Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

CN. PHỤC SINH. Trỗi Dậy Từ Cõi Chết | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT PHỤC SINH
(Ga.20,1-9)
****

TRỖI DẬY TỪ CÕI CHẾT

1 Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. 2 Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”

3 Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. 4 Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. 5 Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. 6 Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, 7 và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. 8 Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. 9 Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.
___________

SUY NIỆM

TRỖI DẬY TỪ CÕI CHẾT

Cõi chết

Có người đang sống mà như đã chết. Họ đang ở “cõi chết” ngay khi còn đang sống.

Cõi chết ở trong chính tâm hồn ta, khi đời sống chỉ là một cuộc vui nhất thời, tạm bợ. Khi mục đích đời người chỉ là đi tìm và tích trữ kho tàng thế gian phù phiếm, chóng qua. Khi lẽ sống chỉ là niềm vui thụ hưởng ích kỷ, tự đưa mình lên ngai ông hoàng bà chúa trên một hòn đảo cô đơn. Cõi chết chính là khi cuộc sống được vây bọc bởi muôn vàn ánh vinh quang của trần tục mà tâm hồn chìm ngập trong tăm tối. Mọi thứ tiền tình danh vọng đều ở mức thành đạt rất cao còn lòng bao dung và cái tâm chân thiện thì rất thấp. Mọi thứ đều “sướng như tiên” trong “cõi thiên thai” nhưng lòng thì trống rỗng chơ vơ kéo dài cuộc sống khô khan, vô vị, vô tình, ngày tiếp ngày lê thê như trong địa ngục.

Ở trong tận đáy lòng của con người, “tình thương” là tất cả. Con người không có yêu thương, không thể sống hạnh phúc được. Thiếu vắng tình yêu cao cả, lìa mất cội nguồn, con người không thể chịu đựng nổi.

Có một huyền thoại sau đây để ta suy nghĩ thêm về vấn đề này.

Tương truyền, Lưu Thần và Nguyễn Triệu là hai chàng trai rũ nhau đi hái thuốc trên núi Thiên Thai, rồi lạc lối và gặp hai Tiên Nữ, và cùng hai nàng kết duyên thành vợ chồng. Sau khi ở cảnh Tiên được nửa năm thì Lưu Thần và Nguyễn Triệu chợt nhớ quê nhà, cùng đòi về thăm. Khi trở lại quê hương thì phong cảnh hoàn toàn đổi khác, hỏi ra mới biết đã đến đời cháu thứ sáu rồi. Không còn ai quen thuộc, lòng buồn bã hối hận, hai chàng tìm đường trở lại núi Thiên Thai nhưng than ôi, đường xưa lạc lối nên không tìm lại được cõi Tiên nữa. Từ đó người ta chẳng còn thấy hai chàng nơi nao. 

Và, vì thế, nhiều người đi tìm cái chết để giải thoát. Cái tâm không trong sáng, không chân thiện, không cao cả, thì làm sao tìm được cõi phúc vĩnh hằng. Không hề có một Thiên Đường vắng bóng Tình Thương. Nếu hễ “chết” thì sẽ được bước vào thế giới hạnh phúc thì quá đơn giản. Ta phải sống thế nào để được bước vào thế giới vĩnh hằng chứa chan hạnh phúc, đó mới là ý nghĩa của cuộc đời người.

Ta suy ngẫm thêm về vấn đề này qua câu chuyện “Đồng tiền nhu nhược” sau đây:

Một người đứng bên lan can cầu, chuẩn bị nhảy xuống sông tự tử. Hình như ông ta chán sống trong thế giới này, và muốn tìm đến một thế giới khác có thể là thích hợp hơn.

Người đó vốn là một phú ông giàu có. Nhưng đến nay bỗng trở thành tay trắng, sinh ra chán nản bi quan, không còn muốn tiếp tục sống nữa! Bản tính là một người keo bẩn và ích kỷ, khi có tiền người đó cũng chưa bao giờ nghĩ phải cho ai một đồng một cắc bạc lấy thảo! Vì thế, sau khi kinh doanh thất bại thành tay trắng, anh ta nghĩ, cuộc sống không còn ý nghĩa gì nữa, tiền bạc không còn, tình cảm không có, niềm vui sướng và hạnh phúc cũng không đến, thì chỉ còn một con đường, ta tìm đến cái chết để giải thoát.

Đúng lúc người kia chuẩn bị nhảy xuống sông, thì có một người quần áo lam lũ đi qua bên cạnh và cất tiếng cầu xin:

“Thưa ngài, xin ngài nhón tay làm phúc, cho xin một hào!”

