Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Những hồi chuông tỉnh thức | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN A
(Mt.18,15-20)
****

NHỮNG HỒI CHUÔNG TỈNH THỨC

15 “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. 16 Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. 17 Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.

18 “Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy.

19 “Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. 20 Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.”

_______________

SUY NIỆM

NHỮNG HỒI CHUÔNG TỈNH THỨC

Là người, ai cũng có những lầm lỗi.

Lầm lạc là sự kiện của tất cả mọi người (Se tromper est le fait de tous les hommes) SOPOCLE.

Có những sai lầm rất rõ ràng, không còn bàn cãi gì nữa, nhưng cũng có những sai lầm chưa được sáng tỏ. Với người này thì đúng, với người kia thì sai. Mỗi người nhìn ở một góc cạnh riêng, tùy thuộc vào nhiều yếu tố đưa đến những ý nghĩ và hành động khác nhau. Chính vì thế, có những người cố tình lầm lỗi và có những người đã không thấy những lầm lỗi của mình.

Ở đây, nói tới trường hợp “chắc chắn sai lầm”. “Nếu người anh em của anh trót phạm tội” (Mt.18,15)

Tội lỗi là một chuyến đi rời khỏi ngôi nhà bình an trong tâm hồn, rời khỏi gia đình yêu thương của Thiên Chúa. Trường hợp “đứa con trai hoang đàng” trong dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu là một thí dụ điển hình. Ơn Chúa luôn là tiếng nói trong thâm sâu tâm hồn của mọi người, kêu gọi con người trở về với Ngài, nói theo cách nói của những thánh nhân, càng tội lỗi, ơn Chúa càng lớn lao để con người vượt qua yếu đuối tìm về bên Chúa. Nhưng con người có đón nhận hay không, có nghe được tiếng Chúa gọi trở về với Ngài hay không, còn tùy đời sống nội tâm của mỗi người. Không có đời sống nội tâm sâu xa, không có giây phút cầu nguyện, không có cõi tĩnh lặng để nhìn lại chính mình, con người khó nghe được tiếng lòng mình, tiếng Chúa nói trong cõi thâm sâu của tâm hồn mình.

Tội lỗi là một chuyến đi hoang với một tâm hồn đơn độc. Tâm hồn tội lỗi mê ngủ cần có người đánh thức. “Hãy chổi dậy hỡi ai ngủ mê !” – tiếng gọi ấy có sự đóng góp của tình đồng loại. Có khi là của một người, có khi là của một nhóm, hay một tập thể, có khi là Giáo Hội. Đó là những tiếng gọi trở về – gọi người anh em về nẻo Thiện Lương, về Chân Lý, về với Thiên Chúa. Đó là những Hồi Chuông Tỉnh Thức.

Có một chuyện phim kể về cuộc đời của một tên tướng cướp. Sau một chuyến cướp của không thành công, hắn bị trọng thương và bị truy nã. Lê tấm thân tàn, hắn lẩn trốn trong nhà một người dân quê tốt bụng. Hắn được chăm sóc vết thương và nằm chờ ngày bình phục. Khi sức khỏe đã khá hơn, hắn nhớ thuở tung hoành của mình và vẽ vời trong trí đường đi nước bước cho tương lai y như con đường cũ…

Một hôm, hắn cảm thấy mình cô đơn và đi ra ngoài vườn tìm một chút thanh thản. Ngọn gió đông thổi về, mang theo tiếng chuông chùa văng vẳng xa xa bên kia dòng sông đang phẳng lặng như dòng đời cứ êm đềm chảy… Chợt hắn khát khao một cuộc đời bình yên trong mái ấm gia đình, hắn tỉnh thức, hắn muốn làm lại cuộc đời… Rồi cuộc đời có đón nhận hắn không…?  

1. Hồi chuông thứ nhứt: Tiếng nói của một người.

“Một mình anh với nó thôi”(Mt.18,15).

Ngày kia khi Đức Giám Mục Amolas đến thăm mục vụ một làng nọ, dân chúng đã bày tỏ với Ngài lòng bất mãn tột độ của họ đối với một vị ẩn tu trên núi, vì ông ta đem theo một phụ nữ để chung sống.

