Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Đứng Vững | NVT

SUY NIỆM CHÚA NHẬT
CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG C

ĐỨNG VỮNG

25 Khi ấy Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. 26 Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. 27 Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. 28 Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.”

34 “Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em,35 vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. 36 Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.” (Lc.21,25-28.34-36)

_________________

SUY NIỆM

ĐỨNG VỮNG

+ 1. Đề phòng

Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em. (Lc.21,34).       

+ Sự suy sụp của bản thân, gia đình, tập thể…

Cuộc đời nhiều cạm bẫy, để nên người tốt ai cũng phải nỗ lực vươn lên. Trong nỗ lực vươn lên, tất nhiên phải  phòng ngừa sự suy sụp, thoái hóa, biến chất, mất dần nhân phẩm, lu mờ nhân vị…

“Chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời” (Lc.21,34).

Bản thân mọi người đã vậy, chuyện gia đình, đoàn thể, tổ chức, dân tộc, nhân loại… cũng thế. Đâu là lợi ích chung, đâu là tư lợi. Đâu là đích điểm cao cả phải nhắm tới để thăng hoa, đâu là hố sâu vực thẳm thấp hèn phải né tránh. Khi nhân phẩm cá nhân suy sụp thì khó quy tụ được tập thể tốt lành hình thành từ những cá nhân như vậy. Có thể nhận ra những bài học hết sức rõ ràng, cụ thể, từ những gia đình tan vỡ, những Đất Nước suy vong, hay những cuộc chiến tương tàn của cùng một dân tộc, cùng là thân phận nhân loại…

+ Sự tỉnh ngộ, đổi mới…                                       

Không ai hoàn hảo. Sai lầm là thường tình con người. Biết mình sai lầm là bước đầu tiến đến hoàn hảo. Biết mình sai lầm là tỉnh ngộ. Không ai có thể đổi mới nếu không tỉnh ngộ.

Tỉnh ngộ là nhận ra chân lý sau khi đã sa lầy vào sự sai lầm. Tỉnh ngộ là từ bỏ vùng tăm tối để bước vào miền ánh sáng. Để từ bỏ sai lầm, không ai liều lĩnh quay trở lại, phải cố gắng đoạn tuyệt với sai lầm.

Để đoạn tuyệt với sai lầm, cần phải đề phòng tránh xa con đường cũ đã dẫn ta vào vùng tăm tối.

Đề phòng bản năng yếu đuối của ta rất dễ dàng bùng dậy. Đề phòng mọi quyến rũ mà Satan luôn tạo mọi cơ hội hấp dẫn nhứt để cám dỗ ta…

Con đường rộng thênh thang là con đường quyến rũ nhất. Con đường dục vọng, hưởng thụ, nhàn hạ… bao giờ cũng có sức mạnh cuốn hút con người…

Đề phòng bao giờ cũng có nghĩa là ta phải nhẫn nhục, chịu khó, tỉnh thức, chọn lựa những gì có khi trong nhất thời do phản xạ bản năng dục vọng, ta không vừa lòng lắm. Đó là “con đường hẹp” không mấy ai đi, nhưng con đường ấy lại giúp ta “đứng vững” trước những cạm bẫy cuộc đời, vì con đường ấy giúp ta sống trong khuôn phép nhân vị, không buông thả theo bản năng. Đó là con đường ta đi với lý trí được ánh sáng chân lý soi dẫn, với con tim được tình yêu cao cả nung đúc.  

Ánh sáng chân lý, tình yêu cao cả ấy, với Ki-tô hữu, là nguồn sống từ Thiên Chúa, từ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Thế.

+ 2. Đứng vững

Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.(Lc.21,36).

Một câu chuyện thời chiến:

Một đoàn quân bị địch thù mạnh hơn họ gấp nhiều lần bao vây, họ khó tồn tại nếu đương đầu với kẻ thù chỉ riêng họ đơn độc, họ nóng lòng chờ quân tiếp viện. Trong khi chờ đợi quân tiếp viện đến, họ vẫn chiến đấu và chiến đấu dũng cảm để chận đứng những đợt tiến quân của kẻ thù. Cuối cùng, đoàn quân tiếp viện đến. Cùng với đoàn quân bạn, họ thoát khỏi cảnh bị tiêu diệt và chiến thắng vẻ vang…

– Nếu đoàn quân bị bao vây ấy buông súng ngồi chờ đoàn quân bạn đến tiếp cứu, họ có sống còn không?

– Nếu họ cứ ngồi đó trong sợ hãi có “thoát khỏi” bàn tay tiêu diệt của kẻ thù không?

Gương chiến đấu từ bài học Đa-vít

Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.(Lc.21,36).

Tỉnh thức và cầu nguyện, đó là sự chiến đấu để “chờ đợi” Chúa đến.

Nếu không đứng vững thì làm sao tiếp đón Chúa?

“Đứng vững” vì luôn tỉnh thức và cầu nguyện trong niềm tin yêu Chúa.

“Đứng vững” vì tin tưởng chắc chắn Chúa sẽ đến.

“Đứng vững” vì tin tưởng Chúa mãi mãi yêu thương.

“Đứng vững” vì niềm vui đón nhận Ơn Cứu Độ.

Không “Đứng vững” thì làm sao “đứng thẳng và ngẩng đầu lên” được ?

Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.(Lc.21,28).

Lạy Chúa,

Xin cho con luôn giữa được lòng vui
trung thành yêu Chúa giữa cảnh đời bể dâu…
đứng thẳng và ngẩng đầu…
vì được Chúa yêu và Cứu Độ.

Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

 

Bài liên quan

Check Also
Close
Back to top button