Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

CN.TN.03. Những Kẻ Lưới Người | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN B
(Mc.1,14-20)
****
NHỮNG KẺ LƯỚI NGƯỜI

(14) Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. (15) Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”

(16) Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-mon với người anh là ông An-rê, đang quang lưới xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. (17) Người bảo các ông: “Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá.”  (18) Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà theo Người.

(19) Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền. (20) Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền, với những người làm công, mà đi theo Người.

_____________

SUY NIỆM

NHỮNG KẺ LƯỚI NGƯỜI

I. TRƯỜNG ĐỜI.

+1. Khi người đời “thả lưới”.

Hình ảnh “Lưới người như lưới cá” thật dễ hiểu. Trong việc “lưới cá” ta thấy có hai việc làm chính: đó là thả lướibắt cá.

Mục đích của “thả lưới” rất rõ ràng là để “bắt cá”, nên việc thả lưới phải tập trung nhắm vào một mục đích duy nhất là “bắt cá”.

Từ đó, “phương tiện” bắt cá là “lưới” phải phù hợp, và “cách thả lưới” cũng phải có kinh nghiệm, hiểu biết về thiên nhiên.

Thí dụ như lưới loại có mặt (lỗ) lưới lớn hay nhỏ, chiều dài, chiều rộng bao nhiêu, sợi lưới to hay nhỏ để phù hợp với loại cá ở vùng mình thả lưới. Người lưới cá phải biết vùng mình đang thả lưới thường có loại cá gì, lớn hay nhỏ. Mùa nào cá sinh sản, mùa nào cá còn nhỏ, mùa nào cá lớn, tháng nào cá di chuyển, theo con nước nào, hướng đi nào. Cá loại nào ở vùng nước cạn, cá loại nào ở vùng nước sâu…

Nói chung, phương tiện đánh bắt cá và loài cá ta muốn bắt phải phù hợp, và hiểu biết phần nào về đời sống của loài cá, vùng sông biển cá đang sống.

Trong cuộc sống, có nhiều dạng “lưới người”, mà người ta đua nhau “thả lưới” để “bắt người” – “lôi kéo người khác về với mình” với  nhiều mục đích khác nhau.

Trước tiên, để “lưới người”, người ta phải biết sơ đẳng về nghệ thuật “đắc nhân tâm” để chinh phục người khác.  Người ta tìm hiểu tâm lý, thị hiếu, nhu cầu, nguyện vọng của con người, để đem nhiều người về với tổ chức của mình. Thí dụ: trong chính trường để có nhiều lá phiếu, trong thương trường để có nhiều khách hàng, trong Điện ảnh để có nhiều khán giả, trong Báo chí để có nhiều độc giả…

+ 2. Mục đích “thả lưới” của người đời.

Con người ai cũng muốn những điều có lợi, nên khi người ta “lưới người”, bao giờ cũng bắt đầu từ những ngôn từ tốt đẹp, những lời hứa hẹn hấp dẫn, những chiêu quảng cáo lôi cuốn nghe tựa như những phép lạ nhiệm mầu…

Có thể thấy rõ điều này khi người ta nghe mấy ông chính khách ra tranh cử.

Nhưng, thật đáng tiếc, mỹ từ bị lạm dụng nhiều nhất đó là “phục vụ”, nhưng “phục vụ” cho chính kẻ “lưới người” chứ không phải phục vụ cho người “sa lưới” ! Người ta tâng bốc “khách hàng là Thượng Đế”, nhưng khách hàng bị “chém”, bị lường gạt là chuyện thường tình. Nhiều thứ “lưới” bủa giăng khiến người “sa lưới” bị đầu độc, như những thứ văn hóa độc hại, những thứ hưởng thụ sa đọa, mất phẩm giá con người, nhiều người còn mất mạng vì quá tin vào những lời hứa hẹn hết sức lôi cuốn, thí dụ trong những tổ chức núp bóng tôn giáo của những người cuồng tín…

Nói một cách khác, người ta “lưới người” vì mục đích lợi lộc cho riêng mình. Chính vì thế, có rất nhiều trò lừa gạt, bịp bợm, dối trá, thủ đoạn khó lường. Trong chính trường, trong thương trường, trong tình trường… đâu đâu cũng thấy !

Nhiều người thành công trong sự dẫm đạp lên kẻ khác, thậm chí cả tội ác, nhưng họ lạnh lùng với trái tim vô cảm, vì họ chỉ thấy một điều, họ đã thành công nhờ sự khôn ngoan của riêng họ, vì lợi ích cho riêng họ.

Thật rất khó tìm được trong thời đại này những kẻ “lưới người” để giúp đỡ những người mà người ta thu phục được có một cuộc đời tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn.

Tình thương trong thế giới hôm nay dần dần khô héo và những giá trị đạo đức cũng dần dần vơi đi. Ai cũng thấy “thế giới hôm nay tan nát vì thù hận.” (Bê-nê-đic-tô XVI).

II. TRƯỜNG DẠY CỦA GIÊSU.

Người bảo các ông: “Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá.”  (Mc.1,18).

+ 1. Khi những môn đệ Chúa Giêsu “lưới người”.

Khác hẳn với người đời, như Chúa Giê-su đã dạy, những môn đệ của Người không được ỷ lại vào tài năng của mình khi “lưới người”. Tất cả đều là hồng ân của Chúa. Môn đệ của Chúa phát huy tất cả tài năng trí tuệ của mình để phục vụ Chúa, và luôn cảm thấy mình chỉ là một đầy tớ vô dụng.

“Đối với anh em cũng vậy: Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói : chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi”. (Lc.17,9).

Những gì môn đệ Chúa làm được, không phải là kết quả của sự khôn ngoan con người, mà là từ sự hướng dẫn của Thiên Chúa, sự khôn ngoan và sức mạnh của Thánh Thần.

Giảng xong, Chúa Giêsu bảo ông Phê-rô: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”. Ông Simon đáp : “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới”. Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm. (Lc.5,4-7).

+ 2. Mục đích “thả lưới” của môn đệ của Chúa Giê-su.

Khác hẳn với “trường đời”, những môn sinh của Chúa Giê-su nhận ra mình nhỏ bé trước những thành công lớn lao. Những “mẻ cá” lớn giúp cho người môn đệ của Chúa Giê-su nhận ra đâu là sự “khôn ngoan” thật sự, đâu là “hướng đi” cuộc đời mình, đâu mới đích thực là “lẽ sống” của kiếp nhân sinh.

Thấy vậy, ông Si-mon Phê-rô sấp mặt dưới chân Chúa Giê-su và nói : “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi !”. Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Si-môn và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. Cả hai người con ông Dê-bê-đê, là Gia-cô-bê và Gio-an, bạn chài với ông Si-mon, cũng đều kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Đức Giê-su bảo ông Si-môn : Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta”. Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ mọi sự mà theo Người. (Lc.5,8-11).

Có một lần tôi dự lễ 25 năm linh mục của cha sở một họ đạo nọ, tôi tới hơi sớm. Lúc ấy, mấy loa phóng thanh treo trước mặt tiền nhà thờ phát đi tiểu sử của cha sở cùng với những thành quả mà Cha sở ấy đã gặt hái được trong 25 năm ở tại họ đạo đó. Vì thời gian ở đây dài lâu, nên những “công đức” của ngài được kể ra trên loa phóng thanh thật là dài.  Từ chuyện quá khứ, đã xây mấy cái nhà thờ, từ nhà thờ cũ kỹ, được sửa lại, nâng cấp mấy lần, đến chuyện giúp bao nhiêu nhà tình thương cho người nghèo, lo cho bao nhiêu  sinh viên học đến bờ đến bến. Đến chuyện hiện tại, đang lo cho bao nhiêu học sinh, nuôi bao nhiêu cụ già, giúp bao nhiêu người tàn tật… Tất cả đều được thống kê bằng những con số cụ thể. Tiếng loa phóng thanh phát đi phát lại “bản tin” đó nhiều lần, rất lớn và rất rõ ràng… Chợt có một vị linh mục già, tóc bạc phơ, ngồi uống nước cạnh bên tôi, quay sang tôi, nói : “Uổng quá !”. Tôi hỏi : “Uổng cái gì, thưa Cha ?”. Ngài nở một nụ cười hiền hòa trên gương mặt tuổi già phúc hậu, rồi thong thả đáp: “Phải chi những “công trận lớn lao” đó đừng phát trên loa, thì nó trở nên “cao quý” biết bao nhiêu !”. Câu nói của vị linh mục tiền bối ấy làm tôi suy nghĩ nhiều lắm !

Trở thành những kẻ lưới người (Mc.1,16), những “người thu phục người ta” (Lc.5,11), là để mang họ về cho Thiên Chúa, chứ không phải mang họ về cho mình, như người đời thường làm. Đó là mục đích duy nhất, và cũng là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của những con người đã  “bỏ mọi sự mà theo Người”. (Lc.5,11).

Vì Chúa Giê-su, con Thiên Chúa, đã phán:  “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Đem mọi người về với Chúa, chính là giúp họ được sống – sống dồi dào, nhờ nhận biết Thiên Chúa và Tin Yêu vào Ngài.

“Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga.10,10)
.

Tất cả là vì “Sáng danh Chúa”. Chỉ với hạnh phúc cao cả con người mới loại trừ được những niềm vui trần thế tạm bợ chóng qua. Khi bỏ mọi sự mà theo Người, thì Người phải là hạnh phúc đời ta – “Chúa là hạnh phúc của con” –  ta mới đi tròn cuộc hành “theo chân Chúa” suốt cuộc đời.

Lạy Chúa,
Đường theo Chúa rất dài, và lắm gian truân,
Xin nâng đỡ đời con từng bước. Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

Bài liên quan

Back to top button