cử hành trong nhà thờ xứ GL. Điều 1177
5. Trung Tâm Mục Vụ Giáo Phận
(Centrum pastoralis Episcopi – Diocesan Pastoral Center)
Tiếng Việt chúng ta nhiều khi xử dụng theo thói quen để chỉ về nơi chốn hay sự vật nhưng không mấy chính xác. Thí dụ Cha xứ bảo “tờ thông tin mục vụ ở cuối nhà thờ!” kỳ thực tờ thông tin mục vụ ở đầu nhà thờ nơi cửa ra vào. Thường người Việt mình biết Đức Cha và Toà Giám Mục là nhà của Đức Cha ở, chứ không quen nghĩ đến Trung Tâm Mục Vụ giáo phận là nơi thường có văn phòng, nơi làm việc của Giám Mục địa phận cũng như văn phòng làm việc của các ban ngành trong giáo phận, kể cà toà án hôn phối giáo phận.
Vì chỗ nơi hạn hẹp và theo tính thoải mái “làm chỗ nào ngủ chỗ đó!” Nên văn phòng của Giám Mục hay các linh mục thường cách với phòng ngủ chỉ bằng một cánh cửa. Điều nầy không giống với tây phương chút nào. Bên nầy office và bedroom hoàn toàn khác biệt và cách biệt.
Từ thực tế trên, chúng ta cần phân biệt rõ:
Toà Giám Mục: Theo cách hiểu của người Việt Nam là Bishop’s house hay Bishop’s residence. Nơi cư ngụ của Giám Mục địa phận và thường bao gốm cà văn phòng làm việc của Giám Mục. Xin tránh lẫn lộn với Episcopalis sedes, tức ngai toà của Giám Mục địa phận, cụ thể Cathedra, tức chỗ ngồi của Giám Mục ở nhà thờ chánh toà của Ngài mà người Việt gọi là TOÀ, toà đây là ghế, chứ không là dinh thự hay toà nhà.
Trung tâm mục vụ giáo phận (Centrum pastoralis Episcopi – Diocesan Pastoral Center): Thường được xây dựng nơi khu đất rộng hơn và cách biệt với Toà Giám Mục hay nhà Giám Mục ở. Bắc Mỹ và các nước hay áp dụng lối tổ chức Giáo phận theo mẫu mã nầy. Người giáo dân ngoài Việt Nam và giáo dân các nước Âu, Mỹ Châu không mấy quan tâm đến chỗ ở của Giám Mục, nhưng quan tâm đến văn phòng làm việc của Giám Mục. Nên Trung tâm Mục vụ Giáo phận thường có văn phòng Giám Mục và các ban nghành trong giáo phận. Có một điểm đáng lưu ý là: Nhà ở của các Giám Mục ở Âu Châu hay Mỹ Châu rất bình thường: Có thể chỉ là một căn hộ hai phòng ngủ trong một chung cư hay một căn nhà bình thường trong khu dân cư.
Tuy nhiên, có nhiều luật trừ trong giáo hội như ở Sàigòn, Trung tâm Mục vụ ở số 6B Tôn Đức Thắng, Bến Nghé, quận I, Tp. Hồ Chí Minh và không có Văn phòng Giám Mục hay các văn phòng ban ngành giáo phận ở đây. Trái lại, Toà Giám Mục ở số 180 Nguyễn Đình Chiểu, F. 6 Q.3, TP. Hồ Chí Minh, nơi đây có Văn Phòng của Giám Mục và chỗ ở cũng như văn phòng và chỗ ở cho những chuyên viên của Giáo Phận. Giáo phận Nha Trang, Toà Giám Mục, tức Văn phòng làm việc và chỗ ở của Giám Mục cũng như Trung tâm Mục vụ có cùng một địa chỉ là số 22 Trần Phú, Hoà, Tp. Nha Trang. Bên ngoài đề bảng Trung tâm Mục vụ, trong đó có Văn phòng Giám Mục cũng như chỗ ở của Giám Mục.
Cho đến nay Bộ Giáo Luật 1983 và những sửa đổi của nó sau nầy cũng chưa có khoản Giáo Luật cụ thể nào qui định cho việc xây dựng Toà Giám Mục tức chỗ ở và văn phòng của Giám Mục và Trung tâm Mục vụ giáo phận. Theo nguyên tắc chung về giáo luật: khi Giáo Luật không có qui định cũng như không đề cập… thì những gì đang hiện hữu được coi như không có gì sai và có quyền duy trì. Là giáo dân, cách tốt nhất là chúng ta có gắng hiểu ý nghĩa của tổ chức trong Giáo Hội và bằng lòng với những gì hiện có. Vì những gì đã có thì đã có trước chúng ta và những gì hiện có sẽ tồn tại sau khi chúng ta qua đi. Nên cách hay là: Let things go. Nó không có ảnh hưởng quan trọng đến phần rỗi linh hồn của chúng ta.
Lm. Phêrô Trần Thế Tuyên JCD
Nguồn www.truongbuudiepapt.net