Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Tin Vào Tin Mừng | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT I MÙA CHAY B
(Mc.1,12-15)
*****

TIN VÀO TIN MỪNG

Sau khi Đức Giê-su chịu phép rửa. Thần khí liền đẩy người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Sa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có thiên sứ hầu hạ Người.

Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói : “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.
__________________

SUY NIỆM

TIN VÀO TIN MỪNG

1. Người báo Tin vui.

Có một câu chuyện người ta đặt tên là “Ngọn lửa hy vọng”, nội dung như sau :

Mỗi ngày, bất kể giờ giấc, cô bé đều đến gõ cửa hàng tạp hóa để mua vài cây đèn cầy (cây nến). Thời gian kéo dài một tháng, rồi hai tháng, cô bé vẫn đều đặn đến mua như vậy.

Thấy lạ, người bán hàng mới hỏi :

– Cháu thích ánh sáng đèn cầy lắm phải không ?

Cô bé nhẹ nhàng đáp :

– Cháu rất thích ánh sáng lung linh của nó, vì nó có thể giúp mẹ cháu sống mãi với cháu.

Người bán hàng ngạc nhiên không hiểu, cô bé liền giải thích :

– Mẹ cháu bị bệnh ung thư nặng lắm ! Bố cháu bảo, nếu cháu có thể làm cho ngọn đèn cầy không tắt, thì mẹ sẽ ở mãi bên cháu. Do đó, cháu đã dành dụm tiền mua đèn cầy để thắp sáng trong nhà.

Trong câu chuyện này, người đưa “tin vui” đến cho cô bé là người cha đau khổ ! Ông không còn cách nào khác để đem lại cho con mình niềm hy vọng “sẽ còn có mẹ trong cuộc đời”, nên ông đã gieo vào lòng cô con gái bé bỏng của mình một niềm tin cũng mỏng manh như ngọn đèn trước gió. Trong tuổi ngây thơ đáng yêu và tội nghiệp, cô bé đã tin vào “tin vui” đó, một tin vui hoàn toàn không có thật nhưng ít ra, còn lại một chút gì hạnh phúc trước khi nỗi đau thương như cơn sóng định mệnh tràn ngập lòng cô bé đáng thương !

2. Tin vui của Thiên sứ.

Người báo Tin Vui cho nhân loại là Thiên Sứ. “Đại diện” cho nhân loại đón Tin Vui này là Đức Maria.

“Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. (Lc.1,28).

“Tin Vui” ấy. là nhân loại được Thiên Chúa viếng thăm, con người được ban Đấng Cứu Thế.

Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đã đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cà, và sẽ được gọi là con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc.1,30-33).

“Tin vui” ấy, cũng được Thiên sứ báo cho những mục đồng, đại diện cho những con người lòng đơn sơ, khiêm hạ, được đón nhận tin vui và được tai nghe mắt thấy vào những giây phút đầu tiên Thiên Chúa giáng sinh. 

“Này, tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân : Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người : anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”(Lc.2,10-12).

3. Tin Mừng của Đức Giê-su Ki-tô.

Tin Mừng của Đức Giê-su là Tin Mừng chắc chắn. Tin Mừng ấy được chứng minh hiện thực bằng chính cuộc đời của Ngài.

Cuộc đời Ngài là một cuộc đời đã trải qua cuộc sống trần thế này, với đầy đủ những buồn vui, thăng trầm, thành bại của kiếp người, kể cả sự chết, trừ tội lỗi.

Ngài muốn mọi người được sống một cuộc sống vĩnh hằng và hưởng hạnh phúc đích thực. Không phải cuộc sống tạm bợ và  hạnh phúc phù phiếm.

Ngài muốn, và Ngài thực hiện ý muốn của Ngài. Ý muốn từ Tình Yêu của Thiên Chúa. Thập Giá là bằng chứng tuyệt đối của Tình Yêu Thiên Chúa dành cho con người. Thập Giá là Tin Mừng Cứu Rỗi.

4. Hãy Sám Hối Tin vào Tin Mừng

Nhân loại đã bước đi trong tăm tối, không còn nhận ra đâu là chân lý và tự đi tìm cái chết trong khi tranh giành sự sống.

Tin vào Tin Mừng của Chúa Giê-su Ki-tô là “sống như Chúa Ki-tô đã sống”. Sống theo mẫu mực của Ngài và nên một với Ngài.

“Tôi sống nhưng không phải tôi sống, là Đức Kitô sống trong tôi(Gl 2, 20).

Như Chúa Giê-su bắt đầu cuộc đời của Ngài từ sa mạc, đương đầu với Sa-tan, và rồi Ngài chiến thắng. Con người cũng phải bắt đầu từ sa mạc nội tâm, đương đầu với ma quỷ, bằng “ăn năn, sám hối”, bằng “ăn chay, cầu nguyện”.

Lập trường của Chúa Giê-su trước Sa-tan là dứt khoát : “Thiên Chúa là tất cả”.

“Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình người mà thôi” (Lc.4,8).

Thì lập trường của con người cũng phải dứt khoát, chỉ tin vào Tin Mừng của Đức Giê-su Ki-tô.

“Bỏ Thầy chì chúng con biết đến với ai ? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga.6,68).

Ta cần có một cuộc đối thoại với chính mình.

– Nào chúng ta có thể tin vào Tin Mừng mà không cần “ăn năn sám hối” không ?

“Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”(Mc.1,15). Sám hối là trước tiên. Sám hối rồi mới tin vào Tin Mừng.

– Chúng ta tin vào Tin Mừng để làm gì ?

– Để được Cứu Rỗi !

– Nếu chúng ta đã trong sạch như thiên thần rồi, có cần gì được cứu rỗi không ?

Chúa Giê-su đã nói : “Có cần đến lương y, hẳn không phải là người lành mạnh, mà là kẻ đau ốm… Tôi không đến để kêu gọi người công chính. Mà để kêu gọi người tội lỗi » (Mt.9,13).

– Vậy, tôi là người công chính, hay người tội lỗi ?

– Chúa Giê-su đã kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác.

“Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pha-ri-sêu đứng riêng một mình, cầu nguyện rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con”. Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”.

Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.(Lc.18.9-14).

– Như vậy, sự công chính chỉ có nhờ được ơn tha thứ.

“Tôi bảo thật các ông : những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Chúa trước các ông …” (Mt 21, 31).

– Ơn tha thứ chỉ đến nhờ lòng thành tâm sám hối, khiêm cung.

“Nếu cần phải tự hào, thì tôi chỉ tự hào về sự yếu đuối của tôi thôi” (2Cor 11, 30).

“Để khỏi sinh lòng kiêu căng về những ơn lạ ấy, Chúa đã đặt một cái dằm trong da thịt tôi, khác nào để một thủ hạ của Satan tát vả tôi, để tôi mất tự kiêu tự đắc” (2Cor 12,7).

– Và như thế, Sám hối mới có thể tin vào Tin Mừng. Chỉ có lòng khiêm nhượng mới giúp con người hiểu được đích thực thân phận của mìnhnhận ra tình yêu bao la của Thiên Chúa dành cho con người.

Con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến,
Phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm ?
(Tv. 8,5.)

Lạy Chúa.

“Tấm thân này bị nhận xuống bùn đen, theo lời Ngài xin cho con được sống” (Tv. 119, 25).

Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng

Bài liên quan

Check Also
Close
Back to top button