Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

NHÌN VỀ ĐÂU ĐỂ ĐƯỢC SỐNG ? – NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY B
(Ga.3,14-21)
*****

NHÌN VỀ ĐÂU ĐỂ ĐƯỢC SỐNG ?

(14) Khi ấy, Đức Giê-su nói với ông Ni-cô-đê-mô rằng: Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, (15) để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. (16) Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. (17) Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. (18) Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa. (19) Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta ưa chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. (20) Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách.  (21) Những kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa.”

________________

SUY NIỆM

NHÌN VỀ ĐÂU ĐỂ ĐƯỢC SỐNG ?

Cái nhìn của con người

Sống trong cuộc đời, vạn vật mọi thứ đều chỉ có một thời. Nên, cái gì cũng có khởi đầu và cũng có cùng tận.

Nên, cái quý giá nhất đó là sự sống. Cho đến nay, con người chưa thể “chế tạo” được sự sống, dù con người đã tiến bộ rất xa… Thật trớ trêu và cay đắng thay, khoa học đã gặt hái được rất nhiều thành tựu góp phần đáng kể vào việc nâng cao và kéo dài thêm – ít nhất là trong cái nhìn thực tế – sự sống con người, nhưng, đồng thời, nó cũng dìm xuống và hủy diệt sự sống con người với mức độ trổi vượt hơn gắp bội. Y tế, thuốc men và chiến tranh, bom đạn là một thí dụ.

Trong cuộc đời, mà người ta cũng thường ví là “biển đời” – “bể khổ”, có lắm cuồng phong bão táp, con người đang tìm về bến bờ vĩnh hằng, bến bờ “cõi phúc”… Con người hướng về đâu để cuộc hành trình được an toàn đến bến bờ mơ ước. Nói khác đi, con người “nhìn về đâu để được sống ?”.

Có một câu chuyện về một con tàu vượt biển như thế này:

Một con tàu vượt trùng dương và nó đang đương đầu với một trận cuồng phong dữ dội.

Trên con tàu, ánh mắt của mỗi người nhìn về hướng khác nhau. Có người đang nhìn chằm chằm về hành trang của mình, trong cơn hỗn loạn họ sợ bị cướp mất vì trong đó là gia tài quý giá. Có người đang âu yếm nhìn người thân yêu, họ sợ không còn thời gian dài để bên nhau. Có người đang nhìn những đợt sóng cao như những bóng ma đang chập chờn bao quanh con tàu như sẵn sàng nuốt chửng lấy họ… Duy chỉ có thuyền trưởng, ông đứng trên cao và ánh mắt ông xuyên thủng đêm đen nhìn về nơi xa xăm để tìm một tín hiệu từ bờ bến an toàn nào đó. Có thể là tia sáng của hải đăng yếu ớt trong cơn giông bão mịt mù. Có thể là ánh đèn của một còn tàu đang ở đâu đó nơi vùng biển bình yên… Ông hiểu được giá trị của cái nhìn ông bây giờ quan trọng như thế nào cho mọi người và cả bản thân ông. Một cái nhìn hiểu rõ sự nguy hiểm hiện tại và mang hy vọng ở tương lai. Ông nhìn để được sống chứ không phải nhìn để chờ chết.

Cái nhìn của Đức Tin

Là Kitô hữu, chúng ta nhìn cuộc sống – hay “nhìn đời” – với “đôi mắt Đức Tin”. Trong cuộc sống có bản thân, tha nhân và Thiên Chúa.

Ta hiểu bản thân ta rất yếu đuối. Với tha nhân ta thiếu sót bổn phận. Với Thiên Chúa là Cha ta không tròn chữ hiếu. “Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng và cùng anh chị em, tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót…” (Kinh Thống Hối đầu lễ).

