CN.13.TN.A : Từ bỏ mình để vươn cao vươn xa
SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN A
(Mt 10,37-42)
****
TỪ BỎ MÌNH ĐỂ VƯƠN CAO VƯƠN XA
Từ bỏ mình để theo Đức Giê-su (Lc 14: 26 -27 )
37“Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy.38 Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy.39 Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.
Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy (Mc 9,41)
40“Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.
41 “Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính.
42 “Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.”
__________________
SUY NIỆM
TỪ BỎ MÌNH ĐỂ VƯƠN CAO VƯƠN XA
- Từ bỏ chính mình để vươn lên cao hướng về Thiên Chúa.
“Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy… “
Những lời Chúa Giêsu giảng dạy hôm nay, xem ra thật khó nuốt. Nhưng đây không phải là lần đầu, đã từng có những lời loan báo Tin Mừng mà vừa nghe qua chẳng thấy vui tý nào, ngược lại nhiều người còn thất vọng bỏ đi. Thí dụ:
+ Khi Chúa Giêsu nói về Thánh Thể:
Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết,
vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống.
Nghe rồi, nhiều môn đệ của Người liền nói: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi ?”.
Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi với Người nữa. (Ga.6,54-66).
+ Khi Chúa Giê su nói với người thanh niên giàu có.
Đức Giê-su đáp: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, th́ì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hăy đến theo tôi.” Nghe lời đó, người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải”. (Mt.19,21-22).
+ Chúa Giê su nói với người Do Thái về Thiên Tính của Ngài
Ông Abraham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ.” Người Do thái nói: “Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã thấy ông Abraham!” Đức Giêsu đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông: trước khi có ông Abraham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu!” Họ liền lượm đá để ném Người. Nhưng Đức Giêsu lánh đi và ra khỏi Đền Thờ. (Ga.8,51-59).
Chính các Tông Đồ cũng “không có sức chịu nổi” – không thể hiểu trọn vẹn Lời Chúa – cho đến khi các ngài được lãnh nhận Thánh Thần.
“Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến”(Ga 16, 12-14).
Nhưng, Lời giảng dạy của Chúa, khi ta bình tâm cầu nguyện, và “suy đi nghĩ lại trong lòng” như Mẹ Maria (Lc 2,51), ta sẽ tìm thấy nơi đó cội nguồn của hạnh phúc.
Ta nhận ra ngay điều ta phải làm, là, con người không thể vươn lên Thiên Chúa, nếu không “từ bỏ chính mình”, và “từ bỏ mình theo “Gương Chúa Giêsu“
“Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2, 6-7).
Người Kitô hữu xác tín rằng – như Giáo lý Công Giáo đã khẳng định :
Con Thiên Chúa xuống thế làm người vì bốn lẽ này:
– Một là để cứu chuộc ta khỏi tội lỗi,
– Hai là để tỏ cho ta biết tình yêu của Thiên Chúa,
– Ba là để làm mẫu mực cho ta sống thánh thiện,
– Bốn là để ta được kết hợp với Người mà trở nên con cái Thiên Chúa.
Công đồng Vatican II cũng đã xác định rằng:
“Nơi Chúa Kitô bản tính nhân loại được đảm nhận (mặc lấy) chứ không bị tiêu diệt… Người làm việc với bàn tay con người, suy nghĩ bằng trí tuệ con người, hành động với ý chí con người, yêu mến bằng trái tim con người… thực sự trở nên một người giữa chúng ta, giống chúng ta mọi sự, ngoại trừ tội lỗi” (MV 22).
Thế nên, chúng ta vẫn hằng nguyện cầu “Xin cho con có đôi môi Chúa, đôi tay của Chúa… con tim của Chúa…”. Vì ước vọng thật sự của đời ta, là “từ bỏ mình” để – như Thánh Phaolô khẳng định mạnh mẽ :
“Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Và, “từ bỏ mình” là để đạt được điều đó. Vươn lên Thiên Chúa nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng ta.
- Từ bỏ chính mình để vươn ra xa đến anh em đại đồng.
“Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? “Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi.Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mt.12,48-50).