Từ dạo ấy, vị ẩn tu không ngớt là đối tượng để dân làng đàm tiếu, chỉ trích và lên án. Thấy Giám Mục Amôlas đến, họ xúm lại vây quanh Ngài và nói: hôm nay Ngài đã đến đây thì Ngài phải chấm dứt ngay lập tức tình trạng sa đọa bê bối gây nhiều gương mù gương xấu của vị ẩn tu trên núi kia.

Sau khi nghe những lời kết án gây gắt của dân làng, Giám Mục Amôlas quyết định leo lên núi. Ngài đi đầu, dân làng lũ lượt nối gót theo sau. Vị ẩn tu thấy đám đông kéo đến túp lều của mình, ông ta hoảng sợ và cấp tốc bảo người phụ nữ chui vào trốn trong một cái thùng gỗ rỗng.
Đức Giám Mục là người đầu tiên đến trước túp lều, và cũng là người đầu tiên bước chân vào. Ngài đưa mắt nhìn chung quanh và hiểu ngay tình tình. Ung dung, Ngài đi thẳng đến chỗ ngồi ngay trên chiếc thùng gỗ để nghỉ chân, nơi người phụ nữ ẩn trốn. Rồi bình thản khoát tay gọi dân làng vào và bảo:

– Vào đây, các người hãy vào mà lục xét túp lều để tìm người phụ nữ. Khi họ không tìm đâu ra bóng dáng người đàn bà, Đức Giám Mục mới nói:

– Bây giờ các ngươi phải quỳ xuống xin lỗi Thiên Chúa vì đã nói xấu vị ẩn tu này vô cớ.

Nhưng sau đó, khi mọi người đã lục tục kéo nhau xuống núi, Đức Giám Mục Amôlas tiến gần vị ẩn tu, nắm chặt hai bàn tay của ông, đưa mắt nhân từ nhưng cương nghị nhìn sâu vào đôi mắt của ông và chậm rãi nói:

– Hỡi người anh em, hãy cẩn thận giữ mình kẻo mất linh hồn đấy!

Là người ai cũng có những người bạn thân. Có câu: “Nếu ai cũng là bạn thân của bạn, có nghĩa là bạn không có một người bạn nào”.

Những người bạn tốt, là người muốn những điều tốt đẹp cho nhau.

Đúng là “Sự chiều lòng nuôi dưỡng bạn bè, sự nói thật gây nên thù oán”. (Terence). Đó là khi người ta chưa có lòng tin vào nhau. Khi người ta cảm nhận được tình yêu cao cả trong tình bạn chân chính, lúc ấy người ta mới có thể chia sẻ những nỗi niềm ẩn chứa trong lòng.

“Một trong những sung sướng lớn lao nhất ở đời này là tình bè bạn, và một trong những sung sướng của tình bè bạn là có người để ký thác một điều thầm kín (Un des plus grands bonheurs de cette vie, c’est l’amitié, et l’un des bonheurs de l’amitié, c’est d’avoir à qui confier un secret. ALEXANDRE MANZONI).

Hãy xem tình yêu của Giê-su dành cho các môn đệ.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Đây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy truyền. Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm; Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết. Ga 15, 12-17”.

Khi đến với người lầm lỗi bằng tình bạn – tình bạn như “tình bạn của Giê-su” – sự chân thành, lòng thiện chí, những lời nói và việc làm đượm tình bác ái yêu thương sẽ là tiếng chuông thức tỉnh người bạn còn mê ngủ trong tăm tối. Và nếu có được sự dịu dàng, khôn ngoan, tế nhị, sẽ góp phần rất lớn trong sự tỉnh ngộ của người lầm lỗi. “Trách bạn kín đáo, nhưng khen bạn hãy công khai.” (Reprove your friends in secret, praise them openly. SYRUS).