Người chuẩn bị tự tử bỗng mỉm cười cay đắng, thầm nghĩ:

“Thời buổi ngày nay, một hào thì có giá trị gì. Đến mua chén nước uống còn không xong!”. Chợt nhớ ra trong ví còn lại ít tiền và cả thẻ tín dụng nữa, người đó liền vui vẻ đáp lời người xin tiền:

“Rất sẵn lòng, ông bạn gặp may rồi! Tôi có ít tiền lẻ cho ông đây!”. Nói xong, người đó móc chiếc ví ra, đưa cả ví tiền và thẻ tín dụng cho người ăn xin và nói:

“Cho ông bạn tất cả đấy. hãy cầm lấy!”.

Người ăn xin ngạc nhiên hỏi lại: “Thế này là thế nào? Ông cho tôi tất cả ư?”

“Không sao! Ông bạn cứ yên tâm mà cầm lấy đi. Trong thẻ tín dụng của tôi, số tiến cũng còn kha khá đấy! Vì tôi sắp không còn phải dùng đến tiền nữa rồi!”. Nói xong, người đó quay mặt nhìn đăm đăm xuống dòng nước chảy cuồn cuộn dưới chân cầu.

Người ăn xin tay cầm chiếc ví suy nghĩ, chợt như hiểu ra điều gì, cảm thấy sững sờ cả người. Một lúc sau khi trấn tĩnh lại, người ăn xin nói:

“Không được, thưa ông! Tôi tuy nghèo nhưng không phải là kẻ yếu hèn nhu nhược. Tôi cũng sẽ không nhận những đồng tiền của kẻ yếu hèn nhu nhược như ông. Tốt nhất ta cũng nên để cho những đồng tiền nhu nhược của ông được theo ông mà tự tử chết đi cho rồi!”. Nói xong, người ăn xin liệng những tờ giấy bạc xuống sông, rồi quay lưng bỏ đi thẳng mà không hề một lần ngoái đầu lại.

Lúc đó người muốn tự tử như bừng tỉnh sau một cơn ngủ mê. Người đó lần đầu tiên trong đời thành thực hy vọng có thể tặng cho người ăn xin số tiền mà anh ta đang có và sẵn sàng từ bỏ vì không cần đến nữa sau khi tự tử. Lần cuối cùng trước khi chết, người đó đã có hành động chia sẻ với đồng loại. Cũng chính vì hành động chia sẻ này, mà lần đầu tiên anh ta đã nhận được niềm vui và hạnh phúc.

Người đó đưa mắt nhìn lại dòng nước cuồn cuộn dưới sông, rồi nhanh chóng quay người chạy đuổi theo bóng người ăn xin thấp thoáng phía xa.

Trỗi dậy từ cõi chết

“Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi (Ga. 12, 32).

Thế giới ngày nay có nguy cơ đang tự biến đổi dần thành “cõi chết”, nếu không “trỗi dậy từ cõi chết”.

Thế giới này nay tràn đầy những thú vui vì tiền của và cũng ngập đầy đau khổ vì tiền của. Những kẻ giàu có thừa mứa thì đốt tiền và thời gian vào những những lối sống cực kỳ xa hoa phung phí  và những cuộc truy hoan vô độ, còn những kẻ nghèo nàn thì tiêu hao sự sống và thời gian trong bần cùng đói khổ.

Những cuộc vui xa hoa như vô tận không thỏa mãn khát vọng hạnh phúc dài lâu của con người. Những niềm đau của những mảnh đời nghèo đói kéo lài lê lết không thấy đâu bến bờ của bình minh hạnh phúc.

Máu xương ngày nào cũng đổ ra trong thù hận và ngục tù bao la. Vũ khi chiến tranh bom đạn hiện đại tràn lan, còn tình thương teo tóp lại trong sự hoài nghi và sợ hãi.

Con người cứ thế, là đà trên mặt đất với lối sống thấp hèn vị k, không thể vươn lên vì thiếu Tình Thương và Ánh Sáng Tin Mừng soi lối. Đó là cõi chết của thế giới”.

Thập Giá là đỉnh cao của Tình Yêu. Là Tình Yêu tuyệt đối của Thiên Chúa dành cho con người và là mẫu mực của Tình Yêu cho con người đối xử với nhau: “Yêu như Giê-su”.

Không có một giải đáp nào cho một thế giới an bình hạnh phúc ngoài Tình Yêu Giê-su.

Chính Tình Yêu Giê-su “kéo mọi người lên với Ngài”. Chính nhờ đó, nhân loại được “trỗi dậy từ cõi chết” nhờ Đức Giê-su Ki-tô.

“Trỗi dậy từ cõi chết” để bước vào “Trời Mới, Đất Mới” – Hạnh phúc và Vinh Quang trong Đức Giê-su Ki-tô Phục Sinh. Đó là niềm tin của chúng ta.

Lạy Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh,

Xin cho nhân loại “trỗi dậy từ cõi chết”,
Để cùng chung xây dựng một Thế Giới Mới,
– Một “Trời Mới Đất Mới” –

Chan hòa tình thương,
Sáng danh Thiên Chúa,
Bình an cả và thiên hạ. Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

Bài liên quan

Back to top button