Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Nói Mà Không Làm | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN A
(Mt.23,1-12)

NÓI MÀ KHÔNG LÀM

1 Bấy giờ, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng: 2 “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. 3 Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. 4 Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. 5 Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. 6 Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, 7 ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là “ráp-bi”.

8 “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là “ráp-bi”, vì anh em chỉ có một Thầy ; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. 9 Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. 10 Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô. 11 Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. 12 Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.

SUY NIỆM

NÓI MÀ KHÔNG LÀM.

Tục ngữ Ba Tư có câu :

Đời có 3 cái “dốt” :

Cái dốt thứ nhất : Không biết những điều cần phải biết.
Cái dốt thứ hai : Biết những điều không nên biết.
Cái dốt thứ ba : Biết không rành những điều đã biết.

Cái dốt nào cũng bất lợi, cái dốt nào cũng có thể mang đến tai hại.

Nói về cái “dốt thứ nhất”Không biết những điều cần phải biết – thí dụ như “dốt chữ”, thì khó tiến thân. Nước nào tạo điều kiện cho dân trí được có học, và học cao, nước đó mau phát triển, còn nước nào có một nền giáo dục yếu kém, người dân còng lưng đóng đủ thứ tiền học phí, trình độ dân trí thấp, thì lấy đâu ra nhân tài phục vụ Đất Nước. Còn nhiều thứ “dốt”, cái “không biết” khác nữa. Như không biết lễ nghĩa, không biết nhục, không biết nghề nghiệp, không biết cách ứng xử trong cuộc sống…

Nói về cái “dốt thứ hai”Biết những điều không nên biết – thí dụ như biết “ăn chơi trác táng”, nạn phá thai, nạo thai được xem như đó là điều bình thường, len lỏi vào học đường, vào tuổi thiếu nhi chưa biết gì là bổn phận người mẹ. Phá thai, nạo thai trở thành một thứ dịch vụ hái ra tiền, phát triển công khai, xóa mờ nhân phẩm, làm băng hoại lương tâm con người. Còn nhiều cái “biết” nằm trong cái “dốt thứ hai” này. Biết “đua xe”, biết “xì ke”, biết xã hội đen, biết côn đồ, trộm cắp, gian xảo, thâm độc…

Nói về cái “dốt thứ ba”Biết không rành những điều đã biết – thí dụ làm bác sĩ mà không nghiên cứu căn bệnh tới nơi tới chốn, trị liệu bừa bãi thì dẫn đến chết người. Một thầy dạy học mà không nghiên cứu bài vở cho đàng hoàng, thì truyền đạt cho học sinh thứ kiến thức lệch lạc. Nên có câu : “Làm thầy thuốc mà lầm thì hại một mạng người. Làm chính trị mà lầm thì hại một thế hệ. Làm văn hóa giáo dục mà lầm thì hại muôn đời” (Lão Tử). Ở lãnh vực khác, nếu người ta “biết không rành” một sự việc nào đó, khi kể lại, người ta thêm đầu, thêm đuôi, sửa tới sửa lui, cắt xén chỗ này, lắp ráp chỗ kia, sai sự thật, có khi gây tai hại cho biết bao người. Nếu là báo chí, thì thật là vô trách nhiệm.

Từ gợi ý của câu tục ngữ trên, chúng ta thấy vấn đề có liên quan đến chuyện “nói mà không làm”.

Đời có 3 thứ coi như là “không làm”.

Ba thứ coi là không làm vì có làm cũng như không, có khi còn nguy hại nữa.

Không làm những điều phải làm – Nói mà không làm thì rõ ràng là không tốt rồi !
Làm những điều không nên làm – Thì thà rằng đừng làm!
Làm lệch lạc những điều đã làm – Còn nguy hiểm hơn là làm nữa !

Chúng ta thử lấy một vài thí dụ từ cách sống của các kinh sư và các người Pha-ri-sêu:

Không làm những điều cần phải làm”.

“Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ qua những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công bình, lòng nhânthành tín” (Mt.23,23).

Làm những điều không nên làm”

“Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là “ráp-bi” (Mt.23,7).

“Các ngươi nuốt hết tài sản của các bà góa, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ” (Mt.23,15).

Làm lệch lạc những điều đã làm.

“Ai chỉ Đền Thờ mà thề, thì có thề cũng như không; còn ai chỉ vàng mà thề, thì bị ràng buộc.
Ai chỉ bàn thờ mà thề, thì có thề cũng như không, nhưng ai chỉ lễ vật trên bàn thờ mà thề, thì bị ràng buộc.” (Mt.23,16-22).

Từ đó…

Ta ngẫm nghĩ về cuộc đời.

Ta nhìn về Giáo Hội.

Ta tự hỏi chính mình.

Để tìm câu trả lời, ta biết mình phải làm gì, làm cách nào, làm mục đích gì, luôn phải cần có Ánh Sáng Tin Mừng soi lối.

Các ngươi đã đi trệch đường và làm cho nhiều người lảo đảo trên đường Luật dạy”. (Malakhi.2,8).

Lạy Chúa,

Cúi xin Chúa sáng soi,
Cho chúng con đặng biết việc phải làm,
Và khi làm xin Chúa giúp đỡ… Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

 

 

Bài liên quan

Back to top button