Ta có thể xem câu chuyện của vua Đa- vít chiếm đoạt bà U-ri-gia:
 
“Một buổi chiều nọ, David dậy khỏi giường và đi tản bộ trên sân thượng đền vua. Từ sân thượng, ông thấy một phụ nữ đang tắm; người phụ nữ dáng vẻ rất xinh đẹp” (2 Sm. 11,2). Rồi David ước mơ chiếm lấy nàng làm vợ. Ước mơ ấy đã đưa David đến chỗ âm mưu giết Uri-gi-a, chồng người phụ nữ: “Hãy đặt Uri-gia ở chỗ mặt trận ác liệt nhất, đoạn bỏ nó mà rút lui, cho nó bị đánh mà chết đi” (2 Sm. 11,15). Mỉa mai thay, Uriya lại là một sĩ quan cương trực, tài ba và trung thành của vua.

Ta có thể thấy lời nói thật khôn ngoan và khéo của ngôn sứ Na-than đã dẫn đưa vua Đa-vít đến chỗ tự lên án mình, và cuối cùng đã thức tỉnh.

Đức Chúa sai ông Na-than đến với vua Đa-vít. Ông vào gặp vua và nói với vua :
“Có hai người ở trong cùng một thành, một người giàu và một người nghèo. Người giàu có thì chiên dê và bò nhiều lắm. Còn người nghèo chẳng có gì cả, ngoài con chiên cái độc nhất ông đã mua. Ông nuôi nó, nó lớn lên ở bên ông, cùng với con cái ông, nó ăn chung bánh với ông, uống chung chén với ông: ông coi nó như một đứa con gái.
Có khách tới thăm nhà giàu, ông này tiếc của, không bắt chiên dê hay bò của mình mà làm thịt đãi người lữ khách đến thăm ông. Ông bắt con chiên cái của người nghèo mà làm thịt đãi người đến thăm ông”.
Vua Đa-vít bừng bừng nổi giận với người ấy và nói với ông Na-than: “Có Đức Chúa hằng sống ! Kẻ nào làm điều ấy, thật đáng chết ! Nó phải đền gấp bốn con chiên cái, bởi vì nó đã làm chuyện ấy và đã không có lòng thương xót”
Ôn g Na-than nói với vua Đa-vít : “Kẻ đó chính là Ngài…” (…)
“Bấy giờ vua Đa-vít nói với ông Na-than: “Tôi đắc tội với Đức Chúa” (xem: 2Samuel.12,1-15).).

2. Hồi chuông thứ hai: Tiếng nói của nhiều người.

“Hãy đem theo một hay hai người nữa”(Mt.18,16).

Một người không thuyết phục được, phải có vài ba người, hay một nhóm, một hội đoàn, để giúp người lỗi lầm quay trở lại, có nghĩa là căn bệnh tâm hồn của người ấy khá nặng rồi. Nhưng, làm sao, khi anh đi đến đâu, ai cũng nói là anh sai lầm, nhưng đồng thời ai cũng vẫn thương mến anh. Đó không phải là một con người mà mọi người cần phải xa lánh, đó là một con người vấp ngã đang cần mọi người tiếp tay nâng dậy.

Một cách nhìn rộng hơn, trong xã hội, hay Giáo Hội, đều có đoàn thể lớn hay nhỏ. Hội đoàn, hay đoàn thể thường dễ gần gũi nhau. Sinh hoạt đoàn thể chỉ thành công nếu có tình huynh đệ. Ta có thể thấy hình ảnh tình làng nghĩa xóm thông cảm, chia sẻ, nhắc nhở nhau sống ăn ngay ở lành, cùng tìm về nẻo thiện lương. Những “tổ hòa giải”, những buổi họp mặt động viên nhau sống một cuộc đời có ý nghĩa. Cùng giúp nhau tránh những con đường xấu và từ bỏ những bước đi lầm lỡ. Tất cả đều chỉ thành công khi đượm đầy tinh thần tình yêu của Chúa Giê-su.

3. Hồi chuông thứ ba: Tiếng nói của Hội Thánh.

“Hãy đi thưa Hội Thánh”(Mt.18,17).

Không phải đây là đoạn kết để xử dụng quyền lực loại trừ một con người. Sự kết luận của Hội Thánh không phải nhắm vào bản án để loại trừ một con người, nhưng là tiếng chuông cuối cùng để người lỗi lầm thức tỉnh.

“Ta không muốn kẻ tội lỗi phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống (Ez 18, 23)

Giáo Hội luôn luôn là Giáo Hội của Chúa Ki-tô. Giáo Hội không có Chúa Ki-tô chỉ là một tổ chức nhân loại.

Chúa Ki-tô mãi mãi là Thiên Chúa Tình Yêu – Deus Caritas est – Ngài bao dung và rộng lòng tha thứ.

Biết Đức Giêsu thương người tội lỗi, nhóm luật sĩ và biệt phái tìm cách gài bẫy Ngài để Ngài mất uy tín với dân chúng. Họ dẫn đến trước mặt Ngài một người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Theo luật Maisen, ai bắt được người phạm tội quả tang, kẻ ấy có quyền xét xử tội nhân. Trước khi ném đá người phụ nữ này, họ hỏi Đức Giêsu “Theo luật Maisen thì người phụ nữ này phải bị ném đá, vậy theo ý Ngài thì người phụ nữ này sẽ bị xử như thế nào” ?

Đức Giêsu trả lời bằng cách hỏi lại họ, làm cho họ phải thức tỉnh, không dám kết tội người khác:Ai trong các ông vô tội thì hãy ném đá đi”

Sau khi họ đã rút lui hết, chỉ còn lại có một mình Đức Giêsu và người phụ nữ, Ngài mới hỏi chị ta: Không còn ai lên án chị sao” ? Chị ta đáp: “Thưa không”. Ngài phán: Ta cũng không lên án chị. Hãy đi làm lại cuộc đời và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11).

Thế nên, Giáo Hội không nhắm vào sự loại trừ, mà chủ yếu giúp cho người lỗi lầm nhận ra Chân Lý. Tiếng nói của Giáo Hội là tiếng chuông để con người thức tỉnh quay trở về cùng Chúa. Người tách rời khỏi Giáo Hội là người không lắng nghe hồi chuông thức tỉnh của Giáo Hội.

“Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.” (Mt.18,17).

Nhưng, sự yếu đuối của con người thì bất tận, còn tình yêu cao cả của Thiên Chúa thì vô bờ !

Thật sự, có những con người đã hoàn toàn mất cảm thức về tội lỗi. Họ đang ngủ vùi trong cõi chết.

“Không phải đất để trồng, thì có trồng cây cũng chẳng mọc; không phải người để nói, thì có nói họ cũng chẳng nghe” (Khổng Tử Gia Ngữ).

Họ đáng chết ! Nhưng đâu là niềm hy vọng cuối cùng ?

Có câu chuyện kể rằng:

Ngày kia, có một phụ nữ đến van xin hoàng đế Napoléon tha thiết cho con trai của bà. Anh thanh niên đó đã phạm một tội nặng. Lề luật đã rõ rệt. Công lý đòi buộc anh ta phải chết. Hoàng đế quả quyết rằng đảm bảo phải thi hành công lý. Nhưng bà mẹ năn nỉ :

– Thưa bệ hạ, tôi đến van xin lòng thương xót của ngài, không phải vì công lý.

Hoàng đế Napoléon trả lời :

– Nhưng hắn ta không xứng đáng được thương xót.

Bà mẹ nói :

– Thưa bệ hạ, nếu nó xứng đáng, thì không cần gọi là lòng thương xót nữa.

Hoàng đế Napoléon đáp :

– Thôi được. Ta sẽ rủ lòng thương xót nó.

Và ông sai thả người thanh niên đó ra.

Vâng, như Đức Hồng Y Thuận đã nói: “Vị Thánh nào cũng có một Quá Khứ. Và người tội lỗi nào cũng có một Tương Lai”.

Tất cả là tuỳ Lòng Thương Xót của Chúa ! Ta trông cậy vào Lòng Thương Xót của Ngài!

Chúa vẫn bên chúng ta. Tình yêu Ngài vẫn chan hòa trên Ta. Đó là hy vọng đời Ta. Ta hãy cầu nguyện với Ngài.

“Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.”(Mt.18,20)

Lạy Chúa,

Không ai trong chúng con dám tin rằng mình người luôn đứng vững,
“Con đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói việc làm, và những điều thiếu sót…”
Chúng con trông cậy vào Lòng Chúa Thương Xót…  
Luôn bao dung, tha thứ và nâng đỡ chúng con. Amen           

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG.

Bài liên quan

Back to top button