CN.15.TN.B. Giũ Bụi Chân
SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN B
(Mc.6,7-13)
****
GIŨ BỤI CHÂN
7 Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ quỷ. 8 Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; 9 được đi dép, nhưng không được mặc hai áo. 10 Người bảo các ông: “Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi. 11 Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.” 12 Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. 13 Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.
____________
SUY NIỆM
GIŨ BỤI CHÂN
1 . Sứ mạng rao giảng
Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi (Mc.6,7).
Căn tính của Giáo Hội là Truyền Giáo. Mọi người Công Giáo đều là những “nhà truyền giáo” theo cách hiểu phổ quát. Người Công Giáo không tìm cho riêng mình Nước Trời – Thiên Đàng. Không nên Thánh một mình. Thiên Chúa là Tình Yêu. Tình yêu luôn có đối tượng, tình yêu không thể chỉ có một. Tình Yêu mà Chúa Giê-su giảng dạy là Tình Yêu Phục Vụ. Tình Yêu Bác Ái. Tình Yêu Chia sẻ. Nước Trời không có chỗ cho người chỉ biết có riêng mình.
“Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. (42) Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; (43) Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm nom”. (Mt.25,41-43).
Để đạt được một trái tim biết “yêu như Giê-su”, con người phải biết Giê-su là ai. Để biết Giê-su là ai, con người phải biết Tin Mừng. Để mọi người biết Tin Mừng phải có người rao giảng. Để có người rao giảng, phải có người được sai đi. Chính Chúa Giê-su Phục Sinh đã sai các môn đệ lên đường loan báo Tin Mừng, và Giáo Hội có sứ mạng phải nối tiếp điều đó.
Người Công Giáo muốn ai cũng vào Nước Trời, và vì thế, phải loan báo con đường vào Nước Trời. Con đường Giê-su.
“Tất cả những ai kêu cầu danh Đức Chúa sẽ được cứu thoát. Thế nhưng làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không đuợc nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi? Như có lời chép: Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo Tin Mừng” (Rm 10, 13-15).
2 . Không gì vướng bận ngoài việc Đức Tin.
Và Người truyền các ông đi đường, đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo.(Mc.6,8-9).
Điểm nhấn ở đây không phải là “có hay không có” những phương tiện “nghèo nàn hay sang trọng” trong khi làm việc, mà là một thái độ dứt khoát “không nô lệ” vào sức mạnh của tiền bạc cùng với những phương tiện vật chất trong cuộc hành trình Loan Báo Tin Mừng.
Nhiều thế lực không có thiện cảm với Giáo Hội đã dựa vào những lời giảng dạy này để cắt nghĩa theo nghĩa đen khô cứng hẹp hòi để lên án hay phê bình chống phá Giáo Hội.
Họ – những thế lực đen tối, hay những người chưa hiểu biết Giáo Hội – cất công tìm tòi tra cứu những Giáo Huấn Phúc Âm không phải để khích lệ những người có niềm tin sống tốt hơn mà để tìm cách bóp chết tức thời hay dần mòn niềm tin đó.
Sử dụng phương tiện thế nào là “sống giàu có” và thế nào là “sống đơn sơ” ?
Trong nhiều trường hợp, người Công Giáo đó đây vẫn đặt ra những câu hỏi đối với những người cho rằng người Công Giáo sống xa tinh thần nghèo khó của Phúc Âm, nhất là khi những người này đang nắm trong tay quyền lực cùng với sự thù ghét Giáo Hội.:
Tại sao ?
– Tại sao các anh dùng những loa phóng thanh cực mạnh, cùng với những phương tiện thông tin hiện đại để bôi bác, la lối, chửi rủa chúng tôi, mà không cho chúng tôi dùng những phương tiện tương xứng để nói lên sự thật, hay chỉ để nói lời tha thứ ?
– Tại sao các anh xây dựng những tòa nhà cực kỳ nguy nga sang trọng chỉ để tận hưởng những cuộc vui hạ đẳng thoáng qua, mà không cho chúng tôi tự do làm những Đền Thờ xứng đáng với niềm tin cao cả của chúng tôi ?
– Tại sao các anh mở rộng những khu vực ăn chơi đều khắp đó đây mà không cho chúng tôi mở rộng những nơi thờ phượng để chúng tôi sống đời Chân Thiện ?
– Tại sao các anh có quyền tận hưởng sự giàu có vật chất mà không cho chúng tôi có quyền tận hưởng sự giàu có tâm hồn ?
– Tại sao các anh có quyền làm tất cả mọi thứ để phô trương sự giàu có vật chất một cách ích kỷ mà không cho chúng tôi làm những việc cần thiết để loan báo sự giàu có tinh thần của chúng tôi bằng sự chia sẻ bác ái ? ………….
3 . Giũ bụi chân
Có một anh lính sau khi được giải ngủ, anh mang về quê nhà một “đôi giầy trận” còn dính đầy bụi đất. Vợ anh định mang đi giặt rửa, nhưng anh bảo: “Đừng em, cứ để nguyên như vậy, đó là bụi đất trên những chiến trường đầy kỷ niệm xương máu mà nó đã trải qua cùng anh”.
Niềm vui của “chiến sĩ Phúc Âm” là được “đón nhận”. Được đón nhận có nghĩa là nơi đó hạt giống Lời Chúa được nẩy mầm.
Người truyền giáo không tìm gì khác ngoài hoa trái niềm tin mà họ đã gieo giống. Những kẻ tiếp đón kiểu xã giao, dù dâng tặng bao nhiêu của cải vật chất, mà họ không “đón nhận” niềm tin, thì việc truyền giáo chưa nói được là thành công. Đó chỉ là những lợi lộc nhất thời chóng tan như bèo dạt mây trôi. Đó cũng chính là tinh thần “đoạn tuyệt” với những “lợi lộc” trần thế, khi người truyền giáo không thu hoạch được niềm tin hay đương đầu với sự chống đối. “Gót Chinh Nhân” của người “Chiến sĩ Phúc Âm” không muốn vướng bận “bụi trần” của những gì không thuộc về Niềm Tin vào Thiên Chúa.
Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ. (Mc.6,11).
Lạy Chúa,
Xin sai con đi,
trên mọi nẻo đường,
loan báo Tin Mừng,
gieo rắc Tình Thương.
Cho con trung thành,
chỉ một mình Chúa,
mọi việc con làm,
Chỉ vì Danh Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng