Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

CN.14.TN.B. Chân Dung Đấng Cứu Thế | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN B
(Mc.6,1-6)
****
CHÂN DUNG ĐẤNG CỨU THẾ

“1 Hồi ấy, Đức Giê-su trở về quê quán của Người, có các môn đệ đi theo. 2 Đến ngày sa-bát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? 3 Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” Và họ vấp ngã vì Người. 4 Đức Giê-su bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.” 5 Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. 6 Người lấy làm lạ vì họ không tin.”
________________

SUY NIỆM

CHÂN DUNG ĐẤNG CỨU THẾ

Tuyên xưng Đức Tin về Giêsu Kitô

Chúng ta vẫn thường tuyên xưng Đức Tin của chúng ta, riêng vể phần Chúa Giêsu Kitô, rất rõ ràng như sau:

Tôi tin kính một Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời. Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha: nhờ người mà muôn vật được tạo thành.

Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, người đã từ trời xuống thế. Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, người đã nhập thể trong lòng trinh nữ Maria, và đã làm người. Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta, thời Phongxiô Philatô; người chịu khổ hỉnh và mai táng, ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh. Người lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha, và Người sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết, Nước Người sẽ không bao giờ cùng. (Kinh Tin Kính).

Sách Giáo lý Công Giáo đã xác tín:

“Chúa Giê su vừa là người thật như ta, vừa là Thiên Chúa thật như Chúa Cha. Người vừa có bản tính loài người, vừa có bản tính Thiên Chúa, trong cùng một ngôi vị duy nhất là Ngôi Hai Thiên Chúa.”(GLCG. 64).

Niềm tin của Kitô hữu không phải dựa vào những suy luận mơ hồ hay từ  những bộ óc thông minh của phàm nhân khéo tưởng tượng ra, mà từ sự mạc khải của chính Chúa Giêsu Kitô qua những lời giảng dạy của Ngài và chính từ những biến cố trong cuộc đời của Ngài khi còn ở trần gian.

Đây là một vài thí dụ:

Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30)

Đây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người” (Mt.17,5).

“Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà Cha con sao ?” (Lc 2,49)

Nếu khi Tôi nói về những sự dưới đất mà các ông không tin, khi Tôi nói những sự trên trời, các ông tin thế nào được? Không ai lên trời được, ngoài người đã từ trời xuống, tức là Con Người vốn ở trên trời. (Ga.3,7-17).

Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người.” (Ga.14,7).

 Ngài là ai ?

Ông ấy, chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi; còn Đấng Kitô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả.” Lúc giảng dạy trong Đền Thờ, Đức Giêsu nói lớn tiếng rằng: “Các ông biết tôi ư? Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư? Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông, các ông không biết Người. Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi. (Ga.7,27-29).

Các ông biết Tôi ư ? Các ông biết Tôi xuất thân từ đâu ư ? (Ga 7, 28).

Điều mà nhiều người biết về Chúa Giêsu Kitô – Đặc biệt trong Tin Mừng hôm nay, không vượt qua được “tầm nhìn” của “người trần mắt thịt”. Người ta không thể “tin” được ai, nếu chưa biết đúngđủ về người đó.

Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” (Mc.6,3).

Và rất nhiều người đã biết về Chúa Giêsu kiểu như vậy.

Nhưng, sự nhận biết ấy chỉ “đúng” mà “chưa đủ”. Vì Chúa Giê su, đúng Ngài là “người thật”, nhưng cũng là “Thiên Chúa thật”. Và chính vì Ngài là Thiên Chúa, Ngài mới làm người, để “cứu độ” nhân loại. Ngài là Đấng Cứu Thế. 

“Chúa Giê su vừa là người thật như ta, vừa là Thiên Chúa thật như Chúa Cha. (GLCG. 64).

Đức Tin không thể đến bằng sự hiểu biết nửa vời. Cũng không phải từ sự hiểu biết hạn hẹp nhưng kiêu căng tự phụ của trí tuệ con người. Nó đến từ sự khiêm nhường thiết tha đi tìm ánh sáng chân lý ở trong tận cùng sâu thẳm của những tấm lòng thành tâm thiện chí.

– Có phải những Kitô hữu tin vào những lời nói viễn vong của ông Giêsu nào đó, trong một gia đình có địa chỉ hẳn hoi ? Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” (Mc.6,3). Đó là một gia đình ở làng Nagiarét, miền Ga-li-lê, nước Do Thái. Địa chỉ đó quá phổ biến hầu như ai ai cũng biết. Ông Giêsu đó ngày bị tử hình bản án còn ghi trên đỉnh thập giá: Giêsu Nagiarét, Vua dân D-thái” (Ga 19,19).

– Thưa không, lời giảng dạy của Đức Giêsu Kitô và việc làm của Ngài luôn luôn đi đôi. Tất cả được chứng minh ở phần kết luận trang sử của cuộc đời Ngài – một cuộc đời độc nhất vô nhị ở trần gian này “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình”.(Ga.15,9-17). Lời nói của người mang tên Giêsu này không phải là những lời mang sức hấp dẫn vì nó hùng hồn, cuốn hút với những câu chuyện minh họa sống động, nhưng là vì những lời ấy mang lại sự sống, niềm hy vọng cho con người.

“Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai ? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68).

Chân dung Đấng Cứu Thế

 Các ông biết Tôi ư ? Các ông biết Tôi xuất thân từ đâu ư ? (Ga 7, 28).

Để có được niềm tin, và tuyên xưng niềm tin của mình, điều đó không phải tự mình làm được, cần có ơn thiêng nâng đỡ.

“Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nỗi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16,12-13).

Vì, nhận ra được Chân dung đích thực của Đấng Cứu Thế, đó là một hồng ân lớn lao mà Thiên Chúa trao ban cho chúng ta.

Nên, như Chúa Giêsu hỏi người Do Thái, ta chân thành tự hỏi chính mình: “Mình nhận biết Chúa Giêsu ư ? Mình nhận biết Chúa Giêsu xuất thân từ đâu ư ?”

Để trả lời ngắn gọn, ta có thể mượn lời của Thánh Phaolô:

“Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người còn lại hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên cây thập tự.” (Pl 2,5-8).

Kết luận, để trả lời câu hỏi: “Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” (Mc.6,3). – Đúng, nhưng đó là cuộc đời “mặc lấy thân nô lệ” của một Ngôi Vị Thiên Chúa hy sinh cứu độ con người.

Trong tầm mắt phàm nhân, đó là ông Giêsu, người thợ mộc tầm thường, nhưng trong đôi mắt Đức tin, đó là Đấng Cứu Thế, đem Tin Mừng và hạnh phúc đến cho cả và thiên hạ. Họ chỉ thấy bản tính loài người chứ không nhận ra được bản tính Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu.  

“Này tôi báo cho anh em một Tin Mừng trọng đại, cũng là Tin Mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa. (Lc.2,10-11).

Lạy Chúa,

Xin cho con biết khiêm nhường
lắng nghe Lời Chúa.
Cho con khỏi lầm đường
vì có Chúa là ánh sáng đời con.

Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng

Bài liên quan

Back to top button