Băng qua “sa mạc cuộc đời”, ta không đặt trọn niềm tin vào Chúa. Đón nhận Ơn Cứu Rỗi, ta không trọn lòng vác Thánh Giá theo Chúa đến đỉnh Can-vê. Giữa cuộc đời ta chọn Tiền Của hơn Thiên Chúa. “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6,24-34). Nhưng ta lại chọn Tiền Của. – “Nếu ngày nào trần thế khiến con mải mê, Chúa ơi xin đừng chối chê, hãy thương dìu bước con về” (Khúc Cảm Tạ – Mai Nguyên Vũ).

Và, ta cần phải nhận ra  được chính mình như vậy. Ta cúi xuống thật sâu để thấy rõ một cách can đảm và chân thành tận đáy lòng mình.

Còn người thu thuế thì đứng đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. (Lc.18,13).

Ở xứ người có câu chuyện này:

Cựu tổng thống Nam Hàn, ông Roh Tae Woo đã khóc sướt mướt trên màn ảnh truyền hình quốc gia. Ông đã công khai thú nhận rằng, trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của ông từ năm 1988-1993 ông đã tham lam công quĩ đến 645 triệu đô la. Ông nói trong nghẹn ngào: “Tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ khi ra trước mặt qúy vị, tôi sẽ nhận tất cả mọi trách nhiệm của tôi, tôi sẵn sàng chịu mọi hình phạt”

Ðây không phải là lần đầu tiên một cựu tổng thống Nam Hàn công khai thú tội trước mặt mọi người. Năm 1989 tức là sau một năm ông Roh Tae Woo được bầu làm tổng thống, một người bạn thân và là vị tiền nhiệm của ông là ông Chun Do Hwan cũng đã ra trước công chúng để xin thú tội tham nhũng của mình. Với sự ưng thuận của chính phủ, ông này đã vào chùa tu tỉnh trong một năm trước khi trở về cuộc sống bình thường. (Internet).

Cúi xuống thật sâu không phải để ta gục ngã vì tuyệt vọng, nhưng để sau đó ta ngẩng mặt nhìn lên Thập Giá với tất cả niềm hy vọng của kẻ được yêu.

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,16).

Cha Thánh Gioan Maria Vianney thường xuyên thấy một ông già nông dân vào nhà thờ quì gối thầm lặng, mắt đăm chiêu nhìn lên nhà tạm Thánh Thể Chúa cách sốt sắng phi thường. Một hôm, ngài hỏi cho biết ông cầu nguyện thế nào, mà không thấy ông nói gì với Chúa. Ông trả lời đơn sơ: “Je Le vois, Il me voit. Ca suffit”. Xin tạm dịch: “Con nhìn Chúa, Chúa nhìn con. Thế là đủ rồi”.

“Con nhìn Thập Giá” là đủ rồi”. Vì từ đó, ta nhận ra mình chỉ là phường tội lỗi, là cát bụi.

“Chính Người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng họa, phải nhục nhã ê chề” (Is 53:4).

Vì từ đó, ta tìm thấy ơn tha thứ, nhận ra được ý nghĩa của kiếp người. Vì từ đó, ta hiểu ra được Tình Chúa Bao La và bến bờ hạnh phúc vĩnh hằng mà lòng ta hằng mong ước.

Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. (Ga.3,14-15).

Và, trên hết, vì từ đó, ta nhận ra Ngài chính là Đấng Cứu Thế.

“Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu, và biết tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào thì tôi nói như vậy” (Ga 8.28).

Nhìn về đâu để được sống ?

– Thưa, nhìn về Thập Giá.

“Một khi được giương lên cao khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.” (Ga 12, 32).

Lạy Chúa,

Xin thương xót con là kẻ tội lỗi…

Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG
______________

Bạn có thể xem thêm bài suy niệm khác tại địa chỉ:
http://thegioiriengtu.com/dung-chan/612-chua-nhat-04-mua-chay-b-nhin-len-thap-gia

 

 

 

 

Bài liên quan

Back to top button