Khi Chúa Giêsu giảng dạy “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy…”, Ngài có bỏ rơi, hay không còn yêu Cha Mẹ ngài nữa không? – Không, Ngài vẫn yêu thương, vâng lời Cha Mẹ Ngài trong mọi hoàn cảnh, hiếu thảo, hòa mình vào cuộc sống đời thường của Thánh Gia.
Thí dụ:
+ Chúa Giêsu sống trong mái ấm gia đình ở Nagiarét và thảo hiếu với Cha Mẹ.
“Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài”. (Lc 2,41-52).
+ Chúa Giêsu vâng theo ý Mẹ Maria ở tiệc cưới ở Cana (Ga 2,1-11).
Mẹ Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. (Gioan 2,3-5).
+ Chúa Giêsu nhớ đến Mẹ Maria trong giờ phút cuối cùng trên Thập Giá.
“Gioan. Đây là mẹ con” (Ga 19,26-27).
+ Hơn thế nữa, Chúa Giêsu còn đóng góp phần mình với Cha Mẹ Ngài để hướng Thánh Gia sống vững Đức Tin vào Thiên Chúa.
“Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2,41-52)
Trong cuộc sống đời thường, ta vẫn thường nghe những câu nói quen thuộc, như: ” Con ông cháu cha”. “Gia đình trị”. “Ô dù”.”Chỗ quen biết”. “Người thân cận”… Đi xa hơn nữa, có những cái “của mình” lớn hơn, như: tôn giáo mình, tổ quốc mình, dân tộc mình… Người đời thường khó vươn ra khỏi “cái khung của riêng mình” đó.
Con người chỉ có thể vươn vòng tay ra xa để ôm lấy đồng loại sau khi vòng tay ấy vươn lên cao hướng về Thiên Chúa. Để, nhờ đó, có được một tình yêu đối với “Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh em”. “Lạy Cha chúng con ở trên trời…” (Mt 6, 9 – 13).
Sự thân cận không phải chỉ là khoảng cách không gian, thời gian, lịch sử, máu huyết, quan niệm… theo cách tính toán của con người mà theo con tim rộng mở của Giới luật Yêu Thương của Thiên Chúa.
“Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy”. (Lc 10,25-37)
- Từ bỏ chính mình để hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa.
“Bộ mặt thế gian này đang biến đi” (1Cr 7,31).
Nếu bản thân mỗi người – nếu bản thân nhân loại – không còn cái tâm thuộc về Thiên Chúa, thì bộ mặt thế gian này sẽ biến đổi ra dị dạng đáng sợ, vì nó đang “biến đi” cái “thiện căn” của nó.
Trong một bài báo ngắn giới thiệu bộ phim “Cuộc Chiến Nhân Tâm”, tác giả GT. viết:
Hiện trạng giáo dục xuống cấp đang là nỗi lo và bức xúc của toàn xã hội. Chữ “TÂM” không được coi trọng trong giáo dục học đường, nên đã làm cho chữ “TÀI” của họ trở thành gánh nặng, nỗi lo của toàn xã hội. Họ trở thành những cỗ máy kiếm tiền lạnh lùng, nhẫn tâm, bất chấp thủ đoạn và tội ác. (Thế Giới Phụ Nữ, số 24/2017).
“Những cỗ máy kiếm tiền lạnh lùng, nhẫn tâm, bất chấp thủ đoạn và tội ác” kia, làm sao có thể góp phần làm nên một thế giới hòa bình hạnh phúc? Làm sao họ có thể “từ bỏ mình” để nói đến từ bi, bác ái, hy sinh dù chỉ một lần thức tỉnh nhân tính?
Ôi, còn đâu nữa lời thánh hiền xưa: “Thiện căn ở tại lòng ta. Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” (ND) !
Vâng, xin phép người xưa cho ghép vài chữ nhái theo vần thơ trên: “Thiện căn xóa khỏi lòng ta. Chữ TÀI kia mới bằng ba chữ TÌNH”… Có vẻ như rồi sẽ không còn thứ tình yêu nào nữa đâu, ngoài … tình yêu TIỀN TÀI thôi !
“Những cỗ máy kiếm tiền lạnh lùng, nhẫn tâm, bất chấp thủ đoạn và tội ác” kia, đưa thế giới đến tục hóa và chìm dần vào đêm tối. Khi người ta bằng lòng và cảm thấy vui sướng trong trong đêm tối thế tục, thì người ta cũng không cần và tìm cách loại dần ánh sáng tâm linh ra khỏi đời sống. Và, cũng có nghĩa là người ta từ chối Lời Chúa, từ chối Thiên Chúa.
“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.” Tv 119, 105.
Vậy, khi ta hiểu ngược lại, rằng cuộc đời không còn “Những cỗ máy kiếm tiền lạnh lùng, nhẫn tâm, bất chấp thủ đoạn và tội ác” nữa, mà thay vào đó là những con người sống thật sự là người, với con tim tình người, với tình người được nuôi sống và thăng hoa bằng tình Chúa, con người lúc ấy biết sống cho nhau và vì nhau, nhân loại hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa – Thiên Chúa là Tình Yêu. Một thế giới hòa bình, đệ huynh và hạnh phúc, thật đẹp biết bao !
“Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt Thần Khí mới vào lòng các ngươi.
Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt”.
(Ê-dê-ki-en 36,26).
Thuộc về Thiên Chúa, thì hưởng trọn vẹn vinh quang và hạnh phúc của Thiên Chúa đời này và đời sau, vì Chúa là niềm vui của cuộc đời ta.
Nguyện tiếng lòng tôi làm cho Người vui thoả,
đối với tôi, niềm vui là chính CHÚA. (Tv.104, 34).
- Từ bỏ chính mình vì một tình yêu mãnh liệt.
“Thế gian đang qua đi cùng với dục vọng của nó, còn ai thi hành ý muốn Thiên Chúa, thì tồn tại mãi mãi” (1Ga 2,17).
Trong tiểu sử chân phước Angela Foligno, một nhà thần bí lớn ở thế kỷ 12, có một sự kiện có thể giúp ta hiểu những điều nói trên đây. Trong một thời gian khá dài, Angela đã từ bỏ thế gian và tội lỗi, để sống một cuộc đời thật khắc khổ. Nhưng một hôm, Angela thấy còn một công việc phải làm, thấy Thiên Chúa chưa thực sự là tất cả cho mình. Vì sao? Linh hồn thì muốn Thiên Chúa, vậy mà nó còn muốn nhiều sự khác nữa. Bởi đấy, Angela cảm thấy như phải thống nhất cả con người của mình, thân xác phải là một với linh hồn, ý muốn phải là một với trí khôn, để chỉ còn một ý muốn mà thôi. Lúc ấy, Angela nghe thấy tiếng Chúa nói tự thâm tâm:
“Con muốn gì, Angela?”.
“Con muốn Thiên Chúa”. Không lưỡng lự, Angela kêu to.
“Ta sẽ thực hiện ý muốn của con”. Tiếng ấy tiếp.
Quả thật, Thiên Chúa đã giúp cho ý nguyện của Angela được thực hiện, giúp Angela kiến tạo một cuộc đời thánh thiện, một cuộc đời không ngừng soi sáng cho Giáo Hội và thế giới suốt nhiều thế kỷ qua. (Internet).
Pope John Paul II on 20 June 1993 before the Urn containing the remains of Blessed Angela of Foligno at the Basilica of San Francesco in Foligno.
“Con muốn Thiên Chúa” (Angela) vì, có Chúa là có tất cả.
Nên, việc theo Chúa cũng đòi hỏi một thái độ dứt khoát và quyết liệt.
Và, chỉ có Tình Yêu mãnh liệt mới có thể làm được điều đó.
“Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy.Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy”.
Tất cả chỉ có thể hiểu được và kết luận được từ những lời quả quyết của Phêrô trước khi Chúa Giêsu trao quyền cai quản Giáo hội cho ông.
Chúa Giê su hỏi Phê rô lần thứ ba: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không? ” Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không? ” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giê-su bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy”.
LỜI NGUYỆN
Lạy Chúa,
Con luôn lắng nghe Lời Chúa dạy:
“Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ítraen,
Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất.
Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi,
hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi.
Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.
Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.” (Mc 12,28-34).
Điều răn con thuộc lòng từng câu chữ…
Nhưng thực hành thì còn rất xa…
Lạy Chúa, con là kẻ có tội…
Xin thương xót con.
Amen.
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG